Suy tư về cuộc sống và cái chết

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 63 - 66)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Suy tư về cuộc sống và cái chết

Từ Điêu tàn đến Di cảo thơ, Chế Lan Viên từ chàng thanh niên ngơ ngác vào đời thành ông già sắp tuổi 70 đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sống trong lòng dân, trong lòng Cách mạng, đem tâm hồn và trí tuệ phấn đấu đến cùng cho đất nước và rồi con người ấy đang âm thầm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo đang dày vò và ý thức từng ngày, từng giờ đi đến Lỗ huyệt. Tuy nhiên, trong tư tưởng, lúc nào Chế Lan Viên cũng bình tĩnh đón nhận. Trong giai đoạn ấy ông suy tư nhiều về kiếp người về cuộc sống và cái chết. Chế Lan Viên xem cuộc đời là phù du. Ông nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của mặt trời mà nghĩ đến sự mong manh yếu ớt của con người trước vũ trụ, buồn cho kiếp người ngắn ngủi.

Anh đâu phải mặt trời chói lòa

Cho đến lúc tắt cũng hóa thành hoàng hôn rực rỡ Anh chỉ là ngọn đèn con con

Bỗng dưng vụt tắt Thế là tối om.

(Số phận)

Dù ý thức cái nhỏ nhoi hữu hạn của mình, Chế Lan Viên vẫn miệt mài lao động sáng tạo. Ông gọi đó là cuộc đánh bài với thời gian: Ta ù ván này/ ta bày ván khác. Trong Di cảo thơ Chế Lan Viên có rất nhiều bài viết về thời gian. Thời gian là người bạn quý báu để con người hành động sáng tạo, nhưng thời gian cũng là kẻ thù hết sức nguy hiểm hủy diệt cuộc sống.

Thời gian xuôi chảy về đông, về mất mát

Ta không đồng lõa, trợ lực thời gian để hủy diệt ta thêm.

Thời gian trong Di cảo thơ là thời gian là tốc độ trôi chảy chóng mặt mới đó mà bất chợt mình phải ra đi

Ngẩng đầu lên tóc chưa hoa râm đã bạc ngang đầu Chưa tỉnh dậy hoàng hôn đã tối. ...

Gió thổi mây bay bất trắc, Lúc nào không tử biệt phân ly.

(Thời gian chảy xiết)

Khái niệm thời gian trong Di cảo thơ được đặt trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt cho nên đối với Chế Lan Viên, nó càng quý giá thiêng liêng, ông gấp gáp lo lắng đôi lúc hốt hoảng. Dù có những phút giây nặng trĩu nỗi buồn, nỗi đau giằng xé, phải giấu đi ba mặt để sống một mặt, nhưng cao cả hơn tất cả ở Chế Lan Viên vẫn là trách nhiệm to lớn đối với cuộc đời và không ngừng sáng tạo cống hiến. Chuẩn bị cho cái chết của mình Chế Lan Viên viết.

Bây giờ than khóc trước đi cũng chả ích gì Nhưng không nhìn thấy nó thì không phải.

(Sẽ tuột khỏi tay anh)

Xác định rõ quan điểm về cuộc sống và cái chết cho nên đằng sau thái độ bình tĩnh đón nhận giờ phút chót, trong Chế Lan Viên còn thể hiện sự thúc bách. Nhà thơ xem dù còn sống một năm, một tháng, một sáng, một đêm, nhưng mình như thân gỗ vẫn còn tích lũy nên trầm. Hơn nữa thế kỷ sống đến lúc chuẩn bị đi hành trang của Chế Lan Viên thật gọn gàng khiêm tốn, thế nhưng đằng sau hành trang nhẹ nhàng ấy ta bắt gặp lòng nặng trĩu yêu thương, nỗi buồn giận, sự nuối tiếc không được sống nhiều hơn, lâu hơn để làm hương sắc và hoa trái cho đời:

Tôi viết cho người nào trong thế kỷ mai sau Nhặt thơ tôi lên từ trong bờ bụi.

Phủi hết bao từng mọt mối Bỗng gặp tôi lòe chói ở đôi câu.

(Tôi viết cho người)

Tin vào sức sống của thơ mình làm ra nhưng Chế Lan Viên vẫn rất khiêm tốn. Bởi chính ông cũng không ít băn khoăn Một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở, và ai đón thơ tôi ở cuối con đường? Chế Lan Viên hối hả lặng lẽ sáng tạo viết âm thầm. Rồi ông nghĩ mình như hạt bụi nhưng rất tin vào mình, tin vào tài năng của mình sẽ tỏa sáng và càng thôi thúc không ngừng phấn đấu tràn ngập tự hào:

Lóe sáng rồi, bụi chưa bằng lòng sao? Bụi mà nhấp nháy như một vì sao Bụi đòi chi nữa.

(Chuẩn bị đi)

Chế Lan Viên xem đường đến cái chết như về quê cũ. Cái chết thăm thẳm bóng tối không làm ông rợn ngợp bi quan trong lạnh lẽo mà trái lại Chế Lan Viên vẫn thấy mình là kẻ giàu có, thậm chí còn tái sinh và rực rỡ như sông Ngân Hà ngang trời xanh.

Mừng rằng từ đêm đạt, đêm đen

Có một ngày, một kiếp chói lòa trong Vũ trụ Phung phí tiêu xài đủ thứ

... Không bị gì làm hoen ố Cùng dãy Ngân hà sáng rỡ.

(Về quê cũ)

Cuối cùng ông đón nhận cái chết một cách bình thản và tự nhiên:

Sáng đưa xác vào, trưa lấy xác ra Đều đặn như bánh vào lò

Mỗi ngày hai suất.

Bằng niềm tin vào sự hồi sinh, tin vào sức sống của những vần thơ của mình để lại, rõ ràng Chế Lan Viên rất tự hào khẳng định tài năng và cống hiến của mình cho đời. Vì vậy lời Từ thế chi ca của ông tuy có chút ngậm ngùi nhưng vẫn toát lên vẻ thanh thản nhẹ nhàng của người đi xa. Ông thanh thản về các trời khác cũng đầy hoa, cũng như hoa ngoài Viên tĩnh tiên. Ông hóa thân vào cỏ, trong hạt sương, trong đá, trong một chút nắng xao ở đầu ngọn gió.

Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên mà như tro bụi Như ngọn cỏ tàn tiết lại trồi lên.

(Từ thế thi ca)

Suy tư về cuộc sống và cái chết là phần thơ hết sức đặc biệt trong ba tập thơ Di cảo, bởi ông là người từng chứng kiến biết bao nhiêu cuộc sinh li tử biệt và chính bản thân ông đang bị cái chết cướp đi từng tế bào sống hàng ngày, hàng giờ cho nên cảm nghĩ về cuộc sống và cái chết của Chế Lan Viên là cảm nghĩ của người trong cuộc. Tuy nỗi buồn im lặng và có chút phảng phất bi quan hụt hẫng nhưng bừng sáng bên trong màu sắc có phần ảm đạm ấy là một tâm hồn miệt mài sáng tạo, tranh giành với thời gian để lao động nghệ thuật, gắng sức cống hiến cho đời những gì tinh túy còn lại của mình. Chế Lan Viên tin tưởng vào sức sống bất diệt của bản thân, tin tưởng vào giá trị mà mình để lại tiếp tục phát sáng cho thế hệ độc giả mai sau.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w