Đọc Báu vật của đời, người đọc luôn bị ám ảnh bởi bi kịch về kiếp
nhân sinh. Đó là những bi kịch mà mỗi con người phải đối mặt. Ở đó, con người vừa là nạn nhân vừa là tội nhân.
Số phận Lỗ Toàn Nhi, cô gái ở vùng quê Cao Mật, xinh đẹp, dịu dàng và tràn đầy sức sống là một minh chứng. Cuộc đời của Toàn Nhi gắn liền với những đau thương, những thăng trầm, cũng như những biến cố của lịch sử ở vùng Cao Mật – Đại La. Đó cũng là lịch sử phát triển của cả đất nước Trung Quốc rộng lớn. Ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, cô bé Toàn Nhi đã phải nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh. Cả gia đình cô đều bị quân Đức tàn sát cùng với bốn trăm chín mươi hai người khác. Lên năm tuổi, Lỗ Toàn Nhi phải bó chân, một phong tục tàn khốc đã gây ra cho những người phụ nữ Trung Quốc những thương tích tật nguyền suốt đời, họ chịu nhiều đau đớn chỉ vì một lý do, phụ nữ không bó chân sẽ thành chân bàn cuốc, không ai thèm lấy. Với lý do như vậy, biết bao bậc bề trên ở Trung Quốc đã ép con ép cháu phải chịu những nỗi đau đớn về thể xác cũng như những dày vò về tinh thần trong tục bó chân. Bằng sự miêu tả chân xác, Mạc Ngôn đã giúp người đọc thấu hiểu được nỗi đau khôn cùng
của những người phụ nữ trong cái tập tục bó chân tàn khốc ấy: “Bà dùng nẹp tre cố định chân mẹ lại, khiến mẹ gào lên như lợn bị chọc tiết, phải kẹp chặt vì tạo hình cho bàn chân nhỏ là rất quan trọng. Sau đó quấn thật chặt hết lớp này đến lớp khác những đoạn vải đã tẩm nước muối phơi khô, rồi lấy dùi gỗ vỗ một lượt. Mẹ kể rằng, buốt đến tận óc…” [39; tr. 721]. Mãi đến năm mười sáu tuổi, Toàn Nhi mới được giải thoát khỏi tục bó chân. Năm mười bảy tuổi thì được gả vào nhà Thượng Quan. Lúc bước vào nhà Thượng Quan, cuộc đời của cô gái Lỗ Toàn Nhi càng đau khổ, tủi nhục hơn. Là vợ của Thượng Quan Thọ Hỷ, là con dâu trong gia đình khá giả nhưng thực chất, Toàn Nhi chẳng khác gì một kẻ tôi tớ. Lấy một người chồng bất tài, vũ phu lại bất lực, không có khả năng truyền giống, nên mọi sự hành hạ, mọi sự oán trách từ niềm khao khát có cháu nối dõi tông đường đều bị đổ dồn lên người Toàn Nhi. Cô phải thường xuyên chịu những cơn mắng nhiếc cay nghiệt: “Chỉ biết ăn mà không biết đẻ, nuôi cái đồ vô tích sự ấy làm gì!” [39; tr. 729] và những trận đòn roi không thương tiếc từ mẹ chồng. Trước nỗi khát khao có cháu của mẹ chồng cũng như những thành kiến của xã hội, Lỗ Toàn Nhi phải mang thân mình đi “xin giống” của những người đàn ông xa lạ. Cuối cùng Toàn Nhi đã sinh cho gia đình Thượng Quan một đàn con chín đứa gồm tám gái một trai, trong đó Lai Đệ và Chiêu Đệ là giống của ông chú dượng Vu Bàn Vả; Lãnh Đệ là con của anh chàng bán vịt dạo; Tưởng Đệ là con của một thầy lang bán rong; Phán Đệ là của lão Béo bán thịt chó ở thôn Sa Tử; Niệm Đệ là giống của Hoà thượng Trí Thông ở chùa Thiên Tề; Cầu Đệ là kết quả của lần Lỗ Toàn Nhi bị bốn tên lính thất trận cưỡng hiếp ở bờ bắc sông Thuồng Luồng; sau cùng là cặp song sinh Kim Đồng, Ngọc Nữ của mục sư Malôa. Nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời của Lỗ Toàn Nhi không phải là cái chết của cha mẹ, không phải là sự hành hạ thân xác của tục bó chân, cũng không phải do sự vũ phu của người chồng mà đó chính là tập tục nghiệt ngã buộc phải có con trai. Điều này đã buộc Lỗ Toàn Nhi phải ngủ với những người đàn ông không mong muốn, phải đem tiết hạnh, đem tấm thân của mình đánh đổi lấy sự bình yên trong cuộc sống. Lỗ thị, trước hết là thân phận của người phụ nữ Trung Quốc bị khinh khi, coi rẻ phẩm chất giá trị trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Việc ăn nằm, sinh nở của Lỗ thị trước hết là sự thách thức với xã hội, là tiếng cười ngạo nghễ, chống lại những tập tục phi nghĩa lí của xã hội.
