Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử

Một phần của tài liệu Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết bão táp triều trần của hoàng quốc hải (Trang 41 - 46)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử

Như chúng ta đã biết, “Tiểu thuyết lịch sử hiểu theo nghĩa chung nhất là tiểu thuyết về đề tài lịch sử” [27]. Đây là một thuật ngữ dùng để phân biệt giữa các tác phẩm lịch sử biên niên thông thường do nhà sử học hoặc người khác viết để kể về các biến cố lịch sử, nhân vật lịch sử… với tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài và nhân vật lịch sử.

Trong thực tế sáng tác về đề tài này, từ trước đến nay, vấn đề nên quan niệm lịch sử trong tiểu thuyết như thế nào vẫn còn được được tranh cãi. Lịch sử, vốn được xem là những gì thuộc về quá khứ, là những gì đã qua, đã hoàn tất, đã xảy ra, đã đóng khung lại và mặc nhiên cũng không thể thay đổi. Vậy cái quá khứ đó trong tiểu thuyết nói riêng, trong sáng tác văn học nói chung so với hiện tại nên có khoảng cách là bao lâu? hay có khoảng cách thì nên như thế nào là vừa? Có nên hình thành một ranh giới, mà tiêu chí để xác định ranh giới đó hiện còn rất mong manh, đó là khoảng cách thời gian. Liệu một tác phẩm, một tiểu thuyết viết về những gì đã qua nhưng diễn ra chưa lâu hoặc quá gần thì hiện tại có được xem là một tiểu thuyết lịch sử hay không? Hay là chỉ có những tác phẩm viết về một quá khứ đã xa, có độ lùi thời gian thích hợp và thỏa đáng để kiểm chứng, khi “con người hiện tại được thừa hưởng (hoặc phải chịu đựng) như một thắt buộc định mệnh của quá khứ trong khi họ hoàn toàn vô can với nó” [26], mới có thể xem là một tiểu thuyết lịch sử đích thực? Chỉ biết rằng, “lịch sử là cái cần được tôn trọng, thậm chí kính cẩn; “khoảng cách sử thi” (một khái niệm của M. Bakhtin) là cái bất khả tư nghị, không thể và cũng không nên vượt qua hay thu hẹp lại” [26].

Chất liệu lịch sử có thể sẽ là tấm gương soi chiếu tính chính xác và độ tin cậy của sự kiện lịch sử được nói đến trong tác phẩm. Điều đó tưởng như nghịch lý với bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Tuy nhiên sẽ không còn mâu thuẫn nếu hiểu, lịch sử tồn tại trong một tiểu thuyết được tôn trọng ở mức độ tinh thần của lịch sử. Cũng có nghĩa là “những sự thật – chân lý dưới dạng thức tư tưởng về hiện thực, về đời sống, về lịch sử, toát ra từ toàn bộ cấu trúc của bức tranh” [6, 8]. Do vậy, một nhà tiểu thuyết không phải đóng vai một người bê nguyên xi những gì đã diễn ra vào trong tác phẩm, làm như vậy thì tiểu thuyết đó sẽ chẳng khác nào bộ xương khô, người đọc sẽ tìm đến những bộ sử đồ sộ của các sử gia hơn là mất thời gian đi tìm rải rác trong một

tác phẩm văn học vốn ít đi sâu vào thế giới lịch sử mà chỉ coi lịch sử như cái cớ để viết nên tác phẩm văn chương. Nhà tiểu thuyết chỉ mượn lịch sử, viết về một nhân vật lịch sử, một sự kiện lịch sử, một thời đại lịch sử để thông qua đó gửi gắm bức thông điệp của mình, một lời nhắn gửi, dự báo, bày tỏ thái độ với quá khứ, hiện tại, phản ánh hiện thực cuộc sống ngày hôm nay hoặc tương lai của con người. Nhà tiểu thuyết có quyền và có khả năng thổi linh hồn vào lịch sử, là người sáng tạo ra “lịch sử thứ hai” theo ý đồ nghệ thuật của mình. Ở góc độ này, yếu tố được đề cao chính là tính chủ quan trong sáng tạo nghệ thuật. Nhờ cái quyền đó mà nhà tiểu thuyết có thể làm sống lại bức tranh về một thời đại đã qua mang dấu ấn của riêng mình, bức tranh đó sẽ khác với tất cả bức tranh của những nhà tiểu thuyết khác. Với quyền lực của một nhà văn, anh ta có quyền lấp đầy những chỗ trống, những khoảng trắng của lịch sử bằng những chi tiết hư cấu, bằng việc “huy động tối đa năng lực tưởng tượng” [27] rằng nhân vật này có thể nói năng ra sao? suy nghĩ như thế nào? bằng cách đưa ra cách lý giải của riêng mình ở những điều còn nghi vấn, và cả những điều chưa nói rõ. Đó cũng chính là đặc trưng của một tiểu thuyết lịch sử.

