6. Cấu trúc của luận án
4.2.1. Nhân vật châm biếm và sự lột trần căn tính xấu của con người
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “châm biếm” là “dùng lời lẽ sắc sảo, cay độc, thâm thúy để vạch trần thực chất xấu xa của những đối tượng và những hiện tượng này hay hiện tượng khác trong xã hội. Châm biếm gắn liền với tình cảm xã hội như yêu nước, yêu lẽ phải, tình yêu con người“ [24, 53]. Từ đó, có thể hiểu nhân vật châm biếm là nhân vật mà ở đó, tiếng cười cất lên nhằm phanh phui, chế nhạo những biểu hiện xấu xa, lạc hậu, kệch cỡm. Đây là dạng nhân vật xuất hiện tập trung trong tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa.
Trong thế giới hoạt kê của Huynh đệ, Lý Trọc là nhân vật trung tâm. Nhân vật này nổi bật với hai nét tính cách: dâm đãng và cơ hội. Tính dâm của Lý Trọc được bộc lộ ngay từ bé. Chưa đầy tám tuổi, Lý Trọc đã nổi tiếng khắp thị trấn Lưu khi “cưỡng dâm” tất cả cột điện trong thành phố trong cơn “ham muốn tính dục” của mình. Mười bốn tuổi, Lý Trọc bị bắt quả tang nhòm trộm mông đàn bà trong
nhà vệ sinh công cộng và bị đem đi giễu phố. Trưởng thành, Lý Trọc vướng vào vụ “xì-căng-đan” hơn ba chục người đàn bà dắt díu con đến “biểu tình thị uy” suốt một tháng trước cổng công ty Lý Trọc đòi anh ta chịu trách nhiệm. Có thể nói số đàn bà qua tay Lý Trọc không đếm xuể. Cùng với bản tính cơ hội, ở vào bất cứ môi trường nào, Lý Trọc cũng có thể thích nghi, lợi dụng đặc tính của xã hội để biến lỗ thành lãi, biến tai họa thành chiến tích. Chính xã hội cấm đoán của thời kì Đại cách mạng văn hóa đã tạo điều kiện cho cậu ta được lời to trong vụ buôn bán bí mật “mông Lâm Hồng”, trong vòng một năm được ăn năm sáu chục bát mì Tam Tiên của tất cả đàn ông trong thị trấn mà tươi da thắm thịt. Và cũng chính xã hội cởi mở, tự do đến buông thả thời Cải cách mở cửa lại đồng lõa với sự phóng túng, dâm đãng của Lý Trọc, khiến anh ta như cá gặp nước, từ một kẻ vô liêm sỉ trở thành chủ tể.
Không ít độc giả khi đọc Huynh đệ đã có phản ứng không hài lòng với nhân vật Lý Trọc. Nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin khẳng định “giới nhà văn Đức phản cảm với sách” của Dư Hoa vì “đàn ông trong Anh em (tức Huynh đệ) của Dư Hoa chỉ thích ngắm mông phụ nữ” [178]. Tuy nhiên, theo chúng tôi, với bản chất dâm, cơ hội của Lý Trọc, Dư Hoa đã có công cụ tốt để đột nhập vào cơ cấu của xã hội Trung Quốc hiện đại, chỉ ra hai giai đoạn lịch sử Đại cách mạng văn hóa và thời đại kinh tế thị trường vẻ ngoài thoạt nhìn là đối lập nhưng về bản chất lại giống nhau đến khủng khiếp. Hai thái cực cuộc sống, một bên cấm đoán, ức chế đến ngột ngạt, bạo lực đến rợn người, một bên cởi mở, tự do, mỗi người đều có vũ đài của mình để lên tiếng, thế nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ nhân quả và thống
nhất. Quan hệ nhân quả thể hiện ở chỗ thời kì trước xã hội cấm đoán bao nhiêu sẽ
khiến thời kì sau phóng túng bấy nhiêu. Như chính Dư Hoa từng nói, nó giống như một cái xích đu, bên này lên cao bao nhiêu thì bên kia lại lên cao bấy nhiêu. Nếu trong thời đại của cấm đoán, bản năng đã dúi đầu Lý Trọc xuống nơi hôi thối, bẩn thỉu nhất trên thế gian, để cho “mùi hôi thối trong hố phân bốc lên ngùn ngụt” [37, 31] cay xè cả mắt chỉ để nhìn cái đó của đàn bà thì thời đại của tự do, hàng trăm đàn bà tự nguyện bò lên giường của anh ta, để anh ta dùng đèn soi mỏ nhìn thẳng vào màng trinh của họ. Những ẩn ức tính dục của Lý Trọc một thời bị kìm kẹp (khiến
