Nghiên cứu DưHoa ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 25 - 31)

6. Cấu trúc của luận án

1.1.2. Nghiên cứu DưHoa ở Việt Nam

1.1.2.1. Dịch và giới thiệu Dư Hoa

Ở Việt Nam, tên tuổi của Dư Hoa bắt đầu được biết đến từ năm 2002, khi

Sống được Vũ Công Hoan dịch, phát hành bởi Nhà xuất bản Văn học. Tên tuổi của

ông thực sự trở nên “nóng” hơn khi Huynh đệ được phát hành. Hai tập tiểu thuyết này lần đầu được ấn hành tại Việt Nam lần lượt vào tháng 3 và tháng 9 năm 2006, cùng năm Dư Hoa cho ra mắt tập 2 ở Trung Quốc. Sau hiệu ứng từ Huynh đệ, tác phẩm trước đó của Dư Hoa là Chuyện Hứa Tam Quan bán máu được dịch và xuất bản vào quý II năm 2006, tiểu thuyết đầu tay của ông là Gào thét trong mưa bụi cũng được xuất bản năm 2008. Riêng tiểu thuyết, chỉ còn tập Ngày thứ bảy (第第第 – hoàn thành năm 2013) tính đến thời điểm này vẫn chưa được dịch. Tập Tình yêu cổ

điển tập hợp mười một truyện ngắn của Dư Hoa cũng được Vũ Công Hoan dịch từ

Tủ sách Tuyển tập nhà văn đương đại Trung Quốc (Nhà xuất bản Văn học Nhân dân, năm 2001), ấn hành bởi Nhà xuất bản Văn học năm 2005. Cùng năm, một tập truyện cùng tên khác cũng được Đinh Thạch Anh dịch (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên đây là tập truyện ngắn tập hợp nhiều tên tuổi các nhà văn Trung Quốc, Dư Hoa chỉ đóng góp ở đây hai tác phẩm là Tình yêu cổ

điển và Hoa mai máu thắm. Về tạp văn, cuốn Trung Quốc trong mười từ vựng (hoàn

thành năm 2011) của nhà văn đã được dịch giả Vũ Công Hoan dịch, Triệu Xuân biên tập, đăng lần lượt các phần trên trang web trieuxuan.info từ tháng 11 năm 2012 đến tháng 10 năm 2016. Như vậy, về cơ bản, những tác phẩm nổi bật của Dư Hoa đã được dịch, giới thiệu ở Việt Nam và được độc giả nhiệt tình đón nhận.

Những bài giới thiệu, tổng thuật về tác giả, tác phẩm Dư Hoa mang tính chất cảm nhận khái lược có vai trò không nhỏ trong việc giới thiệu rộng rãi tên tuổi của nhà văn Trung Quốc đương đại này đến bạn đọc Việt Nam. Về cuốn tiểu thuyết

Sống, có thể kể đến các bài viết đã được thực hiện như: “Lệ rơi trên Sống”của Phan

Thanh Lệ Hằng [26], “Sống – vì bản thân sự sống mà sống” của Ngô Ngọc Ngũ Long [50], “Cuộc đời có thể khóc” của Nguyễn Ngọc Thuấn [88], “Lòng cứ đau đớn mãi” của Tâm Thơ [75]… Đây đều là những cảm nhận hết sức ngắn gọn và chủ

yếu nhấn mạnh khía cạnh nội dung của tác phẩm: nghị lực vượt qua những bi kịch của nhân vật Phú Quý và tình yêu đối với cuộc sống.

Huynh đệ là tiểu thuyết "đình đám" trở thành tâm điểm của những cuộc tranh

luận ở Trung Quốc nên khi được dịch ở Việt Nam đã thu hút nhiều trang báo, đặc biệt là báo điện tử. Có thể kể một số bài viết như: “Huynh đệ của Dư Hoa được giải thưởng văn học Pháp” (thethao60s.com), “Huynh đệ - cuốn tiểu thuyết làm xôn xao Trung Quốc” (vietbao.vn), “Tiểu thuyết của nhà văn Dư Hoa mới lạ hay lố bịch” (thotre.com), “Tiểu thuyết Huynh đệ bán chạy nhất Trung Quốc” (vietbao.vn), “Cơn lốc tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa tràn ra thế giới” (nxbcand.vn)... Các bài tổng thuật, giới thiệu này chủ yếu tóm tắt nội dung tiểu thuyết, đồng thời cho thấy sự quan tâm của dư luận Trung Quốc đối với tác phẩm cũng như tác giả của nó.

