6. Cấu trúc của luận án
1.2.3. Về nguyên tắc phân loại
Việc phân loại và đi vào phân tích, lý giải các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa được dựa trên một số nguyên tắc chính sau:
Thứ nhất, việc khái quát, định danh các kiểu nhân vật căn cứ chủ yếu vào thực tiễn sáng tác của nhà văn. Điều này có nghĩa là chúng tôi chủ yếu dựa vào thực tế nhân loại đang “sinh sống” trong thế giới nghệ thuật của Dư Hoa để khái quát thành kiểu nhân vật.
Thứ hai, chúng tôi chỉ khái quát thành một kiểu nhân vật nếu kiểu đó là một tập hợp nhiều nhân vật cùng loại trong các tiểu thuyết của Dư Hoa. Những trường hợp cá biệt, riêng lẻ, không đặc trưng sẽ không được xét. Đây là lí do khiến cho kết quả thống kê tổng số nhân vật bi kịch và nhân vật hoạt kê trong một tiểu thuyết thường không đạt 100%.
Thứ ba, việc gọi tên, nhận diện, phân tích kiểu nhân vật luôn gắn liền với việc phát hiện ra nét độc đáo trong quan niệm về con người, đời sống và nghệ thuật của nhà văn.
Cuối cùng, không thể không nói thêm rằng, chia kiểu, phân loại là thao tác có tính chất tương đối của người nghiên cứu nhằm nhận diện rõ hơn đặc trưng của một đối tượng, khó có thể đáp ứng được yêu cầu miêu tả chi tiết, cặn kẽ những biểu hiện hết sức phong phú của thực tế sáng tác. Cũng như vậy, các nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa được người nghiên cứu chia thành các kiểu tách biệt nhau nhưng trên thực tế, trong quá trình xây dựng nhân vật cụ thể, sẽ có lúc nhà văn kết hợp, biến tấu chúng thành những hợp thể phức tạp. Có khi, trong một tình huống nhưng phẩm chất bi kịch và hoạt kê của nhân vật cùng lúc bộc lộ. Với trường hợp này, nhân vật tồn tại ở dạng lưỡng phân. Điều này hoàn toàn phù hợp với tính chất vận động, phức tạp của nhân vật văn học hiện đại. Nó đồng thời cũng phản ánh đúng khả năng chuyển hóa giữa cái bi và cái hài trong thực tiễn cuộc sống, phản ánh đúng sự tồn tại phổ biến của phạm trù thẩm mĩ “cái bi hài” – một phạm trù thể hiện sự giao thoa giữa hai mặt bi và hài, mà ở đó, nhiều khi khó lòng phân biệt rạch ròi đâu là bi, đâu là hài. Đây là nguyên nhân khiến cho một vài nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa có
thể thuộc về cả hai kiểu mà chúng tôi đã phân chia. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến việc nhận diện kiểu nhân vật đặc trưng của Dư Hoa khi mỗi kiểu vẫn được đặc trưng bởi nội dung nhận thức đời sống và hệ thống nghệ thuật biểu hiện riêng của nó.
Tiểu kết chương 1
Từ việc trình bày ở trên, chúng tôi đi đến một số kết luận sau:
Dư Hoa là nhà văn đương đại nhận được sự quan tâm lớn không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các nước khác trên thế giới. Ở Trung Quốc, các công trình nghiên cứu về Dư Hoa và tiểu thuyết của ông có một số lượng đáng kể. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về tác giả này.
Nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa đã được các nhà phê bình chú ý và một vài công trình đã tiến hành phân loại. Tuy nhiên, các cách phân loại còn đặt nặng vào đánh giá tư tưởng tác giả, khía cạnh xã hội của nhân vật hơn là nghệ thuật của tác phẩm và đặc thù phong cách sáng tác của Dư Hoa trong cách tạo dựng nhân vật tiểu thuyết. Đó là chỗ trống khoa học để chúng tôi thực hiện đề tài này.
Các công trình nghiên cứu Dư Hoa ở Việt Nam và trên thế giới một mặt là những gợi ý quan trọng để chúng tôi thực hiện đề tài; mặt khác, chúng cũng đặt ra những vấn đề để chúng tôi tiếp tục suy ngẫm và giải quyết. Ví dụ như, những nhân vật rất mực truyền thống trong tiểu thuyết Dư Hoa có kế thừa phẩm chất hiện đại trong sáng tác của nhà văn trong giai đoạn trước hay không? Chúng đem đến điều gì mới mẻ về quan niệm nghệ thuật, về loại hình nhân vật khiến Dư Hoa trở thành nhà văn được Trung Quốc và thế giới ghi nhận? Chúng tạo được dấu ấn gì và có ý nghĩa như thế nào trong thời đại ngày nay?... Đặt điểm nhìn từ phương pháp sáng tác, khai thác đặc điểm nhân vật từ phẩm chất thẩm mĩ, chúng tôi hi vọng sẽ phần nào giải quyết được những vấn đề đặt ra.
Chương 2
HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT CỦA DƯ HOA
Quá trình sáng tác của Dư Hoa hay chính là hành trình ông tìm kiếm, xác định kiểu nhân vật cho sáng tác của mình được hình thành trong một bối cảnh văn học đặc biệt với những đặc trưng mà trước đó chưa từng có. Nó được hợp thành bởi đặc điểm của tất cả các yếu tố bên ngoài văn học, các yếu tố thuộc về văn học và các yếu tố mang tính chất cá nhân của nhà văn. Chúng sẽ gián tiếp hay trực tiếp tác động lên cái nhìn của Dư Hoa đối với cuộc đời và con người, từ đó định hướng, chi phối đặc trưng của thế giới nhân vật.
2.1. Bối cảnh của hành trình kiếm tìm nhân vật