Con người cô đơn với Mỹ học về con ngườ

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 76 - 79)

Mỹ học về con người đi sâu khám phá những thuộc tính bản chất của con người. Cô đơn là bản chất của con người, như một nhân vật trong tiểu thuyết Rừng Nauy đã tuyên bố: “Bản ngã và tha nhân là cách biệt”. Cá nhân là riêng tư, cá thể, không trộn lẫn với ai và không có phiên bản khác. Mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ bí ẩn. Không ai hoàn toàn hiểu nó, và bản thân nó cũng không thể hiểu được người khác dù luôn có ý thức muốn được hiểu và hiểu được người khác. Nhu cầu hiểu và được hiểu này thể hiện qua nhu cầu giao tiếp, tự thể hiện, nhu cầu nhập cuộc với xã hội để trưởng thành, để tồn tại. Nhưng trong quá trình nhập cuộc, dấn thân, con người luôn phải trượt từ môi trường đang là sang môi trường sẽ là, từ môi trường quen thuộc sang môi trường xa lạ để tương thông với tha nhân, để tìm thấy hơi ấm của

bầy đàn, để hóa giải sự cô đơn, cô độc. Hành trình đó có sự chi phối của bản năng vô thức. Theo E.Fromm, con người luôn hoài nhớ một cách vô thức thời kì bào thai của mình, thời kì nó nằm trong Thiên đường bụng mẹ, nay không còn nữa, nó phải tìm đến tình bạn, tình yêu, tình dục nhằm thấy lại sự thanh bình, ấm áp và an toàn đã mất. Nhưng không bao giờ nó tìm lại được. Theo Octavio Paz, tình yêu và tình dục đều mang bản chất thời gian. Nó là giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm. Có khởi đầu và có kết thúc. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều phải đối diện với cái chết. Trước nó, con người ý thức đầy đủ về sự phù phiếm của vật chất, danh vọng, sự ngắn ngủi của khoảnh khắc yêu đương và sự cô đơn như là thứ tội tổ tông không ngừng đeo bám con người. Kim Đồng lúc nhỏ bám lấy bầu sữa mẹ, lớn lên bị cô lập giữa mọi người, thất bại trong tình đầu với Natasa, sau mười lăm năm tù khổ sai vì tội danh tình nghi giết người và hãm hiếp xác chết, anh ta trở về trong đau đớn, cô đơn, thất vọng. Anh ta tìm đến với Kim Một Vú để tìm lại bầu sữa ấm ngày xưa, xoa dịu nỗi đau tinh thần. Suy cho cùng, trong hoàn cảnh loạn lạc, chiến tranh, có những con người tìm đến nhau để nương náu, để giải tỏa ức chế, ham muốn của mình. Họ muốn nương nhờ tình dục để chạy trốn khỏi cảm thức cô đơn nhưng họ mãi mãi bị vây bủa bởi cô đơn thực tại.

Thần thoại kể rằng, khởi thủy đàn ông và đàn bà nhập làm một sinh thể có bốn tay, bốn chân. Thế rồi, họ bị cắt đứt thành hai. Từ đó, mỗi bên thực hiện cuộc hành trình đi tìm một nửa. Trong cuộc hành trình ấy, một số ít tìm thấy “đối cực còn lại” và cũng không ít kẻ nhầm tưởng rằng đã tìm thấy nửa kia, họ vội vàng hợp nhất. Nhưng khi đã không ăn khớp với nhau thì sinh thể đó chẳng khác nào quái vật thiếu linh hồn. cách nhnìn ấy, đã phần nào khái quát được bản chất của tình yêu đích thực. Nếu không tìm thấy bến bờ, con người sẽ rơi vào bể cô đơn. Theo E.Fromm, con người muốn thoát khỏi cô đơn không còn cách nào khác là phải hợp nhất với người khác, và hữu hiệu nhất là tình yêu. Với E.Fromm: “Tình yêu là một quyền năng chủ động trong con người; quyền năng chọc thủng những bức tường ngăn cách người với người, hợp nhất mình với kẻ khác, tình yêu khiến mình vượt qua được ý vị cô lập và li cách nhưng nó cho phép mình là mình, giữ lại sự toàn vẹn của mình” [14]. Trong Báu vật của đời, chủ đề tình yêu đan bện chặt chẽ với chủ đề về sự cô đơn, cô độc của con người.

