6. Cấu trúc của luận án
1.1.3. Nghiên cứu DưHoa ở một số nước
Tác phẩm của Dư Hoa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản tại Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Thụy Điển, Hy Lạp, Na Uy, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Ở các mức độ khác nhau, Dư Hoa và tác phẩm của ông đã nhận được sự quan tâm của truyền thông và giới nghiên cứu.
Trong Bách khoa toàn thư Britannica của Anh (Encyclopædia Britannica), mục từ Chinese literature đã nhắc đến tên tuổi của Dư Hoa với tư cách là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Trung Quốc giai đoạn từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX và khẳng định từ giữa thập niên 90, tiểu thuyết của ông đã được thế giới chú ý đến. Nhật báo Italia ngày 16 tháng 5 năm 2009 nhận xét: “Dư Hoa là nhà văn nổi tiếng thế giới nhất của Trung Quốc”. Tạp chí The Seattle Times của Mỹ ngày 28 tháng 11 năm 2003 khẳng định đây là “một nhân vật có thể cho thấy con người của một thời đại, là đại diện cho linh hồn dân tộc, Dư Hoa là nhà văn Trung Quốc nổi tiếng thế giới” [167]. Nếu tờ Le Monde của Pháp năm 2009 gọi Dư Hoa là “một Balzac của Trung Quốc hiện đại” thì Đài phát thanh Đức ngày 16 tháng 10 năm 2009 lại gọi ông là "Charles Dickens của Trung Quốc"...
Các tiểu thuyết của Dư Hoa đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Sống đạt giải thưởng văn học Gelin Thana Kapo của Ý. Chuyện Hứa Tam Quan bán máu đạt được giải The Rarmer – một giải “Nobel Mỹ” (2004). Cả hai tác phẩm này đồng thời lọt vào danh sách Mười cuốn sách có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc trong
năm 90 của thế kỉ XX do một trăm nhà phê bình và biên tập viên văn học Trung
Quốc bình chọn và giúp Dư Hoa đạt một giải thưởng văn chương có uy tín tại Ý –
Premio Grinzane Cavour Award (1998). Huynh đệ được vào chung kết của giải
thưởng văn học Man Asian và được trao giải thưởng Prix Courrier International của Pháp (2008). Dư Hoa còn là tác giả Trung Hoa lục địa đầu tiên được trao giải thưởng James Joyce (2002)…
Điều này cho thấy phần nào sức ảnh hưởng rộng rãi ở tầm thế giới của nhà văn này. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược tình hình dịch thuật và nghiên cứu tác phẩm của Dư Hoa ở Mỹ như một góc nhìn mang tính đại diện để thấy được
vị trí của Dư Hoa trên bản đồ văn học thế giới. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn Mỹ bởi đây là một quốc gia nói tiếng Anh có tầm ảnh hưởng rộng rãi, việc tác phẩm của Dư Hoa được dịch và nghiên cứu ở đây đã góp phần to lớn nâng tầm ảnh hưởng của nhà văn trên phạm vi quốc tế.
Dư Hoa là một trong số ít các nhà văn Trung Quốc đương đại đến với độc giả nước Mỹ và được giới văn học quốc gia này đón nhận. Theo thống kê của Lưu Khôn - một học giả thỉnh giảng tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh, tính năm 2018, Dư Hoa đã có chín tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, tản văn được xuất bản bởi bốn nhà xuất bản có uy tín tại Mỹ (Pantheon, Anjia, Đại học Duke, Đại học Hawaii) [147, 143]. Các tác phẩm này không chỉ được phân phối qua kênh xuất bản truyền thống mà còn được quảng bá trên nền tảng mạng Internet. Kể từ tháng 5 năm 2009, Dư Hoa còn xuất hiện thường xuyên trên chuyên mục khách mời của tờ The New York Times. Nhật báo hàng đầu của nước Mỹ không chỉ thực hiện những cuộc phỏng vấn độc quyền với Dư Hoa về các vấn đề văn hóa, văn học Trung Quốc đương đại mà còn tổng hợp, giới thiệu các tác phẩm bán chạy của Dư Hoa ở nước ngoài như Sống, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, Huynh đệ... Như vậy, bước đầu ta có thể thấy ở Mỹ, các tác phẩm của Dư Hoa được dịch và xuất bản với số lượng khá lớn, trên nhiều thể loại tại các giai đoạn sáng tác khác nhau. Hơn nữa, các kênh dịch thuật và quảng bá cũng được đa dạng hóa. Việc được các nhà xuất bản có uy tín học thuật cao lựa chọn đã khiến cho ảnh hưởng của các tác phẩm Dư Hoa ở nước ngoài được mở rộng.
