Con người với những xung đột, bất hòa với xã hộ

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 44)

Trong Báu vật của đời, Mạc Ngôn đã đặt ra những vấn đề lớn không chỉ ở thôn Đông Bắc Cao Mật mà còn của cả lịch sử phát triển đất nước Trung Hoa. Đó trước hết là mâu thuẫn gay gắt giữa chính nghĩa - những người đứng lên chống lại quân xâm lược và phi nghĩa - kẻ xâm lược (quân Đức, Nhật). Cuộc đấu tranh của Lỗ Lập Nhân, Tư Mã Khố xét theo quan điểm hiện đại còn có nhiều sai lầm nhưng nó đã phản ánh được thái độ phản ứng của nhân dân Trung Quốc trước quân xâm lược. Thông qua đó, Mạc Ngôn đã chỉ ra sự vận động trong ý thức hệ của người dân Cao Mật nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung. Là hình ảnh đại diện cho hai thế lực chính trị lớn mạnh nhất lúc bấy giờ – Tư Mã Khố và Lỗ Lập Nhân đã được Mạc Ngôn miêu tả một cách sống động, chân thật và đầy đặn. Cái nhìn của Mạc Ngôn qua hai nhân vật này không xuất phát từ yếu tố chính trị, nó xuất phát từ nhân cách, từ những hoạt động của một người lãnh đạo. Qua đó giúp chúng ta có cái nhìn công bằng hơn đối với lịch sử. Điều đầu tiên cần phải nói về sự tranh giành quyền lực của hai lực lượng này là một nỗi ô nhục trong lịch sử phát triển của Trung Quốc. Người Trung Quốc sát hại người Trung Quốc chỉ vì tham vọng quyền lực. Cuộc xung đột để giành quyền lãnh đạo ấy đã gây nên bao tai họa khủng khiếp cho người dân. Mạc Ngôn nhìn lịch sử không phải bằng con mắt của một nhà nghiên cứu lịch sử, cũng không phải bằng con mắt của một nhà chính trị, ông nhìn lịch sử bằng cặp mắt của một nhà văn, của một người nằm trong dòng chảy của lịch sử. Với góc nhìn đó, ông có thể trông thấy những góc khuất của lịch sử, và điều quan trọng là Mạc Ngôn đã dùng ánh sáng của văn chương soi rõ từng góc khuất một, trả lại ý nghĩa thật sự cho từng sự kiện của lịch sử. Một vấn đề khác được Mạc Ngôn đề cập đến trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Vấn đề này không chỉ tồn tại khi đó, mà cho đến nay, nó vẫn là vấn đề đáng được quan tâm. Ở Báu vật của đời, để thể hiện vấn đề này, Mạc Ngôn đã xây dựng nhân vật Lỗ thị, người phụ nữ chịu hậu quả nặng nề của chế độ xã hội phong kiến: tục bó chân, phải sinh

con trai... Nhưng trước khao khát có đứa con trai, Lỗ thị đã bỏ qua mọi khuôn phép ngủ với những người đàn ông khác nhau để sinh ra chín đứa con cho nhà Thượng Quan. Tuy nhiên, bản thân Lỗ thị vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ cũ: sự trọng nam khinh nữ. Đây là hạn chế của Lỗ thị và những người phụ nữ khác trên lục địa Trung Quốc trong buổi giao thời: “Phong kiến – Dân chủ – Cộng sản” . Bà cũng từng ép Lai Đệ bỏ Sa Nguyệt Lượng lấy Tôn Bất Ngôn và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn giữa hai mẹ con, làm cho Lai Đệ phải bỏ nhà theo người yêu và kết thúc bằng cái chết của Lai Đệ. Lỗ thị từng cấm đoán Lãnh Đệ quan hệ với Hàn Chim khiến Lãnh Đệ trở nên điên dại… chính hạn chế này đã khiến Lỗ thị có một số hành động sai về lí nêu trên nhưng nếu xét về tình (tình yêu của một người mẹ đối với con) thì ta có thể hoàn toàn cảm thông được.