Với Mạc Ngôn, tình yêu không hề là một ý niệm kiểu Platon, mà nó gắn bó chặt chẽ với khao khát hòa hợp thể xác và tâm hồn. Freud từng khẳng định, gốc rễ của mọi hành vi con người là lòng ham muốn tính dục, là sự giải phóng dục năng. Bởi thế, trong tình yêu, tình dục là biểu hiện cao nhất của cảm xúc yêu thương. Tình dục là một kênh giao tiếp đặc biệt, cho phép các nhân vật của Mạc Ngôn không chỉ thỏa mãn nhu cầu bản năng trong điều kiện xã hội tồn tại một sự dễ dãi buông thả không giới hạn, mà còn biểu hiện một nhu cầu thực có, giúp con người khỏa lấp nỗi cô đơn trống trải chưa bao giờ lại đầy ăm ắp như thế trong đời sống của mình. Đối với các nhân vật trong Báu vật của đời, nhiều khi đây là kênh duy nhất, là cách thức duy nhất để con người đạt đến sự hài hòa và bình an trong đời sống. Tuy nhiên, Mạc Ngôn chỉ coi tính dục như cái cớ để đưa đẩy câu chuyện, làm cho câu chuyện thêm phần sinh động. Trong Báu vật của đời, sự cô đơn đưa nhân vật tìm đến tình dục. Đơn giản vì "chỉ cần khoái lạc" như Kim Một Vú, hay Tư Mã Lương “lột sạch quần áo của những mỹ nữ bằng đô la”. Đó là thứ tình dục bừa bãi, lang chạ, nhằm thỏa mãn nhu cầu bản năng vốn quá dễ dãi của một lớp người trong thời hiện đại. Vì vậy, tình dục cuối cùng đã mất đi ý nghĩa vốn có, chỉ còn lại cảm giác trống rỗng, những sự chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của những con người cô đơn. Mạc Ngôn nhìn thấy mặt trái của lối sống buông thả, trái tự nhiên và phê phán nó, nhưng cũng thấu hiểu sâu xa bản chất của quan hệ thân xác. Dường như, đối với những ai còn trân trọng giá trị của tình yêu, tình dục vừa gần gũi, lại vừa thiêng liêng, cao cả.

Bản chất của con người là vận động, không ngừng vượt lên trên giới hạn của chính nó. Nhưng, như IU.M.Lotman quan niệm, khi anh đi trên con đường này, đồng thời anh đã đánh mất những con đường khác. Bị đóng khung trong những giới hạn, con người luôn khao khát vượt qua. Nhưng con người là một thực thể phức tạp, đầy bí ẩn. Mỗi người lại ở trong những giới hạn khác nhau, nên khao khát của họ rất khác nhau. Con đường vươn tới sự hoàn hảo của mỗi người, bởi vậy, không ai giống ai. Chúng ta bắt gặp trong Báu vật của đời những nhân vật nữ giới như Lỗ thị, Lai Đệ suốt đời đi tìm hạnh phúc, một hành trình bất trắc và đơn độc. Càng tìm kiếm càng vô vọng. Càng vô vọng lại càng khao khát kiếm tìm. Họ không chối bỏ, nhưng luôn tìm lối thoát cho thực trạng cô đơn. Cũng đề cập đến nỗi cô

đơn của con người nhưng chúng tôi nhận thấy quan niệm của Mạc Ngôn rất khác. Cô đơn luôn là nỗi đau, là bi kịch tinh thần lớn nhất của con người. Nhưng đọc Báu vật của đời, chúng ta cảm nhận rất rõ nhân vật từ trong nỗi đau ấy, họ càng khao khát vươn lên làm người, kiếm tìm hạnh phúc. Cô đơn trong quan niệm của Mạc Ngôn là động lực của cái Đẹp, cái Thiện. Và như vậy con người cô đơn bộc lộ một cái nhìn sâu sắc của Mỹ học về con người.

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 76 - 79)