Con người dục tính từ góc nhìn triết học nhân sinh

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 58 - 63)

Kể từ khi học thuyết Freud xuất hiện, đời sống xã hội nói chung và văn học nói riêng đã có một cái nhìn mới về tính dục. Tuy nhiên, các nhà văn không chỉ là người phản ánh những vấn đề trong đời sống với hai mặt song hành: ý thức và vô thức, lý trí và bản năng, vật chất và tinh thần... mà họ còn mang đến nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn khi khai phá phần ẩn kín thẳm sâu nhất trong con người. Văn học hiện đại đặt ra vấn đề tính dục như một nhu cầu tồn tại của nhân loại. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở vấn đề đó thì nhiều tác phẩm văn chương nào có khác gì một loại phim sex. Không như các nhà tiểu thuyết lãng mạn xem tình dục là đỉnh cao của cảm xúc yêu đương và nâng lên thành tính thẩm mỹ, các nhà văn hiện thực viết về tính dục nhằm bóc trần con người thực với bản năng vốn có. Hòa trong dòng chảy hiện đại, Mạc Ngôn đã khai thác thành công đời sống tình dục nhằm biểu đạt những vấn đề mang giá trị nhân bản của loài người. Qua một vấn đề muôn thủa của loài người, ông đã chỉ rõ cuộc cách mạng tình dục giải phóng giới tính nữ có ý nghĩa sâu sắc nhưng cũng dẫn đến sự suy thoái, sụp đổ giá trị của con người. Vì vậy, bàn về tính dục trong tiểu thuyết Báu vật của đời

dưới góc nhìn của triết học trên hai phương diện chính: tính dục và vấn đề bản thể, tính dục và những vấn đề xã hội là việc làm có ý nghĩa.

Trước hết xét tính dục và vấn đề bản thể. Như đã nói ở trên, tính dục là một vấn đề nổi bật trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Trong văn học thế giới, từ Wiliam Faulkner, J.M. Coetzee hay Michel Houellebecq đến Haruki Murakami, Elfriede Jelinek, Kundera... đều quan tâm đến vấn đề này. Bởi chính trong đời sống tình dục bản chất con người được bộc lộ rõ

nhất. Tuy mỗi châu lục vấn đề bản năng mang một bộ mặt khác nhau và biểu đạt ý nghĩa khác nhau, song tựu trung lại vẫn là một vấn đề cơ bản của xã hội hiện đại. Không phải các nhà văn muốn ngợi ca cái tự do của con người trong thời đại ngày nay đã thoát khỏi mọi áp chế ràng buộc của chế độ phong kiến hay những quy định gắt gao của giáo hội, mà ngược lại, khi sợi dây cương tỏa của pháp chế, quy định đã bị đứt thì con người lại chạy từ thái cực này sang thái cực khác. Chính điều tưởng chừng tự do nhất ấy lại bộc lộ sự lệ thuộc thảm thương của con người hiện đại khi họ tìm niềm vui, sự giải thoát ở tình dục. Tình dục càng tự do bao nhiêu thì giá trị của nó càng thấp đi bấy nhiêu. Và, đó chính là điều các nhà văn phát hiện ra mặt trái của thời hiện đại... Con người cheo leo giữa hai cực: một bên là những phát minh vĩ đại của khoa học, tốc độ phát triển chóng mặt của kỹ thuật... còn một bên là sự buông thả theo bản năng để rồi tự con người nhận ra những gì vốn được xem là thiêng liêng cao đẹp nhất lại biến thành điều tầm thường ghê tởm nhất. Những cô gái nhà Thượng Quan như Lai Đệ, Phán Đệ, Niệm Đệ, Lãnh Đệ... đi tìm tình yêu, nhưng chính cái gọi là tình yêu ấy lại là căn nguyên hủy diệt cuộc đời họ. Mắc kẹt giữa hai cực nên thân phận con người trở nên bi đát với cõi cô đơn bất tận mà không thể tìm ra một hướng đi trong một thế giới phi trung tâm và bất khả nhận thức. Vấn đề tính dục bộc lộ rõ nhất cơn khủng hoảng của tính hiện đại. Tính dục trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn thể hiện cái nhìn của ông về con người mang ý nghĩa sâu sắc. Thứ nhất, hành trình muôn đời của con người là kiếm tìm hạnh phúc, thế nhưng con người đang sống trong một thế giới bất ổn: chiến tranh, đói rét, chết chóc... thì điều cuối cùng con người tìm đến niềm hạnh phúc trong tình yêu. Vậy mà tình yêu biến thành tình dục. Tình dục trong đời sống hiện đại đã tách ra khỏi tình yêu; bởi tính dục chống lại tình yêu; sự lạ thường của người khác như là điều kiện, và chỉ là đòi hỏi thỏa mãn. Thứ hai, con người trong xã hội hiện đại đánh mất bản thể khi mà cuộc truy tìm biến thành cuộc săn tìm khoái lạc. Điều này thể hiện rõ khi Mạc Ngôn xây dựng nhân vật Kim Một Vú với những trang miêu tả sự thèm khát và hoang dâm quá mức.

Trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, tình dục được nói đến nhiều và chằng chịt những mối quan hệ. Tình dục trong Báu vật của đời thiên về giới tính nữ. Trong thần thoại Hy Lạp có truyền thuyết về nàng Mêđê sẵn sàng

giết con khi người đàn ông phản bội, và cho đến nay, thuộc tính sở hữu của người mẹ bắt nguồn từ tính dục vẫn là bất khả. Người mẹ Lỗ thị nhiều lần ngăn cản những đứa con đến với tình yêu, có thể xem đó là hiện tượng của tâm lí “nữ quyền làm mẹ”. Diễn trình giải phóng tính dục trong lịch sử đã cho thấy, giới nữ đi từ khách thể dục tính đến chủ thể dục tính. Tính dục của giới nữ đi từ quan niệm như là nghĩa vụ và thiên chức (làm mẹ) chuyển sang như là đam mê và quyền lực (cái đẹp). Tính dục đi từ sự khổ hạnh có tính chất cấm kị, bước ra trở thành một ân sủng của tạo hóa, và giờ đây bỏ qua sự e thẹn để trở thành một khoa học tính dục. Điều đó giải thích tại sao những nhân vật nữ trong Báu vật của đời lại mạnh dạn chủ động đi tìm tình yêu, và cũng không ít lần tác giả miêu tả những cảnh làm tình. Arthur Schopenhauer (1788 - 1860) từng có câu nói thú vị: “Người đàn bà có hơn người đàn ông một bản năng” (Siêu hình tình yêu – Siêu hình sự chết, tr. 66,

Nxb Văn học, 2006). Mặc dù vậy, họ là những người “như nhất” trong tính

dục, một sự “như nhất” dễ “lầm lạc”. Một người đàn ông trong một năm có thể đẻ hàng trăm đứa con với những người đàn bà khác nhau. Nhưng một người đàn bà chỉ có thể đẻ một đứa con trong một năm dù có thể quan hệ với nhiều người đàn ông đi chăng nữa. Có lẽ vì thế mà sự ám ảnh của những biểu tượng tính dục là một nét đặc biệt thú vị. Nó gần như là một biểu hiện sinh động của tín ngưỡng bái vật giáo trong ẩn ức sáng tạo của người nghệ sĩ. Với Báu vật của đời, ta thấy bầu vú đã trở thành biểu tượng tính dục trở đi trở lại trong tác phẩm.

