Nhân vật cô đơn và sự thể hiện cái tôi bản thể

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 103 - 108)

6. Cấu trúc của luận án

3.2.3. Nhân vật cô đơn và sự thể hiện cái tôi bản thể

Giữa cõi nhân sinh đầy bất trắc, phi trật tự, con người mất đi chỗ dựa nương về tinh thần, trạng thái cô đơn vì thế là một hệ quả tất yếu, một thuộc tính mang bản chất người. Với nhân vật của Dư Hoa, cô đơn không đơn thuần là thiếu người tri kỉ mà cô đơn vì cảm thấy lạc loài, bấp bênh trong thế giới hỗn độn, mất lý tưởng, không biết đâu là chuẩn mực, không biết bám víu vào nơi nào. Con người trở thành những bản thể đơn độc, khép kín.

Trước hết, nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa cô đơn vì bị ruồng bỏ và lạc loài trong thế giới xa lạ. Có thể nói Gào thét trong mưa bụi là cuốn tiểu thuyết về sự cô đơn. Trong không gian kí ức không giới hạn của tác phẩm, các mảnh vỡ cô đơn đồng hiện, chồng lấn, gá ghép tạm bợ với nhau. Mặc dù câu chuyện được xây dựng từ kí ức của Tôn Quang Lâm nhưng nhân vật này không phải là trung tâm của tác phẩm mà chỉ là một trong những bản thể lạc loài của thế giới cô đơn này. Nhân vật

đứng bên lề cuộc đời, trở thành người thừa trong gia đình bố mẹ đẻ. Cậu chỉ đứng ngoài quan sát, không có chung hành động và cảm xúc với người thân trước mọi biến động của gia đình. Điều đó khiến cả gia đình nhìn cậu với ánh mắt xa lạ và chính cậu cũng cảm thấy mình xa lạ với xung quanh. Sau đó, cậu dần bị lãng quên, sự tồn tại của cậu không còn ý nghĩa đối với gia đình nữa. Tôn Quang Lâm bị bỏ rơi. Tuổi thơ cô độc của Tôn Quang Lâm hé lộ một chút tươi sáng khi cậu được đến ở với bố mẹ nuôi Vương Lập Cường và Lý Tú Anh. Cậu phần nào được quan tâm và tin tưởng. Nhưng ngày tháng đó kéo dài không lâu khi người bố nuôi tự vẫn, người mẹ nuôi vì đau thương mà rời đi, hoàn toàn bỏ quên cậu. Tôn Quang Lâm tiếp tục rơi vào nỗi cô độc triền miên. Cậu quay về quê hương Cửa Nam. Nhưng cậu đã quên mất lối về, quên mất ông nội và cả người bố của mình. Cũng như ông nội, người đầu tiên cậu gặp trên đường trở về, Tôn Quang Lâm đã mất đi những nối kết quen thuộc nhất mà xa lạ với những điều tưởng chừng sẽ không thể quên được.

