Dấu ấn tài năng của Mạc Ngôn trong Báu vật của đờ

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 39)

Nền văn học Trung Quốc đương đại có những thành tựu rực rỡ với sự xuất hiện của một loạt tác giả nổi tiếng, như: Giả Bình Ao, Vệ Tuệ, Mạc Ngôn, Tào Đình, Lưu Quốc Phương, Ngô Huyền… Với nhận thức mới về thời đại, những tác giả Trung Quốc đương đại đã đưa hiện thực cuộc sống xã hội vào trong tác phẩm của mình một cách tự nhiên và chân thật, họ đã đưa văn học về đúng với chức năng cơ bản của nó, tức là phản ánh số phận con người. Tiểu thuyết Báu vật của đời của nhà văn Mạc Ngôn là một tác phẩm thể hiện rõ nét quan điểm sáng tác ấy. Đọc Báu vật của đời chúng ta thấy một xã hội trần trụi được Mạc Ngôn mô tả rất tỉ mỉ. Trong xã hội ấy, chiến tranh, tệ nạn xã hội mà điển hình là cái xấu cái ác luôn đè nặng lên số phận mỗi con người. Hiện thực trong Báu vật của đời khái quát rộng lớn nhưng cụ thể. Cái nhìn của tác giả dựa trên quan điểm của nhân dân vì vậy những sự kiện lịch sử không hề có điểm gãy, đồng thời soi rọi vào tận cùng những góc khuất từ đó trả lại ý nghĩa thật sự cho lịch sử.

Kết cấu Báu vật của đời là một điểm đặc sắc thể hiện rõ phong cách độc đáo của Mạc Ngôn. Toàn bộ câu chuyện được kể lại qua lời nhân vật Kim Đồng, người con trai duy nhất của dòng họ Thượng Quan. Đây là thủ pháp “lời phong cách hoá”, một thủ pháp khó và mới mẻ. Ở đó toàn bộ câu chuyện được kể theo ý thức của một hoặc nhiều nhân vật, qua đó tạo ra cái nhìn bổ sung cho cái nhìn của tác giả trong việc miêu tả. Ở Báu vật của đời, Kim Đồng như một nhân chứng, chứng kiến toàn bộ qua trình phát triển của Cao Mật và sự hưng vong của gia đình Thượng Quan. Câu chuyện xoay quanh những thành viên của hai dòng họ Thượng Quan, Tư Mã và những người liên quan đến hai dòng họ này. Mỗi nhân vật xuất hiện trong dòng chảy của câu chuyện đều hiện lên qua cảm nhận, cảm quan của Kim Đồng. Anh là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, mọi đầu mối của câu chuyện đều hướng về anh. Anh vừa là một nhân chứng lại vừa là một nạn nhân của quá trình phát triển ấy. Câu chuyện diễn ra tự nhiên theo dòng thời gian cùng với sự lớn lên (về mặt thể chất) của Kim Đồng, vì vậy câu chuyện được kể lại một cách trọn vẹn, không có những điểm gãy. Xuyên suốt trong tác phẩm chỉ có một người kể chuyện nhưng điểm nhìn lại liên tục được thay đổi, có lúc tác giả để nhân vật ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” cũng có lúc dùng ngôi thứ ba “cậu” hoặc “anh” làm cho câu chuyện diễn ra nhịp nhàng uyển chuyển. Đặc biệt hơn toàn bộ câu chuyện đều được tác giả miêu tả tỉ mỉ bằng tất cả sức mạnh giác quan của nhân vật chính, khiến cho những sự kiện trong tác phẩm hiện lên vừa khách quan vừa chủ quan, vừa hiện thực vừa kì ảo. Chúng ta có thể hình dung được những sự kiện chính trong diễn tiến lịch sử của Trung Hoa bắt đầu từ khi quân Nhật xâm chiếm đến cuộc nội chiến đẫm máu của Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, cuộc đấu tranh chính trị năm 1949, sau đó là cách mạng văn hóa rồi đến cuộc sống thị trường thời hiện đại xen vào đó là những sự kiện huyễn hoặc không liên quan đến chính sử. Nhân vật sống trong cõi thực mà như đang ở trong cõi mơ. Câu chuyện về cậu bé dần được mở rộng thành câu chuyện của một gia đình, một gia tộc, một vùng đất đậm chất huyễn hoặc với hàng loạt cuộc tranh hùng và đổi ngôi giữa các phe phái và hàng loạt câu chuyện kì lạ. Những sự kiện bị ảo hóa đã tạo ra một không gian hư ảo, huyền bí đánh thức sự hiếu kì của độc giả. Hàng loạt câu chuyện xuất hiện không cần sự lí giải nào, cũng không ai thắc mắc với những sự kiện đó, thực hư

đan cài vào nhau thành một thể thống nhất. Ranh giới giữa thời gian và không gian, lịch sử và hiện tại, vật lí và tâm lí trở nên mơ hồ.

