Cảm hứng thế sự

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 31 - 37)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Cảm hứng thế sự

Nói đến cảm hứng thế sự là nói đến cảm hứng về cuộc sống đời thường, về con người của thực tại. Những tác phẩm mang cảm hứng thế sự thường hướng đến sinh hoạt hàng ngày của con người, chú ý khẳng định giá trị thẩm mĩ của cái đời thường, khám phá mọi phức tạp, éo le và cả cái cao quí trên hành trình đi tìm sự sống và hạnh phúc của con người. Sau 30/4/1975, đất nước ta thống nhất, lịch sử sang trang nhưng văn học vẫn trượt theo quán tính một thời gian nữa. Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là đề tài ưa thích của văn nghệ sĩ. Cảm hứng ca ngợi vẫn là cảm hứng chủ đạo của phần lớn tác phẩm ra đời trước 1980. Nhà văn vẫn say sưa ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhưng độc giả đột nhiên lạnh nhạt, thờ ơ với văn học. “Người đọc mới hôm qua còn mặn mà thế bỗng dưng bây giờ quay lưng lại với anh”. Đến thập kỷ 80, đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), không khí đổi mới - dân chủ tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nghệ thuật. Văn nghệ sĩ được “cởi trói” tự do sáng tác. Họ có nhiều trăn trở về trách nhiệm của người cầm bút trong sự nghiệp đổi mới nền văn học nước nhà. Khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn trong văn học 1945 - 1975 được

thay thế bằng cảm hứng thế sự. Con người "sử thi” trong văn học trước 1975 được thay thế bằng con người "nếm trải”. Vấn đề đời tư, bản thể, tự do luyến ái, đời sống tình dục... được đề cao. Đề tài, chủ đề không còn bó hẹp, thiên về khai thác các vấn đề liên quan đến những nhiệm vụ chính trị trước mắt mà được mở rộng từ đề tài gia đình, thân phận tình yêu, số phận con người đến chiến tranh cách mạng, sản xuất xây dựng... Các nhà văn nhà thơ không né tránh, ngại ngùng khi khai thác các mặt trái, góc khuất, phần chìm của hiện thực cuộc sống. Chế Lan Viên là một nhà thơ thể hiện mạnh mẽ nhất cảm hứng thế sự. Đặc biệt là những năm cuối đời, khi hoàn cảnh sống gặp không ít khó khăn, Chế Lan Viên vẫn không ngừng sáng tạo. Mạch thơ về cuộc sống chống Mĩ vẫn tiếp tục vận động và phát triển với tầm nhận thức cao hơn, tầm nhìn xa rộng hơn. Mặt khác, cũng trong thời gian này, Chế Lan Viên trăn trở và suy ngẫm nhiều về cuộc sống đời thường, về bản thân để khẳng định chiều sâu thẳm trong tâm hồn mình, “tự tìm mình”. Trong Di cảo thơ, nhất là ở những bài thơ viết vào khoảng thời gian 1987, 1988, người đọc nhận thấy sự giãi bày, tự vấn chân tình của Chế Lan Viên. Đã bao nhiêu năm hát “giọng cao”, giờ đây “anh hát giọng trầm”. Đây không phải là sự đổi giọng đến bất ngờ như cảm nghĩ của một số người khi đến với Di cảo thơ. Sự tự nhận thức, nghiền ngẫm về bản thân đã giúp cho Chế Lan Viên không rơi vào sự “ảo tưởng”, ông quan niệm mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình và ông sống với sức mạnh của tấm lòng nhân hậu, sự yêu đời, vì thế, tâm hồn nhà thơ càng trở nên thanh cao hơn. trong cuộc sống hiện tại. Thật xúc động khi ông cảm nhận:

Sau anh còn mênh mông nhân loại Đừng nghĩ mình là người đi cuối

Phải để lại dấu chân, nhành cây, viên sỏi … Cho người theo sau không cô đơn.

Chế Lan Viên nghĩ nhiều về cái chết để “đừng tuyệt vọng”, để sống những ngày còn lại có ích cho mai sau. Đó cũng là sự biểu hiện tâm thế và lẽ sống cao quý của nhà thơ đã để lại cho người đời bằng những lời thơ tâm huyết giàu chất triết lí:

Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ Trong hạt sương, trong đá...