Để làm được công việc đầy thách thức, khó khăn nhưng cũng vô cùng quyến rũ là “phục sinh quá khứ”, nhà tiểu thuyết trao sứ mệnh cho nhân vật, chủ yếu là hình tượng con người trong tác phẩm. Một tiểu thuyết lịch sử, nhân vật thường tồn tại cả hai dạng: những nhân vật có thật trong lịch sử và nhân vật hư cấu. Kiểu nhân vật thứ nhất là tất yếu đối với một tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, kiểu nhân vật thứ hai là tất yếu đối với một tiểu thuyết, tất nhiên ngoài những nhân vật là vua chúa tướng lĩnh còn đó những người nông dân, những con người bình thường nhất họ đã cùng với hệ thống nhân vật khác làm nên lịch sử oai hùng cho dân tộc. Ngay cả đối với kiểu nhân vật có thật, nhà văn vẫn phải sử dụng hư cấu tưởng tượng để cấp cho nhân vật một tâm

hồn, một tính cách, một số phận, một gương mặt. Bởi điều quan trọng nhất, trước khi là nhân vật của một tiểu thuyết lịch sử, đó phải là nhân vật của một tiểu thuyết. Mặt khác, đối với kiểu nhân vật thứ hai, dù trí tưởng tượng của nhà văn có bay bổng đến đâu cũng không thể thoát ra khỏi không khí lịch sử mà nhà văn đã xác định để tái tạo lại trong tác phẩm, nhân vật ấy phải mang màu sắc lịch sử của thời đại mà nhà văn mô tả. Ở đây có thể dùng hình ảnh cánh diều và mặt đất để so sánh. Cánh diều có thể bay vút là hư cấu của nhà văn, mặt đất là sự thật lịch sử. Dù chỉ nối với mặt đất bằng một sợi dây mỏng manh, nhưng phải có sợi dây ấy cánh diều mới bay cao lên bầu trời được.

Sự có mặt của những nhân vật có thật trong lịch sử là tất yếu đối với bất cứ một tiểu thuyết lịch sử nào, bởi mỗi thể loại đòi hỏi kiểu nhân vật nhất định cho riêng nó. Trong những tiểu thuyết lịch sử viết về triều đại nhà Trần có hàng trăm nhân vật có thực đã từng tồn tại trong lịch sử dân tộc. Từ nhân vật trung tâm Hồ Quý Ly, Trần Thủ Độ, Công chúa An Tư đến hình ảnh những vị vua cuối cùng cả nhà Trần: Trần Nghệ Tông, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế; những bà hoàng như: Minh Từ hoàng phi, công chúa Huy Ninh… Những vị tướng lĩnh tài ba thời Trần giữ nhiều chức vụ quạn trọng trong triều đình có công trong nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm hoặc trấn giữ nơi miền biên ải như: Hưng Đạo đại vương, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Khát Chân, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Nguyên Uyên, Đặng Tất…, đến cả nhà sư Phạm Sư Ôn, tướng cướp Nguyễn Nhữ Cái, hay vua Chiêm Thành…. là nhân vật có thật làm nên diện mạo chính sự từng có trong sử sách đời nhà Trần. Họ hiện lên như ngoài đời thực, gắn liền với thời gian, năm tháng, địa điểm mang dấu tích lịch sử, nhưng đồng thời cũng mang tính cách, tâm trạng và số phận của nhân vật tiểu thuyết. G.Lukacs từng nói: “Các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn các cá nhân

lịch sử thì đang sống” [7, 131]. Đã xuất hiện nhiều tiểu thuyết mang kiểu như thế, nhưng nổi bật với thế giới nhân vật này là: Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh,

Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo... Các nhà văn đã phối hợp khá nhuần nhuyễn tính chính xác tư liệu của lịch sử và hư cấu tưởng tượng. Trong xây dựng nhân vật lịch sử cả hai yếu tố ấy được sử dụng với một liều lượng vừa đủ. Không quá nghiêng, trung thành với nguyên mẫu, nhân vật đã phần nào hình thành trong người đọc qua những tư liệu lịch sử, mà cũng không gây sốc khi hư cấu tưởng tượng.

Như vậy, hư cấu nhân vật lịch sử cũng phải có chừng mực. Chừng mực này xuất phát từ cách nhìn và sự nhận thức đúng đắn cũng như hiểu biết của nhà văn. Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, khi viết về nhân vật lịch sử, ông thường phải đọc rất nhiều dã sử bởi ghi chép về sử liệu Việt Nam còn quá sơ lược, chỉ có mốc lịch sử, sự kiện. Người viết truyện lịch sử hoàn toàn có quyền hư cấu những chi tiết mà chính sử không có. Nhưng hư cấu gì cũng cần phải tôn trọng sự thật, không thể hư cấu theo kiểu “biến không thành có” làm sai lạc hoàn toàn về nhân vật… Đồng quan điểm nay với tác giả Ngô Văn Phú, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng đã có những sáng tạo về các nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử. Hoàng Quốc Hải hư cấu Huyền Trân công chúa (trong Huyền Trân công chúa – một trong bốn tập của bộ tiểu thuyết lịch sử

Bão táp triều Trần), học tiếng chăm, học ca múa trong thời gian chờ hôn lễ. Các sự kiện hành động của nhân vật được tác giả kết nối với nhau, dễ chấp nhận, tình tiết ly kỳ, quyến rũ người đọc. Qua nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử người đọc có thể cảm nhận tâm tư tình cảm, những cảm xúc đời thường của các nhân vật, điều này khác hoàn toàn với những nhân vật lịch sử trong chính sử - khô khan, ít cảm xúc.

Điều các nhà tiểu thuyết, viết về tiểu thuyết lịch sử hướng tới là tạo cho nhân vật bộ mặt đời thường, không chỉ dừng lại ở những ông hoàng, bà chúa, các vị tướng lĩnh... thành công của tiểu thuyết là đào sâu những vấn đề rất người từ đời sống cá nhân, nội tâm riêng tư của mỗi con người.

Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử, từ chính sử và hư cấu phải đáp ứng yêu cầu của tiểu thuyết lịch sử. Các nhà văn chọn được cách ứng xử nghệ thuật hợp lý khi hòa hợp cả hai yếu tố trong cùng một sự việc, một con người để làm nên một thế giới nhân vật sống động, phong phú.

Một phần của tài liệu Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết bão táp triều trần của hoàng quốc hải (Trang 41 - 46)