Vậy ĐL là gì? Dưới góc độ quản trị học, một số tác giả đã xem xét ĐL như là những yếu tố có tác dụng thúc đẩy, khuyến khích, động viên con người nỗ lực lao động, làm việc nhằm hướng tới mục tiêu của cá nhân và mục tiêu của tổ chức.
Maier & Lawler (1973): ĐL là sự khao khát và tự nguyện của mỗi cá nhân. Các tác giả đã đưa ra mô hình về kết quả thực hiện công việc của mỗi cá nhân như sau: Kết quả thực hiện công việc = khả năng + ĐL.
Higgins (1994): ĐL là lực đẩy từ bên trong cá nhân để đáp ứng các nhu cầu chưa được thoả mãn.
Kreiter (1995) cho rằng ĐL là một quá trình tâm lý mà nó định hướng cá nhân theo mục đích nhất định.
Theo giáo trình Quản lý học của Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Đoàn Thị Thu Hà, Đỗ Thị Hải Hà (2012): “ĐL là những yếu tố tạo ra lý do hành động cho con người và thúc đẩy con người hành động một cách tích cực, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có khả năng thích nghi và sáng tạo cao nhất trong tiềm năng của họ”.
Từ các quan điểm trên, ta có thể đưa ra một cách hiểu chung nhất về ĐL như sau: ĐL là tất cả những yếu tố có tác dụng thôi thúc, khuyến khích con người nỗ lực thực hiện những hành vi nhằm đạt được mục tiêu của cá nhân và của tổ chức.
Từ khái niệm ĐL, tác giả Bùi Anh Tuấn (2003) trong giáo trình Hành vi tổ chức đã đưa ra khái niệm về “ĐL lao động” như sau: “ĐL lao động là những nhân tố
bên trong kích thích con người tích cực làm việc trong điều kiện cho phép tạo ra năng suất, hiệu quả cao. Biểu hiện của ĐL là sự sẵn sàng, nỗ lực, say mê làm việc nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức cũng như bản thân NLĐ”.