Quan tâm đến con người cá nhân và những nỗi đau của nó

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 56 - 59)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Quan tâm đến con người cá nhân và những nỗi đau của nó

Sau 1975 những cảm hứng sáng tác của Chế Lan Viên trở nên phong phú đa dạng, nhà thơ đã tìm về với sự thật, với bản chất thơ, với nghề thơ, với nỗi đau, với sự hữu hạn của thời gian, sự bất lực của một tài năng, nỗi trống vắng tri âm, cảm hứng về mối quan hệ giữa thơ và cuộc đời, thơ và bạn đọc, sự tồn tại lâu bền của thơ với thời gian, cảm hứng về cái chết, về số phận con người và nỗi đau của nó, về hư vô, về tuổi thơ…

Cảm hứng lớn nhất của thơ Chế Lan Viên trong ba tập Di cảo thơ là cảm hứng về số phận con người và nỗi đau của nó. Xu hướng trở về khai thác chính con người với những diễn biến trong đời thường là một xu thế khách quan của thơ trữ tình lúc này. Chế Lan Viên luôn nhạy cảm nắm bắt chất thơ của cuộc sống đời thường, chất thơ đó có cả trong muôn mặt cuộc sống: trong may rủi, mất mát, đau thương, trong những thăng trầm của kiếp người, những tiên liệu về tương lai. Vì chỗ đứng của nhà thơ lúc này là đứng trong cuộc đời sóng gió để nhìn lên nên số phận con người không phải đi trên gấm hoa mà câu hỏi muôn thuở về bản thể:

Ta là ai ? Về đâu ? Hạt móc

Là ta chăng ? Dòng sông là ta chăng ? Tiếng khóc Là ta chăng ? Vì sao lạc phương trời

Là ta chăng ? Ta chưa kịp trả lời Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối…

Cái câu hỏi ta là ai cứ đeo đuổi ám ảnh Chế Lan Viên đến tận cuối đời. Có lúc nhà thơ tự nhận mình “tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu”, có lúc lại thấy mình là Nhà thơ - nhặt lá, cólúc lại thấy mình như như hạt ngọc được kết tinh từ lên từ bao bùn đất và nước mắt. Dù ở góc độ nào thì số phận của con người, của nhà thơ cũng được nói bằng giọng điệu trầm lắng, đau buồn, xót xa vì thời cuộc:

Giờ là thế giới của xe cúp, ti vi, phim màu ngũ sắc Của quyền lực tuổi tên đốp chát

Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc Nhớ một cô gái chèo đò vượt lửa qua sông.

(Thời thượng)

Cơ chế thị trường làm cho con người chóng mặt. Số phận mỗi cá nhân được thay đổi và định đoạt theo thời gian từng giây, từng phút, từng giờ… có thể hôm qua, anh còn là một cu ly, ngày mai anh trở thành ông chủ, có thể hôm qua anh là một anh hùng nhưng hôm nay trở thành một kẻ vô danh. Thực tế tất cả đều biến đổi làm cho lòng người chao đảo. Thực tế ấy, hẳn ai cũng ý thức được, song không phải ai cũng có những băn khoăn khi nói về hiện thực. Chỉ có những người thật sự có trách nhiệm với đời như Chế Lan Viên mới đủ can đảm, sẵn lòng tin để phơi bày những điều nhức nhối đó. Chế Lan Viên động lòng trắc ẩn cho những số phận vô danh bị thiệt thòi lãng quên trong cuộc sống.

Người dệt thảm mặc rách và cuộc đời xám xịt Ấy thế nhưng cái nghề dệt, ta cứ dệt thảm hoa.

(Dệt thảm)

Viết về số phận con người trong xã hội được nhà thơ cảm nhận bằng giọng điệu sắc lạnh, tỉnh táo;

Cuộc sống là trò chơi

Mà không chơi khổ đau thì không ù được nụ cười.

(Hai chiều)

Viết về số phận con người Chế Lan Viên dùng giọng thơ bình thản đến sắc lạnh, mọi bi kịch về số phận con người diễn ra không chỉ khắc khổ, không chỉ đau thương mà còn đầy những rủi may, bất trắc, cô đơn, mong manh.

Hạnh phúc đến thình lình và ở thế đơn côi Còn tai ương thì dồn dập đánh vu hồi.

(Hai chiều)

Chế Lan Viên không những cảm nhận được sự sâu sắc khi đã làm người mà còn cảm nhận về nỗi đau của nó. Trong Di cảo thơ nỗi đau về con người đó là nỗi đau nội tâm, nỗi đau của con người nhà thơ.

Ngày mai anh chết thế là sớm hơn hay muộn ? Anh còn sống thế là tai ương hay hạnh phúc ?

(Câu hỏi sỗ sàng)

Nỗi đau trong chính bản thân câu hỏi. Con người thơ băn khoăn về chính khả năng của mình, năng lực của mình, sự tồn tại của mình. Sự băn khoăn đó, câu hỏi đó chính là nỗi đau về sự tồn tại của con người. Con người cá nhân và nỗi đau của nó được Chế Lan Viên thể hiện trong Di cảo thơ là nỗi đau của con người tư tưởng. Cảm xúc đau thương khiến thơ ông có một sức nặng, sức ám ảnh lớn. Đó là nỗi đau của nhà nghệ sĩ - chiến sĩ khi cái đẹp chưa được hoàn thiện. Nỗi đau ấy thuộc về sự chiêm nghiệm cuộc sống chiêm nghiệm về những điều mà con người phải gặp, phải hứng chịu. Nó có lúc là nỗi đau của thời cuộc Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu, hay nỗi đau vì cái đẹp bị cô đơn chà đạp Tâm hồn ế rồi ! nhất là cái loại cô đơn hay là nỗi đau của những giá trị bị lãng quên Anh đến sau đừng nhỏ vào đấy giọt buồn cho nó bầm đen. Cảm hứng về số phận con người và nỗi đau của nó gắn liền với đời thơ của Chế Lan Viên đến mức ông có cảm thức rất lạ về hình ảnh của chính mình

mai sau. Ông hình dung mai sau ông cũng là một nỗi đau, không chỉ đau ở kiếp này, mà là một khối đau ở kiếp sau.

Ta muốn mai sau ta là hạt lệ

Khóc trong lòng hậu thế cũng đau thương.

(Khi cây chết)

Viết về con người và những nỗi đau của nó trong 3 tập Di cảo thơ là toàn bộ những điều mà con người trải qua trong cuộc sống: Những mất mát, được thua, những tai ương, đớn đau, hy vọng và bất lực, những lãng quên... Nguồn cảm hứng trở nên rất thật và nó qui định giọng thơ trầm buồn, tỉnh táo, sắc lạnh và chấp nhận. Thái độ chấp nhận ở đây rất dũng cảm, dám chấp nhận được thua, rủi may, tai ương, lãng quên, bất lực. Những mặt thật của cuộc sống mà ở thời chiến tranh phải tạm quên đi vì nghĩa lớn của toàn dân tộc. Giờ đây việc quan tâm đến con người và nỗi đau của nó vừa mang tính nhân văn hiện đại vừa xuất phát từ tấm lòng xót xa yêu mến con người, muốn cho cuộc sống con người được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w