Người phụ nữ ấy nhận ra một chân lí nghiệt ngã: “Là đàn bà, không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai” [39; tr. 739]. Cái xã hội mà tính mạng con người bị khinh khi vì không có con trai “không có con trai thì suốt đời cô chỉ là nô lệ; đẻ con trai, cô lập tức thành chủ nhà”. Chính quan niệm đó đã làm thay đổi con người của Lỗ Toàn Nhi, từ một cô gái hiền lành chịu đựng đến nhẫn nhục cô đã trở nên liều lĩnh, mang trong lòng sự thù hận, căm ghét xã hội cùng những tập tục phi lí và căm thù nhà Thượng Quan. Toàn Nhi đồng thời cũng vạch trần những nghịch lí bất công mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Quốc phải gánh chịu. Tuy nhiên, bên trong người phụ nữ ấy, luôn có một sức sống mãnh liệt, không chỉ ở khả năng thiên phú mà còn là có một niềm tin vào tương lai, là khát khao được sống, khát khao tìm được tình yêu, hạnh phúc gia đình đích thực.
Không chỉ bị đè nén bởi chế độ phong kiến, giặc ngoại xâm, các thế lực chính trị thay nhau đến rồi đi, bao biến thiên, bao bi kịch xảy ra với vùng đất Cao Mật. Hai nạn đói kinh hoàng năm 1941 và 1960 đã tác động mạnh mẽ đến Lỗ thị và gia đình Thượng Quan. Năm 1941, để cứu lấy đàn con, Lỗ thị phải đứt ruột đưa đàn con đi “bán”, bán mà không cần tiền, chỉ cần xin đối xử tốt với cháu! Vì Lỗ thị biết rằng nếu chúng được nhận làm con của những gia đình giàu sang trong hoàn cảnh này, những đứa con của bà chắc chắn sẽ được sống sót. Cũng trong năm đó, Lỗ thị phải bàng hoàng, ray rứt mặt trắng nhợt, lảo đảo rồi ngã sóng soài ra nhà khi nhận được tiền bán thân của đứa con gái thứ tư – Tưởng Đệ. Vì muốn chữa bệnh cho mẹ và cứu lấy chị em trong cơn đói, Tưởng Đệ đã bằng lòng bán thân vào nhà chứa với giá ba trăm đồng. Năm 1960, Lỗ thị đã biến bao tử của mình thành một chiếc túi chứa đậu. Bà trộm đậu trong hợp tác xã rồi nuốt vào, về đến nhà lại nôn ra, lấy đậu để nuôi con nuôi cháu. Bao thế lực chính trị đến rồi lại đi, vinh quang rồi tàn lụi, đem đến cho vùng đất Cao Mật biết bao biến đổi, Lỗ thị và gia đình Thượng Quan cũng chịu ảnh hưởng của những lần thay ngôi đổi chúa ấy. Lỗ thị nhìn các thế lực chính trị không phải bằng đôi mắt của một đảng viên Cộng sản hay Quốc dân Đảng, bà nhìn hành động, nhìn cách cư xử, nhìn bộ mặt của các thế lực ấy bằng con mắt của một người lao động – người mẹ. Điểm nhìn đó không hề có một điểm gẫy,
