Khai thác ngôn ngữ suồng sã của nhân vật

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 155 - 185)

6. Cấu trúc của luận án

4.3.3. Khai thác ngôn ngữ suồng sã của nhân vật

Tính chất hoạt kê của nhân vật còn được thể hiện đậm nét qua kiểu ngôn ngữ suồng sã của chính nó. Nếu truyện ngắn thập niên 80 của Dư Hoa khiến ta có cảm giác lạc vào mê cung ngôn ngữ thì tiểu thuyết của ông lại sử dụng ngôn ngữ ngồn ngộn sức sống của hiện thực. Đặc biệt, nhân vật hoạt kê được nhà văn dành riêng cho kiểu ngôn ngữ suồng sã, đậm chất đời thường.

Tính chất suồng sã thể hiện rõ nhất trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Như một hệ quả tất yếu, nhân vật hoạt kê đưa lại tiếng cười cho độc giả chủ yếu thông qua hành động, dáng vẻ bên ngoài, bởi vậy, ngôn ngữ của kiểu nhân vật này cũng chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại, hiếm khi là ngôn ngữ độc thoại. Tính cách, tâm lý nhân vật được thể hiện qua kiểu ngôn ngữ này.

Đặc trưng đầu tiên của kiểu ngôn ngữ suồng sã của nhân vật hoạt kê trong tiểu thuyết Dư Hoa là việc xuất hiện khá phổ biến những lời mắng chửi. Hình thức ngôn ngữ này của mỗi nhân vật lại mang màu sắc cá tính riêng. Trước hết là nhân vật Hứa Ngọc Lan. Nhân vật này trước đó đã được phác họa bằng những nét xinh đẹp, điệu đà, có phần nhỏ nhẹ của một thiếu nữ, bỗng đột ngột xuất hiện bằng tiếng chửi toang toác khi nằm trên bàn đẻ: “Hứa Tam Quan! Mày là đồ chó… Mày xéo đi đâu rồi hả… Bà đau chết mất thôi… Mày xéo đâu rồi hả Hứa Tam Quan… Đồ mất dạy đáng phải băm vằm kia. Mày sướng hả! Bà đau đớn sắp chết mà mày còn sướng hả? Hứa Tam Quan, mày ở đâu… Mày có mau mau về rặn cho bà không… Bà chết đến nơi rồi… Hứa Tam Quan có mau về không?... Bác sĩ ơi, đứa trẻ đã ra chưa?” [35; 64]. Mà đâu chỉ có một lần, cứ trong mỗi cơn rặn của chị, cơn tam bành nổi lên, tiếng chửi rủa lại ầm ĩ. Đau đớn làm chị không tự chủ được, khiến Hứa Ngọc Lan biến chồng mình thành chó, thành đồ lừa đảo, kẻ khốn nạn, thành kẻ tim đen gan thối… Không những thế, chị còn lôi ra tất cả chuyện phòng the để thề bồi, nguyền rủa ông chồng mình. Buồn cười hơn, cứ sau một chuỗi chửi rủa, chị lại tỏ ra tỉnh táo để hỏi: “Bác sĩ ơi, đứa trẻ đã ra chưa?”, và đây cũng không phải là lần sinh đầu tiên của Hứa Ngọc Lan. Có thể nói tiếng chửi là dấu mốc rõ nét để xác định Hứa Ngọc Lan từ một thiếu nữ nhỏ nhẹ trở thành người đàn bà chua ngoa, ruột để ngoài da. Hơn nữa, đó cũng không phải là lần duy nhất Hứa Ngọc Lan chửi, chị còn

chửi nhau với vợ chồng Hà Tiểu Dũng, chửi chồng của Lâm Phân Phương, chửi nhau với Hứa Tam Quan. Và lần nào chị cũng sử dụng cách thức phóng đại, trùng lặp, hạ bệ đối tượng bằng các hình ảnh tục. Tiếng chửi của Hứa Ngọc Lan không lắt léo, thâm sâu mà chỉ là tiếng chửi thô mộc, là tiếng chửi toáng lên khi tức giận, khi tiếc của, khi muốn bảo vệ gia đình mình. Qua tiếng chửi đó, ta hiểu được bản tính thực thà, thô vụng của người đàn bà này.

Khi tức giận, Hứa Tam Quan cũng thường chửi. Anh chửi vợ, mắng con, chửi Hà Tiểu Dũng đã ăn nằm với vợ mình. Nhưng khác với Hứa Ngọc Lan, tiếng chửi của anh thường ngắn gọn như: “Mẹ kiếp”, “Cút xéo”, “Con đĩ”, “Im mồm!”. Hứa Tam Quan cũng thường chửi kín đáo ở trong nhà, không toang toác đầu đường, ngoài ngõ như chị vợ. Mặt khác, trái ngược với lời nói có phần cộc cằn, thô lỗ, trong mọi hành động, Hứa Tam Quan đều thể hiện là người có trách nhiệm với gia đình, yêu thương vợ con hết mực. “Khẩu xà tâm Phật” là đặc tính nổi bật của nhân vật này. Bởi thế, lời mắng chửi của Hứa Tam Quan đưa lại tiếng cười nhẹ nhàng cho người đọc.