Lỗ thị là một nhân vật rất hiện thực và cũng rất tượng trưng. Sự biến chuyển vận động của cuộc đời Lỗ thị với đầy gian truân, vật vã thăng trầm nhưng vô cùng vĩ đại cũng là hình ảnh đất nước Trung Hoa trên bước đường phát triển. Những cô con gái nhà Thượng Quan được người mẹ Lỗ thị sinh ra trong lúc đất nước Trung Quốc cũng đang trong cơn “đau đẻ”. Đàn con của Lỗ thị có đủ mọi thành phần của xã hội - đó là một xã hội Trung Quốc thu nhỏ. Mỗi đứa con chọn cho mình một con đường, một cách sống và một cách chết riêng trong hành trình cuộc sống. Họ thậm chí còn đối đầu nhau, thù ghét nhau do sự lựa chọn chính kiến, lí tưởng khác nhau. Các cô gái nhà Thượng Quan chính là các luồng tư tưởng, các cách sống cách nghĩ của người dân Trung Quốc trong lịch sử phát triển của đất nước Đông Á này. Đó là sự vận động, sự biến đổi của bộ mặt xã hội Trung Quốc trong lịch sử phát triển được Mạc Ngôn khắc họa một cách tài tình, chân thật và sống động. Qua số phận của những cô gái nhà Thượng Quan, ta phần nào thấy được những biến động trong xã hội Trung Quốc to lớn đến mức nào; đồng thời cũng thấy được những chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng của người dân Trung Quốc. Biết bao sự kiện, biết bao biến động xảy đến với vùng Cao Mật và gia đình Thượng Quan, tất cả những biến chuyển ấy làm cho sự nhập cuộc, dấn thân của con cháu nhà Thượng Quan thêm sống động và chân thật. Chín chị em nhà Thượng Quan với những thăng trầm, những nỗi trần ai cùng cực, mỗi người cũng đã là một thiên tiểu thuyết.

Đến những năm 1960, Trung Quốc bước vào thời kì cải cách, xung đột giữa con người mới và xã hội cũ diễn ra trên một phương diện mới. Những con người trẻ trung đầy nhiệt huyết ấy sinh ra trong một thời đại không thuộc về họ. Giữa một xã hội đang vươn mình chuyển đổi, con người dường như chỉ tin vào những điều hữu hình, thực tế; riêng còn những điều chung chung vô hình như khoa học (không dựa trên thực nghiệm) thì hầu như không có chỗ đứng. Đó là một giai đoạn sai lầm đem lại những hậu quả nặng nề cho đất nước Trung Quốc. Đã có biết bao nhà khoa học, biết bao trí thức mang tư tưởng tiến bộ chỉ vì đã mạnh dạn nêu lên những chính kiến của mình mà đã bị cô lập, trù dập, u uất đến chết – đây chính là hậu quả nặng nề của cuộc “Đại cách mạng văn hóa”. Đó là thời kì của quan liêu, cửa quyền, tham nhũng triền miên… kinh tế suy đồi, xã hội điêu tàn, chính trị khủng hoảng, văn nghệ khô cứng. Bước vào thời đại mới con người lại rơi vào những xung đột mới mang tính hiện đại: Tiền và sự tha hóa nhân cách, những kẻ phát loạn, thoái hóa trong công cuộc “cải cách mở cửa” đang phải trả giá cho những hành động của mình và lại tiếp tục xuất hiện những thủ đoạn luồn lách pháp luật khác cùng với những hành động bất nhân khác của con người với nhau. Con đường mà những người như Tư Mã Lương đang bước luôn chất chứa nhiều cạm bẫy, cạm bẫy của danh vọng, cạm bẫy của tiền tài và cả cạm bẫy của lòng người… Những điều đó đang từng ngày làm cho tình người trở nên chai sạn, người ta đóng kính lòng mình với chính cuộc đời, với chính thời đại của mình.

Báu vật của đời được coi là một “Trăm năm cô đơn” của Trung Quốc. Báu vật của đời là một tác phẩm biên niên sử thế kỷ 20 của đất nước Trung Quốc đầy biến động dữ dội kỳ lạ.

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 44)