Trong những gì không phải anh. Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi, Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên

(Từ thế chi ca)

Có thể nói, trên từng chặng đường sáng tác, ngay cả khi nằm trên giường bệnh Chế Lan Viên vẫn luôn sống hết mình cho đời và cho thơ. Ông tìm tòi, sáng tạo với khát vọng để lại cho người đọc những vần thơ mới mẻ, đặc sắc, và ông đã làm được điều đó. Sau 1975 Chế Lan Viên trực tiếp bộc lộ những suy tư về bản thân, về cuộc đời bằng việc thể hiện lòng chân thành hết mực của mình qua niềm vui nỗi buồn, cô đơn, có khi là băn khoăn, có lúc nhẹ nhàn thanh thản, thậm chí có lúc bi quan hụt hẫng, nhưng cuối cùng vẫn là một tình yêu sâu nặng với đời, da diết với cuộc sống, và niềm tin bất diệt vào cuộc sống. Cảm giác cô đơn, suy nghĩ về số phận về nỗi đau cuộc đời trong

Di cảo thơ là hoàn toàn hợp lý. Bởi giai đoạn đời sống - kinh tế xã hội nước ta gặp rất nhiều khó khăn phức tạp. Chế Lan Viên gặp khó khăn về kinh tế, lại mang trọng bệnh. Chính hoàn cảnh xã hội và bản thân làm cho Chế Lan Viên suy nghĩ nhiều về cuộc sống và con người, cho nên những tâm sự của ông qua hàng loạt bài thơ trong Di cảo thơ giúp người đọc hình dung toàn diện hơn về tâm hồn thơ của ông.

Ai không hóa đá Vọng phu một phút giây nào đó trong đời:

...

Ai có một chân trời

Và mất gì sau đó phía chân mây

(Vọng phu 1)

Nỗi niềm Vọng phu lớn hơn sự cô đơn, khác hẳn với sự buồn tẻ, lẻ loi. Vần thơ đã làm cho người đọc hiểu rõ hơn về cả chính mình. Cũng nói về sự cô đơn nhưng Chế Lan Viên thể hiện ở một khía cạnh khác: Hiện hữu cùng ta hóa thành đôi (Non bộ). Hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao, căn bệnh ung thư phổi dày vò. Thể xác Chế Lan Viên càng đau đớn mỗi khi thời tiết thay đổi, ông buồn hơn vì bản thân chưa làm được nhiều cho đời và càng băn khoăn khi mình vắng bóng. Nỗi lo của nhà thơ là cảm nghĩ của biểu hiện ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước những đứa con tinh thần của mình:

Trời vào thu anh ê ẩm khớp xương

Anh bải hoải thân mình với gió mùa bên cửa Một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở Và ai đón thơ anh ở cuối con đường

(Câu thơ dang dở)

Chế Lan Viên đôi lúc khóc lặng lẽ, khóc không thành lệ: Nhớ sắc hoa một ngày/ Khôn giang tay nắm bắt/ Chiều xuân nằm úp mặt/ Gối đầu vào cánh tay (Chiều xuân). Chế Lan Viên đã cảm nhận được góc khuất của đời mình. Để giải thích vì sao Chế Lan Viên dấu mặt, chúng ta quay về tìm hiểu quá khứ. Khi Cánh mạng tháng Tám thành công, các nhà thơ, nhà văn hay nói chung là nghệ sĩ hào hứng đi theo cách mạng bỏ lại sau lưng quá khứ đau buồn. Ở đó Chế Lan Viên bộc lộ sự đoạn tuyệt một cách cương quyết và mãnh liệt với quá khứ. Ông bằng lòng chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc. Giờ đây trong Di cảo thơ người ta biết ông còn ba mặt nữa. Nhưng tất cả đều là mặt thật tuy ông chỉ chọn một mặt, các mặt khác ẩn chìm và mặt ngoài mang nhiều cung bậc, âm sắc. Nghĩ về cuộc đời, Chế Lan Viên xem đó là trò chơi

trong sự tồn tại ngắn ngủi của số phận. Tuy nhiên lúc nào tác giả cũng suy nghĩ và xác định thái độ ứng xử và hành động. Bằng suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời, bằng niềm lạc quan vào hồi kết thúc của số phận tác giả dặn người, dặn mình.

Cuộc đời chả ba lơn như một chú hề Vui cuối cùng sẽ đẹp tan tiếng khóc

Hạnh phúc không đến hồi đầu thì đến hồi kếtthúc Tất cả sẽ đoàn viên, xin bạn chớ ra về!

(Kịch)

Con người không thể ngồi chờ đón hồi kết thúc để có hạnh phúc mà phải liên tục phấn đấu sáng tạo, làm việc để đem kết quả cho mình và cống hiến cho đời. Nỗi niềm riêng tư của Chế Lan Viên được thể hiện khá tinh tế, nhạy cảm và đắm say trước vẻ đẹp của cuộc sống.

Cánh đồng bình yên ngộn ngộn cỏ non tơ Hoa như môi nghiên xuống cỏ như chờ.

Ngọn cỏ cũng đầm đìa sắc dục

Và cành hoa tận hưởng sắc hương mình.

