Sự đứt gãy của dòng ý thức và liên tưởng mở rộng trong tâm lí nhân vật

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 109 - 114)

tâm lí nhân vật

Sự đứt gãy dòng ý thức của nhân vật cho phép đảo lộn thời gian, xáo tung nó lên trong sự hồi tưởng vốn dĩ thiếu sự rành mạch. Những dòng kí ức và suy tư ùa kéo nhân vật về với không gian quá khứ, cảnh vật, con người, sự kiện... nối liền rộng lớn và trải dài trên những phiến đoạn vỡ vụn của trí nhớ. Qúa khứ - hiện tại đan xen đứt gãy, những liên tưởng của nhân vật lại gợi ra những khúc đoạn khác nhau của cuộc đời. Và ở đấy nhà văn khám phá được nội tâm sâu thẳm của nhân vật. Dường như tất cả các sự kiện khác trong tác phẩm đều không được Mạc Ngôn trình bày theo diễn biến một chiều, trước sau, nhân quả, mà được phá tan ra từng mảnh rồi ném vào mỗi chương một vài mảnh nhỏ. Toàn tác phẩm là những mảnh sự kiện

khác nhau đứng cạnh nhau như một mớ hỗn độn. Muốn có cái nhìn trọn vẹn về các sự kiện, người đọc phải tự sắp xếp các mảnh vỡ đó lại, đưa cảm giác chủ quan vào trong khách thể để khám phá ra một hiện thực mới mẻ. Sự đứt gãy dòng ý thức và liên tưởng mở rộng trong tâm lí nhân vật là nét độc đáo trong tác phẩm Báu vật của đời. Theo dòng hồi ức của người kể chuyện, quá khứ hiện về không tròn trịa, không theo một trình tự nhất định nào cả mà bị vỡ vụn, xáo trộn. Sự kiện này đường đột chen ngang vào sự kiện kia khiến các sự kiện cứ đứt rồi lại nối, nối rồi lại đứt, đứng cạnh nhau, tan trong nhau tạo nên những bất ngờ thú vị. Thông thường khi viết về lịch sử xã hội hay số phận con người người ta thường đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ phát sinh đến cao trào. Nhưng ở Báu vật của đời trật tự đó bị đảo ngược, nhà văn có thể để nhân vật từ hiện tại quay ngược về quá khứ, để hiện tại, quá khứ và tương lai đan xen trộn lẫn vào nhau. Sự xáo trộn ấy là vì nhà văn đã đặt điểm nhìn theo dòng hồi ức của người kể chuyện “tôi”. Mà hồi ức thì khó có thể đi theo đường thẳng, vì vậy hồi ức của tôi đã bẻ gãy thời gian tuyến tính thông thường, để điểm nhìn của mình mặc cho hồi ức, cho liên tưởng lôi cuốn và chi phối. Chẳng hạn, trang 109: Đó là câu chuyện mà Lỗ thị kể lịch sử vùng Cao Mật về chuyện tình của Tư Mã Răng To, ông nội Tư Mã Khố với cô gái mù trong cái chum; ông thợ rèn - cụ tổ nhà Thượng Quan và tình thân hữu với cụ Tư Mã Răng To; kể về Nghĩa Hòa Quyền khuấy đảo miền Đông Bắc; kể về trận ác chiến cười nôn ruột ở Bãi Cát Dài giữa một bên là cụ Tổ Thượng Quan và Tư Mã Răng To với một bên là người Đức, cho rằng quân Đức không có đầu gối, chân thẳng đuột không gập lại được ...Trang 111: Tư Mã Khố bắt đầu trận đánh trên cầu đường sắt bắc qua sông Thuồng Luồng.Trang 112: Bà mẹ Lỗ thị tiếp tục kể về trận đánh của Tư Mã Răng To bị thất bại. Trang 114: Trở về trận đánh của Tư Mã Khố. Chính sự đứt gãy dòng ý thức và liên tưởng mở rộng tâm lí nhân vật nên thời gian nghệ thuật của tác phẩm không chỉ đơn giản bị trôi ngược từ hiện tại trở về quá khứ từ kết quả đến nguyên nhân mà còn bị bẻ gãy xáo trộn bởi dòng hồi ức của người kể chuyện và nhân vật. Vì vậy quá khứ xa, quá khứ gần hiện tại tương lai cứ ngược xuôi đan dệt vào nhau khiến cho thời gian nghệ thuật của tác phẩm không còn là dòng thời gian nữa mà là mạng thời gian. Tác phẩm tuy thống nhất ở lối kể theo dòng thời gian tuyến tính nhưng các tình tiết lại không được định vị

