Khai thác ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 96 - 103)

Ở thể loại tiểu thuyết, nhân vật có vị trí quan trọng, là then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Có nhân vật thì có ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật.

Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng, tâm lí, thị hiếu… Đồng thời, đằng sau mỗi câu nói của mỗi con người đều có lịch sử riêng của nó. Sêđrin từng nói: “Từ cửa miệng một người nói ra không hề có lấy một câu nào mà lại không thể truy nguyên đến cái hoàn cảnh đã khiến cho nó xuất hiện… Trong cuộc sống, không thể có những hành động, những câu nói mà đằng sau lại không có một lịch sử riêng”. Quả là trong cuộc sống không thể có những người nói hoàn toàn giống nhau, vì vậy nhà văn cần phát hiện những nét riêng của ngôn ngữ nhân vật để thể hiện trong tác phẩm. Trong văn học hiện đại, lời – ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có vị trí ưu trội nhất định trong tác phẩm, là phương diện quan trọng nhất của tính tạo hình khách thể trong tác phẩm tự sự. Ngôn ngữ nhân vật có thể là đối thoại hay độc thoại. Đối thoại gắn liền với việc những người nói hướng vào nhau và tác động vào nhau;

độc thoại không nhằm hướng đến người khác và tác động qua lại giữa người và người. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có nhiều chức năng khác nhau như: chức năng phản ánh hiện thực, chức năng tự bộc lộ của nhân vật, chức năng là đối tượng miêu tả của tác giả hoặc chức năng thể hiện nội tâm… Tổng hợp những chức năng đó, thông qua trần thuật, nhân vật kể lại cuộc đời của mình, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, lẽ sống, giúp người đọc lĩnh hội được tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Cùng với trần thuật tác giả, trần thuật của nhân vật góp phần hoàn thiện bức tranh đời sống trong tác phẩm. Theo Bakhtin, “Lời nói của những nhân vật chính trong tiểu thuyết – những nhân vật ít nhiều có tính độc lập về mặt tư tưởng, ngôn từ, có nhãn quan của mình – vốn là tiếng nói của người khác bằng ngôn ngữ khác, đồng thời có thể khúc xạ cả những ý chỉ của tác giả và do đó, đến một mức độ nhất định, có thể được coi là ngôn ngữ thứ hai của tác giả” [8]. Mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ trần thuật của mình, làm phân hoá ngôn ngữ tiểu thuyết, đưa vào tiểu thuyết nhiều tiếng nói khác nhau, đa thanh, đa giọng điệu.

Trong Báu vật của đời, sự miêu tả ngôn ngữ nhân vật làm cho nhân vật hiện lên sống động. Lời nói của nhân vật chiếm tỉ lệ ít hơn so với ngôn ngữ người kể chuyện, nhưng lại có khả năng thể hiện sinh động và khơi gợi cho người đọc hình dung về bản chất, tính cách, con người bản năng của nhân vật. Báu vật của đời là câu chuyện dài kể về số phận của các thế hệ gia đình Thượng Quan, tất cả đều được tái hiện thông qua lời kể của Kim Đồng - một thành viên trong gia đình. Đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ nhân vật trong Báu vật của đời là mang đậm màu sắc giới tính, gắn liền với những thuộc tính bản năng của nhân vật. Hai sắc thái ngôn ngữ rõ rệt được Mạc Ngôn sử dụng là ngôn ngữ đàn ông và ngôn ngữ đàn bà.

Ngôn ngữ nhân vật đàn ông bao gồm ngôn ngữ các nhân vật anh hùng, nhân vật tha hóa. Nhân vật anh hùng hiện lên qua Tư Mã Khố và Hàn Chim. Tư Mã Khố là cậu hai nhà Phúc Sinh Đường của dòng họ Tư Mã – một gia đình giàu có bậc nhất ở Cao Mật. Từ khi còn rất trẻ, Tư Mã Khố đã là một người ngông nghênh bất trị: “Thầy giáo Tần, từng dạy ở trường tư thục, vừa vuốt râu vừa nói: - Tư lệnh Tư Mã từ nhỏ đã khác người, khi là học sinh của tôi, tôi đã biết ông ấy sẽ làm nên chuyện! – Các vị không thể tưởng tượng ông ấy khác người như thế nào đâu?… ông ấy sửa lại lời thánh

