CON NGƯỜI BẢN NĂNG TRONG BÁU VẬT CỦA ĐỜI 3.1 Tạo dựng tình huống cho sự xuất hiện bản năng con ngườ

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 87 - 89)

3.1. Tạo dựng tình huống cho sự xuất hiện bản năng con người 3.1.1. Sự trống trải, cô đơn

Cô đơn, trống trải là những phạm trù mỹ học hiện sinh vì nó không bao giờ chấm dứt trong con người, vì đấy là hậu trường vĩnh cửu của cộng đồng, là góc tiêu cực không thể thủ tiêu của mọi sự tiếp cận, giao tiếp, gặp gỡ. Cái gọi là “quan hệ” chỉ có thể hình dung trên nền tảng của cô đơn, trống trải. Cô đơn hiện sinh, trống trải hiện sinh như một khả năng, luôn luôn rình rập trong bản thân con người, cộng đồng bất lực với nó, khi nó vượt lên và tan chảy trong các mối quan hệ. Cô đơn, trống trải hiện sinh như tiêu cực siêu hình của cộng đồng, như một khả năng thông thường lúc nào cũng tồn tại nhưng không bao giờ biến thành phổ biến, một khả năng của sự sống. Trong Báu vật của đời, nhà văn có ý thức miêu tả tấn thảm kịch về thân phận con người như một thực thể vất vơ, cô đơn và tha hóa. Trong những hoàn cảnh nhất định, đặt trong không gian nghệ thuật và tình huống đặc biệt, con người cô đơn mới lộ diện.

Các nhân vật trong Báu vật của đời , đặc biệt là Bà mẹ Lỗ thị và đàn con luôn tồn tại với những khát khao sống mãnh liệt, cũng chính sự khát khao ấy sẽ khiến họ nhạy cảm với sự cô đơn, trống trải hơn. Lỗ thị khi sinh được đứa con gái đầu lòng, cứ tưởng rằng sẽ được như lời của mẹ chồng khấn vái: “Tạ ơn trời đất, cuối cùng thì nẻ đít ra rồi! Xin Bồ Tát phù hộ sang năm cho gia đình con xin đứa con trai!” [39; tr. 739]. Dù phải đi “xin giống” của sáu người đàn ông, nhưng rồi bảy đứa con ra đời đều là bảy cô con gái cả. Bảy đứa con toàn gái làm cho cuộc sống của Lỗ thị trong gia đình chồng càng thêm khốn khổ: “Từ khi sinh đứa con gái thứ tư, bầu trời nhà Thượng Quan lúc nào cũng mây đen vần vũ, mặt bà nội như lưỡi hái vừa lấy ra khỏi nước tôi, sẵn sàng đâm chém ai đó bất cứ lúc nào” [39; tr. 746]. Bị đối xử thua một con vật, vừa mới sinh con xong, Toàn Nhi phải phơi mình giữa cái nắng trưa để lật rơm trong khi “bụng vẫn đau quặn, dạ con vừa trút được gánh nặng co bóp dữ dội, mồ hôi lạnh chảy cùng mình, từng dòng âm ấm từ cửa mình chảy ra ướt đẫm hai đùi” [39; tr. 749]; phải

