Triển khai bài thơ trên nền tự vấn

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 117 - 121)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.3. Triển khai bài thơ trên nền tự vấn

Tự vấn là cảm hứng xuyên suốt các chặng đường sáng tác của Chế Lan Viên từ sau cách mạng Tháng Tám 1945, Tuy nhiên việc triển khai tứ thơ trên nền tự vấn được thể hiện đặc biệt rõ nét trong Di cảo thơ, chặng đường thơ sáng tác cuối đời. Khi nhìn nhận, đánh giá lại mình và thơ mình trong suốt cuộc đời, Chế Lan Viên như đang tự vấn, tự đặt ra cho bản thân mình những vấn đề như là sự thách thức, phản tỉnh. Người đọc có cảm giác mỗi bài thơ của ông lúc này như một lời nói cuối trước vành - móng - ngựa - thời - gian. Ông độc thoại với thời gian và độc thoại với chính mình, tự vấn: mình đã viết câu thơ cổ vũ hai nghìn người đêm ấy ra trận, chỉ ba mươi người về:

Ngồi quán bên đường nuôi đàn con nhỏ Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời Tôi ú ớ…

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười. (Ai? Tôi!)

Đó là những câu thơ riêng tư làm ánh lên phẩm chất của người làm thơ. Như giãi bày để tìm một sự cảm thông, sẻ chia nơi người đọc về những nỗi đau từng gặm nhấm trái tim mình mà không nói được hay không thể nói ra trong một thời, Chế Lan Viên trầm tư mà xót xa:

Trái tim sinh thời nào thì méo thì tròn theo thời ấy Chắc hẳn người thời sau sẽ chê tròn, chê méo trái tim ta Đừng quên những tiếng gầm bom bảy tấn làm tim ta nứt rạn Và những nỗi buồn gặm nhấm trái tim ta.

(Tròn và méo)

Nhà thơ nhìn lại một cách dũng cảm và đau đớn về đời, về thơ mình trong một nỗi niềm cay đắng:

Tôi tiếp cận trang giấy ngày mười sáu tuổi Bây giờ sáu ba

Cái trang mơ ước một đời chưa với tới

Ôi tuổi trẻ ngây thơ và khờ dại

Một chút biếc đầu cây tôi ngỡ đó là tài Sức lực bé mà ham nói điều vĩ đại.

(Hồi kí bên trang giấy) Tổng kết hàm súc về cái tôi đích thực của thi nhân:

Dấu đi ba còn lại đấy là anh

Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.

(Tháp Bay-on bốn mặt)

Bài thơ là sự suy ngẫm, trăn trở, nhà thơ không hề tránh né khi nói ra điều này: suốt ba chục năm theo Cách mạng, ông chỉ xuất hiện công khai một bộ mặt của mình. Trong khi nói ra điều đó, nhà thơ đã làm một cuộc sám hối trước hết là với chính mình, sau nữa là với người đọc. Trên phương diện này, chúng ta có quyền khẳng định, sám hối, tự vấn, phán xét lại mình trở thành chủ âm trong cái đa thanh của Di cảo thơ:

Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt

Có hộc tốc chạy đến hết chân trời cũng là đồ bất lực Sao chỉ ấy, kim kia tôi vẫn phải cầm ?

(Xâu kim)

Chính vì thế, trong Di cảo, nhà thơ sử dụng khá dày đặc những câu hỏi tu từ hoặc hình thức không phải là câu hỏi nhưng nội dung thực chất là những lời tự vấn. Ở đó, người đọc bắt gặp một tâm hồn phức tạp, luôn luôn không yên ổn cả trong đời và trong thơ. Đây là những dòng thơ mang đầy đủ cái mặc cảm, cái không khí nặng nề, bế tắc mà nhà thơ tự giải bày, tự vấn, tự thoại:

Ta là ai? Về đâu? Hạt móc

Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? Tiếng khóc Là ta chăng? Vì sao lạc phương trời

Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời. Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối.

(Hỏi ? Đáp)

Khi đặt lại câu hỏi Ta là ai? trong những ngày cuối đời, Chế Lan Viên lại để cho thơ mình rơi vào cái trận đồ của tư duy siêu hình. Lúc này, thơ ông có chất giọng trăn trở, hoài nghi triết học trong một loạt bài: Vọng phu, Bình

đựng lệ, Hỏi? Đáp, Gió lật lá sen hồ, Lò thiêu, Các mùa hoa… Ở đó còn phảng phất màu sắc bi quan, thở than, đau buồn trước cõi người hữu hạn, tưởng như hư vô đang hiện hữu trước mắt, trước hạnh phúc mong manh, trước những khát khao sáng tạo đang bị dồn đuổi bởi thời gian. Nhưng Di cảo

cũng không hiếm những câu thơ, bài thơ minh triết, ung dung và thanh thản như người thoát tục:

Không tồn tại sẽ bỗng nhiên tồn tại Đang héo tàn vũ trụ sẽ sinh sôi.

(Hỏi? Đáp)

Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên mà như tro bụi Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.

(Từ thế chi ca) Có khi nhà thơ cảm khái:

Nguyện anh chết đi trong lòng mọi người Chả ai còn nhớ đến khi anh đang sống

Rồi thì giữa lúc ấy giữa rừng hoang lạnh vắng Một bông hoa nở bừng, hoa ấy chính là anh

(Nguyện)

Có điều, những câu thơ như thế này không thật nhiều trong Di cảo

nhưng cũng đủ giúp người đọc nhận chân một nhà thơ cho đến những phút giây cuối cùng trên cõi thế vẫn tin yêu cuộc đời và khát khao sáng tạo. Chế Lan Viên nghiêm khắc phê phán lối sống giả tạo, không dám là mình: Anh đóng giỏi trăm vai lại đánh mất mình, hay phê phán những kẻ nói những điều to tát mà quên mất cả mình Nói nổi trời đất bao la mà chả nói được mình bằng một giọng giễu cợt, mỉa mai, đáo để:

Kẻ thù của anh chúng sẽ buồn Chẳng còn anh cho họ giết

Dao sẵn rồi họ không dễ để yên

(Từ thế chi ca)

Qua các biểu hiện của yếu tố tự vấn, ta hiểu thêm về con người Chế Lan Viên cũng như về nỗi đau đớn, dằn vặt của nhà thơ. Nó thể hiện tấm lòng tha thiết của một nhà thơ tài năng có trách nhiệm với bản thân, với đất nước, thể hiện một bản lĩnh, dám giãi bày để tìm sự cảm thông, sẻ chia nơi người đọc những nỗi đau từng gặm nhấm trái tim mình mà không thể nói ra được.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 117 - 121)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w