6. Cấu trúc của luận án
1.2.2. Về tiêu chí phân loại
Các nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa là những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên, giữa các nhân vật có sự kết nối bởi những điểm tương đồng trên các phương diện khác nhau, tạo thành các kiểu nhân vật đặc trưng cho thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn, mang đậm dấu ấn phong cách cá nhân tác giả. Để chiếm lĩnh thế giới nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa, việc phân loại các kiểu nhân vật là việc làm cần thiết và đã được tiến hành bởi một số công trình. Dựa trên các tiêu chí khác nhau, chúng ta sẽ có những khả năng phân loại khác nhau.
Thứ nhất, căn cứ vào đặc điểm xã hội như tuổi tác, giới tính và tính cách nhân vật, hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa chia thành các kiểu:
1) Nhân vật trẻ em cô độc, bị tổn thương; 2) Nhân vật nam giới thiện lương và đau khổ; 3) Nhân vật phụ nữ chịu thương chịu khó; 4) Nhân vật quần chúng bạo lực, vô cảm.
Đây là cách phân loại và nhận diện phổ biến xuất hiện trong một số công trình nghiên cứu về nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa ở Trung Quốc [xem 117; 124; 139; 140; 160].
Thứ hai, căn cứ vào thành phần xã hội, nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa phân chia thành:
1) Nhân vật trí thức; 2) Nhân vật nông dân; 3) Nhân vật thị dân.
Hai cách phân loại trên có ưu thế trong việc cho thấy diện mạo xã hội của thế giới nhân vật trong tiểu thuyết, tuy nhiên lại chưa thấy được đặc điểm hình thức nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.
Thứ ba, nhìn từ góc độ cấu trúc, nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa lại gồm các kiểu:
1) Nhân vật tính cách – số phận; 2) Nhân vật tâm lý;
Với cách phân chia này, chúng ta có thể thấy được đặc điểm loại hình của nhân vật nhưng lại khó nắm bắt được dấu ấn của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.
Chúng tôi nhận thấy, mỗi cách phân loại nhân vật trên đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Căn cứ vào cách phản ứng của nhân vật đối với cuộc sống, chúng tôi từng nghĩ đến cách phân loại sau:
1) Nhân vật cô đơn trong thực tại hỗn độn; 2) Nhân vật bất lực trong quá trình nhập cuộc; 3) Nhân vật khẳng định sự hiện tồn trước cái phi lí.
Cách phân loại nhân vật này hướng đến làm rõ các vấn đề triết học, văn hóa được đặt ra trong tiểu thuyết Dư Hoa, qua đó có thể thấy được quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc đời của nhà văn. Về các biểu hiện của nhân vật cô đơn, nhân vật bất lực và nhân vật khẳng định sự hiện tồn, chúng tôi đã bàn đến trong công trình Kiểu nhân vật chấn thương trong tiểu thuyết Dư Hoa (đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Trường, năm 2016). Song theo chúng tôi, cách phân loại này cũng chỉ phục vụ một phần mà chưa đáp ứng hết được mục đích luận án hướng tới. Vậy nên, chúng tôi không tiếp tục lấy đó làm cách tiếp cận chính.
Như định hướng ban đầu đã được trình bày trong Mục đích của luận án, việc khảo sát kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa nhằm làm sáng tỏ cơ chế vận hành
của thế giới nhân vật, từ đó tìm ra những đóng góp quan trọng của tác giả về thực tiễn sáng tạo nhân vật, cũng như quan niệm nghệ thuật về con người, cuộc đời. Mục đích này sẽ chi phối cách tiếp cận của luận án đối với thế giới nhân vật.
Nhân vật trong các sáng tác cũng được chúng tôi nhìn nhận như những “nhân chứng” chứng kiến sự vận động trong tư duy nghệ thuật của Dư Hoa từ thập niên 80 của thế kỉ trước đến nay. Kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa vì thế sẽ mang những nét đặc thù của giai đoạn sáng tác từ những năm 90 trở đi – khi nhà văn bắt đầu sáng tác tiểu thuyết. Nhân vật sẽ là những sáng tạo nghệ thuật mang dấu ấn của thời đại dưới sự chi phối của bối cảnh xã hội – văn học, đồng thời là nơi thể hiện tập trung cái nhìn độc đáo về hiện thực, con người cũng như thể hiện phong cách nghệ thuật của tác giả giai đoạn này.
