Sử dụng lời bình trực tiếp

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 103 - 105)

Sử dụng lời bình là hình thức ngôn từ tác giả kiêm người trần thuật bị chệch ra ngoài việc miêu tả các sự kiện trong cốt truyện, không gắn trực tiếp tới hành động tác phẩm, trong đó tác giả hoặc người kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình nhằm bình luận hoặc đánh giá đối với cuộc sống và nhân vật trong cốt truyện. Như vậy, trong quan hệ với cốt truyện, lời bình là yếu tố ngoài cốt truyện, thuộc thành phần tĩnh của cốt truyện. Theo Mieke Bal, nhà tự sự học người Hà Lan, đây là thành phần phi tự sự, giúp định giá những động lực tư tưởng và thẩm mĩ của câu chuyện. Với việc trần thuật ở ngôi thứ ba, tác giả hóa thân thành một nhân vật vô hình quan sát và tường thuật mọi chuyện. Nhân vật ẩn thân này không tham gia vào quá trình diễn biến của cốt truyện, nhưng đôi khi lại bỗng dưng “lộ diện” bằng những đoạn bình luận hoặc trữ tình ngoại đề. Tác giả có lúc đưa ra lời lý giải cho một sự việc nào đó, có lúc phát biểu một cảm thán, ví von một suy tưởng, hay thủ thỉ tâm tình cùng độc giả những lời chiêm nghiệm, ẩn chứa cái nhìn về cuộc sống và con người, cái nhìn yêu mến và đầy cảm thông (Trần Đình Sử (cb), 2004, Tự

sự học-Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Đại học sư phạm).

Trong Báu vật của đời, Mạc Ngôn sử dụng lời bình để bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của mình về nhiều vấn đề của thân phận con người trong vũ trụ bao la. Trong đó, những vấn đề thuộc về bản năng nổi lên như những ám ảnh trong tâm thức nhà văn: Ám ảnh bầu vú : “Hằng hà sa số thiên thể vận hành như con thoi, trôi chảy và mạch lạc trong vũ trụ. Chúng phóng ra những tia màu hồng rực rỡ. Thiên thể này có hình bầu vú, thiên thể khác lại có hình cặp mông. Chúng vận hành có vẻ tùy tiện, nhưng thật ra mỗi ngôi đều có quỹ đạo riêng. Rì rầm, loạt soạt, mỗi ngôi đều có điệu hát riêng của mình” [39; tr. 7], “Bầu vú chân chính thì không thể bị hủy hoại, giống như có những người trẻ mãi, xanh tươi mãi mãi như cây tùng" [39; tr. 90], “ Trước mắt tôi toàn là những bầu vú đầy nhựa sống như trái hồ lô, tròn trịa như chim bồ câu bé nhỏ, nhẵn nhụi bóng bẩy như bình sứ. Mùi thơm của chúng, vẻ đẹp của chúng, nước cam hồ lô mà chúng tự động tiết ra rót đầy bụng tôi, thấm đẫm toàn thân tôi, tôi ôm lấy bầu vú, tôi bơi trong dòng sữa”

[39; tr. 142]; Ám ảnh nụ cười : “Nụ cười ngớ ngẩn” của Thằng Câm, của Lỗ thị : “Mẹ bưng bát cháo, cười nhạt. Nụ cười đặc biệt của mẹ khắc sâu trong đầu tôi” [39; tr.102], “Người bụng phệ cười khùng khục như gà cục tác. Tiếng cười quái gở đó cứ ám ảnh tôi, khiến tôi nhớ lại quang cảnh bên giếng nước” [39; tr. 148], “Nhìn nụ cười quái dị của Hứa Bảo, Tư Mã Đình thấy trong lòng đau nhói. Ông ta không bao giờ quên được nụ cười đó” [39; tr. 376], “Trước khi ra khỏi cổng, chị ngoảnh lại mỉm cười với tôi, nụ cười đầy ma quái, khiến tôi suốt đời không bao giờ quên. Nụ cười ấy còn leo vào trong giấc ngủ của tôi, biến những giấc mơ trở thành ác mộng” [39; tr. 795]. Những lời bình còn góp phần khắc họa số phận, tính cách nhân vật, những nét tính cách gần với bản năng: “Trên khuôn mặt hắn ngoài nụ cười ngớ ngẩn, còn gợn lên nét suy tư khó bề đoán trước, sự hoang vắng như hóa thạch và một nỗi đau tê buốt" [39; tr. 99] ; “ Chị nói bằng tiếng người tương đối chuẩn: - Cháu bé!” [39; tr. 14]; “Mặt người và mặt thú chỉ là hai mặt của một đồng tiền” [39, tr. 213]. Đặc biệt, bằng việc sử dụng những lời bình trực tiếp, tác giả còn huyền thoại hóa nhân vật: “Tôi không nghi ngờ rằng chị có thể cúi xuống gặm hai đầu vú nho nhỏ...Trên thực tế, tôi cho rằng, khi chị Ba ngồi trên nóc nhà, chị đã nhập vào thế giới của loài chim, suy nghĩ là của chim... chắc chắn chị sẽ mọc thêm đôi cánh tuyệt đẹp biến thành một con chim đẹp, không là phượng hoàng thì là khổng tước, không là khổng tước thì là gà gấm” [39; tr. 135]; “Kim Đồng tin rằng có thể có sự thỏa thuận ngầm giữa Hàn Chim và Sói, vì rằng trong khi đánh bạn với động vật, cậu vô cùng kinh ngạc về trí thông minh của chúng” [39; tr. 479]. Những chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh của nhà văn cũng được thể hiện qua lời bình: “Nghiên cứu sự thần kì đã biến thành trần tục như thế nào có ý nghĩa gì? Thêm một ông thánh không ăn lương thực có gì là xấu? Chiến tranh đã làm tổn thương ghê gớm trí tưởng tượng của người dân Cao Mật. Giờ đây đã hòa bình, là lúc nên khôi phục lại trí tưởng tượng đó; Ai mà không kính nể một con người có khả năng dẫn người chết vượt trăm núi ngàn sông? Trên người ông ta lúc nào cũng phảng phất mùi tử khí” [39; tr. 352].

Có thể nói, việc sử dụng những lời bình của tác giả với số lượng dày đặc trên mỗi trang dường như đã tạo ra bình diện trữ tình bên cạnh bình diện tự sự của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 103 - 105)