Mật độ dày đặc của các biện pháp tu từ

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 91 - 99)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Mật độ dày đặc của các biện pháp tu từ

Chế Lan Viên là nhà thơ rất chú trọng phép tu từ trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ như được tu sức, “sáng bóng” lên qua bàn tay đúc luyện, gọt giũa của ông. “Hầu như Chế Lan Viên không bao giờ chịu nói trần trụi, mộc mạc. Hình ảnh sự vật bao giờ cũng nổi bật lên với những loại từ, nhất là ngữ, những cụm đoản ngữ” [88, 28]. Đã có ý kiến cho rằng, Chế Lan Viên là một trong những cây bút chiếm tỷ số cao nhất về tỷ lệ sử dụng mỹ từ, tu từ. Có thể xem xét điều này trên tất cả các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa trong thơ ông.

Trong Di cảo thơ, Chế Lan Viên dường như tập trung toàn bộ công sức vào tu từ ngữ nghĩa mà đặc sắc là phép chuyển nghĩa. Chỉ nói ngay từ tên gọi

của các bài thơ đã là một kiểu tu từ: Lệ hồi âm, Sen hư tưởng, Thời gian xuôi chảy, Hạt sương và mạng nhện, Về xứ trắng đen, Sông sử thi và sông tình ca, Ngôi đền lãng quên, Đẳng cấp hoa,… Đó là cách nhà thơ định danh theo lối hình tượng và bằng hình tượng. Khả năng chuyển nghĩa làm cho ngôn từ của Chế Lan Viên trong Di cảo thơ thêm giàu có, sức gợi hình, gợi cảm được nhân lên tạo hứng thú thẩm mĩ ở người đọc.

Di cảo thơ vận dụng hầu hết các phép tu từ chuyển nghĩa trong tiếng Việt. Trong đó, tượng trưng, trùng điệp, tương phản - đối lập, so sánh… là những biện pháp vốn đã trở thành quen thuộc trong những tập thơ trước Di cảo, làm nên gương mặt ngôn từ riêng và sức mạnh của vẻ đẹp trí tuệ trong phong cách thơ Chế Lan Viên.

Những biểu tượng, tượng trưng trong Di cảo thơ được tồn tại qua hàng loạt thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, đối lập… tạo ra ý nghĩa mới để nâng tầm nhận thức cao hơn, sâu hơn. Do đó, Chế Lan Viên có khả năng hình tượng hóa khái niệm. Chẳng hạn, hình ảnh trời xanh tượng trưng cho cõi đẹp, cõi phóng khoáng tự do của hồn thơ, trong Di cảo, Chế Lan Viên có hẳn cả một hệ thống hình ảnh thơ trong trường nghĩa ấy như Thiên Hà, dải Ngân Hà, vành xe mặt trăng, vành xe mặt trời. Chỉ xét về loài hoa lau hoang dại, Di cảo thơ sử dụng đến trờn 20 lần, dù Chế Lan Viên không dừng lại nhiều để miêu tả sâu hơn, kĩ hơn.

Ôi! hoa lau đường máu Trắng làm chi anh buồn Giá được màu hoa tím Hẳn hồn nhẹ đau hơn

(Hoa lau đường chín) Nghĩ đến thuở xa xưa cờ lau Đinh Bộ Lĩnh nhà thơ viết:

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu Đánh trận giặc cờ lau.

Để ước ao Cho tôi về với cành lau và xót xa, tiếc nuối:

Hoa lau ở đâu? Hồn lau ở đâu? Hồn ta ở đâu?

(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh)

Với Chế Lan Viên, lau là biểu tượng cho quá khứ, cho tuổi thơ, cao hơn, cho lẽ sống cao đẹp của con người. Sử dụng nhiều hình ảnh thực và tượng trưng kết hợp kiểu tư duy duy lý, ngôn ngữ thơ Di cảo của Chế Lan Viên vừa có tính cụ thể, vừa mang tính khái quát, có khi kết hợp cả hai và được chứa đựng bởi ngôn ngữ riêng, cách diễn đạt riêng. Sức mạnh, vẻ đẹp của tư duy thơ Chế Lan Viên tập trung đậm đặc ở biện pháp so sánh và biện pháp tương phản - đối lập.

