Chỉ sau 0.15 s với từ khóa “Mạc Ngôn và tác phẩm” trên Google - trang tìm kiếm phổ biến nhất ở Việt Nam đã có 388.000 kết quả tìm được. Những lời khen và chê ông đều mạnh như những cơn bão giật trên cấp 12. Điều gì khiến tác phẩm của Mạc Ngôn có sức hấp dẫn kì diệu đến như vậy? Theo chúng tôi, bên cạnh những lời khen trên mây của một số nhà văn như Vương Trọng Tường (nhà văn tỉnh Hồ Bắc), Trương Thành (nhà văn ở Thượng Hải)... thì cái chính là bởi, những điều Mạc Ngôn đặt ra trong tác phẩm đã khắc chạm đến những vấn đề mang tính nhân loại, đặc biệt là cuộc vật lộn của con người trong hành trình cuộc đời để tìm thấy bản ngã đích thực của mình. Chín chị em nhà Thượng Quan gồm tám gái một trai, là kết quả của những lần mang nặng đẻ đau của Lỗ thị, và mỗi người là một cá thể cô đơn trên hành trình tìm kiếm bản ngã. Kim Đồng, đứa con trai duy nhất của Lỗ thị, chính là niềm hi vọng, sự kì vọng của Lỗ thị về tương lai của gia đình Thượng Quan. Nhưng đứa con trai duy nhất trong chuỗi sinh nở dằng dặc một đời của người mẹ Lỗ thị ấy lại suốt đời bám vào vú mẹ. Trong khi các cô gái nhà Thượng Quan - những cô gái sống trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ - lại xông xáo, quyết liệt dấn thân vào đời, ước mơ, tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc.
Người đầu tiên đi vào cuộc dấn thân vĩ đại ấy chính là chị Cả Lai Đệ. Lai Đệ là con của Lỗ thị và ông chú dượng Vu Bàn Vả. Từ nhỏ, Lai Đệ đã phải chịu sự hành hạ của bà nội vì chị là con gái. Chứng kiến sự bất công
và sự khổ nhục của mẹ trong gia đình, chị hết mực thương yêu mẹ, thay mẹ chăm sóc đàn em nhỏ, chịu trăm nghìn khổ cực… hoàn cảnh sống ấy đã rèn luyện cho chị một cá tính mạnh mẽ, kiên cường, sự căm thù những tập tục lạc hậu và ước mơ một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Cuộc đời của Lai Đệ cũng thăng trầm như số phận của gia đình Thượng Quan. Năm mười tám tuổi, cô cãi lời mẹ, bỏ nhà trốn theo Sa Nguyệt Lượng. Đó là hành động phản kháng chống lại sự ép duyên của mẹ, hiểu rộng ra đó là sự vùng dậy của những người phụ nữ Trung Hoa chống lại những tập tục lạc hậu trong xã hội. Song song với tính cách cương nghị cứng cỏi là một tâm hồn lãng mạn, một trái tim rộn ràng, thổn thức nhưng cũng quyết liệt trong tình yêu cùng với sự khát khao hạnh phúc đích thực: “Nhưng chị Cả thì rất kiên quyết, nói: – Mẹ cho con được làm theo ý mình. Con cũng muốn cho gia đình mình được tốt đẹp” [39; tr. 96]. Hành động dấn thân vào cuộc đời để đi tìm hạnh phúc thật sự, đi theo tiếng gọi con tim của Lai Đệ cũng là hình ảnh của những cô gái Trung Quốc trong buổi đầu giải phóng và đổi mới tư tưởng. Trong những ngày đầu của sự tự do ấy, những cô gái Trung Quốc giàu tình cảm với sự khát khao yêu và được yêu cũng gặp nhiều bỡ ngỡ khó khăn. Lần mò trong bóng tối ngột ngạt của chế độ phong kiến bấy lâu, nay bất chợt đứng giữa ánh sáng tự do của chế độ dân chủ, những cô gái như choáng ngợp nhưng cũng vô cùng sung sướng. Họ hân hoan, mở rộng trái tim đón nhận những ngọt ngào của ngọn gió mới, dang đôi cánh bay lượn trên bầu trời rộng với những ước mơ, những hoài bão về một cuộc sống mới. Tuy nhiên bầu trời mới không rộng, không cao và không rực rỡ ánh sáng như họ nghĩ, những cánh chim ấy cảm thấy hụt hẫng khi nhận ra rằng thứ “tự do” ấy chỉ là một chiếc lồng lớn hơn mang tên “dân chủ tư sản” (sau cách mạng Tân Hợi). Họ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, cô đơn và cuối cùng là sự chấp nhận một bến đỗ không như mơ ước. Đây là một sự kết thúc cho cuộc hành trình tìm kiếm nhưng đồng thời cũng là sự khởi đầu cho chuỗi ngày bất hạnh phía trước. Chính sự không trọn vẹn ấy giải thích cho việc tại sao các cô gái lại luôn khát khao vươn tới hạnh phúc và không nguôi kiếm tìm một tình yêu đúng nghĩa.