anh ta bị bêu riếu như một kẻ bệnh hoạn, bị đối xử như một “tội phạm cưỡng dâm”) đã có cơ hội được giải tỏa trong thời đại mới, không những thế còn khiến anh ta trở thành đối tượng của bao kẻ thèm muốn, đeo bám và ngưỡng mộ. Thống nhất ở chỗ, hai thời đại đều là cuộc sống của những nô lệ: con người từ chỗ nô lệ cho quyền lực chính trị đến chỗ nô lệ cho đồng tiền và tình dục. Trong bối cảnh đó, Lý Trọc trở thành nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng cho bản chất của thời đại. Ở thời đại của những con người thờ phụng chính trị, hành động nực cười nhất của Lý Trọc là vừa “cưỡng dâm” cột điện đến đỏ bừng mặt vừa giơ nắm đấm tí tẹo của mình hô “vạn tuế” và “đả đảo” để ủng hộ đội ngũ diễu hành cuồn cuộn trên phố, hừng hực khí thế, say sưa hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cuộc Đại cách mạng văn hóa. Hành động “tréo ngoe” của Lý Trọc tưởng không ăn nhập gì với không khí trang nghiêm của buổi diễu hành, thực chất lại như là hình ảnh thu nhỏ của một xã hội đang trong cơn cuồng phát bản năng và thú tính, của cuộc thủ dâm tinh thần được thực hiện bởi cả xã hội Trung Hoa thời Cách mạng văn hóa. Nó diễn ra một cách ấu trĩ, lộ liễu, công khai và cũng như nhận thức của Lý Trọc: không những không cảm thấy xấu hổ cần che giấu mà ngược lại, còn cảm thấy tự hào, hãnh diện về nó. Trong cơn khoái cảm của cuộc thủ dâm, cả xã hội sung sướng mãn nguyện trước những tội ác dã man đã gây ra. Cả một dân tộc đang lở loét với những ung nhọt nhưng nỗi đau đó không được người trong cuộc ý thức vì cả xã hội được gây tê bởi đại mỹ từ: “Đại Cách mạng Văn hóa”. Đến thời đại vật chất lên ngôi, Lý Trọc lại trở thành đối tượng được sùng bái. Người dân thị trấn Lưu thay vì sùng bái Mao Trạch Đông như trước đây (“đeo huy hiệu đỏ Mao chủ tịch ở ngực, tay cầm quyển bìa đỏ in những lời dạy của Mao chủ tịch” [37, 139] và xem lời dạy của Mao chủ tịch là chân lý) thì bây giờ họ lại sùng bái Lý Trọc (từ chủ tịch huyện đến công nhân nhà máy, từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến trẻ con, quần áo trên người đều là sản phẩm của Lý Trọc, nhà ở đều do Lý Trọc khai phá xây dựng, hoa quả rau xanh cũng do Lý Trọc cung cấp…). Đặc biệt, sau khi thắng kiện ba chục người đàn bà, Lý Trọc “mặt mày hớn hở đi ra khỏi toà án trong tiếng hoan hô của dân chúng. Trước khi chui vào xe con San ta na của mình, anh ta còn quay người vẫy chào bà con đang hoan hô. Sau khi
vào trong xe, anh ta còn quay kính cửa sổ xe xuống, lúc xe chạy, anh ta vẫn vẫy tay với dân chúng” [37, 403] - một “Mao Trạch Đông” tái sinh tại thị trấn Lưu! Lòng sùng kính tựa hồ không thay đổi, cái thay đổi chỉ là hình mẫu của lòng sùng kính ấy mà thôi. Trong Thời kì mới, Lý Trọc – một kẻ giàu có và dâm đãng “ngoài tiền và đàn bà, không biết cái gì khác” được tôn thờ và xưng tụng. Những hình mẫu được tôn thờ đã cho thấy đặc điểm tâm lý, văn hóa trong từng giai đoạn của đám đông ở thị trấn Lưu. Ở những lần xuất hiện trên, Lý Trọc được nhà văn miêu tả bằng bút pháp phóng đại, khiến nhân vật trở nên kì dị nhưng đó lại là lúc nhân vật thể hiện rõ nhất những méo mó trong nhận thức của con người, thông qua đó châm biếm những hiện tượng quái đản trong văn hóa của người Trung Hoa.
Trong thế giới kì dị của Huynh đệ, xung quanh hạt nhân trung tâm là Lý Trọc, đông đảo các nhân vật khác cũng kì dị, quái đản không kém. Đám đông này bộc lộ hai đặc tính: thứ nhất là tính cách nô lệ, khuất phục; thứ hai là tính cơ hội, dễ dàng thích nghi theo hoàn cảnh. Hai nét tính cách này thực chất là hai mặt thống nhất của sự thiếu năng lực phản kháng, đấu tranh để cải thiện hoàn cảnh. Điều đáng cười ở chỗ mặc dù hoàn toàn thụ động trước hoàn cảnh nhưng họ lại tự tin tưởng rằng bản thân chủ động thích nghi.
