Cơ sở đánh giá hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTM

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 33 - 36)

II- Các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối của các NHTM

3-Cơ sở đánh giá hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTM

Thông thường, việc đánh giá hoạt động kinh doanh ngoại hối của NHTM được tiến hành thông qua một hệ thống các tiêu chí về mặt định tính cũng như định lượng. Ngoài ra còn phải kể đến các chỉ tiêu giảm thiểu rủi ro hối đoái.

Các chỉ tiêu định tính

Đánh giá mặt định tính là việc xem xét hoạt động kinh doanh ngoại hối của NHTM có thực hiện tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình hay không.

Theo tiêu chí này, người ta có thể xem xét một số mặt sau đây:

Một là, khả năng thực hiện việc chu chuyển vốn và mức độ thực hiện trung gian thanh toán các nhu cầu đa dạng về ngoại hối cho phát triển nền kinh tế.

Hai là, ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh ngoại hối đối với việc hoàn thiện các chính sách vĩ mô về kinh tế xã hội nói chung và về tài chính tiền tệ nói riêng của Chính phủ như quản lý ngoại hối, chính sách tỷ giá và lãi suất của NHTW; góp phần vào việc điều tiết quan hệ cung cầu ngoại hối trên thị trường nhằm đảm bảo ổn định đồng nội tệ và góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn ngoại hối của các tổ chức kinh tế và quốc gia.

Ba là, mức độ của ngân hàng trong việc góp phần đẩy mạnh mối quan hệ đối ngoại của đất nước trong điều kiện hội nhập để mở rộng sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, là khả năng thích ứng của NHTM trong môi trường cạnh tranh ở cả hai thị trường tài chính- tiền tệ trong nước và quốc tế.

Bốn là, mức độ mở rộng, đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh ngoại hối tác động tích cực hay tiêu cực đến quá trình mở rộng, phát triển, cơ cấu và hiện đại hoá hệ thống ngân hàng và thị trường ngoại hối .

Các chỉ tiêu định lượng

Đánh giá định lượng là việc xem xét hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTM qua kết quả hoạt động kinh doanh về số lượng được tính theo đơn vị ngoại tệ (hay quy đổi ngoại tệ ra nội tệ) thông qua các tiêu chí như doanh thu và lợi nhuận của từng nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối hay của từng loại ngoại hối, hiệu quả sinh lời của một đồng vốn cho vay hoặc đầu tư, mức lợi nhuận ròng so

với thu nhập thuần tuý của một loại hoạt động, mức lợi nhuận thu được trên tổng vốn đầu tư cho một dịch vụ … Nói một cách chung nhất lợi nhuận hoạt động kinh doanh ngoại hối của NHTM là chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra ngoại hối hoặc nguồn thu bất thường từ vốn ngoại hối do những biến động trên thị trường sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý. Xem xét theo chỉ tiêu hiệu quả này là việc so sánh về mặt lượng kết quả các loại hoạt động hay giao dịch kinh doanh theo một thời gian nhất định (thông thường là năm) tương ứng với quy mô, năng lực hiện có của NHTM. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá năng lực hoạt động của từng NHTM so với các ngân hàng khác, và dùng để so sánh năng lực hoạt động ở từng thời kỳ khác nhau trong kinh doanh.

Đứng trước quan điểm toàn bộ về hoạt động của một NHTM kết quả hoạt động kinh doanh ngoại hối không có lãi hoặc có lãi thấp không phải lúc nào cũng hàm ý kinh doanh ngoại hối kém hiệu quả, nếu hoạt động này góp phần nâng cao uy tín các mặt nghiệp vụ từ đó thu hút thêm khách hàng và tăng lợi nhuận cho toàn bộ hoạt động ngân hàng trong tương lai. Nói một cách khác, quan điểm toàn bộ về đánh giá hoạt động kinh doanh của NHTM phải kết hợp cả chỉ tiêu định tính và chỉ tiêu định lượng.

Các chỉ tiêu giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh

Trong hoạt động ngân hàng, lợi nhuận và rủi ro luôn song hành với nhau và có mối quan hệ ngược chiều, nghĩa là lợi nhuận càng cao thì khả năng rủi ro càng lớn và ngược lại. Đối với hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng vậy, nó thường gặp phải những rủi ro và thường bao gồm các loại rủi ro sau đây:

Rủi ro về tỷ giá là rủi ro ngoại hối không chắc chắn của một khoản đầu tư, thu nhập hay chi trả do sự biến động của tỷ giá gây ra. Sự biến động về tỷ giá đó có thể làm tổn thất giá trị dự kiến về kết quả hoạt động của ngân hàng. Để hạn chế rủi ro tỷ giá, ngân hàng cần phải đặt ra hạn mức trạng thái ngoại hối của mỗi loại tiền. Giới hạn đó phụ thuộc vào tình hình tài chính của ngân hàng và khả năng đánh giá rủi ro.

Rủi ro về tín dụng và rủi ro tính lỏng phát sinh khi các bên tham gia gặp khó khăn về tài chính, hoặc khi có biến động lãi suất trên thị trường. Rủi ro này được giảm bớt nếu có sự hạn chế giao dịch với từng loại khách hàng, tìm hiểu các thông tin về khách hàng có những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng như huỷ bỏ toàn bộ hay một phần tín dụng nếu nhận thấy tình hình hoạt động của bên đối tác có dấu hiệu giảm sút, đồng thời đòi hỏi một khoản bảo hiểm theo tỷ lệ phần trăm nhất định tuỳ theo tính chất, nội dung loại hợp đồng ký kết.

Rủi ro hoạt động là rủi ro liên quan đến những hoạt động kinh doanh như thanh toán chậm, sai đối tượng, sai số lượng, trình độ non kém của người kinh doanh, các khoản mất mát mà ngân hàng phải gánh chịu v.v… Để khắc phục, hạn chế loại rủi ro này, ngân hàng phải xác định và thực hiện một cách chính xác các nhiệm vụ đặt ra, xác định trách nhiệm của từng bộ phận tham gia kinh doanh ngoại hối.

Khi đánh giá hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng cũng cần thiết phải đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, việc thúc đẩy công tác thanh toán quốc tế, nói một cách khác đánh giá chất lượng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp có liên quan đến ngoại hối bởi vì việc đáp ứng một cách thuận lợi các nhu cầu của khách hàng trong quá trình kinh doanh sẽ tạo ra hiệu quả về hình ảnh và uy tín của một ngân hàng, giúp cho ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 33 - 36)