Nhân vật nhỏ bé với những ước muốn và tình cảm thế tục

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 90 - 95)

6. Cấu trúc của luận án

3.2.1. Nhân vật nhỏ bé với những ước muốn và tình cảm thế tục

Kiểu nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa trước hết là con người hiện sinh trung thực luôn lắng nghe cảm xúc, mong muốn hết sức trần thế đang chảy bên trong cơ thể mình. Họ có thể chỉ là những con người bé nhỏ vốn rất mờ nhạt trong cuộc đời này, nhưng họ đại diện cho chính họ và hết sức thành thật với con người mình.

Thế giới không nhiều nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa không dành chỗ cho kiểu nhân vật anh hùng, hành đạo, kiểu nhân vật được huyền thoại hóa hay nhân vật dị biệt về hình hài cũng như tính cách. Ở đó, chỉ có những con người rất đỗi bình thường. Có thể khẳng định rằng tất cả các nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa

đều có xuất thân bình dân hoặc nghề nghiệp hết sức giản dị, nói cách khác, thân thế của họ không có gì đặc biệt. Có thể kể đến vợ chồng nông dân suốt đời gắn bó với ruộng đồng Tôn Quảng Tài, những cậu học trò Tô Vũ, Tô Hàng, Tôn Quang Lâm, ông bác sĩ nông thôn họ Tô, người quân nhân Vương Lập Cường, bà già mặc áo đen không rõ tên tuổi… (Gào thét trong mưa bụi). Đó còn là những nông dân trồng dưa ở ngoại ô, những công nhân trong thành phố như Hứa Tam Quan, Hứa Ngọc Lan (Chuyện Hứa Tam Quan bán máu), Lý Lan, Tống Cương, Lâm Hồng (Huynh đệ). Hy hữu có Từ Phú Quý (Sống) mặc dù xuất thân là công tử của một gia đình địa chủ giàu có nhưng vì bài bạc mà cuối cùng rơi xuống hàng bần cố nông. Những con người nhỏ bé ấy hoàn toàn mờ nhạt trên dòng chảy lịch sử. Thế nhưng đây lại chính là số đông của xã hội, làm nên diện mạo của nhân loại.

Cuộc sống của những con người bình thường nhất của thế tục này, bởi thế, chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình mà ít ảnh hưởng rộng rãi ra bên ngoài xã hội. Sinh thái bao quanh nhân vật là các câu chuyện nhỏ nhặt, là những rắc rối về vật chất, tinh thần hết sức tầm thường của cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Tuổi thơ của Tôn Quang Lâm (Gào thét trong mưa bụi) là các mảnh kí ức vụn vặt, lắp ghép thiếu liền mạch được giới hạn trong tầm quan sát của một đứa trẻ. Đó có thể là những câu chuyện hiếu kì của trẻ thơ như thằng anh dắt đứa em chui qua đũng quần của người lớn bò xuyên qua đám đông để xem chiếc thuyền xi măng đầu tiên đến sông Cửa Nam, là lần thằng anh khệnh khạng còn đứa em lon ton bám sát đi xem người thành phố ăn gì trong bữa cơm, hay là lần hai người anh em của "tôi" tươi tỉnh đứng duy trì trật tự khi bọn trẻ trong thôn xúm lại xem "tôi" bị bố đánh. Đó còn là chuyện ông nội Tôn Hữu Nguyên nhặt được vợ, chuyện Tôn Quang Bình kết bạn với các thiếu niên thành phố nhằm thỏa mãn tính kiêu ngạo của bản thân… Cuộc đời Từ Phú Quý trong Sống cũng trở đi trở lại với công việc đồng áng, dạy dỗ, lo lắng cho con cái. Gắn liền với các nhân vật Hứa Tam Quan, Hứa Ngọc Lan trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu là công việc hằng ngày như sửa mái nhà, tìm gầu múc nước, đan áo,

tán gẫu, nấu nướng… Các mối mâu thuẫn hầu như không có gì to tát như chuyện hai gia đình tranh cãi nhau vì đất phần trăm, thiếu nữ Phùng Tiểu Thanh bị người

yêu bỏ rơi mà mang hận, những cuộc cãi vã thường chỉ vì ghen tuông với nhân tình của đối phương. Các sự kiện cứ thế xoay quanh nhân vật một cách ngẫu nhiên, thậm chí là trùng lặp, dường như không mang một ý nghĩa nào cụ thể. Các nhân vật như thể đang hoạt động trước mắt người đọc, hoặc đang kể câu chuyện của chính cuộc đời mình một cách tự nhiên nhất.

