Miêu tả nhân vật qua các chi tiết mang dấu ấn chủ nghĩa tự

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 108 - 111)

6. Cấu trúc của luận án

3.3.1. Miêu tả nhân vật qua các chi tiết mang dấu ấn chủ nghĩa tự

Nhân vật bi kịch của Dư Hoa là những con người từ chối lý tưởng đạo đức, những ước mơ, tình cảm bay bổng. Đó không còn là con người tinh thần thuần khiết, Con Người viết hoa, con người “phải trở thành” của chủ nghĩa hiện thực cách mạng, mà là con người hiện sinh, là chủ thể sinh lý bị chi phối mạnh mẽ bởi đời sống bản năng. Các chi tiết mang dấu ấn của chủ nghĩa tự nhiên được sử dụng như một phương tiện để trả lại tiếng nói cho nhân vật, hướng đến sự chân thực trong trạng thái nguyên sơ.

Đối với đa số nhân vật, có thể nhận thấy Dư Hoa ít miêu tả chi tiết, cụ thể về ngoại hình. Hầu như nhà văn chỉ có một số nét miêu tả ngoại hình nhân vật nữ, hơn nữa lại thường sử dụng các chi tiết mang tính phồn thực, tập trung vào các bộ phận nhạy cảm. Chẳng hạn, đó là Phùng Ngọc Thanh - “cô gái béo tốt đẫy đà”, “hai vú cô nhảy nhót trong vải áo”, “lông nách cô nhạt màu hiện rõ trong gió sớm” [35, 41]; là Anh Hoa với “cái mông béo núng nính”, “hai đùi bên dưới quần chị đen lóng lánh dưới ánh nắng” [35, 86]; là bà góa - “một người đàn bà bốn mươi tuổi to khỏe, mồm rộng, chân đất, đi thoăn thoăn thoắt trên bờ ruộng... Cái mông núng na núng nính của bà không hề dè sẻn phát tán một cảm giác đẫy đà ngồn ngộn... Bộ ngực của bà lại không phốp pháp tương xứng, trái lại phẳng phiu như đường bê tông thành phố”

[35, 72]; là hai mẹ con Quế Hoa “mông người nào cũng béo núng na núng nính, từ trên nhìn xuống, ... không phân biệt rõ đâu là mông, đâu là đùi của hai mẹ con” [34, 29]; là Lâm Phân Phương có “thân thể phốp pháp”, khi “nằm trên giường, thịt phủ trên giường như một ngôi nhà sụt lở, nhất là bộ ngực to phè của chị, khi sệ sang hai bên, đều vượt qua vai”, còn cặp giò thì to, “da thịt trắng nõn phơi bày trên chiếu cói, do béo quá, thịt sệ sang hai bên,... bè bè hai mảng to phè” [34, 155-156]. Đó còn là bà Đồng với “cái mông béo giống như miếng thịt còn tươi nguyên”, là người đẹp Lâm Hồng với cái mông “không béo không gầy”, “tròn tới mức như cuộn lại, làn da căng lên” [37, 9]. Ngoại hình nhân vật nữ ở đây đều được mô tả qua cái nhìn của nam giới, gợi cảm xúc dục tính. Điều này khiến không ít người đọc cảm thấy không hài lòng. Dễ hiểu khi Lưu Hổ từ góc nhìn của ý thức nữ quyền, phê phán Dư Hoa đã kiến tạo nhân vật nữ từ chế ước của ý thức nam quyền, xuất phát từ nhu cầu của nam nhân [117]. Tuy nhiên, ta phải thấy việc miêu tả của Dư Hoa không nhằm thể hiện sự bất bình đẳng giới tính mà chỉ nhằm hướng tới hình ảnh con người tự nhiên với dục vọng bản năng sinh lý, đối lập với con người xã hội, đạo đức được tô vẽ một thời. Bởi trong tiểu thuyết của mình, Dư Hoa đã dúi đầu hầu hết đàn ông của thị trấn Lưu xuống hố phân trong nhà vệ sinh công cộng để nhòm trộm mông đàn bà (Huynh đệ), đã khiến cho Lưu Sơn Phong, Tôn Quảng Tài – những con người mang đầy dục tính phải chết ắng ặng ở nơi hôi thối, bẩn thỉu nhất trần gian. Vậy nên cách miêu tả nhân vật trên phù hợp với định hướng sáng tác của nhà văn.

