Hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTMVN

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 45 - 48)

III- Kinh nghiệm của một số nước về phát triển hoạt động kinh

2-Hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTMVN

2.1- Mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTMVN

Tuỳ theo quy mô hoạt động, hình thức sở hữu và chiến lược hoạt động mà mỗi NHTMVN tìm cho mình một tổ chức phù hợp. Nhưng nhìn chung để dễ quản lý và hoạt động các NHTMVN thường gồm nhiều bộ phận (đơn vị, phòng ban) khác nhau tương ứng với từng mảng hoạt động của ngân hàng. Đối với mua bán ngoại tệ, các ngân hàng thường có:

Phòng kinh doanh ngoại tệ (Dealing Room) tại trụ sở chính của ngân hàng, phòng này có chức năng, nhiệm vụ:

- Chịu sự quản lý trực tiếp của ban lãnh đạo ngân hàng, thực hiện chức năng hoạt động ngoại tệ của toàn hệ thống.

- Là đầu mối duy nhất của ngân hàng được quyền thực hiện kinh doanh ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và trên thị trường quốc tế. Ngay từ khi mới ra đời (11/1993) hai Dealing room của VCB là các Dealing Room đầu tiên ở Việt Nam đã giao dịch trực tiếp với 50 ngân hàng nước ngoài ở Singapore, New York, Hong Kong, Tokyo, Bangkok, Sydney, Zurich, Frankfurt, Paris, London và các nơi khác. Các Dealing Room ở các NHTM khác ra đời sau đó cũng tăng cường giao dịch trực tiếp với các ngân hàng khu vực và thế giới, và thông qua các chi nhánh của ngân hàng tại nước ngoài để mở rộng các giao dịch kinh doanh.

- Có chức năng chỉ đạo, kiểm tra hoạt động kinh doanh ngoại hối đối với các chi nhánh thuộc hệ thống ngân hàng.

Tại trụ sở chính, các NHTMVN tiến hành nghiệp vụ kinh doanh giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi với các chi nhánh trong cùng hệ thống ngân hàng, với các ngân hàng khác trên thị trường liên ngân hàng, kinh doanh chênh lệch tỷ giá và thực hiện giao dịch hoán đổi với NHNN.

Phòng kinh doanh ngoại tệ tại các chi nhánh:

Nhiệm vụ của phòng kinh doanh ngoại tệ tại các chi nhánh bao gồm:

- Thực hiện mua bán với trụ sở chính và với các tổ chức kinh doanh là pháp nhân của Việt Nam có nguồn thu ngoại tệ và nhu cầu về ngoại tệ phù hợp với quy định quản lý ngoại hối hiện hành.

- Được phép mua ngoại tệ với các tổ chức tín dụng, nhưng không được phép bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng (kể cả cho các chi nhánh trong hệ thống ngân hàng), nếu dư thừa ngoại tệ, chi nhánh phải bán ngoại tệ đó cho trụ sở chính (phòng Dealing Room) để cân đối ngoại tệ cho toàn hệ thống.

- Tại các chi nhánh thường tiến hành mua bán giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi có thể thực hiện với khách hàng là cá nhân hay tổ chức kinh tế trên địa bàn của chi nhánh theo tỷ giá VND với các ngoại tệ khác do mình tự ấn định trên cơ sở tỷ giá do trụ sở chính thông báo, ngoài các giao dịch trên các chi nhánh cũng có thể

thực hiện kinh doanh chênh lệch tỷ giá thị trường trong nước với thị trường nước ngoài thông qua trụ sở chính.

Đối với các hoạt động ngoại hối khác như thanh toán quốc tế, vay và cho vay ngoại tệ, mua bán, chiết khấu hay cầm cố các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ thường được các NHTMVN tiến hành ở phòng thanh toán quốc tế và phòng tín dụng.

Riêng việc kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế, chứng khoán có ghi bằng ngoại tệ được tiến hành ở các đơn vị hạch toán độc lập (thường dưới dạng công ty thuộc sở hữu của ngân hàng như công ty kinh doanh mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý; công ty chứng khoán).