Đối lập là phương thức tu từ được nhà thơ quan tâm sâu và khai thác triệt để, mang dấu ấn thẩm mỹ và năng lực, sở trường của ông, tạo nên những thông báo thơ đa dạng, bất ngờ. Riêng tên các bài thơ trong Di cảo, Chế Lan Viên cũng khai thác đối chọi đến tối đa: Ruồi và mật, Vĩ mô và vi mô, Tròn và méo, Tro và lửa,… Điều này có thể là do ông chịu ảnh hưởng của thuyết âm dương trong triết học phương Đông và văn biền ngẫu - loại văn lấy đối làm nguyên tắc cơ bản. Phép đối trong thơ Di cảo Chế Lan Viên rất đa dạng. Có khi là những hình ảnh, ý tưởng đối nhau trong cảm nhận thông thường của người đọc:

Trái tim sinh thời nào thì méo thì tròn theo thời ấy Chắc hẳn người thời sau sẽ chê tròn chê méo trái tim ta.

(Tròn và méo) Hay:

Tro bao giờ cũng tồn tại lâu hơn lửa

Lửa hoan lạc một giây, tro cay đắng một mùa

Nhờ tương phản mà ý nghĩa và hình tượng thơ càng nổi bật, người đọc dễ dàng tiếp nhận được những tri thức mới mẻ, mang dấu ấn sáng tạo riêng của Chế Lan Viên.

“Sức mạnh nghệ thuật của ngôn ngữ Di cảo thơ còn ở những so sánh nghệ thuật độc đáo, mạnh mẽ với nhiều liên tưởng đột xuất, bất ngờ và kiểu loại phong phú” [96, 28]. Qua thống kê ta thấy có trên 47% tổng số bài thơ trong Di cảo sử dụng nghệ thuật này, vượt xa Tố Hữu trong hai tập Một tiếng đờnTa với ta. Điều này phản ánh tư duy duy lý Chế Lan Viên ở chỗ luôn nhìn sự vật, hiện tượng trong thế so sánh, liên hệ, đối chiếu, đối lập. Qua khảo sát, thống kê, chúng tôi thấy Di cảo thơ xuất hiện một số kiểu cấu trúc nổi bật như sau: kiểu so sánh A như/ tựa B (281/569 bài, chiếm 49%), kiểu so sánh A là B (214/569 bài, chiếm 37%), kiểu cấu trúc A thành/ hóa/ hóa thành B

(48/569 bài, chiếm 8%), kiểu so sánh A - B (8/569 bài, chiếm 1,1%). Trong số đó, Chế Lan Viên ưu tiên cho kiểu so sánh A như/ tựa B để mang lại cho thơ

Di cảo của ông sự giàu có, lung linh, mới mẻ:

Cuộc đời chả ba lơn như một chú hề Vui cuối cùng sẽ dẹp tan tiếng khóc

(Kịch)

Kiểu so sánh A là B thể hiện những tìm tòi của Chế Lan Viên nhằm tạo ra cấu trúc mới cho câu thơ. Kiểu so sánh này thiên về hướng khẳng định, câu thơ chắc nịch, khỏe khoắn tạo nên những áp lực cho cảm xúc và tư duy ở người thưởng thức: Cuộc đời là trò chơi, hay Làm thơ là đem quả ngon ví với môi người và cuối cùng nhà thơ so sánh mình như: Anh là tháp Bay-on bốn mặt

Cấu trúc so sánh A hóa/ thành/ hóa thành B được xem là mang tính sáng tạo cao, là một thành công quan trọng gúp phần vào giá trị nghệ thuật đặc sắc của Di cảo thơ Chế Lan Viên:

Anh hóa gỗ hóa dây hóa dại khờ ngũ sắc

Anh rối nước muốn lên bờ thành rối cạn Em đi xa, ao thương nhớ hóa đầy

(Rối cạn rối nước)

Ngoài ra trong Di cảo thơ ta còn bắt gặp kiểu so sánh A - B tuy xuất hiện không nhiều. Mô hình của nó được cấu tạo bởi cách ngắt nhịp, ngắt giọng, thông thường là dựng dấu phẩy và tạo ra hình ảnh so sánh theo cách riêng của nhà thơ như Anh, người bị mất/ Vẫn luôn có gì để cho. Kiểu so sánh

A - B có khả năng nới rộng tầm liên tưởng của người đọc đến vô cùng.