Cái có thực vốn là những lạc hậu cổ hủ của người dân Trung Quốc như tục bó chân ở phụ nữ hay sự trọng nam khinh nữ trong tư tưởng phong kiến. Nó được tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại hoá đó là hình ảnh của Tiên Chim chữa bệnh cho mọi người, bộ râu cứng như thép của Tư Mã Khố làm mẻ cả dao cạo… Cái có thực mang tính kì diệu, đó là khả năng giao tiếp với muông thú của cha con Hàn Chim, Hàn Vẹt; đó là căn bệnh “nhũ yếm thực” của Kim Đồng làm anh mãi mãi không trưởng thành về tinh thần – đó cũng là cảm quan của nhà văn về một con người chưa thành người hoặc bị hạ cấp xuống lưng chừng giữa trần thế: “Thiên đường hay địa ngục đều không dành cho chúng ta! Chỗ của ta là khoảng giữa thiên đường và địa ngục” [39, tr. 266] đó là lời cảnh báo của tác giả đối với nhân loại. Cái không có thực – nhà văn dựa trên cảm quan hiện thực xã hội mà tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại hoá: Những câu chuyện về hồn ma, về hồ li trong những giấc mơ của Kim Đồng, đó là số phận gian truân của cả gia đình Thượng Quan. Mạc Ngôn qua đó bày tỏ nỗi đau trước số phận con người. Có những nỗi đau nhìn thấy, nhưng có những nỗi đau đau hơn nhiều lần mà không dễ nhận ra mà Mạc Ngôn là người đã nhận ra và đau nỗi đau chung của hiện thực.

Tác phẩm chỉ “quanh quẩn” cái vùng quê Cao Mật hẻo lánh vốn chẳng mấy ai biết đến, nhưng nhờ tài năng của Mạc Ngôn, nó đã có sức cuốn hút hàng triệu người và trở nên nổi tiếng. Mạc Ngôn có phép lạ gì vậy? Để trả lời câu hỏi này, ta thử tìm hiểu xem “thế giới” Mạc Ngôn đã bày đặt ra như thế nào? Có lẽ “phép lạ” chủ yếu của Mạc Ngôn chính là biết “bày đặt” ra những chuyện kỳ lạ ít người biết trên một cái khung, cái nền không xa lạ. Về thực chất, đó là thủ pháp lạ hoá, huyền thoại hoá hiện thực. Nó là nội dung mà cũng là hình thức tác phẩm. Nói cách khác, đó là thế giới nghệ thuật của tác giả.

Mạc Ngôn đã sáng tạo ra vô số chuyện lạ trong Báu vật của đời. Thế gian này hiếm có gia đình nào có 9 đứa con mà số phận đứa nào cũng éo le bi thảm như gia đình Thượng Quan. Tư Mã Khố, ngoài các giai thoại truyền tụng tác giả còn đặc vị “yêng hùng” này trước khi bị cách mạng xử tử chỉ yêu cầu được sửa sang râu tóc, nhưng lưỡi dao cạo của thợ hớt tóc bị