Như vậy hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTMVN vẫn đang còn ở thời kỳ sơ khai được tổ chức đan xen kết hợp với các hoạt động khác của ngân hàng.

2.2- Trạng thái ngoại tệ của các NHTMVN

Trạng thái ngoại tệ của một ngoại tệ là chênh lệch giữa tổng tài sản Có và tổng tài sản Nợ bằng ngoại tệ đó, bao gồm cả các tài khoản mua bán ngoại tệ ngoại bảng tương ứng. Trong đó có ba loại trạng thái ngoại tệ là trạng thái ngoại tệ dương (long position) khi tổng tài sản Có lớn hơn tổng tài sản Nợ và sẽ bị lỗ khi ngoại tệ giảm giá; trạng thái ngoại tệ âm (short position) khi tổng tài sản Có nhỏ hơn tổng tài sản Nợ và sẽ bị lỗ nếu ngoại tệ lên giá; và trạng thái ngoại tệ cân bằng (square position) khi tổng tài sản Có bằng tổng tài sản Nợ, đối với trạng thái này NHTM sẽ không chịu rủi ro hối đoái cho dù tỷ giá hối đoái có biến động thất thường.

Các NHTM tính trạng thái ngoại tệ (i) theo công thức sau:

Trạng thái = Tài sản có ngoại tệ (i) - Tài sản nợ ngoại tệ (i)  (3) ngoại tệ + Doanh số mua vào (i) - Doanh số bán ra (i) 

Đồng thời các ngân hàng phải tính trạng thái ngoại tệ cho các khoảng thời gian sau:

Trạng thái ngoại tệ cuối ngày được tính trên cơ sở trạng thái ngoại tệ ngày hôm trước và chênh lệch giữa doanh số mua, doanh số bán phát sinh trong ngày của ngoại tệ đó, bao gồm cả giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn.

Trạng thái ngoại tệ cuối tháng được tính trên cơ sở số dư tại thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng trên Tài khoản mua bán ngoại tệ kinh doanh, Tài khoản ngoại tệ bán ra từ các nguồn khác, Tài khoản cam kết mua ngoại tệ giao ngay, Tài khoản cam kết bán ngoại tệ giao ngay, Tài khoản cam kết mua ngoại tệ có kỳ hạn và Tài khoản cam kết bán ngoại tệ có kỳ hạn.

Trạng thái ngoại tệ cuối tháng là cơ sở để đối chiếu đảm bảo tính chính xác của trạng thái ngoại tệ cuối ngày.

Tuy nhiên, tổng trạng thái của từng loại ngoại tệ sẽ do các NHTMVN tự quyết định không được vượt quá 30% vốn tự có hoặc vượt quá nhưng phải được sự cho phép của NHNN tại thời điểm tính trạng thái ngoại tệ.

Trạng thái ngoại tệ có ý nghĩa quan trọng đối với cả NHNN lẫn các NHTMVN. Đối với NHNN, trạng thái ngoại tệ giúp kiểm soát được khả năng thanh khoản về ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, thông qua các báo cáo của NHTM, NHNN nắm được chênh lệch cung cầu về ngoại tệ, từ đó có những can thiệp trên thị trường; đồng thời đây còn là một công cụ dự đoán tín hiệu thị trường, thị trường đang có xu hướng mua vào hay bán ra, qua đó NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá cho thích hợp. Đối với các NHTMVN, trạng thái ngoại tệ giúp kiểm soát được hoạt động đầu cơ kinh doanh ngoại tệ, dự đoán các tín hiệu của thị trường, từ đó xác định được xu hướng biến động của thị trường ngoại tệ, hạn chế rủi ro khi có biến động về tỷ giá, quản trị được tính thanh khoản, điều này đặc biệt có lợi khi thả nổi lãi suất nội tệ.

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 45 - 48)