một góc khuất nào. Ở góc nhìn đó, bà nhìn thấy được những cái hay cái dở, những mặt tốt mặt xấu của các lực lượng nắm quyền và ý thức sâu sắc về phận người. Nạn nhân trực tiếp của các thế lực ấy vẫn là người dân. Hết quân Đức, quân Nhật, Quốc dân Đảng rồi đến Cộng sản Đảng, mỗi lần thay chủ đổi ngôi là mỗi lần nhân dân chứng kiến cảnh li loạn, cảnh chạy giặc, cảnh tang tóc… Lỗ thị đã bao lần phải mất con mất cháu trong những đợt biến loạn ấy. Tư Mã Phượng, Tư Mã Hoàng, Chiêu Đệ rồi đến Câm anh, Câm em đều là nạn nhân. Các thế lực cầm quyền đem đến cho Lỗ thị biết bao tai họa, biết bao mất mát, biết bao khổ đau thế nhưng bà vẫn dang rộng đôi tay, mở rộng tấm lòng cưu mang che chở, nuôi dưỡng những đứa con rơi của chúng (ở đây nói đến con cái của các thế lực chính trị ấy khi thất thế đã bỏ lại cho bà ngoại Lỗ thị nuôi dưỡng). Ngoài việc nuôi dưỡng đàn con tám gái một trai của mình trưởng thành, trong suốt cuộc đời của mình, Lỗ thị còn cưu mang thêm tám đứa cháu gọi bà bằng ngoại. Tám đứa cháu mỗi đứa một hoàn cảnh, mỗi đứa một thân phận. Có đứa cha mẹ là đảng viên Cộng sản (Lỗ Chiến Thắng, Câm anh, Câm em), có đứa là con của đảng viên Quốc dân Đảng (Tư Mã Lương, Tư Mã Phượng, Tư Mã Hoàng), có đứa là con của Hán gian (Sa Tảo Hoa), có đứa chỉ là con của thường dân (Hàn Vẹt). Dù cha mẹ chúng là ai, thuộc đảng phái nào, tư tưởng chính trị ra sao thì Lỗ thị vẫn dành cho chúng tình thương yêu, tình người thân thiết nhất. Đàn con của Lỗ thị có đủ mọi thành phần xã hội, nói rộng ra, có đủ mọi giống người. Họ được bà mẹ vĩ đại sinh ra đúng vào lúc đất nước Trung Quốc cũng đang trong cơn quặn đau quặn đẻ. Mỗi đứa con chọn một con đường, một cách sống, và một cách chết trên con đường đời đầy gian truân khổ ải. Họ thậm chí còn xung khắc, thù ghét nhau theo sự chọn lựa chính kiến, lý tưởng, nhưng điểm tựa duy nhất, nguồn an ủi duy nhất của họ, là người mẹ Lỗ thị. Đất nước cũng vật vã thăng trầm như đời mẹ. Lỗ thị càng là một bà mẹ vĩ đại. Đó không còn là thân phận người phụ nữ nữa. Đó là thân phận đất nước Trung Hoa vĩ đại và đau thương. Đau thương và vĩ đại như cơn lốc tràn qua lục địa Trung Hoa mênh mông, xoáy quật thân phận một người phụ nữ như Lỗ thị đến chết vẫn chưa được yên.