Về hành động của nhân vật, Dư Hoa cũng cho thấy con người ở đây là chủ thể sinh lý, là những “sinh vật được tạo thành từ những nội tạng” [13, 594] như cái nhìn của nhà tự nhiên chủ nghĩa Zola. Hành động của các nhân vật vì thế đậm chất trần tục, mang tính vật chất, thể chất, thậm chí là ghê tởm. Việc ăn uống của Hứa Tam Quan là một ví dụ tiêu biểu. Lí do anh thích ăn ở nhà ăn nhà máy tơ bởi ăn ở những nơi khác “anh không nấc, nhưng ăn ở nhà ăn nhà máy tơ, no nấc suốt đêm, nấc đến sáng”. Hơn nữa, ăn một bữa cơm ở nhà ăn tập thể Ủy ban nhân dân thành phố “mệt phờ râu trê”, “mệt hơn đánh trận”, “người ta lại còn đánh rắm thối inh, mình lợm giọng không sao nuốt nổi” [36, 183-184]. Hay Tống Phàm Bình là nhân

vật được tạo dựng mang hơi hướng lý tưởng. Tuy nhiên, những hành động phi phàm của người giáo viên trung học này cũng chỉ dừng lại ở phạm vi đời thường như cú úp bóng rổ thần sầu, pha rê chân càn quét, tài nói chuyện tán vung thiên địa. Điều khiến Lý Lan cảm phục nhất ở người chồng của mình là một hành động phi thường nhưng cũng hết sức bẩn thỉu theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là lúc Tống Phàm Bình nhảy xuống hố phân người ngập đến ngực, “giơ hai tay từ từ rà mò trong phân, dòi bọ bò lổm ngổm trên cổ và mặt anh…, bò lên miệng, lên mắt, lên mũi, lên tai” [37, 33], vớt và cõng bố Lý Trọc lên khỏi hố phân hôi thối ngút trời. Sự khỏe khoắn của Tống Phàm Bình còn được mô tả qua chi tiết “bước chân kêu uỳnh uỳnh như gõ trống, khi anh đứng sát tường bên ngoài đi tiểu tiện, nước tiểu cứ chảy xối xả như mưa bão” [37, 61]. Đó còn là những người đàn bà “bị phân bám đầy mông... cong mông lên, lấy lá ngô đồng lau phân bám trên mông và cứ chùi đi chùi lại mãi” [37, 32].

Những xúc cảm, hành động tính dục của các nhân vật cũng thường xuyên được Dư Hoa miêu tả. Đó là cảm giác của Tôn Quang Lâm “da đầu rần rật tê tê” khi nhìn thấy vú của Phùng Ngọc Thanh; là cảm giác toàn thân “rạo rực” của Lý Lan khi nhìn mãi nửa người để trần vạm vỡ của Tống Phàm Bình; là hành động không kiềm chế nổi của Tống Phàm Bình, “cứ liên tục nhìn vào ngực áo ướt của Lý Lan”; là âm thanh “chùn chụt chùn chụt”, tiếng “rên hừ hừ, có lúc còn kêu lên ái à, ái à”, tiếng “mái chèo oằm oặp, oằm oặp” vang lên từ nhà trong của đôi vợ chồng mới cưới; đó còn là “sự chìm đắm trong cảm xúc ngập tràn của xác thịt” của Lâm Hồng khi Lý Trọc tấn công. Các nhân vật của Dư Hoa bất kể là đàn ông hay đàn bà, bất kể là trẻ con, thiếu niên, trung niên hay lão niên đều được tác giả nhìn nhận từ góc độ dục tính. Bản năng tính dục được coi là một giá trị bền vững của con người – sinh vật.

Miêu tả con người với tư cách là một sinh vật bằng các chi tiết mang dấu ấn của chủ nghĩa tự nhiên là phương thức hiệu quả để Dư Hoa khắc họa kiểu nhân vật bi kịch với tất cả dáng vẻ trần tục của nó. Những dáng vẻ, hành động thể hiện phương diện sinh học của con người được nhìn nhận là một giá trị bất biến giữa mọi

biến thiên của cuộc đời. Nó tồn tại như một giá trị không đổi, đối lập với những giá trị đạo đức – xã hội luôn luôn biến đổi, thậm chí suy thoái, hỗn loạn và biến mất. Chỉ tin vào bản năng, vào con người sinh vật là hệ quả từ việc“sống một thời gian dài theo nề nếp quy củ, ảo tưởng bị tan vỡ và sự trớ trêu của hiện thực” [35, 74] khiến cho con người ta vỡ lẽ: không một giá trị đạo đức, tư tưởng nào tồn tại vĩnh hằng. Qua đây, nhà văn đồng thời thể hiện một thái độ khách quan, phi chính trị đối với thế giới. Đây chính là tôn chỉ thống nhất khi Dư Hoa xây dựng kiểu nhân vật bi kịch.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w