trên trục thời gian bằng nhau, giữa chúng có sự pha trộn tương đối phức tạp. Nhân vật theo dòng hồi tưởng của mình, nghĩ đến cái gì trước thì viết trước, cái gì nghĩ sau thì viết sau một cách tự do mà không bị bó buộc vào những quy tắc trật tự nhất định nào. Chuyện của nhiều năm trước, chuyện hiện tại đang diễn ra, chuyện của mấy chục năm về sau được sắp xếp xen kẽ, đan kết vào nhau, sự kiện này chưa xong, sự kiện kia đã tới, gối đầu lên nhau hình thành nên một hiện tượng thời gian luân chuyển. Nhân vật “tôi” kể chuyện trong thời gian hiện tại bỗng chốc quay về ngược về quá khứ, rồi trở lại với hiện tại, tất cả cứ luân chuyển nhịp nhàng theo dòng cảm xúc của nhân vật, khiến cho hiện tại bị chen ngang đứt gãy bởi quá khứ và tương lai. Qúa khứ ở đây chỉ là một thứ cảm giác, xuất phát của chúng vẫn là thời điểm hiện tại. Cái quá khứ ấy sống dậy không những từ một nguyên cớ của hiện tại mà quan trọng hơn, là nhờ những cảm giác sống động, tươi mới của hiện tại. Nhờ đó mà khoảng cách thời gian giữa các sự kiện có thể rất xa nhau nhưng cũng có thể rất gần, thậm chí có thể là cây cầu nối giữa hai bờ hư - thực. Bằng thủ pháp nghệ thuật đó, Mạc Ngôn ít nhất đã tạo cho người đọc cảm giác luôn được hòa mình trong hiện tại, khiến tác phẩm mang nhịp thời gian của cuộc sống thực tại với biết bao bề bộn, phức tạp.

Sự đứt gãy của dòng ý thức và liên tưởng mở rộng tâm lí của nhân vật mang lại sức hút cho tác phẩm, lôi kéo bạn đọc suy nghĩ để bắt nhịp với diễn biến của câu chuyện, khám phá ra mối liên hệ khăng khít giữa các sự kiện trong chính sự phân đoạn rời rạc của chúng. Thủ pháp này đi sâu vào cái bí ẩn bên trong tâm lí con người, phân tích một cách tinh tế những tâm trạng và cả cái vô thức sâu kín trong con người. Cả một thế giới đầy náo động được hình dung qua những suy tư, hồi tưởng, ám ảnh của một Kim Đồng hèn nhát, yếu đuối. Cuộc đời Kim Đồng gắn liền với những cặp vú, hình ảnh đầu tiên mà anh nghĩ đến khi trông thấy một người phụ nữ chính là cặp vú: “Mẹ ôm chặt tôi vào lòng, dưới cặp vú đồ sộ và ấm áp của bà”; “Nước ngập chân, ngập bụng, ngập hai bầu vú. Đàn cá nhỏ vui vẻ và cảm động đụng vào đầu vú chị. Hai gò vú làm sáng bừng mặt nước” [ 39; tr. 772]; “Cặp vú đồ sộ nặng trĩu mê hoặc con mắt tôi. Núm vú đỏ hồng phập phồng sau lần áo lót”, “Đôi vú mệt mỏi nằm bẹp trên xương ngực” [39; tr. 206, 207]; “Cặp vú chị Sáu như hai quả khí cầu màu hồng ngay trước mắt tôi...Bầu vú của chị Sáu trắng như cục bột, chứa đầy mật ngọt, đi khắp chân trời góc biển không

tìm đâu ra của quí như thế” [39; tr. 230]... Kim Đồng nhìn bầu vú trong sự trong suốt của linh hồn với những hình khối, màu sắc và âm thanh đa dạng. Có khi vũ trụ chính là bầu vú vĩ đại nhất chứa đựng trong đó hàng ngàn thiên thể vận hành mang hình dáng bầu vú, cặp mông. Có khi những thiên thể tụ lại thành một khối lớn, có lúc lại tan ra, nhập nhòe ẩn hiện thành sự vật, hiện tượng gần gũi trong đời sống: bầu hồ lô, cặp lọ sứ, củ cải, quả cà chua, bánh màn thầu, đôi chim câu… sự liên tưởng mở rộng đầy cảm giác này khiến cho những ám ảnh bản năng cũng trở nên có hình ảnh, hương sắc, mùi vị.