Giới hạn trong phạm vi của cuộc sống hằng ngày nên ước mơ, mong muốn của những con người nhỏ bé cũng hết sức thiết thân. Đó không phải là thay trời hành đạo, xả thân vì nghĩa lớn hay giàu sang phú quý, mà là những ham muốn tầm thường nhất gắn chặt với đời sống sinh hoạt của họ. Mong mỏi suốt đời của vợ chồng Từ Phú Quý là con cái có bộ quần áo tươm tất để đi học, lớn lên không bị cảnh nghèo trói buộc, chỉ cần một trong hai đứa sống khá hơn. Lời của Gia Trân nói với chồng thật giản dị và tội nghiệp: "Em cũng không muốn phải có hạnh phúc gì, chỉ cần năm nào cũng làm được cho anh đôi giày mới" [36, 78]. Đâu có ước muốn cao xa gì, cô chỉ mong các thành viên trong gia đình đoàn tụ bên nhau, dù có đói rét vẫn cam lòng. Nỗi niềm đau đáu của Hứa Tam Quan cũng quanh quẩn với miếng ăn. Năm 1958, Trung Quốc thành lập Công xã nhân dân, đề xướng phong trào Đại nhảy vọt nhưng Hứa Tam Quan đâu quan tâm đến chuyện đó. Câu chuyện của anh ta với vợ mình quay đi trở lại vẫn là ăn ở nhà ăn tập thể nào thì được no: "Nhà ăn đền Thiên Vũ thức ăn ít thịt quá… Nhà ăn rạp hát, thức ăn ngon, nhưng lượng ít quá. Nhà ăn tập thể của nhà máy tơ bọn anh, thức ăn nhiều, thịt cũng lắm, anh ăn thấy hài lòng thỏa mãn" [34, 183]. Ở chỗ khác, trong một đợt đói kém, Hứa Tam Quan nói với các con mà cũng là tự nói với chính mình: "Bố biết trong lòng các con muốn nhất là cái gì, đó là ăn" [34, 200].

Bên cạnh mong muốn đầy đủ về cái ăn cái mặc, những con người trần tục trong tiểu thuyết Dư Hoa còn có khát vọng mãnh liệt được thỏa mãn nhu cầu dục tính. Hầu hết các nhân vật trong Gào thét trong mưa bụi đều bị thúc giục bởi sức mạnh bản năng này. Đó là Tôn Quảng Tài hằng đêm bò vào trong chăn bà góa rồi lại leo lên giường của vợ, thậm chí còn sờ nắn người con dâu hụt và bóp mông cô con dâu chính thức. Vị bác sĩ họ Tô thường ngày trầm lặng, mang đầy trách nhiệm

với gia đình cũng không cưỡng lại được sự mời gọi của bà góa. Vương Lập Cường, một quân nhân canh gác kho vũ khí, cũng vụng trộm với người phụ nữ khác khi người vợ ốm yếu không thể đáp ứng nhu cầu sinh lý của ông ta. Đó còn là những thiếu niên mới lớn tò mò và bị câu chuyện giới tính kích thích thực hiện những hành vi táo bạo. Không cưỡng được sức hấp dẫn của Phùng Ngọc Thanh, Tôn Quang Bình đã thò tay vào ngực của cô. Những ham muốn dục tính cũng đã thôi thúc Tô Hàng vật ngửa một bà già bảy mươi tuổi cốt để xem “đồ thật”. Tô Vũ là một thanh niên ít nói, sống trong cô độc cũng không thoát khỏi hấp lực của giới tính. Dục vọng đã làm cậu mất khả năng kìm hãm mình, làm cho đầu óc cậu mụ mị, khiến cậu ôm chặt một thiếu phụ béo tốt đẫy đà mà cậu không hề ý thức trước được hành động đó. Vợ chồng Hứa Tam Quan và Hứa Ngọc Lan (Chuyện Hứa Tam Quan bán máu) cũng lần lượt mắc “sai lầm trong sinh hoạt”. Ngoài ra, còn phải kể đến các nhân vật: người đàn bà góa với năng lực tình dục phi thường, Phùng Ngọc Thanh, thầy giáo và cô học trò Tào Lệ, hay tên đồ tể... Mặc dù phải trả giá sau mỗi hành động thiếu kiểm soát, nhẹ thì dằn vặt về tinh thần, nặng phải đổi cả mạng sống, nhưng hầu hết các nhân vật đều thừa nhận sức mạnh của bản năng (chẳng hạn với Tôn Quảng Tài, “chuyện ấy chẳng bao giờ biết đủ”). Sau hành động gây tổn thương cho người khác của các nhân vật như Vương Lập Cường hay ông bác sĩ, người đọc vẫn không hề dễ dàng để kết luận họ là người xấu. Sau nhiều hành vi có thể nói là đê tiện của Tôn Quảng Tài, với tiếng khóc thảm thiết bên mộ vợ của ông, chúng ta cảm thấy ông cũng là con người như bất cứ ai trên cuộc đời này: trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, có thể mắc sai lầm. Hành động của vợ/chồng họ Hứa cũng khiến đối phương phải chịu nhiều ấm ức nhưng mâu thuẫn nhanh chóng được hóa giải chỉ bằng một câu nói của Hứa Tam Quan: "Được rồi, coi như hòa một đều, từ nay trở đi không khới lại chuyện ấy nữa" [34, 180]. Không rao giảng đạo đức, không giáo điều, các nhân vật ở đây hiện lên hết sức trần trụi với những mong muốn và hành động của con người thế tục.