Cấu trúc lặp là một biện pháp nghệ thuật được nhiều nhà thơ sử dụng. Hiện tượng này xuất hiện khá nhiều trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên. Tùy vào tính chất và ý đồ nghệ thuật của người sáng tác mà phép lặp được triển khai một cách đa dạng, biến hóa, trong đó lặp từ, ngữ và lặp cấu trúc câu là những biểu hiện tiêu biểu.

Nếu như ở Điêu tàn Chế Lan Viên viết: Điên! Điên! Điên và say nữa, xin say hay Mơ rồi ! Mơ rồi ! Ta mơ rồi? thì đến Di cảo thơ tác giả cũng sử dụng thể hiện phép lặp với giọng điệu gấp gáp, dồn bức, nhà thơ thúc giục lòng mình viết để chạy đua với cõi chết:

Viết đi! Viết đi! Viết đi! Viết! Viết.

Viết thêm! Viết nữa! Viết vào!

(Thời gian nước xiết)

Sự gấp gáp của nhịp thơ hay là sự tự hối thúc chính mình của nhà thơ trong những năm tháng cuối đời? Lặp từ ngữ liên tục ở đầu các dòng thơ cũng là hiện tượng phổ biến trong Di cảo. Hiệu quả của nó là ở chỗ gúp phần tạo nên âm hưởng đặc trưng làm xốn xang lòng người:

Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa Nhớ chao ôi nhớ ! Trời xanh thế ! Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa !

(Nhớ tuổi thơ)

Có thể thấy sau mỗi điệp từ, nhà thơ như mở ra trước mắt ta bao vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của thế giới tuổi thơ. Việc tác giả sử dụng các từ ngữ liên tục đầu mỗi dòng thơ như vậy tạo ra sự tiếp nối, kết dính về hình thức và ý thơ tuôn chảy theo cảm xúc và liên tưởng.

Không phổ biến như hiện tượng lặp từ ngữ, nhưng lặp cấu trúc câu lại có nét độc đáo và hiệu quả nghệ thuật riêng của nó. Đó là sự lặp lại hoàn toàn hay một bộ phận chủ yếu nào đó trong bài thơ. Trong Di cảo xuất hiện các trường hợp lặp cú pháp sau:

Lặp lại một bộ phận nào đó của câu thơ, song đã có một sự xê dịch về sắc thái ngữ nghĩa, chẳng hạn:

Có những bài thơ trống hoác Ý thơ như gà cục tác…

Có những bài thơ như nhà có hội Treo đèn kết hoa

Có những bài thơ lững lờ cánh cửa Khiến người ta hững hờ

Có những bài thơ cửa khép Mà tâm hồn mở ra…

(Mở và khép)

Lặp sóng đôi cú pháp được Chế Lan Viên sử dụng khi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của thông báo thơ và triển khai vấn đề theo hướng đối lập hay

bổ sung ý nghĩa. Phép tu từ này có nhiều biến thể khác nhau, trong đó lặp bộ phận là hình thức tiêu biểu nhất:

Đời cho anh nắm đất Anh làm nên cái bình Đời cho anh nhành hoa Anh vẽ lên màu sứ Đời cho anh mùa yêu

Anh làm cho cái bình đẹp như thiếu nữ Đời cho anh là anh

Anh lật chiếc bình lên Ký tên vào đó

Trả cho đời.

(Đời cho anh)

Bài thơ sử dụng thủ pháp lặp sóng đôi cú pháp kết hợp lặp từ ngữ, các hình ảnh thơ được sử dụng lặp đi lặp lại đều đặn tạo nên vẻ đẹp cân xứng, hài hòa giữa các yếu tố hình thức và nội dung. Có những bài thơ, khổ thơ xuất hiện hình thức lặp câu đầu và câu cuối.

