Về khái niệm “kiểu nhân vật”

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 35 - 37)

6. Cấu trúc của luận án

1.2.1. Về khái niệm “kiểu nhân vật”

Nhân vật văn học (literature character) là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học”. Chức năng cơ bản của đơn vị nghệ thuật này là “khái quát tính cách của con người”, “dẫn dắt độc giả vào các môi trường khác nhau của đời sống” và “thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người”. “Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính chất quá trình” [24, 235-236].

Nhân vật là một phương tiện nghệ thuật hết sức quan trọng để chuyển tải nội dung tư tưởng cũng như tính thẩm mĩ của một tác phẩm văn học. Thông qua nhân vật, người đọc có thể nắm bắt được nhà văn nhìn nhận, cắt nghĩa về con người như thế nào và bằng cách nào trong tác phẩm. Đối với một tiểu thuyết, nhân vật là yếu tố có quan hệ nội tại và thống nhất sâu sắc với các yếu tố khác trong cấu trúc tự sự của tác phẩm. Nhìn một cách tổng quát, mọi đặc điểm của nhân vật ràng buộc, chi phối và chịu sự ràng buộc, chi phối của các yếu tố khác để làm nên tính thống nhất của

một văn bản nghệ thuật. Chính vì thế, nghiên cứu một tác phẩm văn học, đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết, không thể không nghiên cứu nhân vật.

Nhằm phục vụ yêu cầu nghiên cứu, cụ thể là để nhận diện các khía cạnh khác nhau của nhân vật văn học, xuất phát từ nhiều góc độ tiếp cận, các nhà lí luận văn học thường phân chia nhân vật thành các “kiểu”. Căn cứ vào vị trí, vai trò đối với cốt truyện, nhân vật có thể được chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ. Căn cứ vào đặc điểm tính cách, việc truyền đạt lí tưởng của nhà văn, nhân vật được chia thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Dựa vào tiêu chí thể loại, chúng ta có nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình và nhân vật kịch. Dựa vào cấu trúc, chúng ta lại có nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tư tưởng. Căn cứ vào xu hướng vận động tính cách, nhân vật còn có thể phân thành nhân vật

tĩnh và nhân vật động...

Về khái niệm “kiểu nhân vật”, trong sự bao quát tài liệu của chúng tôi, khi bàn về nhân vật văn học, các từ điển thuật ngữ văn học và công trình lí luận thường nhắc đến bằng các tên gọi khác nhau nhưng không định nghĩa nó. Chẳng hạn, Từ

điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ

biên) dùng thuật ngữ “kiểu loại” nhân vật [24, 236]; Từ điển văn học (bộ mới, Đỗ

Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá đồng chủ biên) gọi là “kiểu và loại” nhân vật [31, 1255]; Lí luận văn học (Phương Lựu chủ biên) lại gọi đó là “loại hình nhân vật văn học” [54, 282]. Trong cuốn Glossary of Literary

Terms, M. H. Abrams nhiều lần dùng khái niệm “kiểu, loại nhân vật” (“character

type”) khi nói đến cách phân chia “nhân vật phẳng / nhân vật tròn” (“flat / round character”), hay dùng để định nghĩa cho mục từ “nhân vật có sẵn” (“stock character”) [161, 297].

Có thể thấy khái niệm “kiểu nhân vật” thường được dùng khi khảo sát một nhóm nhân vật trong tác phẩm của một tác giả, của một giai đoạn văn học, một thể loại hay một xu hướng, một trào lưu (gọi chung là một hiện tượng văn học). Một tập hợp các nhân vật có chung những đặc trưng nào đó được xếp thành một “kiểu”, phân biệt với các “kiểu” khác. Đặc trưng đó được tạo nên bởi sự trùng lặp những

thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ thuộc về nhân vật. Thông qua kiểu nhân vật, người đọc nắm bắt được thi pháp nhân vật, phong cách nghệ thuật và vấn đề chủ yếu mà một hiện tượng văn học quan tâm.

Các nhà văn luôn sáng tác theo hai xu hướng: xu hướng vận động theo quy luật sáng tạo của văn học và xu hướng ổn định tạo nên đặc trưng phong cách nghệ thuật. Xác định kiểu nhân vật trong tiểu thuyết của một nhà văn chính là xác định nét ổn định trong sáng tạo nhân vật của nhà văn đó. Việc căn cứ vào các nét ổn định, lặp đi lặp lại để xác định các kiểu nhân vật cho phép chúng ta nhận ra những ám ảnh nghệ thuật của nhà văn được bộc lộ ra một cách có ý thức hoặc vô thức. Trong khi đi tìm các kiểu nhân vật, chúng ta đồng thời thấy được nét dị biệt giữa các nhân vật cùng một “kiểu”. Các nét dị biệt đó cho thấy khả năng sáng tạo, nỗ lực làm mới bản thân của chính nhà văn ấy.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kiểu nhân vật trong tiểu thuyết dư hoa (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w