Tình huống khổ đau, tuyệt vọng

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 91)

Bên cạnh tình huống cô đơn, trống trải của nhân vật, Mạc Ngôn còn đưa nhân vật vào tận cùng của sự khổ đau, tuyệt vọng để nhân vật bộc lộ những bản năng con người. Với Lỗ thị đó trước hết là niềm khát khao có con, được hạnh phúc. Trong khi đó, những hủ tục xã hội cũ đè nén nguời phụ nữ khiến một người như Lỗ thị phải bất chấp tất cả để có thể sinh được một đứa con trai cho nhà Thượng Quan. Một điều tưởng như đơn giản, tự nhiên, nhưng bà đã phải trả giá bằng cả nỗi đau thân xác và tinh thần. Sự khát khao hy vọng dồn nén vào lần sinh thứ bảy lại là con gái khiến sự khổ

đau, tuyệt vọng như vỡ òa: “Thượng Quan Lỗ thị nhìn khuôn mặt bé tí của đứa con sơ sinh, than thầm: - Trời ơi, sao mà ông keo kiệt đến như vậy, ông chỉ cho thêm một tí đất sét là con được một thằng cu!” [39; tr. 759]. “Người Đàn Ông Không Bao Giờ Lớn” – Thọ Hỉ sau khi xông vào buồng lật tã lên xem rồi “vớ lấy cái chày đập quần áo khi giặt, nhắm thẳng đầu vợ phang một chày... Anh ta dùng kìm kẹp lấy một miếng sắt trong lò ấn vào giữa hai chân của vợ... Mẹ rú lên thê thảm, lăn từ trên giường xuống đất, người cong như cánh cung, co giật từng cơn” [39; tr. 759]. Chiến tranh, đói khát Lỗ thị liên tiếp rơi vào tình cảnh tuyệt vọng : “Mẹ tuyệt vọng quá, bê ra một cái vại chưa bị đập vỡ, trong vại có gói bột thạch tín... Mẹ nói: Cả nhà cùng chết” [39; tr. 128], “Người thì chết, người thì bỏ đi, để tôi chơ vơ một mình, tôi sẽ sống như thế nào, cả một lũ đang há miệng chờ ăn! chúa ơi, ông trời ơi, xin hãy cho tôi biết, tôi sẽ sống như thế nào” [39; tr. 145]. Nhưng rồi bản năng người mẹ, người bà trỗi dậy mạnh mẽ “ Chết đã không sợ, thì sống không có gì phải sợ cả” [39; tr. 129]. Tám đứa cháu, tám sinh linh nhỏ bé trong tay bà đều được bà yêu thương, chăm sóc. Bà không cần biết cha chúng là ai, là người của đảng phái nào, đối với bà chúng là những đứa cháu ngoại. Bà luôn đưa tay nâng đỡ chúng, che chở chúng trước mọi nguy hiểm dù việc làm ấy của bà có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những sinh linh bé bỏng ấy được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng bàn tay đầy yêu thương của bà ngoại Lỗ thị. Cuộc sống của chúng thật sự đã gắn chặt với bà, chúng là sức mạnh là động lực là lí do giúp bà luôn kiên cường chiến đấu cho mục tiêu sinh tồn. Vì vậy khi chúng mất đi, bà cũng đau đớn như mất đi “núm ruột” của chính mình. Trái tim dào dạt tình yêu của Lỗ thị luôn rộng mở đón đàn cháu nhỏ. Thiên chức làm mẹ được vận dụng một cách triệt để chỉ vì một mục đích duy nhất: nuôi sống đàn con. Vòng tay bà luôn ôm ấp chở che cho mọi đứa con không phân biệt quan điểm chính trị, bảo bọc uốn nắn cho những đứa cháu – những tương lai được sống. Có thể nói chính những tình huống khổ đau, tuyệt vọng ấy đã làm bừng sáng bản năng người mẹ trong Lỗ thị. Lỗ thị xứng đáng là một bà mẹ vĩ đại.

Không chỉ đặt nhân vật vào tình huống đau khổ của kiếp nhân sinh luôn bị đe dọa bởi chiến tranh, đói rét, Mạc Ngôn còn đặt nhân vật vào nỗi khổ đau, tuyệt vọng trong tình yêu. Tám cô gái nhà Thượng Quan mỗi người một cách sống, mỗi người có những nỗi đau tuyệt vọng riêng: Lai Đệ

với nỗi đau chồng chết đã trở nên điên dại, phát bệnh cuồng dâm, vừa được Tư Mã Khố chữa khỏi thì Tư Mã Khố chết. Chị lấy Thằng Câm và sống trong khổ đau tuyệt vọng vì những hành hạ về thân xác: “Từ buồng Lai Đệ và Thằng Câm vọng lại một tiếng kêu rợn tóc gáy... một tiếng kêu nữa lại vang lên, lần này kéo dài và thê thảm hơn... Đầu vú chị rỉ máu. Trên ngực và cánh tay chị đầy vết cào cấu. Chị sạch sẽ mịn màng là thế mà nay Thằng Câm biến chị thành con cá tróc hết vẩy” [39; tr. 464]. “Lai Đệ ngã vật xuống đất, khóc hu hu, chiếc khăn giường quấn quanh người thấm máu loang lổ. Chị xuất hiện trước mắt Hàn Chim trong tình cảnh như vậy” [39; tr. 485]. Sự khổ đau tuyệt vọng lên đến tận cùng khiến chị rơi vào mối quan hệ loạn luân với Tư Mã Khố và Hàn Chim (đều là em rể). Còn Lãnh Đệ lại thường xuyên đối mặt với nỗi đau xa cách trong tình yêu: “Chị nằm sấp trên giường khóc hai ngày hai đêm”, nỗi đau khiến chị trở nên ngây dại và tưởng mình là chim: “Chị Ba thản nhiên như không. Chị nghiêng đầu, gặm gặm vào vai như chim rỉa lông. Đầu chị quay đi quay lại với một góc khá rộng, cổ linh hoạt như trục xoay, chị không những có thể gặm vào vai, mà có thể cúi xuống gặm hai đầu vú nho nhỏ... Chị đã nhập vào thế giới loài chim, suy nghĩ là suy nghĩ của chim, hành vi là hành vi của chim, thái độ là thái độ của chim” [39; tr. 135].

Những tình huống mà nhân vật rơi vào đều có tính quy luật phù hợp với tính cách của nhân vật. Thông qua những tình huống đó, số phận tính cách nhân vật hiện lên một cách chân thực tự nhiên. Nó góp phần lí giải hành động và số phận của các nhân vật. Những kết thúc có phần bi thảm của những cô gái nhà Thượng Quan dường như đã được báo trước.

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 91)