- Nguyên nhân, biểu hiện, hậu quả, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
3.2. Sách đỏ Việt Nam là gì?
Sách đỏ Việt Nam là sách ghi danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm đang bị giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là những căn cứ khoa học quan trọng để Nhà nước ban hành những Nghị định và chỉ thị về việc quản lí, bảo vệ và những biện pháp cấp bách để bảo vệ phát triển những loài động, thực vật hoang dã ở Việt Nam.
Sách đỏ Việt Nam được công bố lần đầu tiên vào năm 1992. Đây là chương trình của viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện với sự tài trợ của Qũy SIDA (Thụy Điển). Các tiêu chuẩn được sử dụng trong sách đỏ Việt Nam được xây dựng trên nền các tiêu chuẩn của sách đỏ IUCN.
Kết quả thực hiện sách đỏ Việt Nam năm 2004 cho thấy tổng số loài động, thực vật hoang dã đang bị đe dọa là 857 loài, trong đó 407 loài động vật và 450 loài thực vật. Năm 1992, động vật trong hạng nguy cấp là hạng cao nhất thì đến năm 2004 đã có 6 loài bị coi là tuyệt chủng. Cũng trong năm 2004, số loài nguy cấp là 149 loài, tăng 71 loài so với năm 1992 và có 46 loài xếp hạng rất nguy cấp.
Sách đỏ Việt Nam năm 2007, công bố ngày 26/6/2008 có 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật) đang bị đe dọa ngoài thiên nhiên, tăng 167 loài so với năm 1992, trong đó 116 loài động vật coi là “rất nguy cấp” và 45 loài thực vật rất nguy cấp, trong đó có 9 loài động vật trước kia chỉ nằm trong tình trạng đe dọa nhưng nay xem như đã tuyệt chủng như tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái
cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, cá sấu hoa cà, hươu sao và hoa lan hài.
Như vậy để thấy rằng sự tác động của con người vào thế giới hoang dã hiện nay là rất lớn, đặc biệt đối với các loài động vật bởi nhiều lí do trong đó có cả những quan niệm sai lầm về tác dụng của các bộ phận trên cơ thể động vật đối với sức khỏe con người như sừng tê giác, cao khỉ, cao trăn, cao hổ,... Do đó, bằng nhiều hình thức, phải tuyên truyền, tác động để làm thay đổi nhận thức của con người về bảo vệ môi trường tự nhiên nói chung và động vật hoang dã nói riêng.