Ở Lai Đệ, sau khi mất đi người chồng Sa Nguyệt Lượng mà cô hằng yêu quí, cô trở nên điên dại, nửa tỉnh nửa mê, cô tự nhốt mình trong những kỉ niệm với người chồng quá cố. Mãi đến khi Tư Mã Khố đến giải thoát
cho cô bằng một cuộc giao hoan giữa một đêm đầy sao. “Cơn khô hạn” chưa dứt hẳn thì “người cứu tinh” – Tư Mã Khố đã chết. Lai Đệ lại rơi vào trạng thái điên dại. Chứng kiến những sự mất mát của gia đình, bị số phận bông đùa trêu chọc nhưng trong chị luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Phải hi sinh giải thắt nút oan nghiệt giữa gia đình Thượng Quan và Tôn Bất Ngôn, Lai Đệ gạt nước mắt chấp nhận lấy Tôn Bất Ngôn – một tên câm hung tợn đi qua chiến tranh, trông hắn như một con quái vật. Tôn Bất Ngôn hành hạ Lai Đệ về thân xác lẫn tinh thần. Hắn ngấu nghiến thân thể chị như để trả thù cho lần thất hôn mười sáu năm về trước. Sống trong cuộc sống đầy dày vò nhưng Lai Đệ vẫn không ngừng vươn lên, không ngừng tin tưởng, không ngừng ước ao và tìm kiếm tình yêu của mình. Chính trong lúc vật vã ấy, Lai Đệ đã tìm được tình yêu của mình. Đó là người đàn ông gương mặt đầy sẹo, hai vành tai quăn queo như nấm mộc nhĩ bước vào nhà Thượng Quan. Và khi con chim nhỏ xù lông cổ, cất tiếng hót réo rắt gọi bạn tình, tiếng hót đằm thắm đến nỗi làm rung lên sợi dây tình cảm của những người phụ nữ, thì cũng là lúc bắt đầu cuộc tình “kì lạ” giữa chị Cả và Hàn Chim. Cuộc tình “kì lạ” ấy đến như một tất yếu, cái hay ở đây là Mạc Ngôn đã kịp “chộp” lấy những chuyển biến mạnh mẽ bên trong của Lai Đệ, tác giả đã cho chúng ta thấy được sự khát khao tình yêu chân thành của Lai Đệ lớn và mạnh như thế nào. Ở đây, lí trí không còn tác dụng nữa, chỉ còn lại những tình cảm, những cảm xúc, những khát khao, những nỗi uẩn khúc và tiếng nói của con tim: “Chị cảm thấy hình như con chim muốn chuyển cho chị một thông điệp thần bí, một sự lôi cuốn vừa hứng khởi lại vừa dáng sợ. Hàn Chim gật đầu với chị rồi đi vào trong phòng, con chim bay theo anh… Chị Lai Đệ ngẩn người, chạy vào phòng Hàn Chim, vừa chạy vừa khóc không một chút xấu hổ” [39; tr. 487]. Không ngẫu nhiên mà tác giả gọi đây là một cuộc tình “kì lạ”, đó không chỉ đơn giản là một cuộc tình với những thoả mãn về thể xác, đó còn là sự mở đường cho một con “người” về lại với xã hội con người – Hàn Chim; đó còn là sự giải thoát cho một trái tim yêu tha thiết và sự trả thù của cô với Thằng Câm – chồng cô: Hàn Chim khiến chị hoàn toàn thỏa mãn. Nhưng chính ngày bắt đầu cuộc tình kỳ lạ ấy cũng là ngày ba con người – Lai Đệ, Hàn Chim, Tôn Bất Ngôn tự hủy hoại mình. Khi Tôn Bất Ngôn phát hiện vợ mình ngoại tình: “Trong cơn kinh hoàng, Lai Đệ vớ lấy chiếc ghế… Chị nện lên đầu hắn”
[39; tr. 493]. Hành động bức bối, bồng bột ấy của Lai Đệ như là một sự tự giải thoát mình khỏi những kìm nén, chịu đựng trong con người chị. Hành động ấy đồng thời kết thúc luôn mạng sống của chị (bị xử bắn), Hàn Chim (tự vẫn) và của đặc đẳng công thần Chí nguyện quân vừa câm vừa què vừa tàn bạo – Tôn Bất Ngôn. Cái chết của Lai Đệ khép lại cuộc đời nhiều bi kịch, thăng trầm của chị. Nó kết thúc những ngang trái mà Lai Đệ phải gánh trải trong cuộc đời. Đó là hệ quả của mối tình “đẹp” mà “độc” như hoa thuốc phiện rực rỡ. Độc