6. Cấu trúc của luận án
2.3.1. Tả thực truyền thống và “tân tả thực”
2.3.1.1. Tả thực truyền thống
Nếu hiểu theo nghĩa rộng, khi nói đến tính chất tả thực của một tác phẩm là người ta muốn nói đến tác phẩm nghệ thuật đó có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với
cuộc sống và mang tính chân thực sâu sắc. Nhưng khi nói đến “tả thực truyền thống”, chúng tôi muốn hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ một phương pháp nghệ thuật ra đời vào những năm 30, 40 thế kỉ XIX ở phương Tây và có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học các nước châu Á, đó là “realism” - được dịch là “chủ nghĩa hiện thực” hay “chủ nghĩa tả thực”. Chủ nghĩa hiện thực về cơ bản được xây dựng dựa trên quan niệm cho rằng thế giới là một tổng thể hữu cơ, bao gồm một kết cấu “bản chất” đứng sau kiểm soát thế giới hiện tượng mà con người có thể mắt thấy tai nghe, giữa các hiện tượng, sự vật luôn có mối quan hệ nhân - quả. Con người nhận thức thế giới thông qua “bản chất” và mối quan hệ nhân quả ấy. Từ đó, tác phẩm văn học được sáng tác theo phương pháp nghệ thuật này phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc mĩ học sau:
Thứ nhất, mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất những hiện tượng của chính cuộc sống và bằng điển hình hóa các sự kiện thực tế của đời sống.
Thứ hai, thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người với môi trường sống, giữa tính cách với hoàn cảnh, các hình tượng nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa hướng tới tái hiện chân thực các mối quan hệ khác của con người với hoàn cảnh.
Thứ ba, cùng với sự điển hình hóa nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực coi trọng những chi tiết cụ thể và độ chính xác của chúng trong việc mô tả con người và cuộc sống, coi trọng việc khách quan hóa những điều được mô tả, làm cho chúng "tự" nói lên tiếng nói của chính mình.
Chủ nghĩa hiện thực sau đó phát triển, mang một khuynh hướng mới – cảm hứng phân tích phê phán trong sự cảm thụ và mô tả thực tại. Đến đây, chủ nghĩa hiện thực có thêm tên mới là chủ nghĩa hiện thực phê phán. Trong cuộc đấu tranh cho sự thiết lập và xây dựng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản và nhân dân lao động các nước trên thế giới, trên nền tảng của chủ nghĩa hiện thực phê phán, phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời. Phương pháp sáng tác này lấy thế giới quan Mác – Lê-nin làm cơ sở triết học và nguyên lý tính Đảng làm nguyên tắc chỉ đạo. Đến đây, phương pháp sáng tác này có khuynh hướng
mang màu sắc chính trị. Trong quá trình vận dụng, có lúc nó bị hiểu hạn hẹp, giáo điều.
Dù trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau nhưng bao giờ nhiệm vụ của chủ nghĩa hiện thực cũng là phân tích, loại bỏ các biểu hiện mang tính hiện tượng, mô tả một thế giới hoàn chỉnh, có trật tự, chỉ ra “bản chất” của thế giới và mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng. Nhà văn hiện thực chủ nghĩa sẽ trả lời độc giả các câu hỏi: Bản chất của thế giới là gì? Cuộc sống là gì? Con người nên làm gì? Chúng ta nên làm gì? Do vậy, có thể nói, chủ nghĩa hiện thực là một phương pháp sáng tạo lý tính. Điều quan trọng ở chỗ cái gọi là “bản chất” hay “lý tính” của chủ nghĩa hiện thực không thể tránh khỏi sự chi phối của ý thức hệ, của quyền lực chính trị trong từng giai đoạn xã hội nhất định.
Trung Quốc là quốc gia có lịch sử đấu tranh giai cấp gay gắt và dài lâu. Chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác thích hợp ở đây, nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh dài lâu ấy. Chúng có vai trò quan trọng trong định hướng sáng tác và là căn cứ, tiêu chuẩn để đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Trong một thời gian khá dài, với hoàn cảnh xã hội đặc thù, cái gọi là “bản chất đời sống” của chủ nghĩa hiện thực được thu lại trong mâu thuẫn giai cấp, các “điển hình nghệ thuật” cũng được quy chiếu đến một giai cấp, tầng lớp hay một khuynh hướng tư tưởng nhất định (dù về mặt lí luận, chủ nghĩa hiện thực không đồng nhất tính chất điển hình của nhân vật với phương diện giai cấp, tư tưởng của nhân vật đó). Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, quan điểm này đã phát huy tác dụng nhất định, góp phần vào cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của xã hội. Điều này thể hiện rõ trong sáng tác của các nhà văn thời kì Ngũ tứ và phong trào văn học cách mạng vô sản nửa đầu thế kỉ XX như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Tào Ngu... Đây chính là tả thực truyền thống mà chúng tôi muốn nói đến, trong sự đối chiếu với “tân tả thực”.
2.3.1.2. “Tân tả thực”
Khái niệm “tân tả thực” được sử dụng trong mối quan hệ so sánh, đối chiếu với “tả thực truyền thống”. Thực chất đây là khái niệm được chúng tôi tham khảo từ
tên của một trào lưu tiểu thuyết ra đời ở Trung Quốc vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỉ XX - trào lưu “tiểu thuyết tân tả thực”. Đây là một trào lưu để lại dấu ấn đáng kể trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại. Cách hiểu khái niệm “tân tả thực”, về cơ bản, lấy các đặc điểm của trào lưu văn học này làm nền tảng.