Giới nghiên cứu văn học Mỹ bắt đầu chú ý đến tác phẩm của Dư Hoa từ những năm 90 của thế kỉ XX. Trong thập niên này, các nhà nghiên cứu chủ yếu bị thu hút bởi câu chuyện bạo lực, cái chết trong truyện ngắn thập niên 80 của nhà văn. Đáng chú ý, vào năm 1995, nhà phê bình Maria Simson đã nhận xét về truyện ngắn
Quá khứ và hình phạt như sau: “có một ngôn ngữ tự sự khác với tiểu thuyết thông
thường để biểu hiện bạo lực, khát máu và cái chết trong nhân tính, hãy để tôi tiên phong trong việc cảm thụ hành trình thống khổ và nhiễu loạn mà văn học Trung Quốc đã trải qua trong tiến trình Trung Quốc từ xã hội truyền thống bước vào kỉ
nguyên mới” [170, 79]. Năm 1996, nhà nghiên cứu Anne Wedell-Wdellsborg đã thể hiện những hiểu biết sâu sắc về thế giới nghệ thuật của Dư Hoa khi diễn giải câu chuyện bạo lực trong Một loại hiện thực: “Đây là tác phẩm tiêu biểu của Dư Hoa trong thời kì đầu thể hiện sự chuyển hướng từ phương thức viết truyền thống sang thời kì sáng tác “tiên phong”, phong cách tự sự lạnh lùng, tàn nhẫn và thể nghiệm nhân sinh độc đáo đã kiến tạo nên một cảnh tượng hoang đường đầy bạo lực và đẫm máu” [171, 129].
Trong mười năm đầu của thế kỉ XXI, ba tiểu thuyết của Dư Hoa: Gào thét trong mưa bụi, Sống, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu được dịch và công bố rộng
rãi ở Mỹ càng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Có thể kể đến một số bài viết nổi bật sau: “To Live” của Micheal Laris đăng trên tờ The Washington Post số
ra ngày 1 tháng 12 năm 2003, “The Short-lived Advant-Grade Literary Movement and Its Transformation: The case of Yu Hua” của Liu Kang đăng trên
Golobalization and Cultura Trends in China (nhà xuất bản Đại học Hawaii, năm
2004), “Capitalist and Enlightenment Values in 1990s Chinese Fiction” của Sabina Knight đăng trên Text Practice số 16 năm 2002, Haunted Fiction: Modern Chinese “Literature and the Supernatural” của Anne Wedell-Wdellsborg đăng trên
International Fiction Review số 32 năm 2005… Nhìn chung về cơ bản, các bài viết
này thống nhất với tinh thần của các nghiên cứu ở Trung Quốc khi chỉ ra sự chuyển hướng sáng tác của Dư Hoa, nhận thấy tiểu thuyết của ông không thiếu yếu tố bạo lực và cái chết nhưng đằng sau đó là sự đau khổ, sức chịu đựng của con người và sự ấm áp trong nhân tính.