Trên hành trình đi tìm cái tôi bản thể, để chống đỡ với nỗi cô đơn, Tôn Quang Lâm đã gặp gỡ và có sự gắn kết ngắn ngủi với những thân phận cô đơn khác. Người bạn lớn tuổi Tô Vũ là cái tôi cô đơn mắc kẹt giữa niềm hạnh phúc và nỗi tuyệt vọng về gia đình. Tình bạn sâu sắc giữa hai con người nhạy cảm sớm kết thúc bởi Tô Vũ chết. Đó là cái chết đầy tuyệt vọng. Khi chấp chới trên ranh giới của sự sống và cái chết, cậu chứng kiến sự bỏ mặc và vô tâm của bố mẹ và người em trai. Cái tên Tô Vũ nhắc ta nhớ đến truyền thuyết về chàng Tô Vũ – nhà ngoại giao đời Hán dùng mao tiết vốn là cây gậy quyền lực để chăn dê, cả cuộc đời chống chọi với nỗi cô đơn không biết đến ngày kết thúc trên thảo nguyên rộng lớn. Cuộc đời ngắn ngủi của nhân vật Tô Vũ chỉ là sự tiếp nối kiếp đời cô đơn dằng dặc mà loài người đã trải qua hàng chục thế kỉ. Cậu bé bảy tuổi Lỗ Lỗ xuất hiện như một sự thay thế Tô Vũ. Tuy nhỏ tuổi nhưng cậu bé đã gồng mình hết sức mạnh mẽ hòng chiến thắng sự cô độc. Thiếu hơi ấm của người cha và sự che chở của người mẹ, Lỗ Lỗ chỉ biết dựa vào sự ủng hộ của người anh trong trí tưởng tượng để dũng cảm lao vào đánh nhau với những đứa trẻ khác. Cậu bé tìm đến làm bạn với Tôn Quang Lâm cũng như Tôn Quang Lâm đã từng dựa vào Tô Vũ và bây giờ là dựa vào cậu để xua tan đi

nỗi quạnh hiu của cuộc đời. Không có gia đình đủ đầy, cuộc đời Lỗ Lỗ lại tiếp tục bị xã hội chối bỏ, xô đẩy tới cảnh đơn độc giữa màn trời chiếu đất. Quốc Khánh là người bạn thứ ba của “tôi” tiếp tục là một thân phận cô đơn khác. Cậu sớm mất đi người mẹ. Khi cha cậu lại bỏ rơi cậu một cách không thương tiếc để đi lấy vợ, cậu bé trong lúc bơ vơ không nơi tựa nương chỉ còn biết ấp ôm hạnh phúc mong manh đến từ quá khứ xa xôi về người mẹ quá cố. Đứa trẻ ngây thơ mới chín tuổi “chỉ biết tưởng tượng về quá khứ, mà không hướng tới tương lai” [35, 306].

Càng tìm về quá khứ, kí ức càng chìm sâu vào dòng thời gian xa xôi của những kiếp người cô đơn. Nỗi cô đơn bản thể của Tôn Quang Lâm dường như là nỗi cô đơn truyền kiếp khi các thế hệ trước của gia đình cũng là những cái tôi cô đơn. Cụ nội cô đơn bởi sự nản lòng thoái chí của sự thất bại thảm hại trong nghề nghiệp. Ông nội Tôn Hữu Nguyên trong những ngày tháng của tuổi già chịu nỗi giày vò của kiếp sống thừa. Ông đứng trên đường ranh giới của sự sống và cái chết, đồng thời cùng bị sự sống lẫn cái chết vứt bỏ. Bà nội là kiếp sống lạc loài của con người không chịu trút bỏ lối sống quy củ, mang nặng lễ giáo khi sống giữa gia đình nông dân nghèo. Cha Tôn Quang Lâm cũng là kẻ sụp đổ những ảo tưởng để rồi chỉ còn quay cuồng trong ham muốn tình dục của mình. Mẹ “tôi” cũng là kiếp cô đơn khi nửa đời còn lại chứng kiến chồng phản bội, đem tất cả đồ đạc trong nhà, kể cả cái bô của bà sang cho bà góa.

Trong kí ức của nhân vật “tôi” còn thấp thoáng bóng dáng của những thân phận cô đơn khác. Đó là người anh trai Tôn Quang Bình trống rỗng với những bức thư để trắng, là người đàn bà Phùng Ngọc Thanh tươi trẻ hấp dẫn một thời trở nên tàn tạ và vô cảm vì thiếu vắng tình yêu đôi lứa, là người cha nuôi Vương Lập Cường mang nỗi buồn vì thiếu thốn hơi ấm của một gia đình thực sự khi không có sự chăm sóc của người vợ và tiếng nói cười của con trẻ. Đó là người mẹ nuôi Lý Tú Anh bệnh tật nhờ ánh nắng xuyên qua tấm cửa kính trong suốt để trốn chạy cái chết, gìn giữ sự sống thoi thóp vô nghĩa trên ranh giới mong manh. Đó còn là bà già mặc áo đen vừa từ chối cuộc sống đích thực chỉ để chung sống với những ám ảnh quá khứ, đồng thời lại sợ hãi cái chết sẽ từ chối mình ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, khát