Ở một khía cạnh khác, bi kịch cô đơn trong Báu vật của đời được thể hiện ở sự xung khắc giữa văn minh công nghiệp, lối sống thực dụng và đời sống tinh thần. Con người trở nên bơ vơ, lạc loài vì không thể thích ứng
được với nó. Những biến chuyển của thời đại quá to lớn, quá mạnh mẽ, nó khiến cho một số người không thể tiếp cận và hoà nhập với nó, từ đó đẩy họ ra lề của cuộc sống, biến họ thành những con người dị thường. Ở Kim Đồng, những biến động xã hội đã làm anh không thể lớn lên được về mặt tinh thần, nó ức chế những suy nghĩ, những hành động của anh: “Anh giật mạnh, con thỏ văng ra dưới chân, máu me đầm đìa, mũi liềm cắm sâu vào một bên mắt. Một cảm giác ớn lạnh rung chuyển toàn thân, anh quẳng cái liềm trên bờ mương, nháo nhác nhìn quanh tìm người cầu cứu, chẳng khác đứa trẻ khi gặp tai hoạ” [39; tr. 586]. Trong đôi mắt của anh, điều quan trọng nhất là những bầu vú, cuộc đời Kim Đồng gắn liền với những cặp vú, anh bú mẹ và những người khác từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến năm bốn mươi hai tuổi. Nhưng đó không phải là sự ham muốn về tình dục, những cặp vú ở đây chính là hình ảnh tượng trưng cho nguồn sống, là cuộc sống ở thế gian. Đó là nguồn sống, là điều mà Kim Đồng luôn tìm kiếm, là nơi anh bám víu. Kim Đồng ham sống, muốn sống một cách mạnh mẽ và chân thành, vì vậy anh luôn hướng về nguồn sống của mình. Tồn tại là mục đích thực nhất và duy nhất của Thượng Quan Kim Đồng. Hàn Vẹt và Tư Mã Lương là hai con người thành công nhất trong việc hoà nhập với xã hội, nhưng cũng là những bi kịch của chính cái xấu trong xã hội mới. Hàn Vẹt là kết quả của “mối tình đẹp nhưng độc như hoa anh túc” giữa Hàn Chim và Lai Đệ. Hàn Vẹt lớn lên trong sự đùm bọc của bà ngoại Lỗ Thị. Anh cưới Cảnh Liên Liên và cùng cô mở ra “Trung tâm nuôi dưỡng chim Phương Đông”. Bề ngoài của “Trung tâm nuôi dưỡng chim Phương Đông” là một nơi bảo tồn các loài chim quí hiếm nhưng thực chất đó là nơi buôn bán trái phép những loài chim quí hiếm cho những người muốn thưởng thức các món ăn lạ. Vì tội hối lộ, Cảnh Liên Liên và Hàn Vẹt bị bắt giam. Quan liêu là một căn bệnh không mới trong lịch phát triển của Cao Mật, nhưng cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì căn bệnh này cũng nghiêm trọng và khó trị hơn. Nếu Tư Mã Khố được mọi người kính sợ vì cái khí phách của một vị yên hùng thì đứa con trai duy nhất của anh là Tư Mã Lương cũng không hề thua kém. Sau nhiều năm thăng trầm cùng gia đình Thượng Quan, Tư Mã Lương đã trở thành một thành viên quan trọng của gia đình. Trong những năm động loạn của Cách mạng Văn hoá, Tư Mã Lương biệt vô âm tín, nhưng sau đó không lâu, anh ta quay lại Cao Mật với
một vị thế khác – một tay buôn giàu có ở Nam Hàn. Cũng giống người cha đã khuất, Tư Mã Lương cũng yêu chân thành, tha thiết vùng đất Cao Mật bát ngát cao lương, anh trở về quê và dùng tiền của mình góp phần xây dựng quê hương. Không những thế, Tư Mã Lương còn là một con người hiếu thảo, chân thành và ân oán phân minh, đúng như tính cách của cha anh khi còn sống. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì Tư Mã Lương là một con người hoàn hảo. Song ở Tư Mã Lương còn có một con người thứ hai – con người lọc lừa, đểu cáng, thác loạn. Từ cách tiêu tiền lối sống hưởng thụ đến những hành động ám muội đều toát lên lối sống thực dụng, vụ lợi, lọc lừa. Có thể nói, Tư Mã Lương là con người của thời đại mới - con người bị tha hoá trong thời mở cửa. Qua hình tượng Tư Mã Lương, Mạc Ngôn đã kịp gieo vào vùng đất Cao Mật những hạt giống của niềm tin, sự lương thiện, và mở ra con đường để cho những con người lạc lối quay về: “Tiền là thứ bẩn thỉu nhất trên đời… mọi người đều tham tối mắt vì tiền, cuối cùng bị đồng tiền cắn chết” [39; tr. 803].
Báu vật của đời đã gợi lên nhiều điều về thân phận con người trong vòng xoáy của cơn lốc thời đại vật chất. Những vấn đề Mạc Ngôn đặt ra trong tác phẩm đều góp phần làm sáng tỏ thân phận con người. Hữu thể là một thảm kịch, là phi lý, là hư vô; con người luôn cô đơn và cái chết luôn hiện diện. Con người phải biết chấp nhận để nhập cuộc tự do làm nên lịch sử của mình bằng những dự phóng. Mặt khác, chính cuộc hiện sinh lại làm con người tha hóa vì tha nhân.