CÁI TÔI
Ngay từ khi lọt lòng, đứa trẻ chưa có sự xuất hiện của tự ý thức về bản thân. Thông qua quá trình nuôi dưỡng và giáo dục, trẻ phát triển được cảm giác về bản thân khi trẻ 18 tháng tuổi (Knud S. Larsen & Lê Văn Hảo 2004) và xuất hiện tự ý thức. Hiểu biết về bản thân tăng dần, ý thức sơ khai về bản thân có thêm những thuộc tính mới.
Sự hình thành và phát triển cái tôi được thực hiện thông qua quá trình xã hội hóa. Từ quá trình xã hội hóa, con người lĩnh hội các chuẩn mực hành vi và nhập tâm các giá trị của gia đình và của cả nền văn hóa xã hội. Cách thức được đối xử nhất quán lúc còn nhỏ giúp hình thành suy nghĩ và niềm tin về bản thân và đến lượt mình, chúng dẫn dắt con người trong suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, những trải nghiệm xã hội như những vai trò mà chúng ta tham gia, những thành công và thất bại mà chúng ta trải qua cũng góp phần quan trọng vào việc hình thành nên cái tôi của mỗi cá nhân (David Myers 1999).
Cooley (1992) đưa ra khái niệm “cái tôi nhìn qua lăng kính”. Theo ông, con người hiểu biết về mình thông qua những phản ứng của người khác – đó là sự đánh giá phản chiếu, là soi mình qua tấm gương phản chiếu của người khác. Những người được khích lệ thường xuyên sẽ tin rằng mình có giá trị và ngược lại, những ai trải nghiệm sự ngược đãi sẽ lớn lên và suy nghĩ rằng mình vô giá trị hay vô tích sự. Như vậy, phản hồi của người khác chính là cơ sở để hiểu về cái tôi của bản thân. Nó được thực hiện thông qua sự tương tác với những người xung quanh, đặc biệt là với những người quan trọng với bản thân ta. Mead mở rộng sự phân tích này và chỉ ra rằng, trẻ có một nhiệm vụ quan trọng là phối hợp ý kiến tập thể của những người khác vào một “tổng quát hóa khác” để xem xét và suy luận, và từ đó hình thành nên một biểu tượng về cái tôi của mình. Nói cách khác, một đứa trẻ càng xã hội hóa cao thì cái tôi của nó càng nổi bật và phức tạp, bởi những khả năng nhận thức của nó càng được phát triển.
Ngoài ra, cái tôi của cá nhân còn được phát triển thông qua quá trình so sánh xã hội. Festinger (1954) cho rằng, con người thường cố gắng đánh giá một cách chính xác niềm tin và quan điểm của mình, nhưng vì không có tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể nào nên chúng ta làm việc đó bằng cách so sánh các suy nghĩ của bản thân với những người giống như ta. Đôi khi, chúng ta so sánh theo kiểu “nhìn xuống”, tức so sánh với những người ít may mắn hơn. Khi so sánh như vậy, ta thường cảm thấy dễ chịu hơn (Lockwood 2002). Nhìn xuống là chiến
________________________________________________________________________________C
hương trình Giáo dục Tổng quát –ĐH Hoa Sen 38
lược đặc biệt khi gặp thất bại. Nhìn xuống và nhấn mạnh những điểm tích cực của mình có thể giúp giảm bớt sự tổn hại đối với sự tự tin.
Ở những thời điểm khác, con người lại quan tâm tới việc cải thiện tình hình để cố gắng đạt những mục tiêu cao hơn. Trong trường hợp này, những người đã thành công khác có thể đóng vai trò là mẫu hình so sánh sự thành đạt. Khi đó, chúng ta sẽ so sánh theo kiểu “nhìn lên”. Tuy nhiên, khi so sánh như vậy, nếu mục tiêu chắc chắn không thể đạt được, nó có thể tạo ra sự đố kỵ và cảm giác mình kém cỏi.
Đôi khi, để nâng cao mình, người ta so sánh với chính cái tôi trước kia của họ (Ross & Wilson 2002). Phần lớn chúng ta đều có thể tìm được những tình huống, sự kiện tiêu cực hơn đã từng xảy ra trước kia trong cuộc đời mình để so sánh.
Tóm lại, các yếu tố tạo nên và ảnh hưởng đến khái niệm cái tôi có cả yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Nguồn gốc bên trong là cái tôi lý tưởng của bản thân, cái tôi tích cực và tiêu cực, cái tôi cần (phải) trở thành và cái tôi thực tế… Nguồn gốc bên ngoài gồm: ý kiến đánh giá của những người xung quanh, các trải nghiệm xã hội, vị trí, vai trò trong nhóm xã hội, sự thành công hay thất bại của cá nhân…