Nhìn nhận của Mạc Ngôn còn phản ánh thực trạng thân phận con người trong thế kỷ XX. Đó là khi khoa học chiếm vị trí thống lĩnh và việc vận dụng tối đa các phương pháp khoa học sẽ tạo ra một sự tôn trọng đối với kinh nghiệm. Và nghệ thuật đặc thù sẽ bị quên lãng. Lí trí không những chỉ huy hoạt động khoa học và kỹ thuật mà còn cai quản cả con người cũng như cai quản cả sự vật. Sản phẩm và công trình của xã hội hiện đại được tạo ra bởi sự chiến thắng lí trí, khoa học kỹ thuật có thể đem lại nhu cầu ham muốn cá nhân. Song, con người mất đi cái nhìn về chính mình và cái chết đầu tiên là chủ thể. Lực lượng kỹ thuật tạo ra sản phẩm cho xã hội và điều khiển con người chối bỏ bàn tay Thượng Đế. Việc bác bỏ mọi thần khải và mọi nguyên lý thánh thần tạo ra một sự trống không chỉ được chứa bằng ý tưởng xã hội. Nhưng chưa đủ, sự biến động của lịch sử đã đẩy con

người vào bước đường cùng, lịch sử mang bộ mặt ác quỷ và nắm bắt được những nghịch lý cuối kết của Thời Hiện Đại. Sợi dây gắn con người cá nhân với cái phổ quát: Thượng Đế, lý trí, lịch sử. Thế nhưng, Thượng Đế đã chết, lý trí đã trở thành công cụ và lịch sử bị chi phối bởi các nhà nước độc đoán cùng với thảm họa hủy diệt. Con người bị chối bỏ, bị quên lãng. Con người đành quay về với cái thú cá nhân song càng đi tìm bản thể họ lại càng lạc hướng, càng kiếm tìm khoái lạc họ lại càng thất vọng.

Thứ hai, tính dục và những vấn đề xã hội. Kundera, một tiểu thuyết gia hiện thực nổi tiếng từng cho rằng nhục dục là một thành phần tất yếu của sự suy xét triết học đối với thế giới. Như vậy miêu tả tính dục không chỉ là việc phản ánh thực trạng Thời Hiện Đại mà còn mang ý nghĩa triết học. Thực ra khi chúng tôi bàn đến mối quan hệ giữa tính dục và bản thể cũng như qua đó thể hiện cái nhìn của ông về con người đã bao hàm ý nghĩa triết học. Tuy nhiên, để làm vấn đề rõ hơn chúng tôi xem xét ở hai khía cạnh con người với tư cách cá nhân và con người trong mối liên hệ với lịch sử, xã hội... Vậy, khi xem xét những vấn đề mang ý nghĩa xã hội thì tính dục trở thành một biểu tượng ẩn dụ để phản ánh thời đại. Trong Báu

vật của đời xuất hiện nhiều cảnh làm tình với nhiều mối quan hệ loạn luân

chị vợ - em rể (Lai Đệ - Tư Mã Khố, Lai Đệ - Hàn Chim), quan hệ với xác chết (Kim Đồng - Long Thanh Bình), thậm chí là quan hệ mang tính chất cưỡng dâm (Thằng Câm - Lãnh Đệ, Trương Rỗ - Kiều Kì Sa), khổ dâm (Thằng Câm - Lai Đệ), quan hệ một lúc với nhiều người (Tư Mã Lương)... Từ vấn đề tình dục, Mạc Ngôn không chỉ phản ánh hiện thực mà còn bộc lộ cái nhìn hoài nghi hiện thực. Đó là sự phản tỉnh của nhà văn về một thế giới hỗn loạn và phi lý. Mất hết đức tin vào đấng tối cao và sự tan rã của các nguyên lý thần thánh, con người tìm vào tình yêu, song giữa cõi tình ấy họ lại hoang mang cực độ. Tình dục không còn là sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác nữa mà trở thành công việc của một chiếc máy có tên bản năng, các cặp tình nhân “yêu nhau” nhưng dường như đang rơi vào tận cùng của sự tha hóa vì mỗi người hiện hữu một thế giới riêng biệt, có khi đối lập nhau.