Trong mười năm tiếp theo, tác phẩm của Dư Hoa nở rộ ở Mỹ và nghiên cứu về tác phẩm của ông cũng đạt đến đỉnh cao. Năm 2014, Dư Hoa dẫn đầu “Bảng xếp hạng tác phẩm dịch văn học Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn nhất” [184]. Các nghiên cứu giai đoạn này tập trung vào những biểu hiện nghệ thuật độc đáo, cảm xúc kỳ lạ cũng như những thay đổi trong tác phẩm của Dư Hoa so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận, một số học giả Mỹ đã có sự phiến diện trong cách hiểu về tác phẩm của Dư Hoa. Một số nhà bình luận đã áp đặt tư tưởng chính trị và thẩm mĩ văn học phương Tây lên tác phẩm Dư Hoa dẫn đến một số hiểu nhầm. Họ đã đứng trên lập trường diễn ngôn chính trị phương Tây để coi “Đại cách mạng văn hóa” trong tác phẩm của Dư Hoa là sự thể hiện văn học phi chính thống, là sự đối lập về mặt chính trị trong tư tưởng của nhà văn. Nhà phê bình Maureen Corrigan gọi Huynh đệ là “sự châm biếm toàn diện Trung Quốc hiện đại”, coi những câu chuyện “quái đản”, “xấu xí” của xã hội Trung Quốc gần nửa thế kỉ đều có “liên quan đến kí ức về Đại cách mạng văn hóa” [163]. Drew Calvert cũng đặt trọng tâm nghiên cứu vào Văn cách trong tác phẩm Dư Hoa và cho rằng dưới ngòi bút của họ Dư, Trung Quốc “rối loạn, bất an, kìm nén nặng nề, phát triển dị thường” [162, 120]. Có thể nói, cái nhìn này đã phản ánh định kiến của các nước phương Tây về sự kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc, coi những mô tả về bối cảnh xã hội là biểu hiện tư tưởng chính trị của tác giả mà không thấy được trong tác phẩm của Dư Hoa, Đại cách mạng văn hóa chỉ là một bối cảnh điển hình của xã hội Trung Quốc để nhà văn thể hiện phẩm chất kiên cường, ý chí sinh tồn, vượt qua đau khổ của con người. Một số học giả Mỹ còn sử dụng các thể loại văn học phương Tây làm tiêu chuẩn để đo lường các tác phẩm của Dư Hoa. Họ đã gọi tiểu thuyết của Dư Hoa là “tiểu thuyết phiêu lưu” – một thể loại có nguồn gốc từ Tây Ban Nha thế kỉ XVI và ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Âu Mỹ. Năm 2008, tuần báo Courier International trao tặng cho Huynh đệ giải Tiểu thuyết nước ngoài lần thứ nhất và
gọi tác phẩm này là “một quyển tiểu thuyết phiêu lưu vĩ đại” [164]. Từ đó, các tờ báo của Mỹ như The Boston Globe, New Yorker, Los Angeles Times… cũng gọi tác phẩm đó là “tiểu thuyết phiêu lưu” trong các bình luận của mình. Học giả người Mỹ Oliver Kohns trong một nghiên cứu thể hiện quan điểm tương tự khi viết: Huynh đệ là “bộ tiểu thuyết phiêu lưu viết về Trung Quốc trong gần bốn mươi năm chuyển từ cuộc cách mạng văn hóa đẫm máu sang chủ nghĩa tư bản phi lý” [168, 256]. Tuy nhiên, phải thấy rằng phiêu lưu chỉ là một phần trong tiểu thuyết Dư Hoa, chưa tạo thành cấu trúc tác phẩm và kiểu loại nhân vật. Sự hiểu lầm này cũng có thể coi là
một điểm tích cực bởi các nhà nghiên cứu phương Tây đã nhìn thấy những điểm quen thuộc trong tác phẩm của Dư Hoa và làm phong phú thêm ý nghĩa cho tác phẩm của ông.
Qua đây có thể thấy tác phẩm của Dư Hoa được dịch rộng rãi, nghiên cứu sâu sắc và đón nhận ở Mỹ. Đây cũng có thể coi là sự chấp nhận của phương Tây đối với văn học, văn hóa đương đại Trung Hoa. Trong sự bao quát của chúng tôi từ các