Cảm hứng triết luận, triết lý

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 42)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.4. Cảm hứng triết luận, triết lý

Chế Lan Viên từng nhiều lần phát biểu quan niệm thơ của mình, trong đó ông nhấn mạnh: "Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, không chỉ ở lời mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan" (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...). Chế Lan Viên có cách tiếp cận riêng với đời sống. Không dừng lại ở xúc cảm, ở bề ngoài của sự vật hiện tượng, nhà thơ muốn khám phá sự vật ở cái bề sâu, ở

cái bề sau, ở cái bề xa. Nhà thơ hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa triết lí hàm ẩn trong mỗi hiện tượng, và bằng tưởng tượng, liên tưởng, mà liên kết các sự vật, hiện tượng trong nhiều mối tương quan từ đó làm bộc lộ những ý nghĩa sâu sắc. Cuộc sống hiện ra trong thơ Chế Lan Viên, không chỉ như nhà thơ xúc cảm về nó, mà còn suy nghĩ về nó. Cuộc sống đi vào trong thơ có thể ít đi phần nào cái cụ thể, chi tiết, sinh động, cái "non tơ" tươi tắn của nó, nhưng lại được làm giàu thêm ở một phía khác, ở sức khái quát triết lý, ở sự hư ảo biến hóa, ở sự đa diện và đa dạng của các điểm nhìn, của các quan hệ... Nguyễn Lộc nhận định: “Đọc thơ Chế Lan Viên chúng ta thường gặp những câu thơ có tính chất châm ngôn, tính chất triết lý, một châm ngôn độc đáo như có tính xác thực, một triết lý súc tích không xa lạ với mọi người, nhưng ở mọi người có khi còn cảm thấy lờ mờ thì nhà thơ nói lên sắc sảo như một phát hiện” [5, 151], Nguyễn Xuân Nam thì khẳng định “Trong thơ thời sự của mình Chế Lan Viên kết hợp được óc khái quát và phân tích”, [5, 151]. Đoàn Trọng Huy nhận xét: “Nếu như trước đây một nét nổi bật trong thơ Chế Lan Viên là nét chính luận thì dần dà nó chuyển sang thành chính luận - triết luận. Ở 3 tập Di cảo gần như triết luận đã chiếm ưu thế” [5, 152]. Ba nhận định trên hoàn toàn có cơ sở bởi ngay từ tập Điêu tàn, Chế Lan Viên đã chọn cho mình một lối thơ giàu tính trí tuệ. Tứ thơ Chế Lan Viên thường hướng tới nắm bắt ý nghĩa triết lí hàm ẩn trong mỗi hiện tượng và bằng tưởng tượng liên tưởng mà liên kết các sự vật hiện tượng trong nhiều mối tương quan. Cuộc sống hiện ra trong thơ Chế Lan Viên vì thế không chỉ như nhà thơ xúc cảm về nó mà còn suy nghĩ về nó. Vì vậy, cuộc sống đi vào trong thơ có thể ít đi phần nào cái cụ thể sinh động, tươi tắn, nhưng bù lại, nó lại được làm giàu thêm ở sức khái quát ở sự hư ảo biến hóa: Hạnh phúc màu hoa huệ /Nhớ nhung màu hoa lau/ Biệt ly màu rách xé/ Lãng quên đâu có màu. Khi nói về hạnh phúc, nhà thơ không định nghĩa một cách trừu tượng mà lại đi vào lí giải theo nghĩa đời thường:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp Giấc mơ con, đè nát cuộc đời con, Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp, Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

(Người đi tìm hình của nước) Chế Lan Viên cũng thường dùng thủ pháp lạ hóa:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng Như xuân đến chim rừng lông trở biếc Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

(Tiếng hát con tàu)

Với cách cảm nhận riêng về thế giới hiện thực, nhà thơ đã thực sự hòa vào cơn bão lớn của thời đại và rung động trước những nét đẹp bình dị của thiên nhiên và tình người. Những xúc cảm buồn vui, suy tư trước cuộc sống gia đình, trước cái đời thường, trước thiên nhiên đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên, dung dị. Trong bài thơ Con cò, Chế Lan Viên đã chỉ ra tính chất trí tuệ của nhà thơ. Ông đã khai thác và phát triển hình ảnh con cò trong những câu hát ru rất quen thuộc để ca ngợi tình mẫu tử và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi con người. Bài thơ phát triển từ hình tượng trung tâm đó nhưng lại không phải là sự lặp lại giản đơn những hình ảnh và ý tứ có sẵn trong ca dao. Chất triết lý suy tưởng thấm vào trong hình tượng, nhưng biểu hiện tập trung ở những câu thơ đúc kết sự suy ngẫm để đưa ra những triết lý cô đúc, những quy luật của đời sống con người. Ở đây, những suy tưởng triết lý không cao xa mà vẫn gần gũi, dễ hiểu.