Trong cuộc sống, không thiếu những con người đầy đam mê dục vọng, khao khát thỏa mãn thân xác. Chông chênh giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa khát khao hòa hợp và sự chiếm hữu, chiếm đoạt, giữa thú tính và nhân tính… biết bao người đi con đường lệch lạc. Mạc Ngôn đã hướng đến

một vấn đề nhức nhối của xã hội, nhiều cá nhân xem tình dục như trò chơi để thỏa mãn ham muốn để rồi gây ra hậu quả khôn lường. Trong Báu vật

của đời biết bao lần con người đến với con người bằng thân xác mà không

hề có hương vị của tình yêu. Trái tim họ nhường chỗ cho những dục vọng hèn kém, sa đọa. Không thể phủ nhận rằng, đã là con người thì luôn khao khát được yêu thương, chia sẻ. Nhưng khi là con người của dục vọng thì ai cũng chống chếnh giữa tốt và xấu, giữa việc làm chủ được mình và tha hóa biến chất. Mạc Ngôn đã mạnh dạn đề cập đến những khát khao thầm kín của con người, góp một tiếng nói nhân sinh. Những ước vọng cao đẹp sẽ giúp con người thăng hoa cảm xúc, những dục vọng thấp hèn sẽ bóp nát tương lai, khiến con người càng ngày càng trở nên mụ mị. Viết ra những điều đó Mạc Ngôn đánh thẳng vào bản năng gốc của con người, lên tiếng phê phán những ung nhọt trong đời sống tình yêu – tình dục của một bộ phận người trong xã hội, để từ đó vực dậy những tâm hồn đang sa đọa và vực dậy một cộng đồng người đã và đang mệt mỏi. Qua tác phẩm Mạc Ngôn, ta nhận ra một sự thực, là càng vào những lúc tinh thần tư tưởng của con người bị dồn nén và những xã hội xô đẩy như muốn đè bẹp mỗi cá nhân thì họ càng muốn tìm tới cái tự do bản năng kia, để trước tiên là tạo một thế quân bình cho sự sống, sau nữa cũng là một cách để tự khẳng định rằng mình có thể bất chấp mọi thách thức. Những cuộc truy hoan chỉ là một phần đời sống tự nhiên của họ và sở dĩ họ muốn nói thật to lên cho mọi người biết chuyện ấy chẳng qua chỉ là muốn trêu ngươi, muốn tỏ ra là mình có thể phớt lờ trước mọi thành kiến cấm đoán cổ lỗ. Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những trang truyện ở đây mang tính cách khiêu dâm.

Mạc Ngôn đã thông qua tác phẩm của mình để thể hiện tinh thần của thời đại. Từ những vấn đề xưa như trái đất, ông đã nói được những vấn đề nóng bỏng nhất, mới mẻ nhất của thời đại. Freud đã rất đúng khi cho rằng tính dục là thước đo văn minh nhân loại và nhân cách con người. Qua tiểu thuyết của Mạc Ngôn chúng ta có sự phản tỉnh về văn minh và nhân cách con người trong xã hội hiện nay. Nâng đỡ thân xác! Cứu rỗi tâm hồn! Thanh tẩy trần gian! Đó hẳn cũng là quá trình vận động của nghệ thuật và văn chương. Văn chương không phải là thứ bày bàn ăn cho thân xác, rải chiếu đệm cho dục vọng, hay tấu nhạc cho mặc cảm danh vọng, mà văn

chương là thứ tinh chế thực tại thô ráp của đời sống thành hiện thực cao cả của nghệ thuật, chắt lọc cuộc đời thô lậu thành cái đẹp mỹ học của tâm hồn luôn thèm khát thanh tao - lý tưởng - và tuyệt đối. Về điểm này, chúng tôi cho rằng, lời khuyên của Faulkner thật là chí lí: “Nhà văn không được nói về cô đơn, hắn phải nói về cô đơn và sức mạnh. Nhà văn không được nói về đau khổ, hắn phải nói về đau khổ và cao quý và giải thoát... và hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim. Hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay vì tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để hỗ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đoạ thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đoạ như một cám đỗ thánh thiện và như một bước đầu trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về con người toàn diện vậy” [5].

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 58 - 63)