sinh con trên một cái giường đầy đất đá đã nhão ra vì máu, “vượt cạn” trong sự lo lắng, sợ hãi, bẩn thỉu và cô đơn trong khi cả nhà đang lo lắng, nâng niu một con lừa cũng đang đau đẻ. Người phụ nữ ấy rơi vào tận cùng nỗi cô đơn tuyệt vọng, với giọng gào thét hả hê, nhưng cũng đầy chua chát nghẹn ngào, xót xa cho thân phận của mình: “Các người nghe thấy rồi chứ! Các người cứ cười đi! Chú ơi, đời là thế, cháu muốn làm chính chuyên liệt nữ thì bị đánh, bị mắng, bị trả về nhà mẹ đẻ; cháu đi xin trộm giống của người khác thì lại trở thành chính nhân quân tử! Chú ơi, con thuyền của cháu sớm muộn cũng chìm, không chìm ở rãnh nước nhà chú Kèo thì cũng chìm trong rãnh nước nhà chú Cột, chú ơi!” [39; tr. 750]. Và cao trào của nỗi cô đơn tuyệt vọng ấy đã dẫn tới hành động : “Đứng trước dòng nước trong xanh, mẹ nảy ra ý định nhảy xuống sông tự vẫn” [39; tr. 758]. Nhưng chính trong những giây phút ấy thì bản năng sinh tồn trong Lỗ thị trỗi dậy mạnh mẽ để rồi “khi vén áo chuẩn bị nhảy, mẹ bỗng trông thấy bầu trời xanh biếc của vùng Đông Bắc Cao Mật in bóng dưới lòng sông. Mấy cụm mây trắng như bông bay ngang trời, những con chim sơn ca cất tiếng hót véo von dưới cụm mây trắng. Những con cá nhỏ, trong suốt bơi trong bóng mây in dưới lòng sông. Hình như chẳng có chuyện gì xảy ra, trời vẫn trong xanh, mây vẫn nhởn nhơ, lười nhác và trắng muốt như thế. Chim chóc không vì có diều hâu mà ngừng ca hát, con cá nhỏ không vì có chim bói cá mà ngừng bơi lội. Mẹ cảm thấy một làn gió tươi mát xua tan mọi uất ức trong lòng” [39; tr. 758]. Mang trong mình niềm tin vào cuộc sống, đi tìm sự công bằng cho thân phận người phụ nữ, mặc dù in dấu trên hình hài và trong tận sâu tâm hồn nhiều vết thương do xã hội gây ra, nên không đơn thuần chỉ là nạn nhân của xã hội phong kiến Trung Quốc mà Lỗ thị còn chính là nhân chứng tố cáo sự cay nghiệt của xã hội ấy. Và cũng là người đưa nhát búa đầu tiên đập vào nền móng vốn khập khiễng của những tập tục lạc hậu, là sự chống đối phản kháng lại chế độ xã hội phong kiến hà khắc. Từ khi sinh ra đã được tạo hóa giao phó thiên chức thiêng liêng – làm mẹ, suốt đời bám víu vào thiên chức ấy, sức mạnh cuộc sống của bà là từ sự bảo bọc những đứa con mà ra. Với khả năng thiên phú ấy, dù cho có bị chà đạp bị tiêu diệt đến đâu thì bản năng người mẹ vẫn trường tồn bằng một sức mạnh kì diệu, một niềm tin tuyệt đối, vì bà biết rằng nếu đánh mất thiên chức làm mẹ thì cũng là đánh mất luôn cả sự sống. Đặt nhân vật vào

tình huống cô đơn, trống trải là nghệ thuật tạo và dẫn dắt tình huống truyện vừa kịch tính vừa rất logic của Mạc Ngôn. Tình huống truyện có vai trò hết sức quan trọng, được ví như “cái chìa khóa vận hành cốt truyện”. Từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Việc sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn. Đặt nhân vật vào tình huống cô đơn, trống trải Mạc Ngôn đã thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong câu chuyện và tạo điều kiện cho những sự kiện tiếp diễn. Tình huống cô đơn trống trải cũng giúp nhân vật bộc lộ được tính cách. Các chi tiết nối tiếp nhau một cách rất tự nhiên và từ đó ta khám phá chiều sâu của đời sống. Cuộc đời của Lỗ thị và đàn con được mô tả với nhiều tình huống oái oăm, những hoàn cảnh bi thảm mang tính chất bi kịch. Trước những tình huống ấy mỗi người chọn lựa cho mình một cách sống. Tình huống cô đơn trống trải còn góp phần thể hiện tập trung chủ đề tư tưởng tác phẩm: chiến tranh đói khát, tăm tối hiện tại không thể giết chết khát khao hạnh phúc, khát khao được sống một cuộc sống xứng đáng.

Có thể nói Báu vật của đời cuốn người đọc vào nỗi day dứt, cô đơn cùng các nhân vật gần như xuyên suốt tác phẩm. Nỗi cô đơn còn ám ảnh, giày vò không chỉ với những người trẻ mà cả những người của thế hệ trước. Gieo sự cô đơn cho nhân vật cũng chính là cách để tác giả chạm đến tận cùng những thao thức của ngôn ngữ, đủ sức để những câu chữ phiêu linh cùng những trăn trở bật thoát từ nỗi đau thẳm sâu của con người.

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 87 - 89)