Như tên gọi của nó, văn học “tân tả thực” lấy cuộc sống hiện thực làm trung tâm, lấy bút pháp tả thực làm phương tiện chủ yếu, khiến tác phẩm từ nội dung đến hình thức tiến gần đến đời sống bình dân, rất chân thực và cụ thể. Tuy nhiên, cái mới nằm ở chỗ nó nhận thức lại một số vấn đề trọng yếu của chủ nghĩa hiện thực hay tả thực truyền thống như chúng tôi đã trình bày ở trên. Như thế nào là “bản chất của hiện thực” đời sống, thế nào là "điển hình nghệ thuật"? Theo các tác giả “tân tả thực”, do quyền lực chính trị luôn kiểm soát chặt chẽ văn học Trung Quốc nên đường lối văn nghệ luôn đòi hỏi các "điển hình nghệ thuật" phải thể hiện sáng rõ xu hướng chính trị của người sáng tạo, thông qua tác phẩm để truyền tải đến độc giả một "chân lý", một tư tưởng đặc định nào đó. Thế nên cái gọi là “bản chất của hiện thực” trong tả thực truyền thống thực chất là các sự kiện đời sống đã được gia công, xử lý thông qua một hình thái ý thức trước khi đi vào tác phẩm. Cái gọi là “chân thực” mà các nhà hiện thực chủ nghĩa luôn đề cao thực chất lại mang tính giả tạo, cuộc sống được tái hiện trong tác phẩm thực chất cũng không thực sự tồn tại. Điều này khiến cho tính khách quan, chân thực mà chủ nghĩa hiện thực luôn theo đuổi đã bị hạn chế. Họ nhận ra rằng cuộc sống hiện sinh phong phú hơn cái gọi là “bản chất” đời sống như quan niệm trước nay (quan niệm này cũng tương tự như ở Việt Nam khi nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến gọi văn học giai đoạn trước đổi mới là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, còn nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi đó là một “nền văn nghệ minh họa”). Trào lưu “tân tả thực” phản đối và từ bỏ nguyên tắc sáng tạo mang màu sắc quyền lực chính trị như thế, mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa văn học và hiện thực một cách tối đa. Đặc trưng sáng tạo cơ bản nhất của nó là hoàn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của cuộc sống, hay đem đến cho độc giả một sự thực ở trạng thái thuần khiết mà không bị che khuất bởi bất cứ một ý thức hệ hay quyền lực chính trị nào. Sự hoàn nguyên bản chất của đời sống, một mặt có thể coi
là một thái độ sáng tác khách quan tương đối mà các tác giả đã cố ý chọn lựa, mặt khác là ý thức muốn tiêu trừ cái gọi là “bản chất”, phân hủy cái gọi là “điển hình” của chủ nghĩa hiện thực truyền thống hay chính là quyền lực chính trị áp đặt lên việc nhận thức các vấn đề đời sống. Hiện thực từ đó trở về với những sự kiện hết sức ngẫu nhiên, với những thứ vụn vặt như “khoảnh đất đầy lông gà lông vịt”, nửa cân đậu phụ thiu, những mong muốn trần tục như "hễ sướng thì hét lên" (tên tiểu thuyết của Trì Lợi), những thứ tầm thường, bẩn thỉu như cứt đái, đờm dãi, mông đít....
Như vậy, “tân tả thực” nếu dùng với tư cách là một phương pháp sáng tác thì cần được nhìn trong sự đối chiếu so sánh với phương pháp tả thực truyền thống. “Tân tả thực” cũng lấy những vấn đề có thực trong xã hội con người làm đối tượng sáng tác, hướng tới cung cấp cho độc giả bức tranh chân thực, sống động, gần gũi về cuộc sống. Nhưng cái khác ở chỗ, hiện thực trong “tân tả thực” đã được tẩy bỏ màu sắc chính trị, những phán đoán đạo đức để trả lại diện mạo nguyên sơ ban đầu. Hiện thực đó không bị bó hẹp trong những vấn đề từng được coi là “bản chất”, “điển hình”, trong những vấn đề xã hội từng được coi trọng trước đây. Từ đó, nó nghi ngờ và phủ nhận những tín điều trong văn học như: văn học bắt nguồn từ hiện thực nhưng cao hơn, đẹp hơn, lý tưởng hơn hiện thực; những bài học đạo đức cần phải có để đảm bảo chức năng giáo dục của văn học; sự can thiệp tình cảm của chủ thể hay sự phán đoán giá trị của chủ nghĩa tả thực truyền thống... Hiện thực vì thế cứ trình hiện ra trước mắt độc giả thấm nhuần hơi thở sống động của cuộc sống hiện sinh.
Từ thay đổi quan niệm về hiện thực, khuynh hướng tư tưởng của “tân tả thực” vì thế cũng thay đổi. Trong khi cảm thụ và mô tả thực tại, “tân tả thực” giữ lối tự sự độ không, thể hiện khuynh hướng xóa bỏ chủ thể, trái ngược với khuynh hướng phê phán sắc bén hay thể hiện tính lý tưởng, đầy nhiệt huyết của tả thực truyền thống. Như vậy, xét đến cùng, “tân tả thực” cũng thuộc phương pháp tả thực khi nó chú trọng sự chân xác đến từng chi tiết, tiến tới nắm bắt bản chất hiện thực đời sống. Nhưng đó là sự phát triển thêm một bước, cởi mở và dung nạp những tư
tưởng mới nhằm cải tạo tả thực truyền thống, có khuynh hướng phủ nhận những nguyên tắc then chốt của tả thực truyền thống, thể hiện một quan niệm mới về cuộc đời và con người.
2.3.2. Sáng tạo nhân vật dưới định hướng “tân tả thực” - sự đáp ứng yêucầu của thực tiễn văn học và mục đích sáng tạo của Dư Hoa