Nhân vật và vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết bão táp triều trần của hoàng quốc hải (Trang 39 - 41)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Nhân vật và vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết

Nhân vật văn học là con người được nhà văn miêu tả bằng phương diện văn học. Những con người được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay là từng lúc, giữ vai trò nhiều hay ít, điều đó làm ảnh hưởng nhiều tới tác phẩm. Nhân vật văn học có thể là con người có tên, hay có thể là một đại từ nhân xưng nào đó.

Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật có tính ước lệ, có những dấu hiệu để nhận biết: tên gọi, những dấu hiệu về tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc điểm riêng... Những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu, và thông thường sự phát triển về sau của nhân vật gắn bó mật thiết với nhưng giới thiệu ban đầu.

Nhân vật văn học không giống với các nhân vật loại hình nghệ thuật khác. Nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu ngôn từ. Vì vậy nhân vật văn học đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng, liên tưởng lại một con người hoàn chỉnh trong tất cả các mối quan hệ, là một sáng tạo độc đáo gắn liền với ý đồ, tư tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Bertold Brecht cho rằng: “các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của các giả”.

Văn học hiện đại không xem cốt truyện là điểm nhấn là trung tâm mà chính hệ thống nhân vật là trung tâm của sáng tác. Nhà văn Tô Hoài viết:

“nhân vật là nơi tập trung duy nhất, tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác” [9].

Cùng quan điểm đó của nhà văn Tô Hoài nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết, theo tôi là miêu tả những con người và tìm hiểu con đường đi của họ trong xã hội người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là xuất phát từ sự việc” [9].

Các nhà viết tiểu thuyết hiện đại chủ yếu suy nghĩ bằng nhân vật không phải bằng cốt truyện. Mao Thuẫn nêu vấn đề: Trong quá trình cấu tứ, phải chăng hình tượng nhân vật và tình tiết câu chuyện xuất hiện cùng một lúc, và ông cũng đã trả lời: nghiên cứu cho kỹ thì nhân vật xuất hiện không thể không gắn với cốt truyện và chúng ta cứ cảm thấy là hai cái xuất hiện cùng một lúc. Có khi nhân vật đã được tác giả nghĩ ra từ rât lâu rồi nhưng cốt truyện thì có thể chưa được hình thành, nên viết về ông này, bà kia...cốt truyện có thể không phù hợp và thay đổi liên tục cho tới khi tác giả thấy yên tâm về cốt truyện đó. Nhân vật được xem là đứa con tinh thần của các tác giả, một nhà tiểu thuyết phải có nhiều vốn sống, nghe nhiều, đọc nhiều, và tất nhiên là phải đi nhiều. Trong thời kỳ đổi mới của đất nước việc xuất hiện nhiều cốt truyện là chuyện thường thấy, nhưng để thấy được nhân vật, đặc biệt là nhân vật lịch sử thì không dễ chút nào, phải thai nghén nghiên cứu từ rất lâu sau đó.

Xem xét chức năng và vị trí của nhân vật trong tác phẩm, có thể chia thành các loại nhân vật: Nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật phụ... Nhân vật chính, là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và triển khai tác phẩm. Nhà văn thường miêu tả, khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình, nội tâm, quá trình phát triển tính cách nhân vật. Qua nhân vật chính, nhà văn thường nêu lên những vấn đề và những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm, từ đó giải quyết vấn đề, bộc lộ cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mỹ. Nhân vật chính

có nhiều hoặc ít tùy theo dung lượng của tác phẩm, những tác phẩm có nhiều nhân vật chính thì nhân vật chính quan trọng nhất xuyên suốt toàn bộ tác phẩm và được gọi là nhân vật trung tâm. Trong không ít trường hợp nhà văn dùng tên của nhân vật trung tâm để đặt tên cho tác phẩm. Ví dụ như: A.Q chính truyện của Lỗ Tấn, hay Chí phèo của Nam Cao...

Hoàng Quốc Hải viết về nhân vật Huyền Trân công chúa ông đã phải tìm kiếm, không chỉ trên các dữ liệu mà còn phải đi thực tế nhiều nơi kể cả việc ra nước ngoài. Huyền Trân thực sự trở thành một nhân vật sống động, đầy sức thuyết phục. Ông đã xây dựng Huyền Trân thành một trang nữ kiệt về văn hoá, đạo đức, đẩy nhân vật ra xa khỏi quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ. Nàng kiên nghị, sáng suốt có ý thức xây dựng và củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Chiêm vì hoà bình lâu dài của khu vực. Lại biết khuyên Chế Mân việc chấn hưng đất nước, mang lại hạnh phúc cho dân. Kiểu phục hiện lịch sử khiến cho tác phẩm của Hoàng Quốc Hải có một chủ đề tư tưởng sâu sắc. Đặt trong bối cảnh đổi mới đất nước, mở rộng giao lưu văn hoá, ngoại giao hôm nay, nhân vật Huyền Trân ít nhiều có thêm được hơi thở của cuộc sống đương đại.

Trong sáng tạo tiểu thuyết “Có rất nhiều những nhà văn thì thời kỳ thai nghén chuẩn bị cho nhân vật là thời kỳ bắt đầu và có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng một cuốn tiểu thuyết” [9, 732]. Hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết là rất quan trọng, đó là linh hồn, là cuộc sống của tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết bão táp triều trần của hoàng quốc hải (Trang 39 - 41)