Một số bài giới thiệu các tác phẩm khác của Dư Hoa cũng được thực hiện. Bài viết “Gào thét trong mưa bụi - Hành trình đi tìm cái tôi đã mất” [180] nhấn mạnh màu sắc u uẩn, buồn bã được gợi lên từ tác phẩm. Bài “Tiểu thuyết Chuyện

Hứa Tam Quan bán máu của Dư Hoa chuẩn bị phát hành tại Việt Nam: Chuyện người bán tổ tông” [181] mặc dù đặt trọng tâm ở giới thiệu nội dung tác phẩm nhưng đã khái quát được một số vấn đề quan trọng trong sáng tác của Dư Hoa, như chủ đề quan trọng trong sáng tác của tác giả là "nhân tính con người bị thử thách đến tận cùng", nhân vật chính của Dư Hoa thường là "một người đàn ông... có những tật xấu nhưng đồng thời lại quá nhân ái, bao dung".

Các bài viết trên đây, do mục đích dừng lại ở việc giới thiệu về tác giả và tác phẩm nên chưa đi sâu vào các giá trị nội dung, nghệ thuật. Tuy vậy, đây đó đã có những kết luận về phong cách của nhà văn, giá trị của tác phẩm. Hãy khoan bàn đến hàm lượng khoa học của những bài viết này, điều quan trọng hơn chúng ta rút ra được từ đây, đó là Dư Hoa sau khi chuyển đổi bút pháp, tiểu thuyết của ông không chỉ cuốn hút lớp độc giả tinh hoa mà còn cuốn hút một lượng lớn độc giả phổ thông. Cũng chính nhờ những bài viết nhỏ này mà độc giả Việt Nam biết đến một Dư Hoa đang chiếm một vị trí đáng kể trên văn đàn Trung Quốc cũng như nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc trên khắp thế giới.

1.1.2.2. Nghiên cứu sáng tác của Dư Hoa

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu sáng tác của Dư Hoa vẫn còn khá mỏng. Tuy vậy, các sáng tác của ông đã bắt đầu thu hút sự chú ý của độc giả cũng như giới phê bình.

Trước hết, trong các công trình văn học sử nghiên cứu về văn học Trung Quốc đương đại, tên tuổi của Dư Hoa thường được điểm đến. Chẳng hạn trong trong tiểu luận Một số vấn đề văn học Trung Quốc đương đại của Hồ Sĩ Hiệp, Dư Hoa cùng với tiểu thuyết Sống được đánh giá chung hết sức ngắn gọn. Trong các công trình như: Tiểu thuyết Trung Quốc thời kì đổi mới (1976 – 2000) của Lê Huy Tiêu [82], bài viết “Tiểu thuyết tiên phong Trung Quốc: ra đời, nở rộ và trầm lắng” của Phạm Tú Châu [18], “Dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học đương đại Trung Quốc” của Trần Quỳnh Hương [40], Dư Hoa được đặt cạnh các tên tuổi khác như Mã Nguyên, Hồng Phong, Cách Phi… với tư cách là nhà văn “tiên phong” hàng đầu "dường như tiếp thu hoàn toàn các thủ pháp của chủ nghĩa hiện đại phương Tây" [82, 82], "với những trang viết mang đậm màu sắc chủ nghĩa hậu hiện đại (…), đã tiến hành một cuộc cách mạng triệt để với phản ánh luận, quyết định luận truyền thống, đặc biệt là trong phương thức thể hiện tiểu thuyết" [40, 81]. Những công trình trên đây đã khẳng định đóng góp của Dư Hoa trong vai trò thúc đẩy tiến trình phát triển của văn học Trung Quốc đương đại. Tuy nhiên do phạm vi nghiên cứu văn học sử nên các đánh giá mang tính khái quát, ngắn gọn, và chủ yếu là những đánh giá về truyện ngắn của nhà văn thời kì những năm 80 của thế kỉ XX.

Những đặc trưng trong thế giới nghệ thuật của Dư Hoa được làm rõ hơn khi gần đây, một số bài báo khoa học, luận văn thạc sĩ nghiên cứu về những thể nghiệm nghệ thuật của nhà văn gắn với tác phẩm cụ thể đã được thực hiện.

