6. Cấu trúc của luận án
3.1.1. Cái bi và kiểu nhân vật bi kịch
“Cái bi” là một phạm trù thẩm mĩ gắn liền với nỗi buồn, mất mát, đau thương. Cơ sở của cái bi là sự “xung đột giữa yêu cầu tất yếu về mặt lịch sử với việc không có khả năng thực hiện được yêu cầu đó trong thực tiễn” [24, 38]. Xung đột này được cụ thể hóa trong cuộc đấu tranh không ngang sức giữa cái thiện và cái ác, cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái phản động… với điều kiện những cái sau còn mạnh hơn những cái trước. Cái bi là sự mất mát, đau thương nhưng là sự mất mát của lý tưởng, của cái cao cả, cái đẹp chứ không phải sự mất mát của những giá trị đã không còn ý nghĩa tiến bộ. Đó là sự đau thương đến từ thất bại của con người và lực lượng có sức mạnh lớn lao, phẩm chất cao cả, đại diện cho sự phát triển tiến bộ của lịch sử, mang những lý tưởng đẹp đẽ, khát vọng chân chính. Bởi vậy mà cái bi rất gần gũi với cái cao cả, cái anh hùng. Điều này thể hiện rõ ở chỗ khi miêu tả cái bi lịch sử không thể thiếu chất anh hùng. Nó tạo nên tính chất bi tráng, khiến nhân vật trở nên rực rỡ, đẹp đẽ hơn.
Khái niệm “bi kịch” trong “kiểu nhân vật bi kịch” được chúng tôi sử dụng ở đây không nhằm chỉ một thể của loại hình kịch mà nhằm hướng đến phẩm chất bi thương của nhân vật. Nhân vật bi kịch được xây dựng dựa trên tinh thần của cái bi. Nó mang đau thương, buồn bã khiến người ta phải động lòng thương xót. Nó thể
hiện những khát vọng chính đáng nhưng bị vùi dập. Nó cho thấy phương diện thiếu tiến bộ, thiếu nhân văn của thời đại. Nhân vật bi kịch thường là nhân vật chính diện dám tự nguyện trả giá cho những chiến thắng và sự bất tử về tinh thần bằng nỗi đau và cái chết của chính mình. Sự đau đớn, thất bại hay thậm chí là cái chết của nhân vật bi kịch chỉ là sự thất bại tạm thời chứ không phải là sự diệt vong của cái tiến bộ, cái cao cả. Hơn thế nữa, về bản chất, nhân vật bi kịch phát hiện, khẳng định, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, anh hùng của con người. Nói cách khác, nhân vật bi kịch bất tử hóa khát vọng, cái thiện, cái đẹp của con người.
Khai thác khía cạnh đau khổ, mất mát của nhân vật không phải là điều gì mới lạ mà rất phổ biến trong văn học. Riêng văn học Trung Quốc, từ người nông dân, thợ chặt gỗ, thợ đẩy thuyền bị bóc lột sức lao động trong Kinh Thi đến con người tài ba, một lòng yêu nước yêu vua bị ruồng rẫy, dèm pha, phải đau đớn quyết dùng cái chết để bảo vệ lý tưởng của mình trong thiên Ly tao (Khuất Nguyên); từ hình tượng người dân đen chịu muôn vàn khổ cực do thuế khóa, chiến tranh trong thơ Đỗ Phủ đến hình tượng người phụ nữ mang bi kịch tinh thần do sự đè nén của những hủ tục lạc hậu và vô tâm của người xung quanh trong truyện ngắn Lỗ Tấn… đều có thể coi là những nhân vật bi kịch. Dư Hoa cũng lựa chọn kiểu nhân vật bi kịch làm trung tâm cho thế giới nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, như đã phân tích ở mục Đặc trưng nhân vật tiểu thuyết Dư Hoa dưới định hướng “tân tả thực”, kiểu nhân vật
này dưới ngòi bút Dư Hoa thoạt nhìn rất gần gũi với kiểu nhân vật nạn nhân được kể ra ở trên, nhưng về bản chất, chúng có nhiều điểm khác biệt. Bi kịch của các nhân vật ở đây không còn mang ý nghĩa đại diện cho một giai cấp, tầng lớp nào mà mang tính phổ quát. Thông qua kiểu nhân vật này, Dư Hoa đã tiếp cận với nỗi đau khổ của con người theo một cách thức khác.
Nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa là những con người bé nhỏ, cô đơn vật lộn với cuộc mưu sinh hằng ngày. Họ không mưu cầu điều gì cao xa mà chỉ mong được sống: “Con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải vì bất cứ vật nào ngoài sự sống” [37, 191]. Trong “một thời đại mất Chúa” (Kierkegaard), đáp lại “lời kêu gọi của con người” chỉ là “sự im lặng của cuộc đời” (A. Camus),
nhân vật thuộc thế giới nghệ thuật của Dư Hoa đã lấy hiện hữu làm cứu cánh, xem đó là mục đích cao cả nhất của đời người. Quan niệm mang đậm màu sắc hiện sinh này là tư tưởng hạt nhân của kiểu nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết của Dư Hoa.