6. Cấu trúc của luận án
2.1.1. Những biến động của bối cảnh lịch sử xã hội
Dư Hoa bắt đầu sáng tác từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, có nghĩa là sự nghiệp văn chương của ông nằm trọn vẹn trong Thời kì mới. Thuật ngữ "Thời kì mới" được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24 tháng 12 năm 1978. Giới hạn thời gian của "văn học Thời kì mới", ở Trung Quốc, hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ở đây, chúng tôi sử dụng thuật ngữ "Thời kì mới" nhằm chỉ thời kì văn học từ năm 1976 đến nay, là thời kì văn học có những đổi mới mang tính bước ngoặt trong sự đối lập với "thời kì cũ" – thời kì hai mươi bảy năm (1949 – 1976) chấp chính của Mao Trạch Đông. Bên cạnh đó, do trong thời kì này lại có những giai đoạn mang đặc trưng riêng nên chúng tôi sử dụng thêm các khái niệm bổ sung như "văn học thập niên 80", "văn học thập niên 90" để chỉ văn học những năm 80, 90 của thế kỉ XX và khái niệm "văn học thế kỉ mới" để chỉ văn học từ năm 2000 đến nay.
2.1.1.1. Không khí thời đại
Không khí của Thời kì mới được tạo nên bởi các sự kiện, biến cố lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp xã hội, làm thay đổi tư tưởng, tình cảm của con người. Trong đó có thể kể đến ba biến cố lớn: cuộc Đại cách mạng văn hóa (1966- 1976) kết thúc, Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1977)
và cuộc chuyển đổi hình thái xã hội toàn diện của Trung Quốc những năm 90 của thế kỉ XX.
Năm 1976, cuộc Đại cách mạng văn hóa mười năm kết thúc. Dưới danh nghĩa cách mạng, Đại cách mạng văn hóa thực chất lại là sự bức hại công khai đối với nhân dân. Bạo lực, chết chóc, trấn áp, cấm đoán là màu sắc chủ đạo của thời kì này. Trong mười năm đầy biến động ấy, con người phải chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng và bị chà đạp đến tận cùng cả về thể xác lẫn tinh thần. Cho đến khi sự kiện này kết thúc, nhà văn Ba Kim đã phẫn nộ thét lên: "Chúng ta phải xây dựng viện bảo tàng Cách mạng văn hóa". Bởi theo ông, đó không phải là "việc của cá nhân ai. Chúng ta phải có trách nhiệm làm cho con cháu muôn đời của chúng ta ghi nhớ bài học thảm khốc của mười năm ấy. Không để cho lịch sử tái diễn" [theo 68, 15]. Mười năm hỗn loạn chính trị đó là quãng thời gian bi ai, kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại Trung Hoa mà di chứng của nó vẫn ám ảnh con người cho đến ngày nay. Sau khi cuộc cách mạng kết thúc, bước sang Thời kì mới, tư tưởng được giải phóng, con người mới ý thức sâu sắc những vết thương do nó gây ra nặng nề đến mức nào.
Năm 1977, Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc tại Bắc Kinh chính thức tuyên bố “kết thúc thời kì mười năm động loạn”, “mở ra một Thời kì mới” và “kỉ nguyên mới” cho đất nước. Công cuộc "cải cách mở cửa" toàn diện, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa và phát triển kinh tế, xã hội của nhà nước đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống, trong đó có văn học nghệ thuật. Những điều chỉnh của chính phủ giai đoạn này đã phần nào giải phóng tư tưởng, khai mở những vùng "cấm kị", "cởi trói" cho văn nghệ khỏi sự trói buộc một cách dung tục của chính trị. Đây chính là điều kiện quyết định để văn học bước vào thời kì phồn vinh trong những năm 80.