Tuổi thơ nhỏ như con đường ít nắng Ít ai qua. Đời như những màn the Tâm sự nhiều mà ít kẻ đến nghe

Tuổi thơ nhỏ như con đường phố vắng… (Tuổi thơ 1)

Nhờ phép lặp đầu - cuối mà bài thơ ám ảnh người đọc không chỉ ở hình thức mà còn ở nội dung. Nếu câu mở đầu như một giả thiết gợi mở ý thơ, thì câu cuối là lời khẳng định khép lại ý thơ. Nỗi niềm về một tuổi thơ nhiều thiệt thòi, buồn tủi của Chế Lan Viên đã tìm được con đường đến với sự sẻ chia, đồng cảm nơi tâm hồn bạn đọc.

Nói chung, cấu trúc lặp trong Di cảo thơ Chế Lan Viên hết sức phong phú, đa dạng, linh hoạt. Ông biết lợi dụng tính năng, hiệu quả nghệ thuật của từng kiểu cấu trúc, cũng như biết kết hợp đồng thời các kiểu cấu trúc này để diễn đạt tối đa những cảm xúc, tâm tư trước hiện thực cuộc sống và hiện thực tâm hồn mình. Di cảo thơ là tiếng nói của thế giới nội tâm, là nhu cầu giải bày, chia sẻ của Chế Lan Viên trong những năm cuối đời. Những câu hỏi tu từ xuất hiện liên tục, dày đặc trong thơ ông chính là một trong những biểu hiện của nhu cầu tâm tình ấy. Cấu trúc câu hỏi tu từ và vị trí của nó trong bài thơ ở

Di cảo khá đa dạng. Có câu hỏi đứng ở cuối dòng hoặc khổ thơ, có câu hỏi đứng cuối bài thơ, trong đó câu hỏi đứng cuối bài thơ là đáng chú ý nhất, thường được biểu hiện về mặt hình thức bằng dấu chấm hỏi:

Khi già đun thành lửa

Cho người ta thổi cơm hằng bữa Nhân loại đều thế cả

Có gì mất đâu ?

(Lau) Hoặc:

Hoa Lư ở đâu? Hoa lau ở đâu? Hồn lau ở đâu? Hồn ta ở đâu?

(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh)

Trong vai trò kết thúc bài thơ, những câu hỏi tu từ này thường có sức tạo nên những liên tưởng không dứt bởi suy tư mà nó gợi ra. Nói cách khác, lời đó hết mà ý chưa dừng, bài thơ đó khép mà dư âm của nó còn vọng trong lòng người. Ngoài ra Chế Lan Viên còn cónhững dòng thơ tự vấn:

Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt

Sao chỉ ấy, kim kia tôi vẫn phải cầm?

(Xâu kim)

Câu hỏi ấy xoáy vào lòng người làm thơ và người đọc về sự nhọc nhằn, không yên ổn của cái gọi là kiếp làm thơ.

Phần lớn những câu hỏi tu từ trong Di cảo thơ đều hướng tới nhân vật, Chế Lan Viên hóa thân của nhân vật trữ tình với những dự cảm về cuộc đời, thơ ca, cõi chết…

Xe tang qua 24 Cột cờ

Xuân Diệu không vào nhà mình được nữa ...

Thế mà chốc lát ta đã trước nấm mồ đào sẵn Để chôn một thiên tài xuống, thế là sâu hay nông?

(Xe tang qua nhà)

Từ cõi chết của đồng nghiệp, Chế Lan Viên liên tưởng tới sự hữu hạn của đời người mà chắc chắn rồi đây, nhà thơ cũng có kết cục tương tự. Các hình ảnh xe tang, nấm mồ,… hiện về ám ảnh nhà thơ khôn nguôi, và từ ám ảnh đó ông đó diễn tả được trạng thái nửa hư, nửa thực về cõi chết đang cận kề. Hình ảnh cõi chết, hư vô hiện ra đúng với bản chất của nó và thái độ băn khoăn của nhà thơ có được chính là nhờ vào câu hỏi với những hiệu quả tu từ của nó.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 91 - 99)