Khác với các nhân vật trên, Lý Trọc không chỉ chửi lúc tức giận mà còn chửi lúc… cao hứng. Đó là khi hai anh em lần đầu tiên xúc được một rổ tôm, quá xúc động, cậu bé chỉ huy anh mình: “Lấy nước luộc sáu mươi bảy con tôm mất dạy!”, sau đó hí hửng nói với anh: “Nghe thấy chưa, nghe thấy sáu mươi bảy con tôm mất dạy đang bong tanh tách trong trong nồi chưa?”. Khi tôm chín, cậu lại reo lên: “Chén đi, mau chén đi, chén những con tôm mất dạy”. Khi ăn, cậu bé lại toe toét: “Những con tôm mất dạy này ngon gấp mấy chục lần bánh bao thịt mất dạy” [37, 123]. Trở thành tổng giám đốc, Lý Trọc vẫn không từ bỏ thói quen này. Nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc thi Olimpic gái trinh, anh ta liền thao thao bất tuyệt, nói một hơi hai mươi lần “đồ khốn nạn”. Nào là “các nhà tài trợ khốn nạn”, “tranh biển quảng cáo khốn nạn”, “quần chúng khốn nạn”, nào là “chọn mười tên khốn nạn vào ban giám khảo khốn nạn”, “đồ khốn nạn đàn ông”, “đồ khốn nạn đàn bà”, “người phát ngôn tin tức báo chí khốn nạn”… [37, 498]. Thói quen ngôn ngữ của Lý Trọc đã vô tình tiết lộ bản chất của chính y cũng như của xã hội mà y đang sống.

Lời quảng cáo, lời rao cũng là một phương diện của ngôn ngữ suồng sã của nhân vật. Chúng thường mang tính phóng đại, nhằm gây ấn tượng mạnh để lôi kéo khách hàng. Nhưng những lời rao đặt trên miệng các nhân vật hoạt kê của Dư Hoa đôi khi lại phóng đại quá mức, không dựa trên cơ sở nào, thậm chí lấp liếm sự thật. Đó là yếu tố làm nên tính chất hoạt kê cho nhân vật. Chẳng hạn, tiếng rao “Bán tôm đây! Bán tôm đây!... Một đồng một con!” của Tống Cương là phản ứng nhanh nhạy, thông minh của cậu bé để nhờ đám đông tò mò đến giải cứu cho cậu khỏi bị lũ trẻ lớn hơn cướp mất tôm giữa phố. Hay là lời quảng cáo trá hình dưới hình thức khẩu hiệu cách mạng của ông Dư nhổ răng, ông Trương thợ may, ông Vương bán kem… đã bộc lộ bản chất vụ lợi, thức thời của các nhân vật. Ngôn ngữ ứng biến của Lý Trọc trong việc cò kè, lúc mềm mỏng, lúc cứng rắn để luôn đạt được mục đích chốt giá một bát mì Tam Tiên cho “bí mật mông Lâm Hồng” đã dự báo trước khả năng nhạy cảm trước nhu cầu thị trường của một tay kinh doanh lõi đời trong tương lai. Những lời quảng cáo bán hàng của Chu Du cũng là thứ ngôn ngữ suồng sã gây cười cho độc giả. Đầu tiên, với lời quảng cáo về thân phận, lai lịch và hành trình bôn ba khắp năm châu bốn bể đầy hào nhoáng mà hoang đường, Chu Du đã khiến người người nghe răm rắp tin theo. Kế tiếp, cách y rao bán màng trinh nhân tạo, từ những lời quảng cáo kết hợp hành động như diễn kịch câm hướng dẫn sử dụng màng trinh cho đến việc mô tả tác dụng của sản phẩm qua người thật việc thật tuy hài hước nhưng đánh trúng tâm lý của hàng trăm đàn ông, đàn bà ở thị trấn Lưu đã khiến y được hời to trong vụ buôn bán lần này. Kiểu ngôn ngữ lật lọng, biến không thành có, biến có thành không đã giúp Chu Du sinh tồn trong một xã hội hỗn loạn giá trị.

Sử dụng kiểu ngôn ngữ suồng sã đặt lên miệng các nhân vật, Dư Hoa không chỉ đem lại tiếng cười cho độc giả mà thông qua đó, còn giúp độc giả nắm bắt được bản chất của từng nhân vật. Không khí sôi động của cuộc sống chính vì thế cũng tràn vào tác phẩm.

