Con người thân phận

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 40 - 42)

Con người thân phận là một vấn đề mang tính thời đại cùng với những vấn đề khác như chiến tranh, hòa bình, những thay đổi trong xã hội... Nói đến con người thân phận là nói đến điều gì đó vừa cụ thể gần gũi nhưng lại vừa bao la vượt quá tầm hiểu biết của con người. Cuộc đời có nghĩa hay vô nghĩa cũng là điều mà chúng ta sống, chúng ta đảm nhận từng ngày. Xoay quanh con người thân phận luôn có những câu hỏi làm cho người ta trăn trở và day dứt khôn nguôi.

Qủa thế, trong hành trình cuộc đời, thế nào cũng có lúc ta dừng lại và tự đặt câu hỏi cho mình : Ta là ai giữa cuộc đời này? Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Đâu là giá trị của thân phận con người? Con người có bị ràng buộc bởi điều gì?... Người ta chưa kịp trả lời câu hỏi chưa sự sống thì phải đối diện với một vấn nạn oan nghiệt hơn, đó là cái chết. Mỗi khi bị đặt đối diện với cái chết của người khác, người ta không khỏi tưởng nghĩ đến cái chết của mình. Đôi lúc cái ranh giới giữa sống và chết bỗng trở nên mong manh quá đỗi. Có những người gần gũi với chúng ta, mới ngày hôm qua hãy còn là một con người sống động và đầy năng lực, hôm nay đã là một cái xác lạnh ngắt vô hồn trong huyệt mộ… Nếu chết có nghĩa là hết, cái chết trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp cho cuộc sống của một con người. Thế nên có người quan niệm rằng con người được sinh ra là để hướng về cái chết. Bước qua mỗi ngày sống, người ta tiến gần đến với cái chết của mình hơn (M. Heidegger). Cái chết khiến người ta nhìn về hành trình cuộc đời và thân phận con người hết sức bi quan và tiêu cực. Có người khi chứng kiến những điều tồi tệ trong hành trình ngắn ngủi của cuộc đời làm người, đã không ngại tuyên bố rằng con người chỉ là một dòng sông nhơ bẩn với đầy những tham vọng, bạo tàn và bất chính (F. Nietzsche). Người khác thì lại cho rằng con người chỉ thuần là vật chất, chết là hết chuyện (K. Marx). Nhiều người khác nữa lại có cái nhìn về con người thê thảm đến độ, với họ, giác ngộ và thức tỉnh về thân phận con người không gì khác hơn là nhìn ra những vô lý đến cùng cực trong thân phận làm người (A. Camus). Đó là lúc con người bị đau khổ choáng ngợp và thấy ghê tởm cả cuộc sống. Đó cũng là lúc họ phải đối diện với cái chết trống trơn vô nghĩa. Với tất cả những suy nghĩ ấy, người ta cố vùng vẫy để tự ban cho cuộc đời mình một ý nghĩa, để khoát cho mình ánh vinh quang của những anh hùng, những siêu

nhân. Cũng không ít người đi tìm kiến tạo cuộc đời mình trong tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội, khoái lạc xác thịt… Để rồi đến một lúc nào đó, họ ngỡ ngàng nhận ra rằng tất cả những điều ấy chỉ là những thứ bên ngoài mà mình đã cố công để tô điểm cho mình. Còn chính mình thì vẫn cứ là một vấn nạn càng lúc càng bí ẩn.

Trong văn học, con người thân phận được phản ánh thông qua thế giới hình tượng nhân vật cùng với đời sống tâm trạng của mình. Báu vật của đời

của Mạc Ngôn được viết theo quan điểm lịch sử nhưng là lịch sử trong con mắt nhân dân tức là viết về mảng khuất trong lịch sử Trung Quốc khoảng 100 năm. Với lối viết như vậy tác giả đã mở ra một không gian lịch sử rộng lớn phản ánh thực chất cuộc sống của con người như nó vốn có. Thông qua gia đình Thượng Quan nỗi đau về con người thân phận - những nỗi đau có thể nhìn thấy và những nỗi đau không dễ nhận ra được phản ánh đầy đủ. Con người không chỉ chịu sự áp bức khắc nghiệt của chế độ phong kiến mà trong giai đoạn chuyển mình của đất nước các thế lực khác cứ đến rồi đi, tai họa, chết chóc bám riết lấy người dân. Nhìn vào những cô gái nhà Thượng Quan ta thấy được những chuyển biến sâu sắc trong cuộc “chuyển dạ” vĩ đại của đất nước Trung Hoa, nhìn vào đó ta cũng thấy được những góc khuất của lịch sử bị chính những người trong cuộc cố tình quên lãng. Mỗi đứa con gái nhà Thượng Quan đều chọn cho mình một con đường, một cách sống và một cách chết khác nhau, đó chính là con người thân phận trong những biến động của gia đình, của lịch sử. Đồng thời chính họ đã góp phần tạo nên lịch sử phát triển của gia đình, của vùng đất Cao Mật hay nói rộng ra đó là lịch sử phát triển của cả đất nước Trung Hoa.

Với bút pháp điêu luyện, những hình ảnh dạt dào cảm xúc, và phép lạ hóa độc đáo lôi cuốn, Mạc Ngôn đã nhẹ nhàng đưa người đọc dõi theo từng bước đường phát triển của đất nước Trung Quốc đầy vinh quang và cũng đầy đau thương mất mát. Đồng thời vực dậy những tàn tích, đưa ánh sáng vào soi rọi những góc khuất của lịch sử, và đánh giá một cách đúng đắn, trả lại đúng vị trí lịch sử cho những con người vốn góp phần làm nên lịch sử ấy. Mạc Ngôn sử dụng yếu tố kì quái một cách chừng mực và thực tế. Ông tránh sự lập dị trong cách hành văn và những thể thức phô diễn quá đáng. Văn ông chính xác, cụ thể, miêu tả những sự kiện quái dị như thể những sự kiện bình thường xảy ra hằng ngày. Qua ngòi bút của ông, lịch sử phát triển

của Trung Quốc được gói gọn một cách bất ngờ nhưng đầy đủ và trọn vẹn đến từng chi tiết. Với hình ảnh của tám người con gái nhà Thượng Quan, tác giả đã vẽ nên bức tranh đầy màu sắc với những gam màu sáng tối đan xen của một Trung Quốc trên con đường phát triển vươn đến sự hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 40 - 42)