giả có thể chửi rủa, chê ghét Lai Đệ trong tình yêu “kì lạ” này, nhưng Mạc Ngôn đã kịp níu kéo cảm xúc của người đọc lại, giúp ta trấn tĩnh nhìn ra được nguồn cơn của mọi chuyện, những hành động của cô, những chuyện tình của cô, những ngang trái của cô đều là do xã hội gây ra. Một xã hội đầy những lọc lừa, dối trá. Một xã hội với nhiều góc khuất và bất cập. Một xã hội còn mang trong mình những tàn dư của phong kiến… tất cả đã in hằn lên tấm thân của chị Cả nhà Thượng Quan khiến cho chị sống nửa cuộc đời trong những cơn điên dại và một nửa còn lại là những chuỗi ngày vật vã đi tìm hạnh phúc trong tình yêu. Lúc đó ta chỉ thấy thương, thấy yêu Lai Đệ mà thôi. Thương một cô gái suốt đời sống trong trái ngang, đau khổ, yêu một tâm hồn luôn khát khao tình yêu chân chính và một trái tim sống nhiệt tình, sống hết mình trong tình yêu. Lai Đệ là người tiên phong, mở toang cánh cửa bước vào cuộc đời của những cô gái nhà Thượng Quan. Đó cũng chính là hình ảnh của những người Trung Quốc trong buổi đầu của cuộc chuyển giao tư tưởng. Những con người bị chính ước mơ của họ và cuộc đời đầy gian truân đưa đẩy và bi kịch của sự bế tắc. Tuy nhiên dù có bị cuộc đời xô đẩy thế nào họ vẫn kiên cường bám trụ, kiên cường với niềm tin mạnh mẽ trên hành trình tìm kiếm bản ngã của mình.
Tiếp bước chị Cả Lai Đệ, con gái thứ hai nhà Thượng Quan, Thượng Quan Chiêu Đệ cũng bước vào đời theo tiếng gọi của tình yêu: “Mẹ cũng nhận ra nỗi lòng của Chiêu Đệ, dự cảm sẽ tái diễn chuyện như Lai Đệ. Mẹ lo lắng nhìn rất lâu vào ánh mắt háo hức đáng ngại trong con mắt đen láy cùng với cặp môi đỏ mọng như thèm khát của chị. Đâu phải là một cô gái mới mười bảy tuổi? Rõ ràng là một con bò cái tơ đang động đực” [39; tr. 117 - 118]. Những cô gái nhà Thượng Quan, khi yêu họ yêu bằng trọn con tim. Trong tình yêu, trái tim luôn có lí lẽ riêng của nó, và trái tim Chiêu Đệ cũng vậy, khi đã gặp
được người làm chủ nó thì nó ngân lên những xúc động dạt dào và có những lí lẽ riêng của mình: “Con biết mẹ định nói anh ta đã có ba vợ. Con sẽ làm vợ thư tư. Con biết mẹ định nói anh ta nhiều tuổi hơn mẹ. Con với anh ta không cùng họ, càng không phải đồng tông, chẳng phải cái gì hết!” [39, tr. 118]. Tình yêu Chiêu Đệ dành cho Tư Mã Khố là thứ tình yêu “vĩnh kết đồng tâm” chứ không phải là thứ tình yêu của một cô bé mười bảy tuổi. Điều đó được thể hiện qua tấm lòng sắt son của cô trong những ngày cùng Tư Mã Khố lên voi xuống chó, và đỉnh điểm là cái chết của cô trong bom đạn của bọn Lỗ Lập Nhân: “Tư Mã Khố bế xác chị Chiêu Đệ, cười như điên loạn, từ trong nhà xay đi ra” [39; tr. 264]. Số lượng trang viết tác giả dành cho Chiêu Đệ không nhiều nhưng hình ảnh nhân vật không hề mờ nhạt. Chiêu Đệ là hình ảnh người phụ nữ dạt dào yêu thương và mạnh mẽ trong tình yêu. Dám sống, dám yêu và dám hi sinh cho tình yêu mình – đó là phẩm chất của những cô gái Trung Quốc trong thời kì mới: “Mẹ ơi, con sống là người của người ta, chết là ma của người ta. Mẹ cứu thằng nhỏ này, suốt đời con không quên ơn đức của mẹ! Chị Hai vùng dậy bò ra ngoài. Mẹ níu chị lại. – Mẹ ơi chân anh ấy máu cứ chảy hoài. Con không đến thì anh ấy sẽ chết. Anh ấy mà chết thì con sống còn ý nghĩa gì? Mẹ, mẹ cho con đi!” [39; tr. 126].