Cái độc đáo ở đây chính là sự “trẻ con” của Kim Đồng và thế giới quan qua cảm nhận của anh đã được Mạc Ngôn dung hoà hợp lí và mang nhiều ý nghĩa. Dưới con mắt của một đứa trẻ những con người quanh nó được vẽ nên một cách nghệch ngoạc, hóm hỉnh nhưng chân thật, đầy đặn và đặc biệt là không có màu sắc của yếu tố chủ quan: “Con mắt đen láy cùng với cặp môi đỏ mọng như thèm khát cuả chị. Đâu phải là một cô gái mới mười bảy tuổi? Rõ ràng là một con bò cái tơ đang động đực!… Nó khóc như tiếng quạ, như tiếng ếch, tiếng cú kêu. Vẻ ngoài của nó giống chó sói, chó hoang, giống con thỏ rừng… Khi gào khóc, nó vẫn mở to mắt. Mắt nó như mắt của thằn lằn. Chị Chiêu Đệ chết tiệt đã đem về một tiểu yêu do thằn lằn đẻ ra…Áo khoác của các chị, vì bất li thân, nên vẫn còn, nhưng lông rụng từng mảng, các chị giống như những con thú bị thương khắp người” [39; tr. 139, 150 - 151]; “Mẹ bực phát khóc, nhưng cuối cùng cũng nhét hết ruột vào trong bụng tôi, rồi mẹ lấy kim chỉ cài trên mái tóc xuống khâu vết thương lại như người ta khâu quần áo...Tôi như lạc xuống âm phủ trong chuyện cổ tích, mà người lôi tôi xuống thì thở như trâu, bất chấp tất cả, cứ thế mà xông tới” [39; tr. 403].

Những sự việc được Kim Đồng tả lại, kể lại, luôn luôn vận động và biến đổi đúng như bản chất qui luật của nó, làm cho nó trở nên thật hơn, đáng tin hơn. Mạc Ngôn từng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của học thuyết phân tâm học của Freud đồng thời hấp thụ cả thuyết dân tộc học, nhân loại học của Fraze (1854 - 1941). Tiểu thuyết Mạc Ngôn đậm màu sắc nguyên sơ và man dại. Nhà văn đã đưa cái tục vào trong văn bản, xem đó như một phần của bản năng con người. Tuy nhiên ai đã từng đọc và hiểu văn Mạc Ngôn thì thấy lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bạn đọc, cuộc

sống trong tiểu thuyết gần hơn cuộc sống đời thường. Ông thường đi sâu khai thác nguồn mạch ẩn ngầm bên trong chiều sâu tâm lí con người. Thông qua cái nhìn trẻ thơ nhà văn đã khám phá ra tâm lí con người được nhìn nhận như những gì ban sơ nhất, tự nhiên nhất khi mà con người chưa bị tô vẽ bằng sự trải nghiệm cuộc đời. Từ đó có thể tìm ra được những giá trị thiêng liêng, cao quý mà tạo hóa đã ban tặng cho con người để con người biết trân trọng và tận hưởng giá trị đích thực của cuộc sống. Sự si mê bầu vú của Kim Đồng bắt nguồn từ những ẩn ức sâu kín trong tâm hồn nhưng không phải với mục đích dục tính. Sự si mê bầu vú của Kim Đồng hướng đến Chân - Thiện - Mĩ như một sự tôn thờ cái đẹp chính sở thích kì quặc này đã tiêu diệt dục tính trong con người Kim Đồng. Những ảo giác thể hiện nỗi lòng sâu kín của con người, nó giúp con người soi rọi quá khứ, nhận thức hiện tại và khơi nguồn cho tương lai.

Như vậy mặc dù Mạc Ngôn không phải là nhà văn khơi nguồn cho thủ pháp dòng ý thức trong tiểu thuyết nhưng ông đã sáng tạo ra một thế giới mà ở đó thủ pháp dòng ý thức có thể được xem là điểm tựa kết nối những hiện thực bề bộn của cuộc sống, làm sáng rõ những vấn đề thuộc về bản năng con người. Sự phức tạp của cuộc sống, sự đa diện nhiều chiều của tâm lí nhân vật được hội tụ trong một thế giới không gian được mở rộng, đa diện, vừa có không gian thực của cuộc sống với những sinh hoạt đời thường của con người, vừa có không gian ảo với những tình tiết lạ mang đầy tính chất hư cấu. Hai miền không gian thực và ảo đan xen vào nhau tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm, chứa đựng những triết lí nhân sinh sâu sắc đầy tính nhân bản của Mạc Ngôn về con người và cuộc đời.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 109 - 114)