mẻ hết vì râu hắn cứng như bàn chải bằng dây thép. Và ở đâu có chuyện lạ như cảnh chợ Tuyết, không ai được nói câu nào, người đóng vai “Công tử Tuyết” đeo mạng che mặt được sờ vú chị em: “Ngày hôm đó tôi sờ khoảng một trăm hai mươi cặp vú... hai tay tôi nâng bầu vú nặng chịch, to quá cỡ... chị hướng dẫn tôi sờ nắn từng phân da trên vú chị” [39, tr. 368]. Lại còn những lời “quảng cáo” cho cửa hàng “Thế giới nịt vú Thú một sừng” khó tìm thấy trong sử sách nhân loại: “Cặp vú khoan khoái thì người phụ nữ mới khoan khoái, người phụ nữ khoan khoái thì đàn ông mới khoan khoái... Xã hội nào không quan tâm đến vú phụ nữ là một xã hội dã man! Xã hội nào không quan tâm đến vú phụ nữ thì đó là xã hội vô nhân đạo! Các con, bớt tiền tiêu vặt mua cho mẹ cái nịt vú, không có trời làm sao có đất, không có mẹ làm sao có con?...” [39, tr. 665]. Là một nhà văn có lập trường chính trị rõ ràng, Mạc Ngôn không dễ sa vào chủ nghĩa tự nhiên và lối viết tục tĩu. Ở đây hình ảnh bầu vú người phụ nữ đã mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho sức sống, sự sinh sôi nảy nở của đất nước Trung Hoa. Những trang sách không giống như đời thật ấy lại có sức cuốn hút người đọc chính vì con người ta đến với nghệ thuật cốt để tìm ra sự khác thường, để được cùng tác giả thăng hoa khi đưa trí tưởng tượng bay lên với cảm xúc trào dâng. Những giây phút ấy như nhiều nhà văn đã tự bạch: nhân vật vượt ra ngoài sự trù liệu, sắp đặt của tác giả. Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm Báu vật của đời đều có những phút “xuất thần” như thế nhưng người đọc lại không nghĩ đó là chuyện hoang đường, vì nó bắt nguồn từ cảm xúc chân thật của tác giả dựa vào bản chất, vào khả năng tiềm tàng có thật của nhân vật cũng như tình huống câu chuyện. Có thể không có ai như mẹ con nhà Thượng Quan đã chịu nổi cảnh đày đọa ghê gớm như thế nhưng nhân loại từng biết những con người - thường là những anh hùng - đã chứng tỏ sức chịu đựng phi thường như anh hùng Liên Xô Ma-ret-xép trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, hay Hai Thương đã từng bị kẻ thù tra tấn bằng cách cưa cụt cả hai chân đến tận háng, không phải một lần, mà sáu lần, mỗi lần một khúc... Nhà văn còn tạo ra sự “lạ hóa” thông qua việc miêu tả cảm giác như một sự say mê và tài hoa. Mạc Ngôn cho rằng: “Khi viết nhà văn phải huy động mọi giác quan của mình như vị giác, thị giác, thính giác, khứu giác hoặc là một cảm giác kỳ diệu vượt qua tất cả mọi cảm giác kể trên” [52]. Báu vật của đời luôn có sự tương giao nhiều chiều trong

cảm giác, thể hiện trong việc miêu tả khả năng giao lưu giữa người và vạn vật gây tò mò cho độc giả như cuộc trò chuyện giữa Hàn Chim và Sói, giữa Kim Đồng với những bầu vú trong Báu vật của đời. Nhân vật Kim Đồng đã nhìn bầu vú trong sự trong suốt của linh hồn với những hình khối, màu sắc và âm thanh đa dạng và chính những cảm giác mà nhân vật cảm nhận được đã tạo nên sự khác biệt và đặc sắc của từng đối tượng được miêu tả. Kim Đồng và bầu vú luôn có sự tương giao với nhau, nó không chỉ là sự tương giao đơn thuần bên ngoài mà còn là sự dung hợp giữa tri giác và nội tâm. Những thay đổi bất thường của bầu vú đều được anh cảm nhận một cách tinh tế dù là những thay đổi nhỏ nhất. Tác giả đã cấp cho bầu vú một linh hồn riêng, một sức sống riêng, vừa phụ thuộc vào bản thể con người vừa tách khỏi nó. Khoái cảm thẩm mĩ được tạo ra nhờ đưa cảm giác chủ quan chuyển hóa vào trong đối tượng tạo nên trạng thái nhẹ nhàng thoải mái cho cả người cảm nhận lẫn đối tượng được miêu tả. Dường như Mạc Ngôn dùng phương pháp “Stemomanay” để cảm nhận bầu vú, đây chính là phương pháp đọc các dấu hiệu trên cơ thể từ vùng bụng đến thắt lưng của con người, phương pháp này đươc tận dụng để khai thác khám phá tính cách phụ nữ thông qua hình dáng “núi đôi” của họ. Cách này đã được sử dụng hiệu quả trong văn học Tây Ban Nha thế kỉ XVIII. Bầu vú đã không còn là một vật thể tĩnh lặng nữa mà trở thành một thực thể sống, nó có những khao khát riêng và ngôn ngữ riêng biệt.