vọng được giao tiếp để thoát khỏi nỗi cô đơn trên ranh giới sự sống – cái chết của bà luôn cất lên trong từng khoảnh khắc mỗi khi bà nói với lũ trẻ bằng tiếng nói khàn khàn: “Chào bà một tiếng đi chứ!”.

Các nhân vật ở đây tồn tại bên cạnh nhau nhưng chỉ như những mảnh vỡ rời rạc, thiếu liên kết. Họ luôn khao khát được nối kết, được sẻ chia nhưng càng khao khát, càng gắng gượng thì khoảng cách giữa các nhân vật lại càng xa hơn, cuối cùng mỗi con người thu về trong thế giới riêng của mình. Họ đều kết thúc cuộc đời bằng cái chết hoặc sự hư vô, trống rỗng. Nỗi cô đơn dường như là một số kiếp được định sẵn cho con người.

Nhân vật bi kịch của Dư Hoa còn cô đơn bởi một thế giới hỗn loạn các giá trị, nơi các nhân vật hoang mang giữa một thế giới không phân biệt đúng – sai, thật – giả, hiện thực – hoang đường.

Tống Phàm Bình thoạt tiên ngỡ là nhân vật có một hành trình cuộc đời khá trọn vẹn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một mảnh vỡ số phận mang bi kịch của một con người bị đổ vỡ niềm tin, lý tưởng, bên cạnh những mảnh vỡ tương tự khác. Tống Phàm Bình được xây dựng như một anh hùng tràn đầy khí chất. Khi Đại cách mạng văn hóa bắt đầu, anh hồ hởi, say sưa nói về nó. Khác với những kẻ cơ hội, Tống Phàm Bình vốn là con người khẳng khái, dám bất chấp thói thường và vượt qua dư luận để làm điều mình cho là đúng. Anh hoàn toàn tin tưởng vào cuộc Đại cách mạng văn hóa, trở thành "lãnh tụ" của phong trào ở thị trấn Lưu. Anh tin tưởng vào tinh thần nhân đạo của nó ngay cả khi bị đấu tố, bị giam giữ và hành hạ đến mức gãy một cánh tay. Cũng vì niềm tin đó, anh mới trốn trại giam để đi đón vợ, nghĩ rằng sau khi giữ đúng lời hứa với vợ rồi sẽ quay trở lại. Lòng trung thành tin tưởng của Tống Phàm Bình hẳn đã bị đả kích dữ dội khi lũ hồng vệ binh vây đánh. Và hẳn rằng niềm tin đó cũng tan tành mây khói khi con người cường tráng đầy hào khí một thời bị hành hạ đến mức chỉ còn là đống xương thịt nát bấy. Không thể hiểu hết những điều kinh hoàng mà Tống Phàm Bình đã trải qua nếu không có kiếp nạn của gia đình Tôn Vĩ. Gia đình này cũng như Tống Phàm Bình, đang là người của cách mạng, phút chốc trở thành tội đồ. Ông bố của Tôn Vĩ đã không thể chịu đựng

