Ám ảnh về sự ngắn ngủi của kiếp ngườ

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 83 - 87)

Thế giới nghệ thuật trong Báu vật của đời còn ám ảnh người đọc bởi sự ngắn ngủi của kiếp người. Trong thế giới ấy con người là những kẻ bị vây hãm trong tận cùng của những nỗi sợ hãi, khổ đau và tuyệt vọng; ở đó, cái chết như trở thành một dạng thức cố hữu quấn chặt lấy số phận của nhân vật. Sự đe dọa và màu sắc của cái chết cô đặc, rõ nét và thường trực, không một nhân vật nào thoát được ra ngoài vòng vây của cái chết, nhân vật thường đứng trước những dự cảm cận kề về cái chết: “Nhìn cái cẳng ngựa cô nhìn thấy chết chóc” [39; tr. 46].

Thế giới nhân vật trong Báu vật của đời xuất hiện nhiều cái chết. Con người trong tác phẩm được đặt trong trạng thái tồn tại một cách mong manh. Nhà văn đã tạo ra trong sáng tác của mình một hệ thống cái chết. Các nhân vật chết do chiến tranh, đói rét chứ không phải do bệnh tật. Hơn 800 trang sách thì số trang xuất hiện từ “chết” là rất lớn, có trang lên tới 6 lần (như trang 64). Ở đó có cái chết của con người. Đó là cái chết của Tôn Đại Cô “tên lính Nhật giơ súng lên, lẩy cò. Bà dướn người một cái rồi ngã vật xuống”; cái chết của Thượng Quan Phúc Lộc “đầu bị chém vỡ đôi”; cái chết của Thượng Quan Thọ Hỉ “chết đầu lìa khỏi xác”, những mảnh thi thể chất đống dưới hố, mấy xác chết cụt chân cụt tay… Đó còn là cái chết của loài vật: “Đàn dê không kịp tránh, bị chém bể đầu mấy người, tiếng kêu thê thảm vang vọng khắp cánh đồng” “...những con thỏ đồng chết hàng loạt. Chúng chết vì khiếp hãi!” [39; tr. 261, 349]; “Thường xuyên gặp những xác chết trên đường, xác người và xác xúc vật, đôi khi có cả xác chim sẻ, chim thước, gà rừng” [39; tr. 329]. Đó là hậu quả của chiến tranh. Sự xuất hiện của quân xâm lược gắn liền với chết chóc và sợ hãi: “Một tốp lính Đức đội mũ chóp bằng, người cao, hai chân dài và mãnh từ phía cầu treo chạy tới,

dẫn đầu là một người Trung Quốc đuôi sam quấn quanh cổ, tay cầm khẩu súng lục… Sau đó dân Sa Oa bị giết chết tổng cộng là bốm trăm chín mươi bốn người” [39; tr. 757 - 758]. Đất nước Trung Quốc rộng lớn luôn là mục tiêu của bọn xâm lược. Trong thế chiến thứ Hai cũng vậy, nhân dân Trung Quốc đã phải gánh chịu tan tác, sự nghiệt ngã, đau khổ của chiến tranh. Phát xít Nhật là thủ phạm gây ra những nỗi đau thương đó, đối với chúng, cướp phá và giết chóc dường như là công việc thường ngày phải làm: “Tên lính Nhật quay ngựa lại, nhằm người thanh niên cao lớn vừa chống đại đao nhổm dậy xông tới. Người thanh niên lộ vẻ kinh hoàng, giơ đao lên chống đỡ một cách yếu ớt… Tên lính Nhật cúi xuống bổ một nhát, đầu anh ta bị chém làm hai mảnh. Óc vọt ra bắn cả lên quần tên Nhật. Chỉ trong chớp mắt, mấy chục người chạy thoát từ trên đê xuống đã yên nghỉ vĩnh viễn. Bọn lính Nhật cho ngựa giẫm nát thân thể họ” [39; tr. 52 - 53].