Các bình diện của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Dư Hoa được các nhà nghiên cứu đặt lên hàng đầu. Nguyễn Thị Hưởng trong luận văn Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết “Huynh đệ” của Dư Hoa (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008),

Dương Thị Khu trong luận văn Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua “Chuyện Hứa

người kể chuyện, không gian thời gian tự sự, giọng điệu tự sự từ các tiểu thuyết cụ thể. Lê Thị Hòa trong luận văn Nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết "Huynh đệ" của

Dư Hoa (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011)

lại đi sâu phân tích cách tổ chức cốt truyện, nhân vật, thời gian không gian nghệ thuật và đưa ra những kết luận về nghệ thuật kết cấu của Huynh đệ như: cốt truyện

“là sự thể hiện đan xen ba đề tài lớn: đề tài gia đình, đề tài Cách mạng văn hóa và đề tài Cải cách mở cửa”, là sự “kết hợp giữa bi kịch và hài kịch”, “cùng một lúc nhà văn xây dựng trong tác phẩm của mình nhiều loại hình nhân vật lý tưởng và nâng lên thành mối quan hệ lý tưởng”; “thời gian nghệ thuật trong Huynh đệ, nhìn chung ít có sự xáo trộn, song những chỗ xáo trộn ít ỏi là những điểm nhấn rất trúng”.

Cũng quan tâm đến nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết Dư Hoa, Nguyễn Thị Hưởng trong bài viết “Giọng điệu tự sự trong tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa” [41] đã chỉ ra giọng điệu lạnh lùng từng trải và giọng “umua đen” là phương tiện đắc lực để tác giả tạo dựng thế giới đen tối đáng căm phẫn. Nguyễn Ngọc Kiên với bài viết “Khoa trương trong tác phẩm Huynh đệ của Dư Hoa” [179] trên cơ sở phân tích nguyên bản đã tiến hành phân chia các loại khoa trương trong tiểu thuyết

Huynh đệ. Với “Trò chơi trong tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa” [80], Nguyễn Thị

Tịnh Thy đã phân tích cặn kẽ các kiểu trò chơi được sử dụng trong Huynh đệ, từ trò

chơi tình tiết đến trò chơi ngôn ngữ. Tác giả bài viết này đã nhìn nhận trò chơi như một cách thức chủ yếu để nhà văn chuyển tải vô vàn những biến động của lịch sử Trung Quốc từ Đại cách mạng văn hóa đến thời kì Cải cách mở cửa. Trong bài viết, những tổn thương của con người được nhìn nhận như hậu quả tất yếu của những trò chơi đầy nguy hiểm và mang tính ngẫu nhiên. Lịch sử cũng bị giải thiêng trong trò chơi ngôn từ của tác giả.

Từ góc nhìn văn hóa, Lê Thị Hòa ở “Tiểu thuyết Huynh đệ - quan niệm mới của Dư Hoa” [39] chú ý đến mối quan hệ không chung huyết thống trong gia đình nhân vật chính. Tác giả bài viết cho rằng yếu tố gắn kết các nhân vật không phải là dòng máu mà chính là tình người cao đẹp, điều đó thể hiện một cái nhìn tràn đầy tinh thần nhân văn của Dư Hoa. Nguyễn Thị Tịnh Thy trong bài viết “Chấn thương

tinh thần trong tiểu thuyết Dư Hoa” [79] đã đứng từ góc nhìn mang tính bao quát để khẳng định cảm quan hậu hiện đại của Dư Hoa trong việc viết về những chấn thương. Từ những phân tích các dạng thức của chấn thương như: mặc cảm bị bỏ rơi, mặc cảm cô đơn, mặc cảm tội lỗi và sự sợ hãi, ám ảnh về máu me, bạo lực và chết chóc, bài viết đã đi đến khẳng định tinh thần phản tư của tác giả trong việc tái hiện bức tranh hiện thực. Bài viết có những điểm gặp gỡ với quan điểm của chúng tôi và có những gợi dẫn quan trọng để chúng tôi thực hiện đề tài này.

Các công trình trên đây đều đặt trọng tâm vào nghiên cứu tiểu thuyết của Dư Hoa. Chủ yếu từ hai góc nhìn: từ cấu trúc văn bản (cơ bản là xuất phát từ lý thuyết tự sự học) và từ góc nhìn văn hóa, các luận văn, khóa luận và bài viết đã khái quát một số đặc điểm trong sáng tạo nghệ thuật, khẳng định những đóng góp của nhà văn.