hiền… Ông ấy sửa là: Nhân chi sơ, nói lăng nhăng, chó không dạy, mèo không học, tẩu thuốc nồi chảo xào trứng gà, thầy giáo xực, học trò ngó… Ha ha ha…” [39; tr. 219]. Tuy nhiên, bên trong con người tính tình ngang bướng ấy lại là một lòng yêu nước mạnh mẽ. Từ việc dùng rượu đốt cầu bắt ngang sông Thuồng Luồng cản bước quân Nhật vào làng rồi phá đường ray tiêu diệt tàu chở vũ khí của Nhật: “Chiếc cầu chỉ trong một giây rụng xuống cùng với tà vẹt, đường ray, đá dăm, bê tông và cái đầu tầu. Đầu tầu dập vào mố cầu, mố cầu đổ theo, sau đó mới nghe một tiếng ầm dinh tai nhúc óc… Rồi tiếp đó là mấy chục toa chở đầy hàng tông vào nhau, toa rơi xuống sông, toa đổ kềnh bên đường ray, tiếng ầm ầm không dứt bắt đầu từ toa chở thuốc nổ rồi lan sang các toa chở đạn được” [39; tr. 115]. Những hành động ấy thể hiện rõ nét tinh thần yêu nước của anh. Tư Mã Khố – một con người gắn liền với những huyền thoại, là một đứa con của vùng Cao Mật. Khi là một người lính, Tư Mã Khố chiến đấu ngoan cường cho lí tưởng của mình. Đối với anh đất Cao Mật là nhà: “Tư Mã Khố cười ngặt nghẽo, thiếu nước ngã lăn xuống đất. Ha ha ha… Hắn vỗ vỗ đám lông trên bướu lạc đà, nói với đám lính và dân phố đứng trước và sau hắn: – Các người có nghe hắn phun cứt, phun đái những gì chưa? Đồ giòi bọ! Căn cứ địa nào? Thăm ai? Thằng lạc đà nội địa kia, đây là nhà của ông, đây là đất thấm máu ông! Đường phố này đã thấm máu của mẹ ông khi đẻ ông” [39; tr. 201]. Và dân Cao Mật là anh em họ hàng: “Chi đội Tư Mã nổ một loạt súng, các binh sĩ trung đoàn 17 đổ như ngã rạ, nhưng lập tức những người phía sau dồn lên lấp chỗ trống. Lập tức mấy chục quả lựu đạn ném tới, đất trời như vỡ tung. Tư Mã Khố kêu to: – Đầu hàng thôi, anh em! Đừng làm hại đến dân!…” [39; tr. 246]. Khi đã là người giữ quyền lực cao nhất ở Cao Mật, hai vợ chồng Tư Mã Khố và Chiêu Đệ luôn sống chan hoà và gần gũi với nhân dân. Có thể bản tính của Tư Mã Khố là ngông nghênh, bất trị, nhưng trong việc lãnh đạo anh là một người đáng kính, đáng tin cậy, đáng để trung thành. Cái mà Tư Mã Khố mang đến vùng đất Cao Mật này là những điều tiến bộ và sự thanh trừng những kẻ gian tham. Hình ảnh Tư Mã Khố đọng lại trong lòng người dân Cao Mật là một con người với sự chân thành đáng quí: “Tư Mã Khố có vẻ xót xa những vẫn mỉm cười, kéo bàn tay của Phượng Tiên đặt vào ngực mình nơi có trái tim đang đập, nói: – Chính là cái này, sự chân thành của tôi… dù chia bao nhiêu phần thì mỗi