Sự tranh giành quyền lực của hai lực lượng Quốc Dân Đảng (Tư Mã Khố) và Cộng Sản Đảng (Lỗ Lập Nhân) là một nỗi ô nhục trong lịch sử phát triển của Trung Quốc. Người Trung Quốc sát hại người Trung Quốc chỉ vì tham vọng quyền lực. Cuộc xung đột để giành quyền lãnh đạo ấy đã gây nên bao tai họa khủng khiếp cho người dân: “Máu tươi, xương thịt tung tóe... những cánh tay giãy đành đạch. Chân vướng ruột một người” [39; tr. 245]. Và “Lúc này tôi mới trông thấy một nửa đầu thằng Câm anh không còn nữa. Một lỗ thủng bằng nắm tay trên bụng thằng Câm em. Chúng chưa chết, giương mắt trắng dã nhìn tôi. Mẹ bốc một nắm đất nhét vào lỗ thủng, nhưng máu và ruột cứ đẩy đất ra ngoài, mẹ bốc nắm đất nữa rồi nắm nữa nhét vào mà vẫn không bịt được, ruột thằng Câm em đùn ra đầy nửa sọt… Các chiến binh trên Bãi Cát Dài từng đàn từng lũ lăn xuống quần nhau với đám binh sĩ đội mũ sắt, tiếng thét, tiếng gào, chân đá, tay đấm, xiết cổ, bóp dái, cào xé nhau, vật tay nhau, móc mắt nhau. Lưỡi lê trắng đâm vào, lưỡi lê đỏ rút ra, kiểu gì cũng chơi! …” [39; tr. 389, 391 - 392]. Những cuộc nội chiến đó đã gây ra những mất mát, những nỗi đau khôn xiết cho con người và đất đai Cao Mật: “Sau trận cướp phá, thôn xóm sặc mùi chết chóc, những người sống sót thì như hồn ma” [39; tr. 127]. “Trong cuộc hành trình bi tráng đó, để lại dọc đường mấy chục xác chết...” [39; tr. 143]. Cuộc trả thù tàn bạo của Hòa Hương Đoàn diễn ra trong vòng mười bảy ngày và đã cướp đi một nghìn ba

trăm tám mươi tám mạng người. Nó là vết thương tinh thần khó phai trong kí ức nhiều thế hệ. Đó là kết quả của sự tranh giành quyền lực bất chấp cả lẽ phải, bất chấp mọi thủ đoạn.

Bên cạnh biểu tượng về cái chết, trong Báu vật của đời còn xuất hiện hình ảnh chiếc quan tài - hình ảnh gắn với sự hiện hữu cuối cùng của con người trên trần thế. Nó trở thành một biểu tượng cho sự chết chóc, ám ảnh trong đầu óc nhân vật Kim Đồng: “Một bà già nằm ngay ngắn trong chiếc quan tài”, “Nhìn cỗ quan tài mà trong lòng ngổn ngang trăm mối...Ở đây chỉ nói về cỗ quan tài... Có loại cung cấp cho người nghèo, ván mỏng bằng gỗ liễu. Có loại dùng cho các cô gái chưa chồng, hình chữ nhật, đầu đuôi bằng nhau. Có loại dùng cho người vị thành niên, đóng bằng ván bắp như cái tráp... Cỗ quan tài cả bà già có thể do các thợ học việc của nhà Hoàng Thiên Phúc đóng, ván thiên và thân áo quan hở một kẽ lớn, nói gì đến cây kim, mà con chuột cũng có thể chui vào” [39; tr. 334 - 335]. Hình tượng chiếc quan tài trở đi trở lại trong tác phẩm như một biểu tượng nghệ thuật rất đáng chú ý bởi nhà văn đã thể hiện một cái nhìn, một quan niệm có tính triết học về cái chết: con người bắt đầu từ hư vô, đi tới hư vô và kết cục hư vô. Đây là điểm độc đáo trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn mang màu sắc hiện sinh.