Trong thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, Trung Quốc tiến hành chuyển đổi hình thái xã hội toàn diện, đẩy nhanh quá trình cải cách mở cửa, chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, còn văn hóa nghệ thuật và tư tưởng thành "bên lề". Được thúc đẩy bởi nguyên tắc thị trường, những nhu
cầu về vật chất cũng tăng lên, xã hội vì thế có sự phân hóa rõ rệt về định hướng giá trị. Mặt khác, chính nền kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến văn học khi biến các tác phẩm nghệ thuật thành hàng hóa tham gia vào quá trình cung – cầu. Khác với thập niên trước, các nhà xuất bản, tạp chí của thập niên 90 được tái cấu trúc theo định hướng thị trường, lấy lợi nhuận làm mục tiêu. Một số tạp chí trước đây vốn hỗ trợ rất lớn cho các tác phẩm "thuần văn học" như Côn Luân, Lệ Giang,
Tiểu thuyết… bị đình bản. Để tồn tại và phát triển, họ buộc phải chạy theo thị hiếu
thẩm mĩ của công chúng. Đây là một thách thức đối với các nhà văn khiến họ không thể mãi đắm mình trong tháp ngà nghệ thuật, không thể né tránh việc những tác phẩm nghệ thuật của mình trở thành thương phẩm, không thể đứng ngoài quy luật thị trường. Họ buộc phải đứng trước sự xung đột giữa "văn học tinh anh" và "văn học đại chúng", giữa sự lựa chọn thỏa hiệp hay không với truyền thông và đòi hỏi của công chúng (việc sử dụng khái niệm "văn học tinh anh" trong sự phân biệt với "văn học đại chúng" ở đây hoàn toàn không nhằm phủ định phẩm chất "tinh anh" có thể có trong văn học đại chúng mà chỉ nhằm phân biệt hai định hướng sáng tác). Đứng trước nguy cơ biến thành con rối trong tay của văn hóa tiêu dùng, văn chương buộc phải thay đổi để thích nghi, mặt khác, phải vượt lên để định hướng thẩm mĩ cho công chúng.
Hơn nữa, các nhà văn từ thập niên 90 trở đi còn chịu một áp lực khác đến từ chính sách “kiến thiết chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” của nhà nước. Nó đòi hỏi sự phát triển của Trung Quốc phải mang màu sắc bản địa, phân biệt với văn hóa phương Tây. Tương ứng với điều đó, nhà nước yêu cầu văn học phải “tăng cường giọng chính, khởi xướng đa dạng hóa”. Đây là chính sách quan trọng nhất ảnh hưởng toàn diện đến văn học thời điểm này. Theo một số học giả, cơ cấu quản lý xã hội đương thời hình thành “một tập hợp các phương thức quản lý và chính sách văn hóa quốc gia ngày càng rõ ràng” với “trọng tâm quản lý hiện tại ngày càng thiên vị đối với quá trình xuất bản và phổ biến tác phẩm chứ không phải là quá trình sáng tạo ra chúng” [131, 9]. Thật vậy, để hỗ trợ cho các tác phẩm “giọng chính”, một số giải thưởng văn học quốc gia đã được đề ra như “Giải thưởng văn học Mao
Thuẫn”, “Giải thưởng văn học Lỗ Tấn”, “Giải thưởng văn học dân tộc thiểu số toàn quốc”… Những tác phẩm đạt giải thưởng, được nhà nước ban cho tính chất hợp pháp sẽ được thị trường săn đón. Điều đó vốn có sức cám dỗ rất lớn bởi đây là môi trường thuận lợi để tác phẩm giọng chính gây thanh thế và giành địa vị thống trị. Sức mạnh của văn học giọng chính được phát huy khiến sự nhiệt tình, bầu không khí văn học năng động và trật tự bình đẳng hình thành trong những năm 80 về cơ bản đã biến mất.
Như vậy, chỉ trong vòng mấy mươi năm, lịch sử, xã hội Trung Quốc đã có nhiều biến động, từ cấm đoán đến cởi bỏ những rào cản trong tư tưởng, từ lấy khai phóng tư tưởng làm trung tâm đến lấy phát triển kinh tế thị trường làm trung tâm, từ sự đề cao, học hỏi các trường phái triết học, văn học phương Tây đến lấy màu sắc Trung Quốc, tinh thần bản địa làm nòng cốt. Sự biến động đó tất yếu làm đổi thay tư tưởng, lý tưởng thẩm mĩ thời đại. Văn chương nghệ thuật vì thế cũng buộc phải thích ứng.