Tiểu kết chương 4

Theo thời gian, kiểu nhân vật hoạt kê ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong tiểu thuyết Dư Hoa. Kiểu nhân vật này đã để lại một dấu ấn riêng bởi tiếng

cười phức hợp, đa tầng mà nó mang lại. Từ dạng nhân vật châm biếm phê phán những xấu xí trong bản chất con người, nhân vật hài hước giải thiêng đại tự sự trong văn hóa của người Trung Quốc đến dạng nhân vật u-mua đen khiến cuộc đời phải chường ra bộ mặt phi lý, kiểu nhân vật hoạt kê trong tiểu thuyết là một sự lựa chọn xác đáng của Dư Hoa khi muốn hướng tới nắm bắt thế giới hiện đại hỗn tạp, đa trị, mất phương hướng. Mặt khác, nhân vật hoạt kê còn là sự phóng chiếu nhưng được lạ hóa từ hình ảnh của những con người bình thường trong cuộc sống xung quanh chúng ta. Được thể hiện qua nghệ thuật so sánh vật hóa, miêu tả nghịch dị và khai thác kiểu ngôn ngữ suồng sã, nhân vật hoạt kê của Dư Hoa gây ấn tượng bởi những hình ảnh vừa gần gũi vừa khác lạ, rất đỗi bình dị nhưng cũng hết sức kì dị. Nghệ thuật thể hiện nhân vật của Dư Hoa đã đánh bật chúng ta khỏi cái nhìn quen mòn về hiện thực, giúp ta có những nhận thức mới mẻ về con người và cuộc đời.

Khác với thế giới một màu đen tối trước đây, kiểu nhân vật hoạt kê là một bước phát triển mới trong hành trình sáng tạo của Dư Hoa. Nó thể hiện một kiểu quan hệ mới của nhà văn đối với hiện thực. Tiếng cười của kiểu nhân vật hoạt kê cho thấy sự căng thẳng giữa nhà văn và hiện thực đã giảm đi đáng kể. Dư Hoa vì thế có thể đứng giữa hiện thực để bình tĩnh quan sát, chiêm nghiệm và cười với nó. Cũng bởi vậy mà nhân vật và những câu chuyện ông kể trở nên gần gũi, cái nhìn hiện thực của ông càng trở nên sắc bén. Tiếng cười của nhân vật hoạt kê cũng là một cách giải phóng năng lượng sáng tạo giúp nhà văn có những khái quát gần hơn với hiện thực và đạt được những thành tựu mới trong sáng tạo nghệ thuật.

KẾT LUẬN 1. Những kết luận chủ yếu

1.1. Dư Hoa là một hiện tượng độc đáo, tích cực góp sức cho sự vận hành, phát triển theo hướng hiện đại hóa của lịch sử văn học Trung Quốc đương đại. Trong hơn ba thập niên, ông đã luôn trăn trở tìm con đường đi cho riêng mình, để từ đó xây dựng nên một thế giới nghệ thuật mang đậm màu sắc cá tính sáng tạo. Nhân vật là nơi ghi dấu rõ nhất những biến chuyển trong hành trình sáng tạo của nhà văn. Từ thế giới nhân vật của Dư Hoa, chúng ta có thể nhận thấy dấu vết của một thời kì xã hội hỗn độn, lắm nỗi hoang mang. Đó là một thời đại của chấn thương, của những hoài nghi, cô đơn vì con người đánh mất chỗ dựa tinh thần. Đó cũng là thời đại mà con người bị bạo lực, dục vọng vùi dập không thương tiếc. Nó khiến con người không còn mang lý tưởng hay dám mơ ước gì cao xa mà chỉ mong giữ lấy mạng sống của mình. Sự vận động trong thế giới nhân vật của Dư Hoa còn cho ta thấy sự vận động trong quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Đó là sự chuyển biến từ một cái nhìn bi quan, đầy phẫn nộ đến cái nhìn tích cực, bao dung hơn về thế giới, con người. Nhưng xuyên suốt toàn bộ hành trình vẫn là sự truy tìm không mệt mỏi chân tướng của hiện thực, căn tính của con người.

Kết quả của quá trình kiếm tìm nhân vật ấy là Dư Hoa đã không sử dụng các yếu tố huyền ảo như Mạc Ngôn, không theo phương pháp “thần thực” như Diêm Liên Khoa mà ông đã lựa chọn “tân tả thực” làm định hướng sáng tạo cho nhân vật tiểu thuyết của mình. Đây cũng là yếu tố làm nên đặc trưng cho thế giới nhân vật trong giai đoạn sáng tác thứ hai của nhà văn. Lựa chọn này đã rút ngắn khoảng cách giữa văn học và công chúng trong thời đại ý thức thẩm mĩ đại chúng lên ngôi. Đồng thời, nó là phương thức để nhà văn có thể lột trần tính chất hư ngụy của những diễn ngôn chính trị, đạo đức, nhận thức lại các giá trị triết học, văn hóa, văn học đã cũ do xã hội, truyền thống văn học và chính bản thân nhà văn đã xác lập. Ý thức phản tỉnh luôn thường trực xuất hiện trong từng đường nét của nhân vật “tân tả thực”. Đây cũng chính là ý thức tiên phong mà ngay từ ngày đầu cầm bút, nhà văn đã nắm giữ.