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân, Con chưa biết con cò, con vạc,

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát, Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

Hình ảnh con cò được gợi trực tiếp từ những câu ca dao dùng làm lời hát ru. Tác giả chỉ lấy lại vài chữ trong mỗi câu nhưng cũng đã gợi lên nhiều ý nghĩa. Hình ảnh con cò đã đến với tâm hồn tuổi thơ một cách vô thức. Đây chính là sự khởi đầu con đường đi vào thế giới tuổi thơ của đứa trẻ. Chúng chưa thể hiểu và cũng chưa cần hiểu nội dung, chỉ cần được vỗ về trong những âm điệu nhẹ nhàng, dịu dàng và đón nhận bằng trực giác tình yêu và sự chở che của người mẹ. Hình ảnh con cò trong ca dao được tiếp tục sự sống của nó trong tâm thức con người nhờ vào những câu thơ giàu ý nghĩa liên tưởng của nhà thơ. Cánh cò trở thành bạn đồng hành của con người trên suốt đường đời, từ tuổi ấu thơ trong nôi: Con ngủ yên thì cò cũng ngủ /Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi. Đến tuổi tới trường: Mai khôn lớn, con theo cò đi học/Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân. Và đến lúc trưởng thành: Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ /Trước hiên nhà/ Và trong hơi mát câu văn. Đến đoạn ba thì hình ảnh con cò được nhấn mạnh ở ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ lúc nào cũng ở bên con suốt cuộc đời: Dù ở gần con /Dù ở xa con /Lên rừng xuống bể /Cò sẽ tìm con /Cò mãi yêu con. Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát thành một quy luật tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con.

(Con cò)

Từ cảm xúc mà mở ra những suy tưởng, khái quát thành những triết lý, đó là cách thường thấy trong phong cách thơ Chế Lan Viên, cũng là một ưu thế của thơ ông. Ta cũng bắt gặp kiểu tư duy này trong bài thơ Tiếng hát con tàu:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.

Hay:

Đến ba tập Di cảo thơ, Chế Lan Viên sáng tác nghiêng về triết luận nhiều hơn. Những lá thơm hái lúc về già/ Hái những lá có hương tư tưởng/ Khi cây đã hóa trầm trong ruột/ Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa. Hay chiêm nghiệm về thời gian và cuộc sống, cái chết nhà thơ viết:

Chuyến xe sau không còn anh nữa

Xe vẫn chạy nghìn đời chỉ vắng anh thôi

Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... từng đi chuyến trước Những chuyến xe không có khứ hồi...

(Chuyến xe)

Trong cuộc hành hình tìm lại chính mình, Chế Lan Viên triết lý:

Tro bao giờ cũng tồn tại lâu hơn lửa

Lửa hoan lạc một giây tro cay đắng một mùa

Anh thiêu tất cả quá khứ thành ra nắm tro là thơ anh đấy Và thiêu hồn anh sau này không là lửa lại là tro.

(Tro và lửa)

Nghĩ về nghề thơ Chế Lan Viên có nhiều câu triết lý về nỗi cay cực đổ mồ hôi sôi nước mắt của nghề văn nghề thơ:

Nghìn lẻ một câu viết ra, Người ta quên cả một nghìn

May là một có người còn nhớ đời, nhớ mãi.... Đã nghìn câu đâu mong lẻ nỗi gì?

(Nghìn lẻ - Bài 1) Nghĩ về vị trí của nhà thơ, ông trở nên thật khiêm tốn:

Tôi chỉ là một nhà thơ cưỡi trâu Đánh giặc cờ lau...

Đã lâu ta không còn nghe hồn lau gọi nữa Chỉ nghe danh vọng ầm ào

Vinh quang xí xố...

Nghĩ về mình, nhà thơ xem mình như Tháp Bay-on bốn mặt:

Anh là tháp Bay-on bốn mặt Giấu đi ba còn lại đó là anh

Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.

Như vậy qua khảo sát, ta thấy cảm hứng triết luận, triết lý trong thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng triết luận - triết lí. Ở đó có sự khai thác triệt để các tương quan đối lập và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 42)