Hệ thống hình ảnh tân kỳ

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 87 - 91)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Hệ thống hình ảnh tân kỳ

Chế Lan Viên là nhà thơ trí tuệ, mạnh về tư duy phân tích mà thơ lại giàu về hình ảnh, ông từng phát biểu: “Thơ là phải có hình ảnh, có người đã nói: triết học nghĩ bằng ý, tiểu thuyết nghĩ bằng nhân vật, thơ nghĩ bằng hình ảnh” [31, 46]. Tính chất của thế giới hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên gần như đã được định hình từ tác phẩm thơ đầu tay của ông. Điêu tàn đã trình bày một thế giới nghệ thuật riêng kỳ lạ. Bằng trí tưởng tượng và liên tưởng mạnh mẽ, Chế Lan Viên đã sớm bộc lộ khả năng tạo dựng hình ảnh trong thơ. Tuy nhiên đến Ánh sáng và phù sa thì khả năng tạo dựng hình ảnh trong thơ của của ông đã được phát huy thành một biệt tài. Đến Di cảo thơ thế giới hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên vô cùng đặc sắc. Bởi lẽ, hình ảnh thơ Chế Lan Viên luôn vận động và biến đổi cùng với sự vận động và biến đổi của cái tôi trữ tình. Cái tôi cô đơn siêu hình thuở Điêu tàn gắn với thế giới hình ảnh ảm đạm lạnh lẽo mà ghê rợn, đầy rẫy những sọ dừa, xương máu cùng yêu ma. Cái tôi sử thi thời kháng chiến chống Mỹ gắn với hàng loạt những hình ảnh tươi sáng, kỳ vĩ, mỹ lệ, hoành tráng. Giai đoạn cuối đời, trong Di cảo, thế giới hình ảnh có xu hướng thu nhỏ tầm vóc, phong phú đa dạng, mang màu sắc tân kỳ. Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên thường có hai loại: hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ tượng trưng siêu thực.

Hình ảnh thực trong Di cảo không nhiều. Chế Lan Viên thường sử dụng hình ảnh này khi viết về thiên nhiên và những mặt trái của cuộc sống. Chế Lan Viên không chỉ cần mẫn trong khu vườn thơ rộng lớn mà còn là người làm vườn thực sự theo nghĩa đen. Con gái ông đã viết về người cha

thân yêu của mình: “Thời khoá biểu của cha tôi cho một ngày thế nào cũng có giờ làm vườn. Thường vào 10 h, khi viết lách, đọc sách đã mệt, ra vườn, cha tôi đắp đất, làm cỏ như một nông dân và cha tự hào về điều đó” [2, 380]. Những năm cuối đời, cõi lòng Chế Lan Viên không mấy khi thanh thản. Những khi thanh thản thường là những khi Chế Lan Viên trở về với thiên nhiên hay những khi trở về với thiên nhiên là những khi Chế Lan Viên muốn tìm cho lòng mình sự thanh thản. Thiên nhiên làm dịu mát, làm yên tĩnh tâm hồn. Ông yêu biết bao nhiêu:

Mảnh vườn bé bỏng vốn không tên... Hoa trái nghèo xuân sắc bỏ quên Xanh um chỉ có màu xanh cỏ Anh đặt cho lòng Viên Tĩnh Viên.

(Viên Tĩnh Viên)

Nếu như tôn giáo có sức hút rất lớn đối với ông thì thiên nhiên cũng vậy:

Trời đẹp quá! Không là tôn giáo mà anh chắp tay anh lạy Nhắm mắt anh cho khỏi chói con ngươi vì sắc đẹp của đời.

(Trời đẹp)

Thế giới hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên được sáng tạo nên từ cảm nhận cuộc sống tinh tế và nhạy cảm của nhà thơ. Chính những cảm nhận đó đã giúp nhà thơ phát hiện ra những hình ảnh mới lạ. Cũng viết về hình ảnh bầu trời xanh như các nhà thơ khác, nhưng ở Chế Lan Viên lại tìm được cách nói mang vẻ đẹp riêng.

Cành xuân phải trao tay khi nước mất Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên.

(Đọc Kiều)

Chế Lan Viên không tô vẽ, không thi vị hoá cuộc sống. Trong Di cảo

có những hình ảnh chân thực đến trần trụi, thiếu chất thơ, chất mơ nhưng trĩu nặng chất đời.

Hàng nghìn mộ các vô danh, vô danh, vô danh Một tấm sắt sơn đỏ, thời gian xóa nhòa tên tuổi

Giờ lại vô danh trong nắm mồ bằng cát Hoa dại mọc bên mồ, mầu tím vô danh.

