Phòng Kế hoạch Tài chính
1.2.1. Khái niệm, mục tiêu và nguyên tắc kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản tại bảo hiểm xã hội tỉnh
1.2.1. Khái niệm, mục tiêu và nguyên tắc kiểm soát chi trả chế độ ốm đau,thai sản tại bảo hiểm xã hội tỉnh thai sản tại bảo hiểm xã hội tỉnh
1.2.1.1. Khái niệm kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản
Việc chi trả đúng người, kịp thời, đầy đủ chế độ ốm đau, thai sản cho các đối tượng thụ hưởng là một trong những yêu cầu quan trọng của việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo được điều này thì chỉ có kiểm soát chi trả mới có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Kiểm soát là việc đánh giá, đo lường và chấn chỉnh sự thực hiện nhiệm vụ, nhằm để đảm bảo rằng các mục tiêu và các kế hoạch của cơ sở đưa ra để đạt được các mục tiêu ấy đang được thực hiện. Kiểm soát là chức năng quan trọng của nhà quản lý nhằm thu thập thông tin về các quá trình, hiện tượng đang diễn ra trong một tổ chức. Từ nhận định trên, theo tác giả luận văn có thể hiểu: “Kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản là quá trình giám sát, đo lường, đánh giá và điều chỉnh hoạt động phân phối, sử dụng quỹ ốm đau, thai sản để chi trả cho các chế độ ốm đau, thai sản theo cơ sở pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo cũng như tăng cường hiệu quả việc chi trả chế độ ÔĐTS được thực hiện theo kế hoạch, mục tiêu đề ra”.
Kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản gắn liền với quá trình giám sát nhưng đồng thời cũng sẽ chỉ ra những biện pháp cần thiết để khắc phục những sai lệch. Thông qua kiểm soát, việc chi trả chế độ ÔĐTS sẽ được thực hiện tốt hơn và giảm bớt được sai sót có thể nảy sinh. Một công việc, nếu không có kiểm soát sẽ chắc chắc sẽ xảy ra nhiều sai sót hơn nếu được theo dõi, giám sát thường xuyên.
1.2.1.2. Mục tiêu kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản
Bảo hiểm xã hội là một chính sách an sinh xã hội nhằm mục đích đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập; hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm. Do đó, việc xác định mục tiêu của công tác kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản là vô cùng quan trọng, bao gồm những mục tiêu sau:
- Chi trả kịp thời, chính xác, đúng người, đúng chế độ chính sách và được thực hiện theo quy định pháp luật. Đây là cơ sở để thực hiện các quyền lợi và lợi ích cho đối tượng thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, góp phần thực hiện chính sách an sinh, xã hội. Đảm bảo thu nhập và ổn định của đối tượng tham gia BHXH khi gặp những rủi ro làm giảm hoặc mất thu nhập, làm cho công tác chi trả chế độ thực sự có ý nghĩa và cần thiết đối với người lao động khi họ gặp khó khăn, giúp họ ổn định tài chính, sức khỏe để có thể tiếp tục lao động.
- Đảm bảo Quỹ ốm đau, thai sản được sử dụng đúng mục đích. Để có thể được nhận trợ cấp ốm đau, thai sản, người lao động phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật quy định. Đối với cơ quan BHXH, trước khi ra quyết định chi trả các chế độ, cơ quan BHXH phải kiểm tra chặt chẽ các loại hồ sơ để đảm bảo chi trả đúng người, đúng chế độ. Qua đó, đảm bảo Quỹ ÔĐTS được sử dụng đúng mục đích, giúp cân đối Quỹ, không để xảy ra tình trạng trục lợi, gây thâm hụt Quỹ.
- Đảm bảo thực thi pháp luật về chi trả chế độ ốm đau, thai sản. Thông qua kiểm soát chi trả chế độ ÔĐTS, cơ quan BHXH có thể phát hiện những bất cập, kẽ hở trong hệ thống pháp luật về chi trả các chế độ hiện hành và có những kiến nghị sửa đổi, góp phần cải cách quy trình, thủ tục chi trả được thuận tiện, chặt chẽ hơn, nâng cao năng lực, chất lượng công việc đội ngũ cán bộ chi trả BHXH và nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của người lao động và đơn vị SDLĐ.
1.2.1.3. Nguyên tắc kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản
Để đảm bảo hoạt động kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản đúng theo quỹ đạo, đạt được mục tiêu, cần tôn trọng các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ pháp luật
Nguyên tắc này đòi hỏi các nội dung kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản phải thực hiện theo chế độ, chính sách hiện hành, cơ quan BHXH phải thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có biện pháp kiểm soát các hoạt động chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng hưởng và quỹ ÔĐTS được sử dụng một cách hiệu quả, tránh những hành vi vi phạm gây thiệt hại, lãng phí Quỹ.
- Chính xác, khách quan
Đây là nguyên tắc quan trọng của hoạt động kiểm soát chi trả chế độ ốm đau, thai sản, bởi nếu hoạt động kiểm soát chi trả không đảm bảo tính chính xác, chi trả không kịp thời, đẩy đủ chế độ đều dẫn đến hậu quả tai hại, thậm chí nghiêm trọng và sẽ dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá sai, từ đó có những quyết định xử lý sai. Vì thế, chỉ đảm bảo tính chính xác trong hoạt động kiểm soát mới đánh giá đúng thực trạng tình hình,giúp cơ quan BHXH nói chung, đội ngũ cán bộ BHXH nói riêng cũng như người lao động vi phạm nhận thấy rõ khuyết điểm của mình, đưa ra những quyết định xử lý đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, xã hội cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tính khách quan trong hoạt động kiểm soát nhằm đảm bảo phản ánh đúng sự thật, không thiên lệch và bóp méo sự thật. Tính chính xác, khách quan có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Có khách quan mới đảm bảo chính xác, có chính xác mới đảm bảo khách quan.
- Công khai, minh bạch
Công khai là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm soát. Cơ quan BHXH phải thông báo đầy đủ nội dung cơ bản của kiểm soát chi trả chế độ ÔĐTS (quyết định kiểm soát, tiếp xúc công khai đối tượng, kết luận kiểm soát,...) để những người có trách nhiệm và có liên quan biết, góp phần đảm bảo tính chính xác, khách quan của hoạt động kiểm soát. Kiểm soát chi trả chế độ ÔĐTS không phải sự phiền hà, đánh đố, đe dọa người bị kiểm soát mà phải hướng tới mục tiêu hoàn thiện quá trình chi trả các chế độ một cách tốt nhất.
- Tính đồng bộ
Trong quá trình kiểm tra cần quan tâm đến chất lượng của toàn hệ thống chi trả chế độ ÔĐTS chứ không phải là chất lượng của từng bộ phận, từng con người. Chính sách, chế độ chi trả BHXH được ban hành thực hiện thống nhất trong cả nước. Tránh tình trạng khi có điều gì đó sai sót thì phản ứng đầu tiên là tìm quanh xem có ai đó để đổ lỗi, phạt vạ hay tìm cách “xử lý”, cần quan tâm đến chất lượng của cả quá trình chi trả chế độ ÔĐTS chứ không phải chỉ đến kết quả cuối cùng.
- Nguyên tắc an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo nguyên tắc này, nguồn tài chính dùng để kiểm soát chi trả chế độ ÔĐTS cho đối tượng được hưởng bảo hiểm phải được quản lý chặt chẽ, chi tiêu đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ quy định, tiết kiệm và đạt được hiệu quả cao.