Qua Lai Đệ và Chiêu Đệ ta có thể thấy được phần nào cách nghĩ, cách làm và cách yêu của những cô con gái nhà Thượng Quan mà nói rộng ra là những cô gái Trung Quốc bấy giờ. Trong buổi đầu tự do, những cô gái Trung Quốc – những cánh chim nhỏ bé đang bươn chải giữa một bầu trời tưởng chừng khoáng đãng nên càng bay càng mỏi. Có cánh chim thì lấy được thăng bằng đáp xuống mặt đất như Chiêu Đệ, nhưng cũng có cánh chim thì sợ hãi lạc xuống một vùng đất cằn cỗi hoang vu như chị Ba Lãnh Đệ. Cả ba chị em Chiêu Đệ, Lai Đệ, Lãnh Đệ đều là những người gặp ngang trái trong tình yêu, đều có chung một kết cục bi kịch. Tuy nhiên, dõi theo số phận của những cô gái nhà Thượng Quan, độc giả chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán. Ở mỗi con người ấy, mỗi cuộc tình, Mạc Ngôn đều có những cách thể hiện cùng với những chất liệu riêng. Nếu ở Lai Đệ tình yêu được tả cận cảnh, chân thật và đa chiều, thì Chiêu Đệ là những “đoạn phim” được chắp nối tạo nên một chuyện tình mãnh liệt, chung thủy và sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tình yêu đó. Còn ở Lãnh Đệ, tình yêu của cô lại được
xây dựng bằng những chi tiết kì ảo có tính huyền thoại – huyền thoại về nàng Tiên Chim. Tuy nhiên, dường như cuộc sống không thoả mãn được những mong muốn, những khao khát của Tiên Chim Lãnh Đệ. Cô sống vẫy vùng trong sự khao khát ham muốn và tình yêu không trọn vẹn. Hành động chị giương đôi cánh, miệng kêu như chim, chạy theo sườn dốc rồi lao xuống là hành động giải thoát cho một trái tim yêu không trọn. Đó là trang cuối khép lại cuốn sách về huyền thoại Tiên Chim Lãnh Đệ. Đồng thời đó cũng là một kết thúc đầy bi kịch của những người Trung Quốc không thể hòa hợp trước những biến thiên dữ dội của thời cuộc. Và khi tình yêu không thể là điểm tựa cho những sinh linh lạc lõng ấy thì cái kết cục bế tắc là tất yếu. Nhờ thủ pháp lạ hóa, Mạc Ngôn đã tạo ra được sự mới mẻ, hấp dẫn cho nhân vật của mình. Chị Năm Phán Đệ cũng yêu, chị cũng yêu bằng một tình yêu mãnh liệt, cũng khao khát về một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Kết duyên cùng Lỗ Lập Nhân, một Đảng viên Cộng sản. Nhưng cặp vợ chồng Đảng viên này lại mang trong mình những tư tưởng ích kỉ, hẹp hòi và lạc hậu. Cả cuộc đời của Phán Đệ là một cuộc chạy đua theo danh vọng. Đối với cô, danh vọng là tất cả. Trên bước đường tìm kiếm vinh quang và danh vọng của mình, Phán Đệ đã bán rẻ tất cả những giá trị thiêng liêng của một gia đình. Trên miệng của Phán Đệ luôn dương dương tự đắc với những lí lẽ chính trị sáo rỗng và sặc mùi cánh tả cực đoan: “Chính trị là thống soái, là linh hồn, chính trị là mạng sống của tất cả mọi việc. Khoa học tách khỏi chính trị thì không còn là khoa học, trong từ điển của giai cấp vô sản, không có khoa học siêu giai cấp. Giai cấp vô sản có khoa học của giai cấp vô sản, giai cấp tư sản có khoa học của giai cấp tư sản!…” [39; tr. 500]. Và khi cần, người Đảng viên ấy sẵn sàng vứt bỏ gia đình, gốc gác để bảo toàn lợi ích của mình. Gia đình đối với cô trong những phút giây ấy chỉ như là những chướng ngại trên con đường tiến thân của cô. Phán Đệ là hình ảnh của những người làm cách mạng nhưng xa rời quần chúng, chỉ khư khư với những triết lí chính trị rỗng tuếch. Phán Đệ là hình ảnh những người cực tả, làm chính trị một cách mù quáng, rập khuôn tranh giành quyền lực trong buổi đầu của cách mạng. Sự xa rời quần chúng là căn bệnh của cách mạng Trung Quốc trong những ngày đầu còn non trẻ.
Trong lịch sử của văn học Trung Quốc, người đầu tiên phát hiện và cảnh báo cho người Cộng sản về căn bệnh này là Lỗ Tấn. Trong Thuốc, Lỗ Tấn đã chỉ ra căn bệnh ấy nguy hiểm như thế nào với cái chết của Hạ Du và