2.1.1.2. Tư tưởng, tâm lý thời đại
Tâm lý thời đại của người Trung Quốc những năm 80 có sự xen lẫn của hai nét nổi bật. Thứ nhất là cảm giác hân hoan trong những ngày đầu được "cởi trói", thứ hai là tinh thần hoài nghi với các "siêu tự sự". Vui sướng, ngập tràn cảm giác tươi mới là những cảm xúc dễ hiểu của người dân Trung Hoa, đặc biệt là giới trí thức. Trong bối cảnh công cuộc cải cách mở cửa hứa hẹn viễn cảnh tươi đẹp đầy tính lý tưởng, tư tưởng được khai phóng, rộng đường tiếp nhận các luồng không khí hiện đại Tây phương, trí thức Trung Quốc lại được coi trọng nên họ không khỏi mê đắm làn gió mới. Đây là cơ hội cho trí thức Trung Hoa được hào sảng, tự tin thể hiện tiếng nói bị dồn nén bao lâu nay của cá nhân và thế hệ mình. Thế nhưng trái khoáy thay, đó chủ yếu lại là tiếng nói của những tâm hồn bị tổn thương. Một dân tộc Trung Hoa đã trải qua quá nhiều biến cố chính trị, quá nhiều hiểm nguy và tai họa, cảm thấy rằng liệu những ngày vui trước mắt có kéo dài lâu. Hoài nghi vì thế trở thành trạng thái phổ biến. Niềm tin về một trật tự bình ổn đã đổ vỡ. Thế nên họ thể hiện "vết thương" mà quá khứ vừa gây ra, họ truy tìm gốc rễ của nỗi đau trong
lịch sử văn hóa dân tộc, họ "phản tư" về các "đại tự sự". Hai nét tâm lí này tưởng trái ngược nhưng tương khắc tương sinh, luôn song hành đưa đến cục diện hết sức phong phú của văn học Trung Quốc những năm 80. Tuy nhiên, thời kì này kéo dài không lâu, nó nhanh chóng trở thành một "hoài niệm đẹp đẽ" (Vương Mông) trong kí ức của trí thức Trung Hoa khi bước sang thập niên 90.
Nhà thơ Từ Trì năm 1980 đăng trên Tạp san thơ số 1 bài Thập niên 80 với những câu thơ hết sức tự tin: "Chúng ta sẽ rũ bỏ quần áo cũ, mặc trang phục mới soi gương điểm trang lại". Nhưng đến năm 1996, nhà thơ kiệt xuất ấy đã tự vẫn. Thế giới tinh thần đầy lý tưởng của trí thức đương thời xung đột mạnh mẽ với cuộc sống vật chất đang lên ngôi. Chủ nghĩa thực dụng phổ biến vào thời đại kinh tế thị trường của những năm 90 trở thành một ngữ cảnh mới mà người trí thức Trung Hoa phải đối mặt. Dưới sự chi phối của kinh tế thị trường, nền văn hóa đại chúng lấy tính tiêu khiển, giải trí làm bản vị, lấy tính thương nghiệp, tính thời thượng làm vỏ ngoài. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì mà trí thức thập niên 80 đã từng theo đuổi. Một mặt, họ không thể phủ nhận những tích cực của sự phát triển thế giới vật chất, nhưng mặt khác, họ lại đau khổ khi lý tưởng một thời đứng trước nguy cơ sụp đổ. Giả Bình Ao từng cảm thán: "Những thứ ngày xưa mất đi một cách nhanh chóng, giống như nước bị hắt đi, những thứ mới lại đến một cách chậm chạp, đến rồi cũng không nắm được" [theo 57, 210]. Con người bị mất đi kí ức, mất đi gốc rễ của mình, mất cả sự nắm bắt ý nghĩa sinh tồn của cá nhân, của nhân loại. Trong văn chương chỉ còn lại những "phế đô" (tên tiểu thuyết của Giả Bình Ao), những kẻ "bên rìa cuộc sống" (tên tiểu thuyết của Tất Phi Vũ), những đứa trẻ mãi ôm lấy bầu vú mẹ chẳng chịu lớn như Thượng Quan Kim Đồng (Báu vật của đời - Mạc Ngôn). Người ta không còn đủ tự tin để khẳng định, để kêu gào, để đòi hỏi mà khiếp hãi thu mình trong một mong muốn duy nhất là "được sống". Triết lý "con người vì bản thân sự sống mà sống chứ không phải sống vì bất cứ sự vật nào ngoài sự sống" của Dư Hoa khi sáng tác tiểu thuyết Sống, hay tuyên ngôn của Trì Lợi ngay từ tiêu đề tiểu thuyết Lạnh cũng tốt, nóng cũng tốt, được sống là tốt rồi là sự thể hiện điển hình cho trạng thái tinh thần này.
Bước sang thập niên 90, trí thức Trung Quốc đối diện với những thay đổi chóng mặt của nền kinh tế thị trường, một lần nữa không khỏi cảm thấy hoang mang. Hơn ai hết, văn nghệ sĩ là những người nhạy cảm nhất với những biến thiên của thời đại, cũng vì thế mà có sự chuyển đổi trong sáng tác. Sự chuyển đổi của Dư Hoa trong quan niệm nghệ thuật cũng như hệ thống thi pháp nhân vật từ truyện ngắn những năm 80 đến tiểu thuyết từ những năm 90 trở đi, rõ ràng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quá trình vận hành trên.