phần đều chân thành” [39; tr. 430]. Trong tư cách một người cha, người chồng, Tư Mã Khố là một người giàu tình cảm, là trụ cột vững chắc của gia đình: “Lúc này, Tư Mã Khố bế xác chị Chiêu Đệ, cười như điên loạn, từ trong nhà xay đi ra. Anh ta quì trước mặt mẹ, hai tay nâng cái xác của chị Hai đã cạn máu... Anh ta móc khẩu súng mạ bạc ra, lên cò, quay lại nhìn mẹ nói: – Thưa nhạc mẫu, tôi đã trả thù hộ bà! – Rồi đưa súng lên thái dương. Tư Mã Lương gào to: – Bố ơi! Tư Mã Khố ngoảnh nhìn con trai một thoáng, tay cầm súng từ từ buông xuôi. Anh ta mỉm cười tự giễu mình, quăng khẩu súng cho Lỗ Lập Nhân, nói: – Cầm lấy!” [39; tr. 264- 265]. Đối diện với mình, anh ta trở nên lãng mạn và đầy nghĩa khí: “Thôi Phượng Tiên nói: – Mẹ vợ anh, chị vợ em vợ anh, con trai anh, em trai của vợ anh, rồi hai đứa con gái của chị Cả và dì Năm, rồi anh trai anh, đều bị bắt giam trong nhà anh, ngày nào cũng treo lên xà nhà, đánh bằng roi, bằng gậy… Thảm lắm! Chỉ e chẳng được mấy bữa họ chết hết. Bàn tay Tư Mã Khố hoá đá trên ngực Phượng Tiên. Sáng sớm hôm sau, Tư Mã Khố để lại súng ống đạn dược trong hầm mộ. Anh men theo bờ đầm, hái một bó hoa dại cả trắng lẫn đỏ đưa lên mũi ngửi một cách thèm khát. Cặp mắt đen như mờ đi vì sung sướng, ánh mắt dịu dàng như ánh ngọc… Thôn trấn đã ở trước mặt, khói bếp lan toả, hơi người nồng đậm. Anh ngắt một bông cúc vàng đưa lên mũi ngửi, gạt bỏ những tạp niệm riêng tư, chấn những ý đồ ngang trái, nhằm hướng cổng xép phía nam nhà mình đàng hoàng tới. Anh ta vừa ngửi bông hoa vàng vừa bước vào cổng xép, miệng hát một đoạn trong bài ca chống Nhật, phong thái ung dung… Tư Mã Khố nói: – Thả hết những người nhà Thượng Quan ra! Tội ai nấy chịu!” [39; tr. 431 đến 434]. Những huyền thoại gắn liền với Tư Mã Khố làm người nghe cảm thấy hứng thú và thán phục: “Tóc thằng cha này cứng hơn lông gáy lợn! Ông thợ cắt tóc giơ lưỡi dao cạo cho hai người lính gác xem – lưỡi mẻ hết cả! Râu hắn càng cứng hơn, như cái bàn chải bằng dây thép. Vậy mà hắn còn vận nội công lên râu! - Thằng khốn, đó là vì ta đau quá!... Tư Mã Khố thèm thuồng nhìn đôi môi cương nghị của chị công an, lại nhìn rất lâu bộ ngực nhô cao sau lần áo quân phục màu vàng, nói: – Này cô em, vú cô không nhỏ chút nào!” [39; tr. 439, 441]. Đối diện với cái chết anh vẫn giữ được những khí tiết của bậc hảo hán: “Hai binh sĩ to lớn nắm vai Tư Mã Khố, cố sức xoay người anh lại, quay mặt về phía đầm… Anh quay phắt lại và bằng cái giọng

khiến viên Trưởng phòng Tư pháp Cục Công an và những tên đao phủ giết người không chớp mắt sợ tái mặt: – Tôi không thể để các ông bắn từ phía sau… Tư Mã Khố la to: – Ôi, đàn bà mới là những người tốt nhất trên đời. Đám đông đứng lặng như trời trồng. Lời hô của Tư Mã Khố tuy không hùng tráng nhưng nó lại xoáy sâu vào tâm khảm mọi người” [39; tr. 438, 443]. Bức chân dung của Tư Mã Khố được vẽ nên một cách trọn vẹn và đầy đủ qua lời nhận xét của Lỗ thị: “Mẹ bảo: – Thu xếp mau lên, đi tiễn anh ta một tí! Anh ta là đồ đốn mạt, nhưng cũng là trang hảo hán! Những người như vậy, trước đây cứ khoảng mươi năm lại có một người. Từ nay về sau chắc là tuyệt chủng!” [39; tr. 437]. Cuộc đời của Tư Mã Khố gắn liền với những biến động to lớn của vùng Cao Mật. Anh là một phần quan trọng của những trang sử đó. Ngôn ngữ đã góp phần làm rõ tính cách, số phận. Con người của Tư Mã Khố là sự tổng hoà của mọi khí chất: ngông nghênh, yêu nước, đa tình, lãng mạn, cương trực, dũng mãnh và anh hùng. Anh là hình ảnh của những người có tài bị lạc đường chính trị.

Nhắc đến nhân vật anh hùng chúng ta không thể không nhắc đến Hàn Chim, một người có mối quan hệ mật thiết với thế giới tự nhiên, anh ta có thể thấu hiểu tâm tư, tình cảm của loài chim như thấu hiểu chính thế giới loài người. Ngôn ngữ của nhân vật gắn liền với cuộc đời lưu lạc. Sau khi bị bắt và làm tù binh, anh chính thức bước sang cuộc sống khác, cuộc sống của loài động vật. Do vậy những lời nói ban đầu khi nhân vật xuất hiện thường ngắt quãng, lắp bắp: “Lãnh... Đệ...Tôi là chồng...là Hàn Chim!” “Tôi...tôi...không nói...gì đâu!...” “Tôi chả biết...nói...gì...bây giờ...” “vậy...tôi...nói...” [39; tr. 465, 467]. Cách nói của nhân vật cho thấy khi trở về với cuộc sống thường nhật tính huyền thoại của anh không còn nữa, người anh hùng Hàn Chim chỉ thực sự xuất hiện khi anh ta trở về với cuộc sống tự nhiên.

