Những tìm tòi nghệ thuật tương ứng với nguồn cảm hứng mới

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 49 - 51)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3. Những tìm tòi nghệ thuật tương ứng với nguồn cảm hứng mới

Sau năm 1975, những thế hệ nhà thơ đã trưởng thành từ các giai đoạn trước vẫn lặng lẽ và bền bỉ tìm tòi và sáng tạo, bên cạnh lớp nhà thơ trẻ nhiệt tình và hăng say trong tìm tòi, thể nghiệm. Tất cả cùng dấn mình hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của những cá thể bé nhỏ trong cộng đồng. Thời đại mới mang đến cho nhà thơ nhiều cái mới và cũng yêu cầu người nghệ sĩ phải có cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt mới phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người đọc. Chính điều đó đòi hỏi các nhà thơ phải đổi mới tư duy và tìm tòi nghệ thuật tương ứng với nguồn cảm hứng mới. Thứ nhất là cần phải thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người. Ở giai đoạn 1945 - 1975 đối tượng chủ yếu và là trung tâm của nền văn học đó là con người mới, con người anh hùng, con người có tính giai cấp. Họ là con người xả thân vì nghĩa lớn, vì tập thể. Con người cá nhân chưa trở thành đối tượng thẩm mĩ. Con người trong văn học sau 1975 là tất cả mọi tầng lớp, mọi giai cấp trong xã hội, không phân biệt không ưu ái với một hạng người nào. Con người được soi rọi từ nhiều hướng, đan xen nhiều mặt đối lập: cái tốt và cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, niềm vui, nỗi buồn hạnh phúc với bi kịch, sự tiến bộ và lạc hậu… “Các nhà văn giai đoạn này đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm, thế giới bí ẩn, phức tạp và phong phú của con người” [39, 89]. Để tìm tòi nguồn

cảm hứng mới trong sáng tác, mỗi nhà thơ luôn ở trong trạng thái một cuộc đi tìm bản thân mình, giọng điệu riêng của mình. Cuộc đi tìm ấy không phải đến một thế giới cô đơn để tách mình ở đấy mà là để khẳng định lại vị trí chủ thể của cá nhân trong xã hội: chủ thể sống, chủ thể sáng tạo. Những tìm tòi, những sự lựa chọn mang đậm sắc màu hiện đại của các tác giả đó chính là quy luật vận động, phát triển của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Đi tìm và tự khẳng định mình, trở thành một khát vọng âm thầm nhưng rất mãnh liệt trong thơ ca sau 1975. Xu thế chung của các nhà thơ là bộc bạch, giãi bày, hướng nội, mỗi nhà thơ đều muốn vẽ lên chân dung của mình

Vẽ tôi một nét môi cười

Một dòng nước mắt, một đời phù du.

(Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Bài thơ Tháp Bayon bốn mặt của Chế Lan Viên trong Di cảo thơ cũng là một dạng giãi bày, tạc chân dung. Con đường cách mạng đang cần phải có một sự đổi mới cơ bản. Chế Lan Viên không thể tự hát say mê những khúc ca ca ngợi Tổ quốc, nhân dân theo cảm hứng sử thi như trước. Nhà thơ chuyển giọng, một sự chuyển giọng hoàn toàn phù hợp với tình hình, đó là giọng trữ tình thế sự. Nhà thơ bây giờ tỉnh táo hơn, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, nhìn thẳng vào chính mình và thơ để nghiền ngẫm, suy nghĩ về những vấn đề xã hội một cách trầm tĩnh hơn: Giọng cao bao nhiêu năm giờ anh hát giọng trầm (Giọng trầm). Chính sự tìm tòi nghệ thuật tương ứng với nguồn cảm hứng mới khiến cho giọng điệu thơ của Chế Lan Viên ở giai đoạn sau 1975 (nhất là trong 3 tập Di cảo thơ) trở nên phong phú đa dạng: vẫn còn giọng cao nhưng tỷ lệ ít, giọng trầm là chủ yếu, có giọng vui nhưng cũng có giọng đau buồn, có giọng đối thoại, nhưng nhiều hơn là giọng độc thoại. Có giọng nghiêm trang nhưng cũng có giọng tự trào, đùa tếu hóm hỉnh, thâm trầm… Và một giọng đặc sắc riêng không lẫn với ai, trở thành phong cách, đó là giọng triết lý ung dung thanh thản… Tất cả điều biểu hiện điệu hồn của nhà thơ

những năm cuối đời: trước sóng gió ba đào của cuộc sống, điệu hồn của nhà thơ đã tìm được điểm tựa ở chính tâm mình, ở chính thơ mình để vượt lên, cống hiến cho đời những bài thơ xuất sắc mà nội dung chính là trữ tình thế sự.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 49 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w