Con người và nỗi ám ảnh về thân phận 1 Ám ảnh về tuổi già

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 79 - 80)

2.3.1. Ám ảnh về tuổi già

Một trong những vấn đề mấu chốt của học thuyết Freud là ông đã chứng minh quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ không chỉ có ở ý thức, tiềm thức mà có ngay trong vô thức. Vì vậy, phân tâm học rất đề cao yếu tố vô thức trong sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ có vô thức cá thể như phát kiến của Freud mà sau này Jung còn nói đến cả vô thức tập thể. Như vậy, vô thức có vai trò rất quan trọng trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Đây cũng là điều các nhà phê bình văn học quan tâm khi nghiên cứu quá trình sáng tạo của nhà văn. Tác phẩm văn chương chính là sản phẩm được sáng tạo trong vô thức của nhà văn. Bởi lẽ không có gì bảo đảm trăm phần trăm rằng ngoài cái ý thức mà tác giả đem đến cho một tác phẩm, tác phẩm đó lại không thể phản ánh một điều gì khác. Freud gọi điều đó có thể có này là sản phẩm của một ý thức chưa được nhận biết bởi chính người mang ý thức.

Sở dĩ nhà văn sáng tạo trong vô thức, vì nhà văn luôn chứa đựng trong mình những ẩn ức của tiềm thức và giấc mơ mà theo phân tâm học, đây chính là những dự phóng tạo nên sự thăng hoa trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Có thể vận dụng quan niệm này để lý giải việc sáng tạo của Mạc ngôn trong Báu vật của đời khi ông xây dựng nhân vật Lỗ thị đó là dự phóng của một Mạc Ngôn tiềm thức, một Mạc Ngôn ở bề sâu, một Mạc Ngôn sâu kín. Một Lỗ thị với vẻ đẹp “vú to mông nẩy” nhà Thượng Quan trải qua bao biến động vẫn là điểm tựa vững chắc của đàn con là dự phóng một Mạc Ngôn phản kháng, tự tiềm thức, đối với mối lo ngại sợ già, lo sợ tóc bạc, lo sợ bệnh hoạn, lo sợ chết. Hình ảnh người mẹ với lòng khoan dung vô bờ bến xuyên suốt tác phẩm. Một phụ nữ tượng trưng cho một đất nước ở khả năng thiên phú, cho dù bị chà đạp, tiêu diệt đến đâu thì vẫn

trường tồn. Bởi lẽ khả năng đó cũng chính là sự sống và nó nhân danh sự sống. Dù sau mỗi lần biến động ấy, người phụ nữ ấy “...bắt đầu già đi từ cặp vú, cặp vú già đi bắt đầu từ đầu vú... Hai đầu vú của mẹ vốn dĩ ngỏng lên thì nay rũ xuống như bông kê chín... màu phấn hồng cũng chuyển sang màu đỏ sậm... Điều không yên tâm là, lần suy yếu này để lại một nếp hằn giữa đầu và bầu vú như trang giấy bị gập”, “đã nếm trải đủ mùi gian khổ, nhưng sữa mẹ vẫn nhiều!” [39; tr. 102, 210]. Những cô con gái nhà Thượng Quan về sau lại kế thừa vẻ đẹp truyền thống “vú to mông nẩy” của nhà Thượng Quan. Cứ như thế vẻ đẹp đó được nâng lên thành biểu tượng cho nguồn sống và sự bất diệt của con người. Đêm nằm bên mộ mẹ, ngước mắt nhìn lên trời sao, ngẫm nghĩ về cuộc đời đau khổ chất chồng của mẹ mình, Kim Đồng chỉ thấy hiện ra những bầu vú. “Báu vật trên trời là mặt trời mặt trăng và những vì sao. Báu vật của đời là vú to mông nẩy!” [39; tr. 816]. Hình ảnh người phụ nữ, người mẹ dù không trường tồn về thân xác nhưng luôn bất diệt về tinh thần. Bởi lẽ, họ là hiện thân của sự sống, tình yêu bất diệt.

Con người dù là ai cũng đều nằm trong vòng xoay Sinh- Lão - Bệnh - Tử. Khi con người nghĩ đến tuổi già tức là đã tự dự cảm về cái chết. Chateaubriand ví “tuổi già như con tầu đắm”. Horace than phiền : “tuổi già buồn nản đang đến, giã từ những nụ cười vui, những tình yêu nồng nàn và những giấc ngủ an lành”. Còn Hippocrate thì so sánh tuổi đời với bốn mùa mà già là mùa đông băng giá. Xây dựng hình ảnh nhân vật với những vẻ đẹp bất tử phải chăng chính là xuất phát tự trong vô thức của nhà văn nỗi ám ảnh về tuổi già?

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 79 - 80)