Sự nhạt nhòa dần của cảm hứng sử thi

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 47 - 49)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Sự nhạt nhòa dần của cảm hứng sử thi

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, hào quang chiến thắng, cờ hoa và tiếng kèn thắng trận bớt rực rỡ, ồn ào. Sau một thời gian ca ngợi chiến thắng, dòng sử thi bắt đầu nhạt dần để thơ trở nên thâm trầm, sâu lắng hơn với những màu sắc và bình diện mới, “Cảm hứng trữ tình chuyển từ tự hào, ca ngợi chiêm ngưỡng xuống lắng đọng, suy tư” [53, 92]. Thơ nhạt đi chất sử thi hùng tráng nhưng lại mang vẻ đẹp tâm trạng. Cuộc sống thời hậu chiến có quá nhiều điểm khác biệt so với cuộc sống thời chiến tranh. Điều đó đòi hỏi nghệ sĩ phải xác lập vị thế của mình sao cho thích hợp với hoàn cảnh lịch sử mới. Từ chỗ là những ca sĩ ngợi ca đất nước và nhân dân bằng cái nhìn sử thi và cảm hứng lãng mạn, giờ đây các nhà thơ chuyển từ “bè cao” sang “giọng trầm”. Cái

nhìn sử thi đã dần phai nhạt và thay vào đó là cái nhìn phi sử thi. Tư thế người lính không cao vòi vọi để người đời chiêm ngưỡng:

Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất

(Tố Hữu)

Thay vào đó chính bản thân họ đã ý thức được giá trị của mình, chối bỏ mọi hào quang:

Ta là đất đai thôi

Xin đừng nặn ta thành những tượng thần Xin đừng nặn ta thành những núi cao.

(Thu Bồn)

Cởi bỏ chiếc áo lính, người nghệ sĩ trở về với đời sống thực tại, trước mắt họ là bao điều khắc nghiệt của đời thường. Đó là sự nghèo khổ đói rách của quê hương, bạn bè, người thân:

Người lính về quê chặt tre thưng vách

Nhà mẹ nhiều năm giàu quá những sao trời.

(Thu Bồn) Tình yêu đôi lứa bị vỡ lỡ vì chiến tranh:

Người yêu anh đi lấy chồng rồi

Bế con người đứng đón anh dưới bóng trúc Anh nghe tiếng nàng cười và nàng khóc.

(Trần Đăng Khoa)

Dù sự cảm nhận về chiến tranh trong đời thường có những ý vị khác xa cảm hứng anh hùng ca lãng mạn, nhưng khi nhớ lại tuổi trẻ, cái tôi sử thi không chối bỏ quá khứ. Họ vẫn khẳng định vị thế và trách nhiệm của mình trước lịch sử: Thế hệ anh đã sống một thời, Xứng đáng để thế hệ sau kiêu hãnh

(Trần Đăng Khoa), và Tuổi trẻ biến trăm sông thành thác, Dập lửa chiến tranh bằng máu đời mình (Thu Bồn). Cái cao đẹp của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc đã lùi vào quá khứ, nhưng những giây phút nào đó vẫn còn lóe lên

những vệt sáng trong tâm hồn họ: Chợt hiện về thăm thẳm núi non xưa

(Nguyễn Duy), tạo thành điểm tựa tinh thần cho đời sống hôm nay: Những ngọn gió dịu dàng, mạch máu âm thầm, thì thầm như máu mặn, muối đọng hồn tôi (Trần Đăng Khoa). Như vậy sau 1975 dưới cái nhìn hiện thực từ chối sự lý tưởng hóa, dưới sự thay đổi của điều kiện lịch sử - xã hội, ý thức về sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho cái tôi trữ tình mới phát triển đó là cảm hứng nhân bản và sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã trở thành nền tảng và cảm hứng chủ đạo của văn học và thơ ca sau 1975 và Chế Lan Viên không nằm ngoài qui luật đó.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự và triết lý trong thơ chế lan viên giai đoạn sáng tác sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 47 - 49)