Trong quan điểm phương Đông, vạn vật tương liên tương thông, tương cảm nên con người với vạn vật chỉ là một. Đó cũng là cơ sở cho những cuộc rong ruổi cảm giác trong kể tả. Đặc biệt trong quá trình miêu tả cảm giác, người kể chuyện còn cấp cho nhân vật những mùi vị riêng. Ở điểm này Mạc Ngôn rất gần với W.Faulkner. Nhân vật của W. Faulkner có “mùi cây” như Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ, nhân vật của Mạc Ngôn có Tư Mã Lương mùi “hăng hắc cây hòe”, Kỷ Quỳnh Chi thơm mùi “kem đánh răng”, Lai Đệ “mùi chua”, Kim Một Vú mùi “sữa tươi”... Tạo ra một thế giới mùi vị bằng cảm giác là sở trường trong miêu tả của Mạc Ngôn xuất phát từ trực giác và di chuyển vào tâm linh, sáng tạo ra một thế giới mới mẻ. Năng lực nắm bắt cảm giác trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn gắn với quan niệm nghệ thuật về một thế giới vừa có chiều sâu tâm linh vừa sống động. Chính sự chen chúc của những chi tiết nghệ thuật; kết hợp

với cách kể chuyện sáng tạo; không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật tương ứng tạo hiệu quả cao nhất; cùng với một hệ thống hình tượng nhân vật độc đáo, lạ mà quen và một điểm nhìn mới mẻ… tất cả đã tạo nên cho

Báu vật của đời một kết cấu cực kì hiện đại, chằng chịt, phức hợp, phi

tuyến tính. Đồng thời vẫn giữ được nét truyền thống qua hình thức biên niên sử. Với kết cấu mạch vòng tác phẩm đã mở ra một không gian vô tận cho sức sáng tạo và liên tưởng. Những hồi ức mà nhân vật đã trải qua làm cho các sự kiện trong tác phẩm xuất hiện không theo trật tự tuyến tính, luôn có sự đảo lộn trật tự, thường có những đoạn viết thêm tưởng chừng như rời rạc nhưng lại dễ dàng bắt nhập với cốt truyện, độc giả vẫn theo được mạch kể câu chuyện. Câu chuyện về chị Tám, về Niệm Đệ đi tìm chồng... đã làm sáng tỏ thêm đặc trưng kết cấu trong sáng tác của Mạc Ngôn. Có thể nói “Mạc Ngôn là người đầu tiên đoạn tuyệt với phương pháp sáng tác theo chủ nghĩa vật bản, đưa văn học trở lại với chức năng cơ bản của văn học, tức là phản ánh số phận của con người” [23]. Vì văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Câu chuyện về sự hóa thân của Lãnh Đệ thành nàng Tiên Chim dù mang đậm tính chất phúng dụ, huyền thoại nhưng thực chất là sự quay trở về cội nguồn, khao khát hòa nhập với tự nhiên. Sau cái chết của nàng Tiên Chim cư dân Cao Mật cũng quên hẳn nàng với những bài thuốc màu nhiệm mà chỉ nhớ những hành động khác thường của cô trong cơn cuồng hoan vì dục vọng với Thằng Câm. Ở đây nhà văn đã thể hiện một tư tưởng nghệ thuật về con người và cuộc đời: nhìn nhận con người dưới góc độ bản năng cũng là một hướng đổi mới để khám phá và tìm hiểu bản chất con người nhất là con người hiện đại. Có nhiều người khi đọc Báu vật của đời đã cho rằng tác giả đã đề cao chế độ mẫu hệ tiến đến phủ nhận vai trò và vị trí của nam giới trong xã hội, phủ định xã hội. Chúng tôi cho rằng ở đây không có sự đề cao mà thực tế là sự phủ nhận của tác giả với chế độ này. Những nhân vật sống trong những ngôi nhà mẫu hệ đều có kết cục bi thảm. Viết ra câu chuyện này dường như Mạc Ngôn muốn khẳng định con người phải luôn cố vận động phù hợp với sự đổi thay của lịch sử nếu không nó sẽ trở nên lạc đàn và đẩy lùi sự tiến lên của xã hội loài người. Nói cách khác đó chính là cuộc hành trình đi tìm bản ngã của con người trong thời hiện đại.

Báu vật của đời đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ nỗi xót xa này đến nỗi xót xa khác, từ thú vị này đến thú vị khác, từ thái cực tình cảm này đến thái cực tình cảm khác - đó là sức hút mà tiểu thuyết này tạo ra đối với độc giả. Đó cũng là tài năng của nhà văn. Đọc

Báu vật của đời của Mạc Ngôn chúng ta nghĩ đến Lỗ Tấn. Có lẽ, bởi cả

hai nhà văn Trung Quốc này, một đầu và một ở cuối thế kỷ 20, đã có sự gặp nhau trong suy nghĩ về đất nước mình. Nhân vật người điên của Lỗ Tấn thấy ai cũng muốn ăn thịt mình; nhân vật Kim Đồng - người không

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 39)