(Chiều châu Âu)

Trở về Huế, Chế Lan Viên đã cảm nhận được mùi hương ngan ngát của sen hồ xứ Huế, sự tĩnh lặng của đền chùa lăng mộ, nghe rõ âm thanh của cánh hoa dại rơi. Nhà thơ dường như biến mất chỉ còn lại không gian Huế tuyệt đẹp nhưng đượm buồn:

Thơm ngát mùa sen trắng cổ thánh Về thăm xứ Huế chỉ mình anh Lăng vua hoa dại rơi đầy lối

Chen bóng cành hoa chỉ một mình.

Những ngày cuối đời khi mà cơn đau đang âm thầm cướp dần sự sống trong người. Chế Lan Viên cảm nhận được Tiếng ễnh ương trong đêm khuya và ông liên tưởng đến màu khoai lúa, đến cơn mưa.

Tiếng ễnh ương chiều lĩnh xướng cơn mưa muộn Tiếng ếch màu xanh lá khoai

Bản hợp xướng của những mây chiều dĩ vãng Đến tự lòng anh hay tự giọt mưa trời

(Tiếng ễnh ương)

Suy tư của Chế Lan Viên dù ở bất kỳ góc độ nào cuối cùng cũng toát lên một tấm lòng gắn bó sâu sắc với cuộc đời, một trách nhiệm lớn lao của người nghệ sĩ chân chính. Trong sáng tác Chế Lan Viên luôn tạo ra mọi tình huống. Ông quan niệm sự sống là sự đấu tranh giằng co quyết liệt giữa cái xấu và cái tốt, giữa hèn hạ và cao thượng, giữa cái sống và cái chết. Điều đó càng diễn ra quyết liệt dữ đội, nhất là sau khi ông đang sống trong khoảng thời gian hiếm hoi của cuộc đời.

Cuộc chiến tranh màu trắng của tâm hồn Tuyết nhắm tuyết chia phe mà đối chọi Tuyết này đòi tan tuyết kia tồn tại

Phía chấp nhận hóa bùn, phía kỳ vọng cỏ xanh non.

(Cuộc chiến)

Càng về cuối đời, với những suy ngẫm, trăn trở về đời mình, giọng thơ càng trở nên da điết. Di cảo thơ chính là cuộc hành hình tìm lại chính mình của Chế Lan Viên. Ông tính sổ cuộc đời mình và để lại cho thế hệ sau những bài học về cuộc sống thấm đượm tính triết lý:

Tro bao giờ cũng tồn tại lâu hơn lửa

Lửa hoan lạc một giây tro cay đắng một mùa

Anh thiêu tất cả quá khứ thành ra nắm tro là thơ anh đấy Và thiêu hồn anh sau này không là lửa lại là tro.

Chế Lan Viên luôn trăn trở về cái chết, ông gọi đó là Xứ màu đen, Xứ không màu, Xứ vô ảnh, vô hình, Lò thiêu, Chuyến xe, về quê cũ. Những ngày cuối cùng, Chế Lan Viên cùng vợ đi vào thăm lò thiêu Bình Hưng Hòa.

Sáng đưa xác vào, trưa lấy xương ra Đều đặn như bánh vào lò

Một ngày hai xuất.

(Lò thiêu)

Xác định rõ quan điểm về sự sống, cái chết, Chế Lan Viên hối hả: Viết đi! Viết đi! Viết!Viết” Viết thêm! Viết nữa! Viết vào,. Rõ ràng, ông là người luôn tìm tòi sáng tạo nghệ thuật đến giây phút cuối cuộc đời. Đọc Di cảo thơ,

ta nhận thấy suy tư về bản thân, về thơ về cuộc đời của Chế Lan Viên đã giúp ta hiểu thêm về ông ở chiều sâu tâm trạng. Ông chân thành giãi bày những điều thầm kín của đời mình. Tìm hiểu nỗi niềm, và tình cảm riêng tư của Chế Lan Viên, chúng ta phải đặt trong hoàn cảnh đặc biệt, cụ thể của tác giả. Đó là thời gian cuối đời và lúc ông đang lâm trọng bệnh. Chế Lan Viên nói về nỗi buồn, sự cô đơn, về cái sự nhỏ bé hữu hạn của con người trước bao la vô tận của Vũ trụ. Ông đã giãi bày cho ta thấy góc khuất của cuộc đời ông. Trước lúc ra đi, Chế Lan Viên bộc bạch hết với đời, với thơ, với bạn đọc, cái đẹp đẽ và lớn lao nhất mà ông để lại cho đời là những vần thơ, những bài thơ lung linh như ngọc được kết tinh bằng hơi thở, những giọt máu cuối cùng của đời ông, là bài học quý giá về một tấm gương lao động, sáng tạo nghệ thuật, là sự trân trọng và gắn bó sống chết với con người và cuộc sống.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 31 - 37)