Chính vì dễ dàng khuất phục trước hoàn cảnh nên mọi hành động và lời nói của đám đông nhân vật ở thị trấn Lưu dường như đã được lập trình sẵn, rập khuôn một cách lố bịch như một cỗ máy. Ngay khi cuộc Đại cách mạng văn hóa nổ ra, trên phố lớn của thị trấn Lưu lập tức đã có đoàn người “hò hét và ca hát như những đàn chó to chó nhỏ, họ hô những khẩu hiệu cách mạng, hát những bài ca cách mạng”. Trong đám đông rầm rộ ấy, mỗi người lại có một khẩu hiệu cho riêng mình. Đồng thợ rèn hùng hồn nhất, giơ cao búa sắt nói to: “Phải làm một thợ rèn cách mạng dũng cảm vì việc nghĩa, đập cho bẹp, đập cho nát đầu chó, chân chó của kẻ thù giai cấp, đập bẹp như lưỡi liềm lưỡi cuốc, đập nát như những đồ đồng nát”. Tương tự, “thầy thuốc chữa răng cách mạng” - ông Dư nhổ răng cũng giơ kìm nhổ răng lên, hô to phương pháp làm cách mạng có một không hai của mình: “nhổ bỏ cái răng chắc của kẻ thù giai cấp, nhổ bỏ cái răng sâu cho anh chị em giai cấp”. Thợ may Trương
không chịu thua kém, cũng làm người “thợ may cách mạng” với tôn chỉ hết sức rõ ràng: “may quần áo đẹp nhất cho chị em cùng giai cấp” và “may những vải bọc xác chết rách nát nhất” cho kẻ thù giai cấp. Trong đội ngũ cách mạng này, ông Vương bán kem có lẽ là người hời nhất khi bán “những que kem cách mạng không bao giờ tan”, “mỗi que kem là một giấy chứng nhận cách mạng”, ai mua kem của ông là anh chị em giai cấp, ai không mua là kẻ thù giai cấp! Ngược lại, bố con họ Quan mài kéo lại tỏ ra bí nhất cho việc sáng tạo “slogan” cho riêng mình: “Phải làm một cái kéo cách mạng thật sắc bén, trông thấy kẻ thù giai cấp là phải cắt dái cắt cu của chúng”! [37, 76-77]. Từ đó, chúng ta đã hiểu “nhiệt tình cách mạng” của những con người này như thế nào. Họ a dua chạy theo những khẩu hiệu, thể hiện sự nhiệt thành của mình nhưng chưa bao giờ quên lợi ích trước mắt của bản thân. Dù thật lòng hồ hởi, nhiệt tình hay cố tỏ ra hồ hởi, nhiệt tình thì những con người này đã được nền chính trị đương thời tập hợp lại dưới khẩu hiệu cách mạng chung. Để rồi từ các khẩu hiệu hùng hồn mà tưởng chừng vô hại ấy, họ dần bị nhấn chìm vào những cuộc đấu tố, tra tấn và đánh giết đẫm máu. Và vẫn bằng một tinh thần u mê, hào hứng, thiếu sự phân tích cần thiết như khi họ cất vang khẩu hiệu của riêng mình, những con người này ngày càng dấn sâu vào tai họa, đấu tố, hại chết người khác mà không biết rằng chính bản thân mình một mai cũng bị dìm chết trong dòng lũ cách mạng đó. Quần thể này khiến ta liên tưởng đến đám đông điên rồ ám ảnh trong giấc mơ về ngày tận thế của nhân vật Raskolnikov (Tội ác và hình phạt của F. M. Dostoevsky) mà trong đó, mỗi người tự cho mình nắm vững chân lý, họ vốn muốn tụ họp nhau thành một đạo quân đi chinh chiến nhưng cuối cùng lại quay ra cắn xé và ăn thịt lẫn nhau. Nực cười thay những con rối thảm hại trong tay kẻ cầm quyền. Dễ dàng bị giật dây, phải chăng là do người dân Trung Quốc, như Lỗ Tấn đã từng khái quát, trong lịch sử “chưa hề giành được cái giá trị của con người”, họ chỉ mang tính cách nô lệ hay “gia súc tính”. “Lịch sử nhẫn nại ba ngàn năm” đã làm thui chột năng lực phản kháng, khiến họ rúm ró thảm hại trong nỗi sợ hãi cường quyền. Trung Quốc những năm 60 của thế kỉ XX thực sự trải qua một cơn mê sảng tập thể mà hậu quả của nó kéo dài mãi cho đến thời hiện đại.
