Hoàng Quốc Hải – nhà khảo cứu, nhà văn

Một phần của tài liệu Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết bão táp triều trần của hoàng quốc hải (Trang 30 - 33)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Hoàng Quốc Hải – nhà khảo cứu, nhà văn

Nhìn hình dáng bên ngoài của nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng thật bình dị, bình dị đến nỗi bình thường như bao nhà văn khác, nhưng ẩn trong đó là cả một kho tàng chứa đầy các tư liệu lịch sử của nước nhà. Trong con người ông luôn mang hào khí Đông A của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm về trước. Nhà văn Hoàng Quốc Hải từng băn khoăn lo lắng cho lịch sử nước nhà. Dân tộc ta có một quá khứ dựng nước và giữ nước hào hùng nhưng cũng đầy gian truân và nhiều thử thách, đã có rất nhiều rất nhiều những người dân hi sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử hào hùng đó không hề thua kém một dân tộc nào trên thế giới nhưng tiếc thay chúng ta chưa hiểu về lịch sử của dân tộc được bao nhiêu. Từ suy nghĩ đó Hoàng Quốc Hải cầm bút viết bộ cuốn tiểu thuyết lịch sử “Bão táp triều Trần” với bốn tập hơn 2000 trang.

Nói nhà văn Hoàng Quốc Hải là nhà khảo cứu, nhà văn quả không sai. Bởi đối với ông việc tìm hiểu về lịch sử dân tộc là cả một quá trình tìm kiếm, thu lượm, thống kê lại thậm chí là sang tạo nên lịch sử để viết nên những cuốn tiểu thuyết mang đậm chất lịch sử trong đó “nhà văn Hoàng Quốc Hải trong mơ cũng sống bằng dĩ vãng, với bốn tập của Bão táp triều Trần, bộ sách đã thu hút hàng vạn người đọc, được tái bản nhiều lần và có thời điểm được Bão táp triều Trần được xem là một trong những bộ sách được bán chạy nhất xưa nay, cho dù đề tài này đã có nhiều người viết, và cũng đã có rất nhiều người

biết đến. Phải chăng có những cái đã rất quen mắt nhưng khi được soi chiếu từ một góc nhìn khác lạ vẫn bật ra nhiều nét mới” [19].

Hoàng Quốc Hải hướng dẫn cho cả đoàn làm phim tìm hiểu và nghiên cứu về Am Ngao Vấn ở xã Bình Khê. Điều này cho thấy ông say mê với đề tài lịch sử. Đã không biết bao nhiêu lần nhà văn Hoàng Quốc Hải đi dọc về ngang “lặn lội” khắp mọi miền của đất nước, từ Bạch Đằng Giang Châu cho tới Cửu Long giang. Ở đâu có tài liệu về lịch sử là ông lại lên đường. Tất nhiên tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải không phải cứ phụ thuộc vào tư liệu lịch sử dân tộc. Ngoài việc tìm hiểu về lịch sử dân tộc ông còn tìm đến nước láng giềng Trung Hoa tới các thành phố, tỉnh thành của đất nước này để tìm hiểu về những sự kiện lịch sử liên quan tới lịch sử dân tộc. Ông muốn kiểm chứng lịch sử để biết được sự thật của lịch sử. Theo chân công chúa Huyền Trân Hoàng Quốc Hải rong ruổi về chốn “điêu tàn” để tìm hiểu viết nên cuộc sống sinh động thời kỳ vàng son của đất nước Chăm Pa nơi mà những điệu múa, câu hát, cứ mê hoặc con người khi qua nơi đây “đôi khi ngủ trên trang viết anh lại lẩm nhẩm gọi tên các nhân vật của mình, như thể hằng ngày vẫn sống cùng với họ” [19].

Nữ sỹ Xuân Quỳnh có nói “sự uyên bác rất cần cho sự sáng tác nhưng nó không gọi ra ngôn ngữ của văn chương được, chỉ có sự rung động của tâm hồn mới gọi ra được ngôn ngữ văn chương” [9]. Với nhà văn Hoàng Quốc Hải từng chữ, từng câu, hay sự rung cảm giữa tâm hồn ông và trách nhiệm cao cả của người cầm bút đã làm nên một Hoàng Quốc Hải uyên bác với hơn 2000 trang sách viết về 175 năm tồn tại và suy vong của triều đại nhà Trần. Hoàng Quốc Hải đã thận trọng khi viết về tiểu thuyết lịch sử. Ông thận trọng từ lời ăn tiếng nói cho tới cách tra cứu dữ liệu lịch sử, điều còn nghi ngại ông không bao giờ tự ý viết mà tìm cách tra cứu cho được. Riêng ở Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) tức xứ Ung Châu thời Tống, ông đã phải đi lại nhiều

lần ông luôn suy xét xem tại sao Lý Thường Kiệt có thể dẫn quân vượt qua biên ải sang tận nơi phá tan những căn cứ thủy bộ đang tập hợp tại đây.

Để làm sống lại nhiều tư liệu lịch sử, với gần bốn trăm năm của hai triều đại nổi tiếng Lý – Trần, ông đã đánh đổi gần nửa cuộc đời mình. Mác đã nhận xét: “Viết truyện lịch sử không phải là triệu về những bóng ma của quá khứ mà chỉ ra ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay” [9]. Hoàng Quốc Hải cũng đồng quan điểm đó. Cái đặc sắc là nhà văn đã tái tạo lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật nên nó sinh động, dễ đi sâu vào lòng người. Nhà Trần kéo dài với 175 năm nhưng phút chốc đã trở thành Vương triều sụp đổ bởi những người đứng đầu triều đình không “minh”. Hiền sĩ, các quan tốt có lợi cho dân cho nước lui về ở ẩn, triều đình tin dùng những kẻ ưa nịnh bọn chúng bóc lột nhân dân để thỏa mãn thú chơi ngông cuồng của những kẻ giàu có. Nhưng điều đó đã là suy vong cả một triều đại. Tất cả sự chấn hưng, sự thức tỉnh muộn màng đã không thể cứu vãn được tình hình thời đại vàng son sụp đổ trong sự tiếc nuối của một dân tộc. Người đọc sách của Hoàng Quốc Hải dù là ở lĩnh vực nào cũng đều có thể rút ra những bài học cho riêng mình. Nhà văn Hoàng Tiến nhận xét: “Lối dựng tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải chứng tỏ một sự lao động cực kỳ nghiêm khắc, Anh đọc nhiều ghi chép kỹ lưỡng. Những chi tiết lịch sử đều được sử dụng đúng chỗ, chính xác, có trọng lượng khiến người đọc không khỏi nghi ngờ” [30, 21]

Khi đọc tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải ta cũng thấy được nhiều điều ngoài chính sử, nhiều giả sử hư cấu về các nhân vật lịch sử. Nhận xét về Bão táp triều Trần nhà văn Hoàng Công Khanh viết: “Bộ tiểu thuyết lịch sử thời Trần chính là tiểu thuyết lịch sử theo đúng nghĩa và do tính đặc thù của nó, người đọc thấy được diện mạo thật sự của lịch sử, hội được dòng chảy miên man của nó, tưởng như nó đang diễn ra tuần tự trên từng trang sách, cảm được cả hơi ấm, lạnh của lịch sử đương thấm đẫm vào mình...” [30, 7]. Nhà văn đã

có được sự chuẩn bị về lối văn chương và các sự kiện lịch sử để từ đó bộ tiểu thuyết về 175 năm triều đại nhà Trần không những có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn có giá trị về mặt văn chương.

Một phần của tài liệu Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết bão táp triều trần của hoàng quốc hải (Trang 30 - 33)