Khắc họa tâm trạng nhân vật 1 Sử dụng ngôn ngữ thiên nhiên

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 93 - 96)

3.2.1. Sử dụng ngôn ngữ thiên nhiên

Trong Báu vật của đời, thiên nhiên luôn giữ một vai trò quan trọng. Nó trước hết góp phần vào việc tạo dựng không gian. Cái không gian được

tác giả chăm chút cho tác phẩm đó là vùng quê Cao Mật. Ông đã biến một khái niệm địa lí thành một khái niệm văn học, một khái niệm mở. Ông xây dựng Cao Mật như một cảnh ảo do ông tưởng tượng trên cơ sở những kinh nghiệm của tuổi ấu thơ và ra sức biến nó thành một Trung Quốc thu nhỏ, gắn những niềm vui và những nỗi buồn của Cao Mật với niềm vui và nỗi buồn của nhân loại. Ngôn ngữ thiên nhiên đã góp phần tạo dựng nên bức tranh làng quê Cao Mật phong phú, hấp dẫn và thấm đẫm cái nhìn tâm trạng của nhân vật.

Mạc Ngôn từng nói: “Làng quê là báu vật của tôi”. Trong tất cả các sáng tác của ông, ta luôn nhìn thấy dấu ấn quê hương. Theo Mạc Ngôn đó “là nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất; siêu thoát nhất, thế tục nhất; trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất” [36] mà ông từng yêu thương đến cực điểm, căm thù đến cực điểm. Những sự kiện biến cố của lịch sử và con người vùng quê này đều diễn ra trong lòng Cao Mật. Cao Mật mênh mông bạt ngàn chứa đựng trong lòng cả sự sinh sôi và chết chóc. Cao Mật như có tâm hồn, tình cảm, yêu thương, căm hận cùng với con nguời. Cuộc đời con người gắn với lịch sử Cao Mật. Mật độ dày của ngôn ngữ thiên nhiên trong tác phẩm cũng đủ nói lên tình yêu quê hương của Mạc Ngôn. Cao Mật gắn liền với cơn đau trở dạ của Bà mẹ Lỗ thị: “Chị ngắm cái bụng của mình, trong lòng lúc hi vọng, lúc chán nản y hệt như bầu trời Cao Mật giữa mùa hè: khi thì mây đen cuồn cuộn, lúc lại xanh trong thăm thẳm” [39; tr. 11]. Cơn đau đẻ của chị cũng như “cơn đau” của Cao Mật trước sự xâm lược của phát xít Nhật. Thiên nhiên Cao Mật mang màu đau thương: “Gió nam ẩm ướt đưa tới mùi cỏ mực. Ếch kêu ồm ộp... mặt đường lồi lõm,xe lắc dữ dội, những xác chết trên xe dồn nén, bốc mùi nồng nặc, nước vàng rỉ xuống... hôm nay là ngày hội của quạ và diều hâu. Tất cả những con quạ trên vùng Cao Mật rộng lớn đều có mặt, đen kịt bầu trời phía trên xe... Cánh đồng mạch êm ả, nhưng trong đó là sự căng thẳng... Lúa đang rì rào, lúa đang thầm thì trao đổi những tin tức đáng sợ... Chân trời mạn đông bắt đầu xuất hiện một con kim sà khổng lồ, đỏ như pha máu, tiếng sấm nặng nề vọng tới. Lại một khoảng khắc yên lặng, những con diều hâu đang bay lượn bỗng sà xuống thấp, rồi mất hút trong đám lúa mạch... Sóng dài, sóng ngắn, xô đẩy nhau xoắn lại thành xoáy lúa màu vàng. Biển lúa đang sôi sục. Đàn quạ tan biến. Những hạt mưa lớn, đơn độc, rơi lộp độp, xen vào đó là những cục đá to bằng hạt

