Con người với ý thức về nỗi cô đơn

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 44 - 47)

Theo quan niệm của J.P. Sartre: được ném vào trong thế giới hiện sinh như một thách thức, con người là thực thể cô đơn, bé nhỏ và bơ vơ, thiếu vắng điểm tựa. Đọc Báu vật của đời độc giả cũng thường bị ám ảnh bởi điều này. Nhân vật trong Báu vật của đời đi tìm giá trị của bản thân mình, tự xác lập nhân vị của mình giữa cuộc đời bằng những con đường khác nhau. Nhưng tất cả đều rơi vào nỗi cô đơn. Họ cô đơn trong không - thời gian văn hóa hiện đại với sự phân mảnh cực đoan, họ cô đơn trong ý thức về cái tôi cá nhân độc đáo của mình, họ cô đơn trong khát vọng về một

tình yêu vĩnh viễn và sự hài hòa tuyệt đối giữa tinh thần và thể xác, họ cô đơn ngay giữa lúc chung đụng với kẻ khác.

Xét về mặt nhân bản, cô đơn là một thuộc tính của con người, một trạng thái xúc cảm tương tự như giận, thương, yêu, ghét. Nhưng trong khi các trạng thái xúc cảm kia cần có một đối tượng bên ngoài tác động, mang tính chất thời điểm và vô thường; cô đơn là một thuộc tính vĩnh hằng của bản thể con người, tồn tại độc lập, tự tại, không bao giờ mất đi mà chỉ ở trạng thái tiềm sinh trong một số hoàn cảnh nào đó. Mọi đứa trẻ khi mới chào đời đều khóc thét lên. Đó là tiếng khóc, tiếng kêu gào của sự cô đơn mà nó ý thức được một cách vô thức. Nó chỉ ngưng khóc, ngưng kêu gào khi có bàn tay người mẹ vỗ về, tức là chỉ khi nỗi cô đơn của nó được xoa dịu. Mọi con người trên trái đất này đều cô đơn, chỉ có điều có người nhận ra, có người không, có người cô đơn ít, có người cô đơn nhiều hơn. Và sợ sự cô đơn là một trong những bản năng cố hữu của con người. Và vì sợ nên họ tìm cách trốn chạy.

Con người là một động vật cao cấp có bản năng sống theo bầy. Bản năng sống theo bầy này xuất phát từ bản năng cố hữu của sự sợ cô đơn. Hôn nhân và việc tìm kiếm bạn đời, ngoài mục đích truyền giống, thể hiện rất rõ bản năng cố hữu này. Và thế là với sự ràng buộc của mối liên hệ phối ngẫu, họ cùng đồng hành, dìu dắt nhau trên cuộc hành trình trốn chạy sự cô đơn. Cuộc hành trình này về sau có thêm sự tham gia của những đứa con bé nhỏ của họ. Cùng nhau họ hình thành một “tập đoàn” trốn chạy sự cô đơn. Do đó, nếu chẳng may một thành viên nào đó trong “tập đoàn” này mất đi, họ khóc lóc không thể tả xiết. Trong tiếng khóc ấy, ngoài sự tiếc thương mối thâm tình vừa mất đi, còn có cung điệu của niềm sợ hãi sự cô đơn mà họ sắp phải đối diện.

Giới nữ thường cô đơn nhiều hơn bởi vì tâm hồn họ mẫn cảm, đầu óc họ dao động với tần số cao quá mà cô đơn lại vô cùng tỉnh ngủ, ngay lập tức thức dậy với những tiếng động nhỏ nhất, những giao thoa nhẹ nhàng nhất. Cũng theo các nhà hiện sinh chủ nghĩa, ý thức về chủ thể của con người, ý thức về nỗi cô đơn cũng luôn có mặt thái quá của nó. Nếu dựa trên các ngụy tín, ý thức này có thể đưa con người tới chỗ hành động cực đoan, lầm lạc, mang tính chất “nổi loạn”. Tuy nhiên, cho dẫu thế, những hành động cực đoan, lầm lạc này dù muốn dù không vẫn cần phải nhìn nhận như

là biểu hiện của ý thức cao về bản thể. Nhân vật của Mạc Ngôn trong Báu

vật của đời, chủ yếu là nhân vật nữ có những biểu hiện “nổi loạn” rất mạnh

mẽ. Hiện thân cho tinh thần “nổi loạn” – mà rõ nhất và chủ yếu: “nổi loạn” trong hưởng thụ hạnh phúc, tình yêu, tình dục.

Báu vật của đời của Mạc Ngôn thể hiện dấu ấn tài năng trên hành trình sáng tạo của Mạc Ngôn, từ những số phận khác nhau, lịch sử được tiếp cận dưới nhiều góc độ tạo nên sức sống, sức thuyết phục nghệ thuật của tác phẩm. Có nhiều con đường cảm thụ tác phẩm văn chương,vì vậy trước một hiện tượng văn học xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau là lẽ đương nhiên, thậm chí còn làm phong phú thêm đời sống văn học. Nhìn nhận con người dưới góc độ bản năng là hướng đi có ý nghĩa để khám phá những quan niệm nghệ thuật độc đáo của Mạc Ngôn về con người.

Chương 2

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 44 - 47)