Phát triển thị trường ngoại hối

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 89 - 92)

II- Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ngoại hố

2.3-Phát triển thị trường ngoại hối

2- Giải pháp vĩ mô trong việc hỗ trợ các NHTMVN đẩy mạnh

2.3-Phát triển thị trường ngoại hối

NHTMVN là một thành viên quan trọng của thị trường ngoại hối, do vậy giữa hoạt động kinh doanh của NHTMVN và thị trường ngoại hối có một mối liên hệ hai chiều. NHTMVN trực tiếp giúp cung và cầu trên thị trường ngoại hối gặp nhau, ngược lại những biến động trên thị trường lại có tác động hoặc tích cực hoặc tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh ngoại hối của NHTMVN. Nói một cách khác, sự phát triển kinh doanh ngoại hối của các NHTMVN luôn gắn liền với sự phát triển thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, hiện nay thị trường ngoại hối Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, cho nên còn yếu kém về nhiều mặt như: tổ chức thị trường, hàng hoá, các nghiệp vụ kinh doanh, đây chính là những trở ngại cho việc phát triển kinh doanh ngoại hối của các NHTMVN mà cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt.

Đối với tổ chức thị trường, nước ta chưa có một thị trường ngoại hối

thống nhất điều này thể hiện ở sự khác biệt về tỷ giá giao ngay giữa các khu vực, thậm chí giữa các trung tâm chính như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Do vậy cần phải nhanh chóng cải tiến hệ thống thanh toán bù trừ và tạo ra một sự giao dịch liên tục giữa các Trung tâm lớn để nhanh chóng loại bỏ sự chênh lệch tỷ giá giao ngay theo vùng. Ngoài ra cần tiến hành thiết lập thị trường ngoại tệ liên ngân hàng theo mô hình tổ chức kép, bao gồm thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trực tiếp giữa các ngân hàng và thị trường gián tiếp qua môi giới bởi vì các phương tiện giao dịch trên thị trường chưa hiện đại nên các công ty môi giới ngoại hối sẽ góp phần hạn chế sự gián đoạn trên thị trường. Hiện tại, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trực tiếp đã có 60 thành viên được công nhận là thành viên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhưng số thành viên tham gia tích cực thì rất hạn chế khiến cho thị trường hoạt động trầm lắng. Ngoài ra, giao dịch trên thị trường thường diễn ra một chiều, nghĩa là một số ngân hàng thì chuyên đi bán, số khác thì chuyên đi mua do đó thị trường ngoại tệ liên ngân hàng mất đi tính đặc thù của nó. Để khắc phục hạn chế này, một mặt cần mở rộng số lượng thành viên, mặt khác tạo ra môi trường và điều kiện để các thành viên tham gia thị trường được tích cực hơn. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp thiết thực khuyến khích các NHTMVN kinh doanh trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là NHNN cần đẩy nhanh tốc độ thanh toán bằng cách nối mạng thanh toán bù trừ liên ngân hàng cho tất cả các định chế được phép kinh doanh ngoại tệ. Nếu thời gian xử lý chứng từ được tiết giảm, các NHTMVN không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí giao dịch mà còn tận dụng nhiều cơ hội kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Về thị trường ngoại tệ liên ngân hàng gián tiếp, trước mắt do hệ thống các công ty môi giới chưa kịp hình thành, NHNN có thể cho phép một số NHTMVN hoạt động kinh doanh ngoại hối lớn, có uy tín và có kinh nghiệm thành lập công ty con với chức năng môi giới ngoại tệ. Song song với việc làm này, NHNN cần có giải pháp khuyến khích, cấp phép cho một vài công ty môi giới ngoại hối hoạt động trong thời gian tới.

Đối với hàng hoá của thị trường ngoại hối Việt Nam, NHNN cần tạo ra

nhiều chủng loại và số lượng lớn các công cụ ngoại hối như tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ, công trái bằng ngoại tệ, tích cực chiết khấu và tái chiết khấu, mua bán ngắn hạn các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ. Một mặt, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, nhanh chóng sửa đổi khung pháp lý để đẩy mạnh việc sử dụng thương phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại tín phiếu, trái phiếu của NHTM bằng ngoại tệ. Mặt khác, NHNN cần có chính sách khuyến khích các NHTMVN huy động và cho vay vàng tiêu chuẩn quốc tế, mua và bán vàng tiêu chuẩn quốc tế như hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật kiểm định, bảo quản, giảm thuế nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế, giảm thuế thu nhập từ hoạt động kinh doanh vàng.

Đối với các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, NHNN cần tiếp tục phát

triển nghiệp vụ giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi như mở rộng kỳ hạn của các hợp đồng kỳ hạn từ 1- 365 ngày chứ không nên chỉ giới hạn từ 30- 180 ngày như hiện nay. NHNN cần phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc mua hết và bán đủ các ngoại tệ khi các NHTMVN có nhu cầu. Bên cạnh đó, NHNN cần phải cho phép các NHTMVN tiến hành nghiệp vụ hoán đổi với các khách hàng khác không phải là NHNN, tiếp đó có thể hoán đổi các ngoại tệ khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở USD, VND như hiện nay. Ngoài ra, cần khuyến khích nhiều ngân hàng tham gia thí điểm nghiệp vụ quyền chọn tiền tệ, để tiến hành triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam dựa trên cơ sở hạn chế những nhược điểm đã được phát hiện trong quá trình thử nghiệm. Trong tương lai, khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, NHNN nên cho phép các NHTMVN từng bước tiếp cận với nghiệp vụ tương lai. Có như vậy thị trường ngoại hối mới có thể phát triển theo kịp các nước phát triển.

Trên đây là ba giải pháp cơ bản để phát triển thị trường ngoại hối, bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam cũng có thể thay đổi một số nội dung quản lý ngoại hối theo hướng tự do hoá như nới lỏng dần các quy định về quản lý ngoại hối cho phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là phù hợp với các quốc gia trong khu vực, như nới lỏng các quy định đối với quyền mua bán ngoại tệ của các tổ chức kinh

tế, mở rộng phạm vi được giao dịch vay ngoại tệ bao gồm cả vay ngoại tệ để thực hiện dự án, vay để kinh doanh xuất khẩu, góp vốn liên doanh đầu tư ra nước ngoài ... Đây cũng chính là yêu cầu khách quan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo thị trường ngoại hối Việt Nam phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 89 - 92)