Tâm lý nô lệ và bản tính cơ hội của các nhân vật lại càng được phát huy ở thời kì Cải cách mở cửa. Nhiệt tình cách mạng trước đây đã được thay thế bằng nhiệt tình kiếm tiền và làm tình, các nhân vật này lại quy phục trước sức mạnh của đồng tiền và đời sống bản năng. Trong đám đông đã từng đỏ mặt tía tai hô vang những khẩu hiệu cách mạng thuở ấy, bây giờ có một tỷ phú Lý Trọc luôn tìm đủ mọi mánh khóe để biến mình thành “khúc xương” thu hút báo chí, dư luận và nhà đầu tư; một ông Vương phó tổng giám đốc tiền nhiều đếm không xuể; một ông Dư cổ đông kiêm ủy viên Hội đồng quản trị rất giàu có đi du lịch khắp nơi ở Trung Quốc và trên thế giới; một Lưu phó tổng giám đốc bận trăm công nghìn việc. Đó còn là mười bốn anh chàng thọt ngố mù điếc làm “nghiên cứu viên cao cấp”, được đãi ngộ hàm giáo sư tại Hãng nghiên cứu kinh tế thị trấn Lưu. Ngoài ra, thời đại coi trọng tình tiền còn sản sinh ra một lớp người mới. Đó là tên Chu Du lừa đảo, buôn bán màng trinh, kem phồng vú giả. Trong cuộc thi người đẹp trinh tiết toàn quốc, quán quân là một người phụ nữ có con lên hai tuổi, quý quân là một “bậc chí tôn siêu hạng trong số đàn bà dâm đãng cấp nặng cân toàn thế giới” [37, 550], còn á quân lại là khách hàng tốt nhất của Chu Du, ăn thông đồng một cách nhanh gọn cả mười thành viên trong ban giám khảo. Để rồi, khi cuộc thi kết thúc, các vị giám khảo “giống như những kẻ già yếu bệnh tật tàn phế, phải có người dìu lên xe”, “mười vị, thận yếu cả mười” [37, 551]. Ngay đến ông Đồng thợ rèn khi xưa, vốn dĩ ngông nghênh, ngạo mạn với vợ, giờ “vâng vâng dạ dạ” trước mặt vợ bởi được bà Đồng thân chinh dẫn đi tìm gái đẹp vào tất cả các ngày lễ, ngày tết của Trung Quốc và nước ngoài (chợt giật mình vì cái cúi đầu vâng dạ của ông Đồng lực lưỡng ở đây sao giống với cái cúi đầu ngoan ngoãn của bao con người trước lũ hồng vệ binh đến thế). Các nhân vật dễ dàng gục ngã bởi sức cám dỗ mạnh mẽ của đồng tiền và dục tính, bởi sức công phá quá dữ dội của thời buổi kinh tế thị trường hay bởi tâm lý nô lệ truyền đời, thói chạy theo đám đông đã làm suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng của họ? Sức chống đỡ yếu ớt của con người là môi trường dung dưỡng tạo cơ hội cho cái xấu, cái ác sinh sôi. Thị trấn Lưu xinh đẹp vốn yên bình từng bị náo loạn bởi những cuộc đấu tố đẫm máu, bởi những cái chết phi lý thì nay lại náo nhiệt bởi phố
đèn đỏ, bởi ba ngàn cô gái mặc áo tắm ưỡn ngực vẹo lưng diễu phố, bởi quảng cáo công nghệ gắn màng trinh “rợp trời kín đất”… Thời kì thiên hình vạn trạng của Cải cách mở cửa thực chất cũng là một biến thể tinh vi của cơn mê sảng tập thể. Thay thế bạo lực công khai là muôn vàn hình thức lừa đảo bủa vây con người: quan chức lừa đảo, thương nhân lừa đảo, báo chí lừa đảo, gái trinh lừa đảo, màng trinh giả, thuốc bảo vệ sức khỏe giả, di vật Tống Cương giả… Cùng một bản tính dâm nhưng thời đại cấm dục đã khiến “mông đít già” - bố đẻ Lý Trọc chết ngập trong hố phân khi nhòm trộm mông đàn bà, còn thời đại của giải phóng tính dục và lừa đảo lại khiến “mông đít non” - Lý Trọc như cá gặp nước, trở thành chủ tể. Với những vị chủ tể này, xã hội lâm vào tình trạng loạn giá trị, thiếu chuẩn mực. Trong xã hội nhiều cạm bẫy và thiếu chuẩn mực đó, con người càng trở nên hoang mang hơn bao giờ hết. Trung Quốc thực đã bước từ một thời đại hoang đường này đến một thời đại hoang đường khác.
Trong Huynh đệ, bản thân cuộc sống trở thành một trò diễn, một lễ hội cải