Nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ (Currency Swap)

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 25 - 27)

II- Các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối của các NHTM

2.5-Nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ (Currency Swap)

Hoán đổi tiền tệ là việc trao đổi một khoản nợ bằng một đồng tiền này cho một khoản nợ bằng một đồng tiền khác. Một giao dịch hoán đổi tiền tệ được tiến hành theo các bước như sau:

(1) Hai bên trao đổi một khoản nợ ban đầu bằng hai đồng tiền khác nhau theo tỷ giá giao ngay;

(2) Hai bên thanh toán lãi suất cho nhau (lãi suất hoặc cố định hoặc thả nổi) bằng đồng tiền đã được hoán đổi của họ cho khoảng thời gian hoán đổi được xác định trước;

(3) Hai bên lại trao đổi khoản nợ trên vào ngày đáo hạn theo tỷ giá giao ngay ở giai đoạn (1).

Đôi khi giai đoạn (1) được bỏ qua, giai đoạn (2) lại được thay thế bằng việc một bên trả cho bên kia “séc khác biệt” (difference check) có trị giá đúng bằng mức chênh lệch lãi suất.

Có thể thấy, giao dịch hoán đổi tiền tệ gắn liền với hoán đổi lãi suất (interest rate swap). Tuy nhiên có sự khác biệt ở hai công cụ này: hoán đổi lãi suất là trao đổi thanh toán lãi suất của hai loại lãi suất khác nhau ví dụ hoán đổi lãi suất cố định cho lãi suất thả nổi nhưng bằng một đồng tiền thống nhất, mà không có sự trao đổi khoản nợ ban đầu. Còn hoán đổi tiền tệ về mặt khái niệm lại là hoán đổi lãi suất bằng nhiều đồng tiền khác nhau.

Hoán đổi tiền tệ có rất nhiều hình thức khác nhau: hoán đổi tiền tệ fixed-for- fixed, là nghiệp vụ trao đổi một khoản nợ có lãi suất cố định (chẳng hạn là 10%) tính bằng ngoại tệ này (chẳng hạn FRF) lấy một khoản nợ khác có lãi suất cố định (chẳng hạn là 8%) nhưng tính bằng ngoại tệ khác (chẳng hạn USD); hoán đổi tiền tệ fixed- for- floating, hay hoán đổi tiền tệ chéo (cross- currency swap), và có tên gọi khác là hoán đổi tiền tệ coupon (currency coupon swap), trong đó đổi một khoản nợ có lãi suất cố định (chẳng hạn 10%) được tính bằng một ngoại tệ (chẳng hạn FRF) lấy một khoản nợ khác có lãi suất thay đổi (chẳng hạn PIBOR + 3/8) tính bằng một đồng tiền khác (chẳng hạn là USD). Cũng có trường hợp hoán đổi tiền tệ floating- for- floating, trong đó tỷ lệ lãi suất bằng hai đồng tiền đều thả nổi.

Mục đích của hoán đổi tiền tệ cũng giống như mục đích của hoán đổi lãi suất. Có thể ngân hàng muốn đa dạng hoá và phân tán các khoản nợ ở các thị trường vốn khác nhau, hoặc để thay đổi một dòng tiền mặt từ ngoại tệ này sang ngoại tệ khác.Ví dụ: một ngân hàng Mỹ có tài sản có bằng USD với mức lãi suất

cố định; tài sản nợ là trái phiếu bằng GBP trị giá 50 triệu GBP, kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định là 10%/năm. Một ngân hàng Anh có tài sản có bằng GBP với mức lãi suất cố định; tài sản nợ là trái phiếu bằng USD trị giá 100 triệu USD, kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định 10%. Như vậy cả hai ngân hàng trên đều bộc lộ rủi ro hối đoái nhưng ngược chiều nhau. Ngân hàng Mỹ bộc lộ rủi ro hối đoái trong trường hợp nếu giá trị USD giảm so với GBP trong 4 năm tới, bởi vì chi phí để thanh toán số tiền gốc 50 triệu GBP và lãi 10%/năm từ việc huy động trái phiếu bằng GBP tăng lên. Ngược lại ngân hàng Anh sẽ chịu rủi ro hối đoái trong trường hợp nếu trị giá của USD tăng lên so với GBP trong 4 năm tới. Để khắc phục rủi ro này, ngân hàng Anh sẽ thanh toán toàn bộ số tiền gốc và lãi hàng năm bằng GBP đối với các trái phiếu GBP do ngân hàng Mỹ phát hành. Đồng thời, ngân hàng Mỹ sẽ thanh toán toàn bộ số tiền gốc và lãi hàng năm bằng USD đối với các trái phiếu bằng USD do ngân hàng Anh phát hành. Đây là nghiệp vụ hoán đổi kiểu fixed-for- fixed.

Trước khi nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ ra đời, các thành viên tham gia thị trường ngoại hối thường sử dụng các khoản vay song song (parallel loans) và khoản vay giáp lưng (back- to- back loans) để vượt qua những kiểm soát về quản lý ngoại hối và thuế của chính phủ. Việc bù trừ các khoản vay bằng hai đồng tiền khác nhau có thể được sắp xếp giữa hai bên, chẳng hạn một công ty Mỹ cho một công ty của Pháp ở Mỹ vay bằng USD, và công ty Pháp đó lại cho công ty Mỹ này vay hoặc cho một chi nhánh của công ty Mỹ này ở Pháp vay một số tiền có giá trị tương đương bằng FRF. Ngày nay quá trình này đã được thay thế bằng nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ. Tuy vậy các công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác có nhu cầu vay đồng bản tệ có cùng thời gian và cùng số lượng. Do vậy các giao dịch hoán đổi tiền tệ rất ít khi xảy ra giữa các công ty mà thông qua NHTM.

Một phần của tài liệu Hoang tran tung (Trang 25 - 27)