Bên cạnh kiểu nhân vật anh hùng, trong Báu vật của đời còn có kiểu nhân vật tha hoá. Ngôn ngữ nhân vật, đã trở thành phương tiện để Mạc Ngôn khắc hoạ kiểu nhân vật này, từ phương diện con người ý thức đến con người vô thức, bản năng. Nhân vật Sa Nguyệt Lượng và Lỗ Lập Nhân là những ví dụ. Sa Nguyệt Lượng là một thanh niên hăng hái và nhiệt thành trong việc đánh Nhật cứu nước, anh đã thể hiện điều đó một cách mạnh mẽ bằng sự dũng cảm trên chiến trường: “Quân đội Thiên Hoàng cái cứt!

Giặc thì có! Giặc Nhật! Sa Nguyệt Lượng giận dữ quát tháo, vừa chửi vừa dậm chân bành bạch, tỏ ý căm thù bọn lính Nhật. Anh ta nói với chị tôi: – Em gái ơi, mối thù của em cũng là mối thù của anh, phải trả mối thù này!” [39; tr. 84]. Với sự hăng hái ấy, Sa Nguyệt Lượng đã trở thành một nỗi khiếp sợ thật sự đối với quân Nhật. Tuy nhiên, chính sự dũng cảm và mạnh mẽ ấy đã khiến Sa Nguyệt Lượng trở thành đối tượng cho sự ghen ghét, đố kị của những người cùng chung lí tưởng và điều đó đã đẩy Sa Nguyệt Lượng ra khỏi trận tuyến của những người yêu nước, biến anh thành một tên Hán gian khét tiếng: “Con rể bác bây giờ là Tư lệnh cảnh vệ thành phố Bột Hải, hơn ba trăm người dưới quyền, có cả một chiếc xe Jeep Mĩ” [39; tr. 162]. Từ một người trở thành một tên Hán gian bị mọi người nguyền rủa, Sa Nguyệt Lượng mang trong mình sự căm thù chế độ sâu sắc. Từ căm giận dẫn đến tội ác, Sa Nguyệt Lượng biến thành đối tượng cần phải tiêu diệt của những thế lực đối lập, và họ đã dùng những thủ đoạn dơ bẩn nhất để làm được điều đó: “Sa Nguyệt Lượng xé vụn bức thư, gầm lên: – Lỗ Đại Bác, Tưởng Bốn Mắt, đừng tưởng bở! Sứ giả của đại đội bộc phá từ tốn nói: - Thưa ông Tư lệnh, thiên kim tiểu thư của ông chúng tôi rất mến!

- Giam giữ con tin, vậy bản lãnh ở đâu? – Sa Nguyệt Lượng nói: Bảo Lỗ – Tưởng có giỏi thì đem quân đến đánh Bột Hải!

- Sứ giả nói: – Ông Tư lệnh không nên quên quá khứ vẻ vang của mình. Sa Nguyệt Lượng nói: – Ta đây thích đánh Nhật thì đánh, thích hàng Nhật thì hàng, thằng nào dám làm gì ta, còn lảm nhảm thì chớ trách” [39; tr. 162]. Xét về mặt chính trị, việc ra sức tiêu diệt một kẻ gian ác là một việc đúng đắn, tuy nhiên trong trường hợp của Sa Nguyệt Lượng thì việc đó có một chút gì đó vô nhân đạo. Lỗ Lập Nhân gắn liền với danh lợi, dối trá và thủ đoạn,vì chức quyền họ có thể làm tất cả, họ bán rẻ lòng tin của nhân dân, họ thẳng tay tử hình người thân và sẵn sàng chối bỏ nguồn gốc nếu nó làm phương hại đến con đường tiến thân của họ. Lỗ Lập Nhân vì muốn bảo vệ quyền lực của mình đã đang tâm xử bắn hai đứa cháu thơ dại một cách không thương tiếc. Nếu so sánh hắn với Sa Nguyệt Lượng khi đứng trước tình huống tương tự cách đó ít lâu thì quả thật người Đảng viên này còn thua cả một tên Hán gian:

- Tôi tuyên bố, tử hình con trai Tư Mã Khố là Tư Mã Lương, lập tức thi hành; tử hình hai con gái Tư Mã Khố là Tư Mã Phượng và Tư Mã Hoàng, lập tức chấp hành! … Lỗ Lập Nhân dừng lại, giọng thê thảm:- … Các ông các bà ơi, hãy vùng lên, không cách mạng thì là phản cách mạng, không có còn đường thứ ba!” [39; tr. 303, 305]. Một điều dễ nhận thấy là trong lời nói của các nhân vật, đặc biệt ngôn ngữ của nhân vật đàn ông, tác

Một phần của tài liệu Con người bản năng trong báu vật của đời của mạc ngôn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 96 - 103)