I. DỰ BÁO CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG ĐẶC
1. Các yếu tố tác động
1.1. Xu hướng bảo tồn của khu vực, trong nước và thế giới
Tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa, duy trì hệ thống tự nhiên và phát triển kinh tế xã hội. Đa dạng sinh học ở nhiều quốc gia trên thế giới đang bị suy giảm nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người. Các khu BTTN đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu đa dạng của cộng đồng. Định nghĩa của IUCN khẳng định bảo tồn đa dạng sinh học là mục tiêu cơ bản của khu BTTN: “Khu bảo tồn thiên nhiên là một khu vực trên đất liền hoặc trên biển được khoanh vùng để bảo vệ đa dạng sinh học, các tài nguyên thiên nhiên và văn hoá đi kèm, được quản lý bằng các công cụ pháp luật hoặc các hình thức quản lý có hiệu quả khác” (IUCN 1994)
Trong vài thập kỷ qua, các khu rừng đặc dụng trên thế giới đang có xu hướng tăng cả về số lượng và diện tích. Hiện nay trên thế giới có hơn 100.000 khu BTTN (Tạp chí Khu bảo tồn thiên nhiên, Tập 14, số 3, năm 2004) chiếm 11,7% diện tích đất liền toàn thế giới. Vườn quốc gia chiếm số lượng và diện tích lớn nhất, tiếp đến là các khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện một hệ thống quản lý phù hợp trên thực tế nhằm hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng mà khu BTTN có thể đem lại vẫn còn là thách thức lớn tại rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, vấn đề phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng là một trong những mục tiêu của các quốc gia trên thế giới trong thế kỷ mới, mối quan hệ giữa phát triển bền vững và bảo tồn ngày càng trở nên chặt chẽ hơn hết. Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau (Báo cáo Tương lai chung của chúng ta của Liên Hợp quốc-1987). Phát triển bền vững là quá trình có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, bao gồm: (i) Phát triển kinh tế: chú trọng đến tăng trưởng kinh tế và sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế; (ii) Phát triển xã hội: thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; (iii) Bảo vệ môi trường: thực hiện xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên…
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, phải bảo tồn ĐDSH và biết cách sử dụng nó một cách bền vững cho hiện tại và cho tương lai. Đối với các loại tài
nguyên sinh học là dạng tài nguyên có khả năng tái tạo được, điều quan trọng là tạo được sản lượng ổn định tối đa mà không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cơ sở. Sản lượng này hoàn toàn có hạn và không thể khai thác quá khả năng chịu đựng, nếu không muốn làm giảm năng suất trong tương lai.
Mục tiêu của bảo tồn thiên nhiên, quản lý ĐDSH và sử dụng bền vững các tài nguyên sinh học là “nhằm giữ được sự cân bằng tối đa giữa bảo tồn sự đa dạng của thiên nhiên và tăng cường chất lượng cuộc sống của con người”. Như vậy, một trong những nhiệm vụ chính của con người trong thế kỷ mới để đạt mục tiêu phát triển bền vững là cân bằng nhu cầu của chúng ta với khả năng sản xuất của tự nhiên. Tuy nhiên, nhu cầu của chúng ta ngày một gia tăng trong khi sức sản xuất của tự nhiên đang bị suy giảm do sự tác động của con người, và việc chúng ta lập ra hệ thống khu bảo tồn và VQG là để ngăn cản sự suy giảm đó. Lưu giữ các giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen, hệ sinh thái. Điều đó có nghĩa mối quan hệ giữa các hệ thống VQG, khu bảo tồn và phát triển bền vững cũng giống như mối quan hệ giữa ĐDSH với phát triển bền vững.
1.2. Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu là biến đổi được quy trực tiếp hoặc gián tiếp cho hoạt động của con người làm thay đổi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển làm tăng hiệu ứng nhà kính gây biến đổi hệ thống khí hậu trái đất.
Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới mà khí hậu đang biến đổi, mực nước biển đang dâng dần lên, dân số tăng nhanh, sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai ngày càng nhiều, các sinh cảnh đang co hẹp lại và phân cách nhau, sức ép của công nghiệp hoá, thương mại toàn cầu... Tất cả những thay đổi đó đang ảnh hưởng lớn đến việc quản lý hệ thống các VQG, khu bảo tồn cũng như cuộc sống chung của nhân loại.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới tự nhiên và xã hội, gây ra những tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người. Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học cụ thể là:
- Nhiều loài sẽ bị biến mất, ngày càng có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ của IUCN, nhất là các loài Rất nguy cấp và Nguy cấp.
- Các hệ sinh thái, các sinh cảnh cần thiết cho các loài di cư, hoặc các loài nguy cấp có phân bố hẹp, các loài đặc hữu sẽ bị biến mất hoặc thu hẹp.
- Các hệ sinh thái bị biến đổi và phân mảnh: Do mực nước biển dâng cao nên một số địa điểm mà ở đó tập trung những chủng quần quan trọng mức quốc tế hay là những chủng quần của các loài có vùng phân bố hạn hẹp có thể bị biến mất hoặc bị chia cắt, phân mảnh, như các vùng đảo, vùng ven biển v.v.
- Một số VQG, khu bảo tồn có tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, văn hóa và khoa học hoặc là đại diện, độc nhất, có tầm quan trọng về tiến hoá hoặc cho các quá trình sinh học ở các đảo hoặc ven biển, cửa sông sẽ bị mất hoặc bị thu hẹp.