Từ đó, nhìn từ góc độ phương pháp sáng tác, căn cứ vào định hướng sáng
tạo của tác giả, chúng tôi nhận thấy nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa chủ yếu
được xây dựng bằng phương pháp “tân tả thực”. Theo chúng tôi, đây là đặc trưng nổi bật làm nên diện mạo riêng cho thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn. Cách nhận diện này cho thấy điểm xuất phát chủ động của Dư Hoa về nguyên tắc xây dựng hình tượng nhân vật: lấy nguyên tắc thẩm mĩ tả thực (kiểu mới) làm trọng tâm. Điều này cũng gợi ý về cách tư duy của nhà văn về vai trò của nhân vật trong cấu trúc chỉnh thể của tác phẩm cũng như trong hệ thống biểu đạt quan niệm về con người. Bởi vậy, cách định danh nhân vật “tân tả thực” cho thấy lựa chọn riêng của Dư Hoa, trong sự so sánh với lựa chọn của các nhà văn đồng đại và lịch đại khác, cũng như của chính Dư Hoa giai đoạn trước.
Để làm rõ hơn đặc điểm của định hướng “tân tả thực” trong sáng tạo của tiểu thuyết Dư Hoa, chúng tôi dựa trên phẩm chất thẩm mĩ để phân chia hệ thống nhân vật thành hai kiểu. Đó là:
1) Nhân vật bi kịch; 2) Nhân vật hoạt kê
Với tiêu chí này, việc nhận diện nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa có thể bổ sung những điểm chưa được thể hiện đầy đủ trong các cách phân loại nêu trên. Gọi nhân vật tiểu thuyết Dư Hoa là “bi kịch” hay “hoạt kê” cho phép chúng ta bước đầu
nhận diện được quan hệ thẩm mĩ của nhà văn với thực tại và cách tiếp cận hiện thực của tác giả. Cái bi, cái hài ở các nhân vật tiểu thuyết Dư Hoa dĩ nhiên không tách rời với cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng, đặc biệt là ở một số nhân vật mang tính chất bi tráng. Tuy nhiên, nhà văn đã không khám phá hiện thực từ cái đẹp toàn vẹn, cũng không xuất phát từ cái nhìn ngưỡng vọng đối với sự lý tưởng của cái cao cả, cái anh hùng. Dư Hoa tiếp cận hiện thực trên cơ sở cái bi, cái hài để khám phá bản chất đau khổ, phi lý, nực cười của đời sống. Bi, hài trở thành bình diện thứ nhất, phổ biến của các nhân vật tiểu thuyết Dư Hoa. Hơn nữa, sở dĩ chúng tôi lựa chọn cách phân chia này vì nếu kiểu nhân vật bi kịch cho thấy dòng mạch “tự sự bi thảm” xuyên suốt trong phong cách nghệ thuật của nhà văn, thì nhân vật hoạt kê lại cho thấy sự đổi mới của nhà văn trong giai đoạn sáng tác thứ hai. Mặt khác, thích hợp với sự lựa chọn cách tiếp cận này còn là sự xem xét về phương thức xây dựng nhân vật và hệ thống những biện pháp nghệ thuật mang tính nội dung, tập hợp lại chính là thi pháp nhân vật. Bởi thế khám phá nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa theo hướng này, chúng tôi có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn quá trình hình thành nên một kiểu nhân vật, sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố làm nên kiểu nhân vật đó; cuối cùng, từ đó phát hiện cái nhìn nghệ thuật độc đáo của Dư Hoa về hiện thực và con người. Đây chính là khám phá đặc điểm cấu trúc của nhân vật – điều phù hợp với định hướng của luận án.
Màu sắc bi – hài mà các nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa mang lại có sắc độ riêng dưới sự định hướng của nguyên tắc “tân tả thực” mà nhà văn đã chọn lựa. Giữa hai kiểu nhân vật này, lẽ dĩ nhiên có những điểm khác biệt, đối lập. Bên cạnh đó, do cùng tồn tại trong một hệ thống biểu đạt nên chúng thường xuyên tác động, bổ trợ lẫn nhau để thể hiện cái nhìn của nhà văn trước hiện thực đa chiều.