1.2. Kiểu nhân vật bi kịch là một đóng góp của Dư Hoa trong việc trở về với truyền thống để vượt qua truyền thống. Hình thức của nhân vật tưởng chừng rất quen thuộc nhưng nó lại thể hiện một cái nhìn mới về con người và về nhân vật văn học. Văn học Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là từ thời kì đổi mới, tập trung vào con người đời tư, đi sâu vào những nỗi niềm sâu kín, những khát vọng mang tính nhân bản của con người cá nhân. Dư Hoa cũng đi theo xu hướng chung này. Nhưng đóng góp của ông là trong khi các tác giả của dòng “văn học vết thương” nhìn con người ở thuộc tính xã hội, nhà văn của “tiểu thuyết tầm căn” đi tìm cội nguồn văn hóa của con người, bởi thế họ đi tìm cách giải quyết mối xung đột giữa con người và hoàn cảnh ở các nguyên nhân xã hội, văn hóa; thì Dư Hoa lại nhìn con người là một thực thể tồn tại trong thế giới với vai trò là một cá nhân – tinh thần riêng biệt, chính vì thế, mọi trở ngại chỉ có thể giải quyết trong chính cá nhân con người. Nhân vật bi kịch của Dư Hoa không hướng đến làm rõ các quy luật chung về cuộc sống và con người mà những bộ môn khoa học khác đã khái quát. Mỗi nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa là một đề xuất về khả năng có thể trở nên của con người trong thế giới của sự sống. Đó tuyệt đối không phải là thế giới bị đóng băng trong những định luật, công thức. Bởi thế, tiểu thuyết được trở về với bản chất của tiểu thuyết mà không bị chi phối hay làm hộ cho các hình thức sáng tạo tinh thần nào khác.

1.3. Dưới định hướng “tân tả thực”, kiểu nhân vật hoạt kê là một bước chuyển của Dư Hoa trong thời kì sáng tác tiểu thuyết từ thập niên 90 của thế kỉ XX. Đây là một lựa chọn thích hợp để nhà văn thể hiện tinh thần dân chủ, giải thiêng đại tự sự trong văn hóa Trung Hoa và văn hóa loài người. Ở tiếng nói phủ định, Dư Hoa đã sử dụng tiếng cười để xây dựng nên một hệ thống nhân vật độc đáo nhằm hướng đến sự nhận thức nhanh chóng mà vui vẻ những hiện tượng lệch lạc, những hoàn cảnh bi đát, oái oăm. Nó có thể được ví như một liều thuốc giảm đau cho một cuộc đại phẫu để phanh phui tất cả mặt trái trong nhân cách con người và cấu trúc xã hội. Phẩm chất hoạt kê cũng trở thành cấu trúc của nhân vật, tồn tại như một kiểu tư duy nghệ thuật trong việc tạo lập văn bản và là một thái độ thích hợp trong việc kiểm soát diễn biến các câu chuyện trong tiểu thuyết của Dư Hoa.

1.4. Thông qua việc phân tích đặc trưng của kiểu nhân vật tiểu thuyết Dư Hoa, chúng tôi nhận thấy nhà văn đã không tước đi tên tuổi, lai lịch, đẩy đến tận cùng sự phi cá tính hóa nhân vật như một số nhà văn Trung Quốc đương đại đã làm, cũng không khai thác sâu thế giới tiềm thức của nhân vật, và nhân vật tiểu thuyết của Dư Hoa càng không phải là những biểu tượng thuần túy. Đóng góp của ông là ở chỗ đã thể hiện được tinh thần của thời đại, không chỉ là thời đại giới hạn trong phạm vi Trung Quốc mà là tâm tư của con người trong thời kì hậu hiện đại – thời kì của bất tín, hoài nghi. Không những vậy, các nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa còn là sự phủ nhận những tín điều then chốt của chủ nghĩa hiện thực. Đó là những nhân vật tưởng chừng rất truyền thống nhưng đã bước qua rào cản của truyền thống để đưa đến một quan niệm mới về nhân vật văn học.

1.5. Đã có rất nhiều kết luận về sáng tác cũng như về nhân vật của Dư Hoa. Nhưng sẽ là quá sớm để có kết luận cuối cùng vì nhà văn vẫn đang trên hành trình

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 155 - 185)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w