- Sự xâm nhập của các loài ngoại lai: do môi trường sống thay đổi tạo điều kiện cho các loài động thực vật ngoại lai xâm nhập, phát triển. Cùng với các hoạt
động buôn bán, sự xâm nhập của các loài ngoại lai hiện đang là mối đe dọa lớn lên tính ổn định và đa dạng của các hệ sinh thái, chỉ sau nguy cơ mất sinh cảnh. Các đảo nhỏ và các hệ sinh thái thuỷ vực nước ngọt, các vùng ven biển là những nơi bị tác động nhiều nhất.
Sự ô nhiễm môi trường, cùng với nguồn nước ngọt phục vụ cho sự sống con người đang là vấn đề có tính thời sự, cấp thiết hiện nay:
+ Tác động lên cảnh quan trên đất liền, trên biển: phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, rác thải; xói mòn; khắc tên lên cây và viết lên vách đá…
+ Tác động tới môi trường nước: ô nhiễm nước ngầm, nước biển và sông hồ. + Tác động tới thảm thực vật: ảnh hưởng xấu tới cây cối bên đường đi do bị dẫm đạp; nhổ cây; cây cối bị phá do các hoạt động cắm trại, đốt lửa. Tác động tới đời sống hoang dã: tác động lên các khu vực sinh cảnh và kiếm mồi của động vật hoang dã, du nhập loài lạ…
+ Tác động lên môi trường văn hóa: Mất mát các di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị trong các khu rừng đặc dụng, thay đổi truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, thay đổi lối sống, tăng cường tệ nạn xã hội.
1.3. Tác động từ điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và khoa học kỹ thuật. thuật.
Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động có tầm quan trọng đặc biệt về bảo tồn nguồn gen, bảo tồn hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi; có vị trí địa lý thuận lợi và nhiều di tích lịch sử - tín ngưỡng... và có thế mạnh về giao lưu với các khu bảo tồn khác trong và ngoài tỉnh: Khu BTTN Pù Hu, Khu bảo tồn Pù Luông; Khu BTTN Xuân Nha - tỉnh Sơn La; Khu BTTN Ngọc Sơn Ngỗ Luông – tỉnh Hòa Bình. Tất cả những điều kiện ảnh hưởng tác động thuận lợi nêu trên đang mở ra cho khu bảo tồn loài nhiều cơ hội thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh nhằm phát triển về mọi mặt, nâng cao vị thế của KBT trong tương lai.
Là KBT mới được thành lập trên cơ sở diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất đã được giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Hoạt động đầu tư cho KBT hầu như chưa có hoặc rất ít; lợi ích trực tiếp từ khu bảo tồn đối với người dân vùng đệm không có đã đặt ra cho KBT nhiều thách thức như nguy cơ xâm hại đối với nguồn tài nguyên rừng còn nhiều tiềm ẩn và diễn biến phức tạp; đồng thời vùng đệm có lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động và năng suất lao động còn thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao. Đây vừa là thách thức đồng thời cũng là cơ hội về khai thác, sử dụng nguồn nhân lực khi thực hiện các chương trình trên địa bàn.
Mô hình tổ chức, nguồn nhân lực chưa có kinh nghiệm trong hoạt động BTTN; hệ thống mốc giới, bảng niêm yết chưa đầu tư tác động trực tiếp đến công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng trong khu bảo tồn.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đang mang lại những bước đột phá cho con người về mọi mặt. Đối với công tác bảo tồn và quản lý bảo vệ rừng sự phát triển của KHCN được áp dụng một cách nhanh chóng, đặc biệt công nghệ
GIS, công nghệ sinh học nhằm xác định, giám định các loài động, thực vật một cách chính xác và nhanh nhất. Để thực hiện được điều đó, yêu cầu trong thời kỳ tới KBT loài các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động cần phải đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực để tiếp thu và vận dụng những tiến bộ đó vào trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển rừng…
1.4. Tác động từ nguồn vốn đầu tư, môi trường đầu tư
- Nguồn vốn đầu tư bao gồm:
+ Vốn ngân sách Nhà nước: Thực hiện theo QĐ 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012, đầu tư cho rừng đặc dụng toàn diện từ lâm sinh, đến xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển KTXH; Vốn chi trả dịch vụ môi trường và các nguồn vốn lồng ghép khác.
+ Vốn địa phương: Triển vọng nguồn vốn sẽ được quan tâm đầu tư tăng dần từ nay đến 2020, lý do nguồn thu ngân sách tỉnh luôn ổn định và tăng trên từ 11 -12 % năm; đặc biệt từ năm 2017 về sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi sơn đi vào vận hành; cùng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện... nguồn thu ngân sách tỉnh sẽ đáp ứng bù đắp toàn bộ nguồn chi cho tỉnh và nộp bổ sung ngân sách cho Trung ương.
+ Vốn thu hút ngoài Nhà nước: Vốn từ tổ chức, cá nhân nước ngoài chủ yếu hiện nay vốn tài trợ không hoàn lại; thời gian tới vốn tài trợ không hoàn lại xu hướng sẽ giảm do Việt nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình; nhưng các nguồn vốn đầu tư như vốn vay ODA, FDI... sẽ tăng; Vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước gắn với thực hiện các chính sách phát triển của Nhà nước như cho thuê đất, thuê môi trường rừng phát triển du lịch khu bảo tồn, vốn phát triển vùng đệm...
- Môi trường đầu tư: Nhìn chung về mặt thể chế liên quan đến môi trường đầu tư chủ yếu vẫn dựa vào thể chế kinh tế và hành chính chung của cả nước. Tuy nhiên, với những nỗ lực khác nhau của chính quyền nên môi trường thể chế đã được cải thiện đáng kể: Về thủ tục hành chính, chính sách thuế, chính sách đất đai... đã được áp dụng chính sách ưu đãi ở mức cao nhất; hệ thống các chính sách pháp luật liên quan của Nhà nước ngày một được hoàn thiện, minh bạch hoá là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển khu bảo tồn.