Ám ảnh về sự ngắn ngủi của kiếp nhân sinh trong sáng tác của Mạc Ngôn thực chất là một biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh. Cái chết ở đây không phải là cái chết bình thường, một cái chết tự nhiên do tuổi tác. Nó là sự kết thúc của một cuộc đời còn đang dang dở với nhiều dự định chưa thực hiện được, đó là những cái chết do chiến tranh. Cái chết vốn là cái vô thường tuyệt đối của con người. Trong sáng tác của Mạc Ngôn, nó treo lơ lửng trên đầu mỗi con người, đe dọa, theo đuổi con người giống như một cái án treo trong cuộc đời đầy bất trắc, không có gì đảm bảo. Cái chết bình thường đến một cách nhẹ nhàng, bình yên như là sự trở về với bản thể tự nhiên. Nhưng với Mạc Ngôn, cái chết lại như một sức mạnh vô hình bao vây, rượt đuổi con người, lấn chiếm không gian, cả bầu không khí hít thở hàng ngày, cả trong lời nói của nhân vật : “Bà đánh chết cháu đi!... Đánh chết mày hả?... Chết thế nào được!”, “Chạy đi bà con ơi, chậm là mất mạng đấy” [39; tr. 26, 28]; “Mẹ nó đừng chết!... Nó chết mất! Nó sắp chết rồi!”, “Đã chết thì tránh cũng không thoát, không chết thì chết thế nào được”,

“Nhà nào có xác chết thì khênh ra!” [39; tr. 51, 58]; “Đâu phải là xác chết! Không chết!...Đứt ruột mà chết!”, “Sao bà không chết đi? Sống làm gì?” [39; tr. 61, 209]... Cái chết trở thành một nỗi ám ảnh đáng sợ mà con người không thể kháng cự lại được. Có thể vì thế mà khi miêu tả nó Mạc Ngôn còn nâng cái chết lên tầm Mỹ học của bạo lực bằng thủ pháp cường điệu, lạ hóa như đã nói trên. Nguyên nhân khiến tác phẩm luôn bị luôn bị ám ảnh bởi sự ngắn ngủi của kiếp người một phần có lẽ là do tuổi thơ cơ cực và hoàn cảnh xã hội mà tác giả đã và đang sống. Đó là một thời đại đi qua chiến tranh rồi hậu chiến tranh, cuộc sống của con người bị đè nặng trong những đau thương mất mát và sợ hãi. Bên cạnh nó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, khiến cuộc sống của con người đối mặt với nhiều bi kịch. Trong xã hội đó con người đã bị phi nhân vị hóa, và tâm hồn dần trở nên kiệt quệ trong cái gọi là nền văn minh máy móc, kĩ thuật. Chính những yếu tố đó đã tác động sâu sắc đến tâm lí sáng tác của Mạc Ngôn. Những ức chế trong cuộc sống hiện thực đã chuyển hóa thành những ẩn ức trong sáng tác của ông và theo đó, những sợ hãi, lo âu trong cuộc sống cũng chuyển hóa thành những lo âu, tuyệt vọng trong văn chương. Rõ ràng ở Mạc Ngôn cả hai yếu tố khách quan (môi trường xung quanh) và chủ quan (tâm lí tác giả) đã góp phần quan trọng trong việc hình thành thế giới nghệ thuật của ông.

Từ góc nhìn phân tâm học, ám ảnh gắn liền với vô thức. Từ những ám ảnh về tuổi già, sự bất lực, sự ngắn ngủi về kiếp người, Mạc Ngôn đã thể hiện một cảm quan riêng về thân phận con người ở một thời đầy biến động. Báu vật của đời khơi gợi một cảm giác mới lạ, đúng hơn là sự tác động mạnh đến cảm giác người đọc - cảm giác về sự mong manh của kiếp người và sự khốn cùng của nó khi xã hội như đang tự hủy hoại.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy, con người bản năng trong

Báu vật của đời và hành trình tìm kiếm bản ngã của con người thời hiện đại

luôn ẩn chứa những tầng ý nghĩa. Đi sâu tìm hiểu giải mã ý nghĩa giúp ta nhận thức và khám phá ra những giá trị đích thực của tác phẩm đồng thời hiểu sâu thêm bản chất con người. Sự phong phú của con người bản năng cùng với hành trình tìm kiếm bản ngã và sự ám ảnh về thân phận con người đã góp phần làm nên chiều sâu nhân bản cho tác phẩm. Đó không còn là câu chuyện của những con người ở một vùng đất mà là câu chuyện về kiếp nhân sinh.

Chương 3

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w