1.1.2.3. Nghiên cứu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa

Nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa đã bước đầu nhận được sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Đáng chú ý có luận văn Hình tượng con người cô đơn trong "Gào

thét trong mưa bụi" của Dư Hoa của Ngô Thị Hải (Đại học Sư Phạm Huế, 2013).

Trong phạm vi khảo sát một tiểu thuyết cụ thể, người viết đã tập trung phân tích các biểu hiện của kiểu nhân vật cô đơn cũng như cách thể hiện của kiểu nhân vật đó qua không gian, thời gian, kết cấu và nghệ thuật trần thuật. Nguyễn Thị Mai Chanh với bài viết “Kiểu nhân vật đám đông trong Huynh đệ của Dư Hoa” đã đi sâu phân tích một kiểu nhân vật hết sức ấn tượng trong bộ tiểu thuyết dài hơi nhất của nhà văn. Tác giả đã chỉ ra các "thuộc tính bản chất" của kiểu nhân vật đám đông là sự hiếu kỳ, vô cảm, tàn nhẫn, ác độc, mang tâm lý nô lệ bạc nhược. Từ đó, bài viết khẳng định ý nghĩa của việc xây dựng kiểu nhân vật này nhằm “phơi bày những trang sử đầy tính chất bi kịch khắc nghiệt, thê thảm của xã hội Trung Quốc”, “thể hiện ý thức phản tỉnh dân tộc, tinh thần phê phán văn hoá” [16, 97] của nhà văn. Là những nghiên cứu gần gũi với đề tài nên đây đều là những gợi ý quan trọng đối với chúng tôi.

Như vậy, ở Việt Nam, trong khoảng một thập niên gần đây, Dư Hoa và các sáng tác của ông bắt đầu được chú ý, trở thành đối tượng nghiên cứu của các công trình khoa học. Ở mức độ nhất định, các công trình đã khái quát được phong cách nghệ thuật, những đổi mới trong tư duy, cách viết của Dư Hoa trên các tác phẩm cụ thể. Vị thế của Dư Hoa trên văn đàn cũng vì vậy được khẳng định.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu về Dư Hoa vẫn còn khá dè dặt, mối quan tâm chủ yếu đặt vào các tiểu thuyết, đặc biệt là Huynh đệ. Các tiểu thuyết cũng thường được nghiên cứu một cách riêng lẻ, thiếu đi mối liên hệ thực sự với các tiểu thuyết khác hay toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Dư Hoa, cũng như thiếu đi mối liên hệ sâu sắc với bối cảnh văn học Trung Quốc đương đại vốn phát triển hết sức sôi động. Nói đúng ra, mặc dù việc tập trung nghiên cứu một tiểu thuyết cụ thể ít nhiều cũng sẽ liên hệ với tiểu thuyết khác và đặt nó trong bối cảnh đổi mới, nhưng phần lớn các công trình thường chỉ tạt qua khi cần thiết chứ không đặt thành một nguyên tắc căn cốt. Điều này dẫn đến hệ quả là các tiểu thuyết của Dư Hoa chủ yếu được nhìn nhận như những tác phẩm mang lối "tả thực" truyền thống, là những "luận chứng" về thực tiễn chính trị, xã hội đương thời. Cái nhìn này khiến chúng hoàn toàn bị cắt đứt một cách khó lí giải với lối viết “tiên phong” của những năm 80 thế kỉ XX, cũng hoàn toàn tách rời khỏi cuộc trình diễn lại một cách ngoạn mục các trào lưu văn học và trường phái triết học quan trọng đến từ phương Tây xuất hiện khoảng giữa thế kỉ XIX (như tiểu thuyết Dòng ý thức, triết học hiện sinh, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại…) của văn học Trung Quốc trong vòng hai mươi năm cuối thế kỉ trước, cũng tách rời khỏi hành trình đối thoại, phản biện với lí luận phương Tây, đi tìm màu sắc Trung Quốc của văn học những năm đầu thế kỉ này – giai đoạn Dư Hoa cho ra đời những sáng tác đỉnh cao. Điểm mờ này đặt ra một đòi hỏi là phải nghiên cứu tiểu thuyết Dư Hoa trên cấp độ tổng thể. Có như thế mới tiến tới nắm bắt chính xác những đóng góp thực sự của nhà văn.

Việc nghiên cứu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa còn khá mỏng, chưa có hệ thống. Đây là một khoảng trống lớn trong việc tìm hiểu một tác giả có vị trí khá nổi bật của văn học Trung Quốc đương đại.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w