(Mộ cát vô danh)

Người đọc khó mà quên được hình ảnh hàng nghìn mộ cát vô danh, thời gian đã xoá nhoà tên tuổi của họ, những người cả đời không có một phút giây hạnh phúc, sống vô danh chết cũng vô danh; một nhà thơ tài hoa nổi tiếng mà cả đời sống trong cảnh nghèo, không làm nổi một cái trần nhà cho tử tế, phải đi hốt lá về để thổi; hình ảnh người lính ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ, quán treo đầy huân chương mọi cỡ, mà không huân chương nào nuôi được anh; người nông dân đã bốc mộ cho hàng ba trăm liệt sĩ, xếp trên giường nhà mình như họ còn nằm ngủ, tận tình, tận nghĩa, quên mình mà

Việc ấy không để lại hào quang trên tay, ánh sáng gì trong mắt thậm chí cả huân chương trên tường cũng không có. Chế Lan Viên sống trong cảnh chật vật khó khăn, con vào trường không có chỗ, không ai nhớ, không ai nghĩ đến:

Chả còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng Yêu bà tiên hay đám mây trên lầu Hoàng hạc

Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát…

(Thời thượng)

Trong Di cảo, những hình ảnh tưởng chừng khó có thể có mặt trong thơ: xe cúp, ti vi, mercedes, com măng ca, hình ảnh khói thịt người, xương người bay trên trời quận Tân Bình từ trung tâm hoả táng Bình Hưng Hoà... Cái xù xì thô nhám của cuộc đời hiện hữu trong từng chi tiết. Khắc sâu trong

Di cảo thơ là tư thế thường trực của một con người luôn “thức gắng” trong cuộc chạy đua với thời gian và cái chết để mà kết tinh viên ngọc của mình:

Trang giấy, ngọn đèn và anh

Ba nhân vật một vở kịch hài nên rất bi thương

(Bộ ba)

Hình ảnh bộ ba: trang giấy - ngọn đèn - nhà thơ khi mờ khi tỏ trên mỗi trang Di cảo. Trong bộ ba ấy, sứ mệnh nhà thơ là cao hơn hết thảy vì chỉ còn anh thôi là cứu cho tất cả. Hình ảnh người xâu kim, người tử tù đan áo, người dệt thảm, người tìm trầm giữa ngàn cao lắm hổ, con ong triết học… nhất thể đều là hoá thân của nhà thơ, con người có khát vọng sống, khát vọng sáng tạo không mệt mỏi. Như vậy, cùng một hình ảnh, Chế Lan Viên có thể thể hiện rất nhiều ý tưởng và ngược lại, một ý tưởng có thể được diễn đạt bằng nhiều hình ảnh. Trong Di cảo có nhiều hình ảnh hư ảo mông lung khó tưởng tượng, khó nắm bắt, những hình ảnh siêu thực trong các bài thơ: Tro và lửa, Lá sen hồ, Bình đựng lệ, Tháp Bay-on bốn mặt,... Có thể nói đó là những hình ảnh mới lạ mang đậm tính triết học, thể hiện khả năng sáng tạo, tầm trí tuệ của Chế Lan Viên. Đọc Di cảo thơ người đọc sẽ lạc vào một thế giới hình ảnh hết sức đa dạng phong phú. Nó như một mê cung dẫn dắt ta từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, ánh sáng lúc mờ lúc tỏ, cảm giác lúc thân quen, lúc lạ lùng. Với tài năng sáng tạo hình ảnh, Chế Lan Viên đã mở rộng phạm vi phản ánh đời sống của thơ trữ tình. Để xây dựng lên thế giới hình ảnh này Chế Lan Viên đã sử dụng rất nhiều các thủ pháp nghệ thuật như: ẩn dụ, so sánh, phóng đại, thậm xưng. Liên tưởng, tưởng tượng là những phương thức sáng tạo hình ảnh rất phổ biến trong Di cảo Chế Lan Viên. “Mỗi ý là một hình ảnh” song không có nghĩa là ông “phiên dịch ý tình ra hình ảnh”. Tư tưởng, cảm xúc đã hoá thân vào hình ảnh và ngôn ngữ như linh hồn với thể xác, trong ý có hình trong hình có ý. Một trong những đặc điểm của hệ thống hình ảnh thơ Chế Lan Viên đó là tính mới lạ, kỳ thú, độc đáo: “Những hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên sử dụng bao giờ cũng độc đáo và rất đẹp” [31, 82]. Có được điểm độc

đáo và mới lạ là do Chế Lan Viên phát hiện cuộc sống bằng con mắt đa tình của người nghệ sĩ, nhưng phải cócảm xúc riêng của nhà thơ:

Màu day đứt là màu hoa phượng Một dấu son không xóa nổi bên trời.

(Thành phố tuổi thơ)

Biểu tượng, tượng trưng thường rất độc đáo. Bởi vì những hình ảnh vừa cụ thể vừa mang tính khái quát, vừa biết bám vào hiện thực đời sống vừa biết nâng cao nhận thức cao hơn ở mức tượng trưng:

Tên Tổ quốc vang ngoài bờ cõi

Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng.

Thơ Chế Lan Viên có lối so sánh rất đặc biệt xa nhau giữa người và tự nhiên: Bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái, hoặc giữa tình cảm và sự vật: Tình em như sao khuya, hoặc so sánh giữa cái hư và cái thực:

Âu Cơ phì nhiêu hồng hào khỏe mạnh.. Thân thể mịn như phù sa, như những bãi bồi.

Chính những điểm mới lạ, độc đáo và đẹp đẽ ấy đã làm nên tính tân kỳ

trong thế giới hình ảnh thơ Chế Lan Viên.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 87 - 91)