2.1.1.3. Ý thức thẩm mỹ của thời đại
Sự vận động của ý thức thẩm mỹ Thời kì mới là quá trình chuyển đổi từ
thanh lý ý thức quần thể chính trị đến đặt lại những vấn đề về ý thức cái tôi cá thể.
Thập niên 80 là thời kì của sự xa rời chủ nghĩa anh hùng, cái nhìn sử thi, từ bỏ tinh thần chiến đấu chính trị cuồng nhiệt và thứ tình cảm lãng mạn của thời kì trước, và là thời kì của sự hồi sinh những vấn đề về con người cá nhân. Con người muốn lên tiếng với tư cách là những cá nhân riêng biệt và mong muốn soát xét lại bảng giá trị đánh giá con người với tư cách là chính nó, là một chủ thể văn hóa chứ không phải là tư cách một giai cấp, một tầng lớp xã hội. Chính trong hoàn cảnh đó, những khát vọng sâu kín nhất được nói ra, những mảng tối trong tâm hồn con người được xới lật, chủ thể tính bấy lâu ngủ quên được thức tỉnh. Khôi phục giá trị đích thực của con người, truy hồi nhân tính là mục đích cao nhất của thời đại.
Trong giai đoạn đầu của Thời kì mới, dưới ảnh hưởng của các trào lưu triết học, văn học phương Tây như phân tâm học, triết học hiện sinh, chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại…, văn học đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc khám phá con người. Cũng trong bối cảnh này, khi văn học cao nhã, văn học nghiêm túc đang trên đà phát triển, nhà văn có cơ hội phát huy cao độ tính chủ thể của người sáng tạo, những khám phá về con người cá nhân vì thế cũng được đẩy lên đến tận cùng, thậm chí đến mức cực đoan, gần như xa lạ với đông đảo công chúng. Trào lưu truyện ngắn "tiên phong" (mà Dư Hoa là một trong những đại diện) tiêu biểu cho xu hướng này.
Đến đầu thập niên 90, cùng với sự phát triển của nền văn hóa đại chúng là sự phát triển và ngày càng chiếm ưu thế của ý thức thẩm mỹ đại chúng. Đây cũng là một loại ý thức quần thể nhưng khác với ý thức quần thể chính trị đang từng bước được giải thể, ý thức thẩm mỹ đại chúng có chủ thể là đông đảo quần chúng nhân dân. Nó coi trọng tính giải trí, tính thế tục, tính thông tục. Tính giải trí thể hiện qua nhu cầu tinh thần muốn được thoải mái, vui vẻ, thích sự thư giãn, tiêu trừ những mệt nhọc trong cuộc sống bộn bề của đại đa số quần chúng. Tính thế tục thể hiện trong sự ham thích hưởng thụ cuộc sống trần thế, đặc biệt là những thú vui về vật chất, thể xác, bản năng. Đặc điểm của tính thông tục là phổ biến, dễ hiểu, cụ thể, bất cứ ai cũng có thể tham dự, không mất quá nhiều công sức cũng có thể lĩnh hội được. Những đặc tính này sẽ định hướng công chúng quyết định lựa chọn sản phẩm nào phù hợp với sở thích, mục đích của họ. Đánh giá, phê bình của các chuyên gia với các sản phẩm văn hóa mặc dù có ảnh hưởng nhất định nhưng cũng không thể vượt qua chức phận. Loại ý thức thẩm mỹ quần thể này mặc dù đa dạng, một bộ phận trong đó thể hiện niềm hứng thú lành mạnh, có hiệu ứng tích cực đối với xã hội. Nhưng đồng thời, dưới ảnh hưởng bởi tính tiêu dùng thực dụng của nền kinh tế thị trường buổi đầu, nó lại tạo nên loại nhu cầu thẩm mỹ kiểu bình quân, đánh mất đặc trưng mang tính cá thể và có xu hướng hạ thấp những khát vọng tinh thần cao thượng, có khả năng trở nên thô tục, tầm thường. Với lực lượng đông đảo, ý thức thẩm mỹ của quần chúng ngày càng thể hiện vai trò trong việc quyết định màu sắc, xu hướng của văn hóa đương thời. "Văn học tinh anh", văn học nghiêm túc trong bối cảnh này nhằm để thu hút độc giả đã tự mình thông tục hóa, tiếp thu sở trường