Các nhân vật còn có những tình cảm hết sức đời thường, gần gũi, không kiểu cách cầu kì hay hoa mĩ. Cách thể hiện tình cảm của họ cũng thô mộc, vụng về cho

thấy tình cảm chân thật giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Niềm vui của Hứa Ngọc Lan đơn giản là cùng đứa con thứ hai tán gẫu. Cuộc nói chuyện giữa một người đàn bà ba mươi tuổi với một cậu bé tám tuổi có thể kéo dài hàng giờ, về bất cứ chuyện gì, ở bất cứ thời điểm nào và càng nói chuyện càng hợp gu. Còn niềm vui của Hứa Tam Quan là được cùng đứa con lớn làm các công việc của người đàn ông trong gia đình. Đối với Nhất Lạc, ngoài miệng mặc dù Hứa Tam Quan nói những lợi tệ bạc, xua đuổi, không thừa nhận huyết thống nhưng đây lại là đứa con khiến anh sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống, bán đi giọt máu cuối cùng trong huyết quản của chính mình. Người cha Từ Phú Quý cũng vì nóng giận mà đánh con để rồi khi nhìn lại những vết roi tím tái mà mũi cay cay, mắt ướt nhòe. Phú Quý là người quyết cho đi đứa con gái Phượng Hà nhưng cũng là người khóc nức nở khi thấy người ta dẫn con mình đi. Hay đó còn là tình cảm vợ chồng giữa Tống Phàm Bình và Lý Lan, giữa Tống Cương và Lâm Hồng, tình mẫu tử giữa Lý Lan và hai người con… Tất cả các nhân vật đều thể hiện một thứ tình cảm mộc mạc, giản dị mà chân thành, sâu sắc.

Nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa đều là những con người bé nhỏ, với những ước muốn và tình cảm khiêm nhường. Các nhân vật ở đây không được mô tả như họ phải trở thành mà như họ vốn có. Tuy nhiên, không vì thế mà họ trở nên hèn kém. Bởi con người luôn đòi hỏi được thừa nhận trong thực thể trọn vẹn của nó, có cao thượng, có thấp hèn, có lí trí và dục vọng bản năng. Con người cần được nhìn nhận với tư cách là những cá thể sống, cảm xúc và họat động với những kinh nghiệm độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân. Đó là những cảm xúc, nhu cầu mang tính nhân bản, vượt ra ngoài sự ràng buộc của con người đạo đức, con người duy lí, con người giai cấp. Họ truy tìm ý nghĩa của cuộc sống từ chính hiện tại và quý trọng từng phút giây sinh tồn của mình.

Những con người nhỏ bé - trung tâm trong tiểu thuyết của Dư Hoa vốn thuộc kiểu nhân vật quen thuộc trong văn học Trung Quốc từ trước tới nay. Thế nhưng trong quá khứ, họ thường được nhìn nhận như là những nạn nhân của giai cấp thống trị, hoặc những con người bị nhấn chìm trong "ao đời phẳng lặng" với những ước

mơ vụn vặt khiến tư thế làm người bị hạ thấp. Nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa nhỏ bé không phải vì tư thế làm người của họ thấp kém hơn kẻ khác, ước mơ của họ ít vĩ đại hơn kẻ khác, mà chỉ vì đó là những con người bị lịch sử làm mờ, bị bỏ quên. Nó giúp chúng ta nhận ra lịch sử đâu chỉ được tạo nên bởi một vài anh hùng vĩ đại, cuộc sống đâu chỉ được tạo nên bởi những nạn nhân mang mối thù giai cấp. Đời sống này có vô vàn các biểu hiện phong phú mà chủ nhân của nó không ai khác lại chính là đông đảo những con người vô danh đang vật lộn với cuộc mưu sinh. Thế nhưng trước nay họ đã bị lịch sử đẩy xuống hàng thứ yếu. Không đứng từ góc độ lập trường tư tưởng giai cấp, vượt qua những định kiến thông thường, đối xử công bằng với thiện ác, xấu tốt, Dư Hoa hướng ngòi bút đến những con người bé nhỏ chỉ mang trong mình khát vọng được sống một cuộc đời yên ổn, nhìn họ với tư cách là những con người mang đầy nhân tính. Qua đây, nhà văn muốn khám phá những gì thuộc về bản chất người.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w