thêm những đau đớn thể xác và mất mát của gia đình mà đóng đinh vào đầu tự vẫn, còn mẹ Tôn Vĩ thì hóa điên. Bi kịch của Tống Phàm Bình lại một lần nữa tái diễn với người con trai Tống Cương. Nhưng có lẽ Tống Cương đã sớm tỉnh ngộ hơn người cha của mình. Tống Cương lựa chọn cái chết vì cuộc đời hỗn loạn đã đánh bật con người thực thà này ra khỏi cơn quay cuồng của nó hay chính anh đã từ chối không thể dung nhập với cuộc đời. Với Lý Trọc, có vẻ như trong mọi biến thiên của thời đại, trở thành tỉ phú, cái được của nhân vật này nhiều hơn là cái mất. Thế nhưng thẳm sâu trong con người ấy lại là một nỗi cô đơn đến tột cùng. Bố đẻ chết khi còn chưa lọt lòng, bố dượng chết ở tuổi lên tám, mẹ ra đi ở tuổi mười lăm, người thân duy nhất là Tống Cương, vị huynh đệ không chung huyết thống ấy cũng không còn nhìn mặt. Lý Trọc cũng chưa từng được nếm mùi vị của tình yêu đích thực từ một người đàn bà. Hàng trăm đàn bà mà anh ta đã ngủ cùng, hàng ngàn bức thư tự xưng gái trinh gửi đến cho Lý Trọc cũng đều vì túi tiền của anh ta. Chứng nghiện thư gái trinh kì dị, lạ đời là ánh sáng khúc xạ từ khát vọng được yêu thương rất người của nhân vật. Cái còn lại cuối cùng của cuộc đời Lý Trọc chỉ là nắm tro tàn của người anh không chung dòng máu. Trong thế giới trống rỗng ấy, hóa ra, Lý Trọc lại là kẻ đáng thương nhất. Cái chết của Tống Phàm Bình, Tống Cương, nỗi cô đơn không cùng của Lý Trọc trước vũ trụ thăm thẳm đã đánh vỡ những ảo tưởng của con người về một thời đại mới – thời đại của tự do. Ngay trong giờ phút một mình chống chọi với bi kịch của cuộc đời đó, những con người này hẳn rằng đã hoang mang biết bao với giá trị mà mình đã từng tin tưởng.

Cô đơn vốn là trải nghiệm chung mà nhân loại đã và đang đi qua. Từ khi con người ý thức được cái tôi nội cảm, biết bao tác phẩm văn học từ Đông sang Tây khắc họa nỗi cô đơn đã ra đời. Vậy con người cô đơn trong tiểu thuyết Dư Hoa có gì khác so với trước đây? Ta nhận thấy, nhân vật cô đơn của Dư Hoa không đơn thuần là tâm sự mang tính chất cá nhân. Nó vừa là hệ quả của sự thiếu vắng chỗ dựa tinh thần vì sự sụp đổ của những lý tưởng (mà thực chất chỉ là ảo tưởng), vừa trở thành một thuộc tính tiền định, bản thể của con người. Nhân vật cô đơn trong tiểu thuyết của Dư Hoa mang dáng dấp của những kẻ xa lạ bị cuộc đời làm méo mó, biến dạng

trong tác phẩm của F. Kafka. Ta còn thấy bóng dáng của bảy thế hệ cô đơn mà sự ích kỉ đã khiến họ xa rời bản chất người trong Trăm năm cô đơn của G.G. Marquez. Cô đơn, xa lạ, tồn tại như những mảnh vỡ rời rạc là sự phản ứng của con người trước một thực tại hỗn độn, phi trật tự. Đó là nỗi cô đơn của con người hậu hiện đại.

Cuộc sống xa lạ, hỗn loạn, thiếu những giá trị chuẩn mực đã khiến con người mất đi niềm tin mà hoang mang, cô độc giữa thế giới. Dạng thức nhân vật cô đơn bởi lạc loài trong thế giới thiếu vắng hơi ấm con người và hỗn loạn các giá trị trong tiểu thuyết Dư Hoa đã cho thấy bản chất cô đơn truyền kiếp của con người. Nhà văn đã lấy mặt trái của việc sụp đổ hệ thống các giá trị để khám phá bản thể người – những bản thể cô đơn không thể cứu vãn.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 103 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w