hạnh đào... Đoàn người đứt quãng kéo dài đến hơn một dặm, bóng đổ dài trên cánh đồng lúa mạch. Trong sự tĩnh lặng mênh mông của hoàng hôn, vang lên tiếng bước chân, tiếng gió xào xạc trên ngọn lúa, tiếng khóc than của tôi, tiếng kêu ai oán của con cú vọ sau một ngày ngủ vùi trên cây dâu thân to bằng đầu người...” [39; tr. 63 đến 71]. Mạc Ngôn đã dùng gần 8 trang chỉ để miêu tả Cao Mật, một Cao Mật đau thương nhưng vẫn tỏa sáng một sức sống mãnh liệt. Người đọc như được ghé mắt vào ống kính của nhà quay phim lia nhanh đến những khoảng không gian khác nhau: từ con đường đầy bụi, những con ngựa màu hoàng hạnh, màu táo hồng, màu lam ngọc đến cánh đồng tiểu mạch trải dài tít tắp bừng sáng, nhìn sang đoàn người đến chân trời đỏ pha như máu, những con quạ đói khát...Cứ như thế không gian này đặt cạnh không gian kia, chuyện này tiếp chuyện kia, có khi thoáng qua, có khi dừng lại khắc sâu trong tâm trí người đọc vẻ đẹp của Cao Mật. Có thể nói, thôn Cao Mật là một sản phẩm tuyệt diệu của hư cấu. Người đọc có thể nhận ra đó là nguyên mẫu làng quê của tác giả. Nhưng Cao Mật cũng có thể là bất cứ làng quê nào của Trung Quốc và cả đất nước Trung Quốc rộng lớn. Thôn Cao Mật đủ sức dung nạp tất cả, từ hiện thực đến những chuyện huyễn hoặc, hoang đường.

Không chỉ tạo dựng không gian, ngôn ngữ thiên nhiên còn được nhà văn sử dụng để điều tiết mạch truyện, trì hoãn cốt truyện một cách hiệu quả. Giây phút Kim Đồng bị Vu Vân Vũ và Ngụy Sừng Dê ức hiếp, Mạc Ngôn đã cố tình kéo giãn khoảng ngắn ngủi vô cùng đó để miêu tả cảm giác của nhân vật: “Trong khi chúng nó thảo luận về số phận của tôi, tôi đứng bên như người không liên quan, không sợ mà cũng không bỏ chạy, đầu tôi mụ đi. Thậm chí tôi còn có thời gian nhìn ra xa, nơi cánh đồng cỏ đỏ rực như máu và ngọn núi Trâu Nằm màu vàng kim, và cả cánh đồng hoa màu xanh ngắt rộng mênh mông ở phía chính nam. Con đê sông Mực như một con rồng uốn khúc ẩn hiện sau những vạt hoa màu cao, lộ hẳn ra nơi những vạt hoa màu thấp. Những con trắng bay là là mặt nước như những mẩu giấy trắng. Biết bao chuyện cũ lần lượt lướt qua trong đầu, tôi bỗng cảm thấy mình đã sống trên đời hàng trăm năm” [39; tr. 396] và: “Ánh sáng mờ mờ, trên cánh đồng hoa màu bạt ngàn hình như có con quái vật bé tí xíu đang nhảy múa, mắt xanh lè, lưỡi đỏ chót, mũi thở phì phì...Con đường đáng sợ rồi cũng sáng sủa ra. Hai bên đường vẫn là những cánh đồng cao

lương nối tiếp,một khoảng đất hoang hiện ra ở phía bắc. Mặt trời lặn hẳn, dế kêu rỉ rả như một đàn đại hợp xướng. Một chiếc lò gạch bỏ hoang chờ đón chúng tôi với tường lò đỏ như tiết gà” [39; tr. 404]. Sự kéo giãn thời gian bằng ngôn ngữ thiên nhiên khiến hiện tại như bị chững lại, nó chỉ còn là một chấm nhỏ nhưng rồi lại khởi phát cho dòng thời gian trở lại. Thiên nhiên bất thường dưới cái nhìn đầy sợ hãi, lo âu của nhân vật, khi Tư Mã Lương, Sa Tảo Hoa, Kim Đồng, Lỗ thị đang đứng giữa sự sống và cái chết trước sự hung hăng của Vu Vân Vũ, Ngụy Sừng Dê. Với Mạc Ngôn, ngôn ngữ thiên nhiên dường như là một thứ ngôn ngữ đặc biệt để chuyển tải những điều mà ngôn ngữ con người dường như bất lực. Chịu ảnh hưởng của Rabelais, Kafka, Gunter, Marquez... nhưng lại không giống một ai trong số họ, Mạc Ngôn luôn tạo được cho mình một phong cách độc đáo từ những gì đã học được. Ông đã sáng tác nên những tác phẩm có “màu sắc, hương vị và âm thanh” riêng trong đó có Báu vật của đời.

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 93 - 96)